2015/09/01

Trung Quốc gay gắt lên án Bạch thư Quốc Phòng 2015 của Nhật

Ngô văn

Vào khoảng giữa tháng 8 hàng năm Bộ Tự vệ Nhật đều cho xuất bản cuốn sách Bạch thư Quốc phòng (Sách Trắng Quốc phòng). Người ta có thể mua sách này tại các tiệm sách lớn với giá 1.836 yen (khoảng 9 mỹ kim) hay mua bản Ebook trên internet với giá rẻ hơn.

Trước khi xuất bản, nội dung Bạch thư này đã được Bộ trưởng Tự vệ Nhật là ông Nakatani trình bày một cách tổng quát trước nội các và đã được thông qua trong một phiên họp vào hạ tuần tháng 7.

Bạch thư quốc phòng Nhật Bản chia ra làm ba phần. Phần thứ nhất trình bày về môi trường, hoàn cảnh liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia của Nhật; phần thứ hai nói về việc bảo an, chính sách phòng vệ của Nhật và đồng minh Nhật-Mỹ; phần thứ ba đưa ra các nhiệm vụ mà tự vệ đội Nhật phải thực hiện để bảo vệ sinh mạng, tài sản cho người dân, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận. Phần thứ ba dành khá nhiều trang đề cập về những động thái của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Một số hành động cụ thể của Trung Quốc được nêu lên là: 1/ Việc Trung Quốc đơn phương khai thác khí đốt ở vùng biển Hoa đông vi phạm hiệp ước mà Trung Quốc đã ký kết với Nhật; 2/ Việc Trung Quốc tự ý thiết lập hệ thống nhận dạng phòng không ở vùng biển Hoa đông. 3/ Việc Trung Quốc bành trướng các hoạt động quân sự ra hải dương bất chấp các thỏa hiệp họ đã ký kết. 4/ Việc Trung Quốc tự ý xây 7 hòn đảo nhân tạo một cách trái phép ở quần đảo Spratly (mà họ gọi là Nam Sa).

JPEG - 44.9 kb
Hai ngày sau khi bạch thư Quốc Phòng Nhật xuất bản, nghị sĩ Sato thuộc Ủy ban Quốc phòng của đảng cầm quyền Tự do Dân chủ (Tự Dân) đã phê phán là Bạch Thư trưng bằng chứng vi phạm của Trung Quốc ở biển Hoa đông và biển Đông quá ít, trong khi bộ Tự vệ Nhật có rất nhiều chứng cứ về những vi phạm đó. Nghị sĩ Sato cho biết sẽ đưa vấn đề ra Quốc hội để chất vấn. Bộ trưởng Tự vệ Nhật không thể dùng lý cớ giới hạn trang sách để chỉ đưa ra các chứng cứ điển hình mà thôi.
Theo các bình luận gia quân sự Nhật thì trước đây việc Trung Quốc khống chế biển Đông bằng sức mạnh quân sự cũng đã được nêu ra trong Bạch thư Quốc phòng Nhật, nhưng nêu chỉ để mà nêu, chứ không bày tỏ lập trường của Nhật như thế nào trước vấn đề hệ trọng đó, ngoại trừ lời đề nghị các bên nên giải quyết trong hòa bình dựa theo luật Quốc tế và luật Biển của Liên Hiệp Quốc.

Lần này, Bạch thư Quốc phòng 2015 không còn nói bóng nói gió nữa, mà chỉ trích thẳng những hành động của Trung Quốc đã và đang gây ra những bất ổn trong vùng, đe dọa an ninh của Nhật. Thẳng thắn nêu lên những vấn đề vừa kể nhằm mục đích cho người dân Nhật hiểu hầu có thể tiến hành các chính sách bảo toàn lãnh thổ hữu hiệu. Cũng theo các nhà bình luận gia thì sách trắng Quốc phòng Nhật năm 2015 cho thấy nội các của Thủ tướng Abe đang có bước đi rõ rệt để chuẩn bị ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa đông. Có thể nói, đây là lần đầu tiên chính phủ Nhật nói cho dân của họ biết tầm quan trọng của Biển Đông đối với Nhật trong vấn đề an ninh và phát triển.

Trong một bài bình luận dài của Tân Hoa Xã hôm 19 tháng 8 và được báo đài ở Hoa lục trích đăng lại, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích nội các Abe đang có thái độ thù địch với Trung Quốc, khi vô cớ cho rằng việc Trung Quốc bảo vệ quyền lợi cốt lõi của họ ở biển Đông và biển Hoa đông là vi phạm luật Quốc tế và luật biển của Liên Hiệp quốc. Bài bình luận này cho rằng, Trung Quốc có quyền xây các đảo nhân tạo trên quần đảo Nam Sa (Trường Sa) của Trung Quốc, không liên quan gì đến vấn đề an ninh của Nhật. Bài bình luận còn cho rằng, Trung Quốc giải quyết việc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông với các nước liên hệ bằng hòa bình qua hội đàm song phương là chuyện nội bộ của Trung Quốc mà Nhật Bản hay bất cứ một thế lực nào khác đều không có quyền can dự vào, làm rối răm thêm vấn đề chứ chẳng làm gì được Trung Quốc. Bài bình luận của Tân Hoa Xã còn viết rằng, Nhật Bản cũng như các quốc gia khác phải hiểu rằng Trung Quốc là nạn nhân ở biển Đông và nước này không bao giờ chủ trương sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các tranh chấp. Ngoài ra, việc nội các Abe cho tăng phí quốc phòng lên thành 40,9 tỷ mỹ kim (tăng 3,5% so với năm 2014) cho thấy Nhật đang chuẩn bị chiến tranh chứ không phải Trung Quốc.

Trong bản dự thảo ngân sách quốc phòng mới nhất, Bộ Tự Vệ Nhật muốn mua một khu trục hạm trang bị hệ thống radar tối tân Aegis, 6 chiến đấu cơ F-35, 17 trực thăng trinh sát, 3 phi cơ không người lái “Global Hawk” đời mới. Ngoài ra Nhật cũng dự trù đóng một tàu ngầm loại Soryu (nằm trong số tàu ngầm lớn nhất thế giới) để gia tăng khả năng phòng thủ và trinh sát. Sự gia tăng quốc phòng này nhằm để Nhật tăng cường việc phòng thủ các đảo ở phía Nam trong khi có cuộc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Đây là lần thứ tư Nhật Bản gia tăng ngân sách quốc phòng dưới thời của chính phủ Shinzo Abe, chấm dứt 10 năm cắt giảm ngân sách quốc phòng trước đó.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Abe đã mời ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Nhật vào trung tuần tháng 9 này, tức là khoảng thời gian Thượng viện Nhật đang ở vào giai đoạn cuối của những cuộc thảo luận để bỏ phiếu thuận hay bác về việc thay đổi điều 9 Hiến pháp, để cho tự vệ đội Nhật có quyền tự vệ tập thể (nghĩa là được quyền nổ súng yểm trợ đồng minh trong các cuộc hành quân hỗn hợp), và qua việc thay đổi này tự vệ đội mới có thể đi tuần ở biển Đông với quân đội đồng minh. Nhật muốn ông Trọng lên tiếng ủng hộ việc sửa đổi này hay ít ra là không lên tiéng phản đối. Đây là điều chính yếu mà Thủ tướng Abe mời ông Trọng sang Nhật, còn những vấn đề khác chỉ là chuyện phụ.

Là người được coi là rất thân cận với Trung Quốc, không hiểu ông Nguyễn Phú Trọng có dám lên tiếng ủng hộ Nhật hay không, dù rằng sự ủng hộ này có lợi cho Việt Nam trong việc đối phó với Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét