Mark Magnier - Wall Street Journal
19/10/2015
Khi Trung Quốc vừa phổ biến con số GDP khả quan hơn con số dự phóng
thì có ngay một làn sóng nghi ngờ từ giới kinh tế gia về mức độ chính
xác của mức tăng trưởng 6.9% của quý thứ ba.
Sự ngờ vực của các kinh tế gia đến từ việc con số phổ biến và các dữ
liệu cơ bản không ăn khớp nhau. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm trong
quý thứ ba, sản lượng công nghiệp thấp hơn dự phóng. Các xí nghiệp bị
giảm giá hàng suốt 43 tháng liền, mặc dầu nhà nước bơm tiền vào hạ tầng
cơ sở, đầu tư cũng giảm trong tháng Chín.
Tuy ngành bán lẻ và dịch vụ vẫn đứng vững, và các số liệu về vốn cho
vay trong tháng Chín có gia tăng, các yếu tố này không đủ để bù đắp vào
khối số liệu trừ. Các kinh tế gia nhận xét là khi nhìn vào các con số
này người ta không hình dung được tại sao tăng trưởng GDP vững như thế.
Các con số kinh tế yếu kém trước khi phổ biến chỉ số GDP vào ngày thứ
Hai khiến mọi người tin rằng Trung Quốc bị thúc bách phải đạt cho được
mức tăng trưởng 7% cho năm 2015, vốn dĩ đã là con số thấp nhất trong
vòng một phần tư thế kỷ.
Các kinh tế gia cho rằng kinh tế Trung Quốc không nằm ở mức bị đe dọa
sụp đổ, nhưng nhiều người tin rằng mức tăng trưởng thật sự vào khoảng
một hay hai phần trăm dưới con số chính thức. Số thống kê tăng trưởng
chính thức của Trung Quốc trước giờ vẫn hay bị hoài nghi. Mặc dầu phương
thức tính toán có cải thiện vượt bực so với thời Đại Nhảy Vọt 1958-61,
khi mà cán bộ được khuyến khích phóng đại số thống kê sản lượng để làm
vui lòng Mao Chủ tịch, người ta cho rằng vẫn còn tinh thần ráng đạt con
số chỉ tiêu đề ra, ngay cả khi tình hình nền tảng có thay đổi đi nữa.
Vào năm 2010, một điện tín ngoại giao bị lộ của Hoa Kỳ có trích dẫn
lời của Lý Khắc Cường, hiện là Thủ Tướng Trung Quốc nhưng lúc đó là Bí
thư Tỉnh ủy Liêu Ninh ở mé đông bắc Trung Quốc, gọi các con số tăng
trưởng của Trung Quốc là “nhân tạo” và đề nghị một cách khác tốt hơn để
đo lường tăng trưởng là đếm số lượng hàng hóa vận chuyển của xe lửa, mức
tiêu thụ điện và tiền ngân hàng cho vay. Lời bình của ông khơi mào cho
cả một kỹ nghệ đo lường mức tăng trưởng theo kiểu khác, mà đa số kết
luận là mức tăng trưởng thật sự ở khoảng giữa 4% và 5%.
Ngoài ra có nhiều chỉ dấu của các công ty Trung Quốc gặp khốn đốn.
Sinosteel hồi tuần qua xém thành xí nghiệp quốc doanh đầu tiên vỡ nợ
trong trị trường trái phiếu công, nếu không nhờ nhà nước bơm tiền vào để
giúp trả nợ 2 tỉ nguyên ($315 triệu đô). Sự can thiệp của nhà nước dẫn
đến thắc mắc về cái gọi là cam kết của Trung Quốc để cho thị trường đóng
vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.
Công ty nghiên cứu Capital Economics ước lượng kinh tế Trung Quốc
tăng trưởng vào khoảng 4,5%, cho biết là trước năm 2012 ít khi có rủi ro
không đạt chỉ tiêu vì lúc đó tỷ lệ tăng trưởng cao. Còn bây giờ tăng
trưởng chậm lại gây ra nhiều áp lực chính trị cho nhóm thống kê phải đạt
được con số đề ra.
Phương pháp thống kê của mỗi quốc gia đều có những khiếm khuyết gây
ra sai số, nhưng thường thì cũng quân bình ra, nhưng ở Trung Quốc thì
sai số có khuynh hướng dồn về một phía. Theo Capital Economics thì sai
số ở Trung Quốc thường phóng đại hóa tỷ lệ tăng trưởng. Theo họ thì
“thời buổi này ít có ai tin vào các con số GDP chính thức của Trung Quốc
đưa ra.”
Trung Quốc còn có thói quen ngưng sử dụng một số thống kê mà chẳng
thèm giải thích, làm mất tính nhất quán và minh bạch. Gần cả chục năm họ
không phổ biến chỉ số Gini, một cách đo lường cách biệt lợi tức trong
xã hội, rồi tiếp tục dùng lại vào năm 2012 mà cũng không một lời giải
thích. Nhiều thống kê về môi trường được phổ biến cho đến năm 2010 rồi
bị ngưng khi giới trung lưu Trung Quốc ý thức hơn về tác động của tăng
trưởng ào ạt vào môi trường.
Cũng theo giới kinh tế gia thì động cơ đằng sau cách làm thống kê của
Trung Quốc vẫn còn là vết tích của kinh tế tập trung và ước muốn làm
cho dân tin tưởng vào đảng.
Con số tăng trưởng 7% của quý thứ nhì, được báo cáo sau khi thị
trường chứng khoáng đổ nhào, có thể giúp khuyến kích người dân tiêu thụ
và giới kinh doanh tiếp tục đầu tư. Và giúp cho giới lãnh đạo mua thêm
thời gian.
Tuy nhiên các phân tích gia cảnh cáo là thống kê không chính xác sẽ
cung cấp thông tin sai lệch cho giới lãnh đạo và gây cản trở cho khả
năng của nền kinh tế giải quyết nợ cao và sản lượng ứ đọng.
Trung Quốc vẫn còn đang phát triển và cải thiện phương pháp báo cáo
kinh tế và họ đang trong tiến trình chuyển hóa sang tăng trưởng chủ yếu
bằng dịch vụ và tiêu thụ - cả hai lãnh vực này khó đong đếm so với các
ngành sản xuất và đầu tư.
Radio Chân Trời Mới - Hoàng Thuyên tóm lược
Nguồn: Wall Street Wall
2015/10/22
Con số GDP của Trung Quốc khá hơn dự phóng khiến giới kinh tế gia ngờ vực
Nhãn:
gdp,
Kinh tế,
tăng trưởng kinh tế,
thống kê,
Trung quốc
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét