2015/09/29

Ông Tập Cận Bình đang đả hổ hay cưỡi hổ?

Lê Vĩnh


Trung Quốc đã ngoi lên là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Bên cạnh đó lãnh đạo Trung Quốc gần như người nào cũng là “nhà tư tưởng” với những tư tưởng được ghi vào hiến pháp hẳn hoi để toàn đảng, toàn quân và toàn dân Trung Hoa học tập. Nếu so với nước Việt Nam Cộng sản chỉ có thứ “tư tưởng” chắp vá, lượm lặt của ông Hồ và nền kinh tế đứng gần hạng chót thế giới, mà ông Nguyễn Phú Trọng đã tự hào là Việt Nam đang ở “thời đại huy hoàng nhất”, thì hẳn là người dân Trung Quốc đáng tự hào hơn nhiều.

Thế nhưng ở Trung Quốc lại có “một bộ phận không nhỏ” cả dân chúng lẫn quan chức nước này bị “suy thoái đạo đức” (nói theo kiểu của ông Nguyễn Phú Trọng), không tự hào về đất nước và lãnh đạo của họ. Không những thế, nếu có dịp là sẽ có rất đông quan chức, đặc biệt là quan chức cao cấp, sẽ tẩu thoát sang các nước tây phương, nơi mà họ đã đưa gia đình và tẩu tán tài sản sang đó.

Báo chí Hồng Kông cho biết có đến 90 phần trăm uỷ viên trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc nằm trong thành phần này.

Những con số và tên tuổi ấn tượng

Nhiều báo cáo của nhà nước Trung Quốc cho biết, từ năm 1990 đến năm trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đã có khoảng 18 ngàn quan chức Trung Quốc trốn ra nước ngoài, ôm theo 120 tỷ đô la.

Theo một báo cáo của thanh tra chính phủ vào đầu năm 2012 thì chỉ trong năm 2011 đã có 36 ngàn viên chức nhà nước bị trừng phạt vì “làm sai luật lệ và quy định” (những từ ngữ dùng để chỉ tội tham nhũng).

Từ khi lên nắm quyền sau đại hội đảng lần thứ 18 vào cuối năm 2012, ông Tập Cận Bình đã mở ngay chiến dịch “đả hổ – giệt ruồi”. Đến nay đã có 270 ngàn quan chức bị thanh trừng vì tội tham nhũng. Trong số này bao gồm nhiều người cầm đầu các công ty quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc, hơn 50 quan chức cấp tỉnh, nhiều tướng lãnh cao cấp nhất trong quân đội, ông Chu Vĩnh Khang (nguyên uỷ viên thường vụ bộ chính trị và cầm đầu ngành an ninh Trung Quốc) và ông Lệnh Kế Hoạch (cố vấn chính trị của Hồ Cẩm Đào).

“Đả hổ – giệt ruồi” hay cưỡi hổ?

Với hàng trăm ngàn người bị bắt, trong đó có những tên tuổi đầy ấn tượng như vậy, chiến dịch “đả hổ – giệt ruồi” của ông Tập Cận Bình nên được xem là thành công rực rỡ hay thất bại thảm hại?
Sự đánh giá tuỳ theo mỗi người.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia cũng như theo ông Vương Kỳ Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng, thì số người và những nhân vật “ấn tượng” bị thanh trừng vừa nêu chỉ là “gãi ngứa”.

Chẳng hạn như học giả Roderick MacFarquhar, một chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc cho rằng, con số bị thành trừng ít nhất phải là 40.000.000.

Chắc là đánh máy lộn? Dư mấy con số không trong con số kể trên?

Không, bốn mươi triệu là con số ít nhất trong danh sách người bị trừng phạt thì may ra chiến dịch “đả hổ – giệt ruồi” của ông Tập Cận Bình mới mon men đến được.... gần kết quả.

Nhưng làm sao mà con số lên cao dữ vậy?

Mới đây, Roderick MacFarquhar đã lý giải con số này trong “The New York Review of Books” như sau:

Giả sử chỉ có 10 phần trăm cán bộ nòng cốt (của đảng) tham nhũng (đây là số ước lượng tối thiểu, con số thực còn cao hơn nhiều), là đã có 8 triệu người. Cứ lấy theo mẫu mực của ông Ôn Gia Bảo (cựu thủ tướng) thì gia đình, vợ con của đương sự cũng không thể nằm ngoài. Từ 8 triệu cán bộ cộng thêm 8 triệu bà vợ, 8 triệu người con, thêm 8 triệu anh em thân thích và 8 triệu người phối ngẫu của họ là 40 triệu.

Bắt bớ thanh trừng 40 triệu người không phải là chuyện dễ dàng, nếu không nói là không thể nào làm được một cách êm ả.

Vì vậy, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đang đưa ông vào thế cưỡi lưng hổ. Nếu ông làm tới, những người bị đe dọa sẽ liên kết lại để chống ông (mà số người này chắc chắn là không nhỏ), nhưng nếu ông co vòi thì tham nhũng lại tiếp tục nảy nở.

Không chỉ chừng đó

Ngày 8.9, trong một phát biểu thẳng thắn bất thường trước một nhóm các nhà ngoại giao, học giả Trung Quốc và Tây Phương, ông Wang Jiarui, Vụ trưởng Vụ Quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, kể từ khi Đảng nắm quyền từ năm 1949 đến nay, nạn tham nhũng trong đảng đang lan tràn và đang đe dọa sự tồn vong của đảng.

Hãng thông tấn Reteurs trích thuật nhận định vừa kể của ông Wang Jiarui và cho biết quan chức cao cấp của Bắc Kinh này nói thêm rằng, tham nhũng sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng cho đảng cầm quyền, và đó là điều lo sợ nhất của đảng. Dù rằng hiện nay thì chưa đến mức độ đó.

Ông Wang Jiarui không nói tham nhũng ở mức độ nào thì đến mức độ gây ra khủng hoảng, nhưng rõ ràng 270 ngàn người bị thanh trừng từ năm 2013 đến nay chưa đủ mức độ dẫn đến khủng hoảng. Ông Wang cũng không thừa nhận một phần của vấn đề là việc tẩu tán tài sản ra nước ngoài của các quan chức cao cấp.

Theo Reuters thì cho đến nay các quốc gia Tây Phương vẫn ngần ngại ký kết các thoả ước dẫn độ với Trung Quốc, phần vì hệ thống luật pháp không đáng tin cậy của nước này, phần vì lo ngại sự trả thù tàn độc của Bắc Kinh đối với các nạn nhân. Hoa Kỳ và Canada được coi là hai nước có nhiều tội phạm kinh tế Trung Quốc đến ẩn náu nhất, nhưng cả Hoa Kỳ và Canada đều không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc.

Cuộc thăm viếng Hoa Kỳ của ông Tập Cận Bình vừa qua cũng chỉ đạt được những hứa hẹn “hai bên thoả thuận tăng cường hợp tác trong việc phòng chống tham nhũng, phát hiện tham ô công quỹ, trao đổi bằng chứng, chống hối lộ xuyên quốc gia, đào tẩu và người nhập cư bất hợp pháp, ma túy và chống khủng bố", chứ chưa có hiệp ước dẫn độ mà Trung Quốc mong muốn.

Trên thực tế thì nhiều công ty Mỹ và Canada còn “vô tình” giúp cho các quan chức Trung Quốc tham nhũng chuyển tiền ra khỏi Hoa Lục. Theo một cuộc điều tra của báo The Globe and Mail (Canada) thì một số ngân hàng Canada đã cho phép những nhà đầu tư giàu có Trung Quốc né tránh luật pháp của nước họ bằng cách giúp chuyển những ngân khoản khổng lồ, thường là để mua bất động sản ở Vancouver (Canada).

Các định chế tài chánh cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay đã có trên 8,200 trường hợp bị nghi ngờ là rửa tiền (từ Trung Quốc). Một nghiên cứu gần đây cho thấy có khoảng 70 phần trăm khách hàng mua những biệt thự giá trên 3 tiệu đô la ở Vancouver là người Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh thì những ai đem trên 50 ngàn đô la ra khỏi nước trong một năm mà không được phép của nhà nước đều là vi phạm luật pháp.

Tuy nhiên, chẳng một người Tàu nào vi phạm luật hạn chế đó. Họ chỉ đơn giản chia tiền thành nhiều khoản nhỏ dưới định mức, nhờ vợ con, bạn bè đưa ra ngoài qua nhiều đường dây khác nhau. Không biết bao nhiêu triệu đô la đã lọt ra khỏi Trung Quốc để đến các ngân hàng ở vùng Vancouver bằng cách này.

Báo Wall Street Journal của Mỹ cũng cho biết, đầu tháng 9 vừa qua cơ quan luật pháp Hoa Kỳ đã phạt công ty Caesars Entertainment Corp 9 triệu rưỡi đô la vì vi phạm luật rửa tiền, mà hầu hết những người rửa tiền là người Trung Quốc. Casino ở Las Vegas này đã công khai cho phép những khách hàng giàu có giấu tên tuổi đánh bạc trong phòng VIP riêng tư. Phòng VIP này dành riêng cho những khách hàng đã đặt cọc ít nhất 300 ngàn đô la bằng cách nào đó. Mỗi một lần bài bạc, một khách VIP tiêu pha hàng triệu đô la.

Trong tháng 8 báo New York Times đăng tin về những đặc vụ an ninh của Trung Quốc hoạt động bí mật ở Hoa Kỳ để lôi kéo, hăm dọa những quan chức Trung Quốc đào tẩu phải trở về Trung Quốc. Đây là trong một phần của chiến dịch “Săn Chồn” (Fox Hunt) mà Bắc Kinh đã tung ra cho mục tiêu vừa kể. Chính phủ của tổng thống Obama đã yêu cầu Bắc Kinh ngưng các hoạt động như vậy.

Tân Hoa Xã cũng cho biết, vào đầu tháng 9, ông Triệu Hồng Chúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã thăm trụ sở Cảnh Sát Quốc Tế (Interpol) tại thành phố Lyon nước Pháp, để yêu cầu cơ quan này hợp tác với Bắc Kinh trong việc chống tham nhũng. Theo tin tức thì có thể cơ quan quốc tế này sẽ giúp.

Tóm lại, dù với con số (tham nhũng và tiền) nào đi nữa thì nạn tham nhũng ở Trung Quốc cũng đã vuột khỏi tầm kiểm soát của Bắc Kinh. Vì vậy, bỏ qua những con ruồi thì chẳng biết ông Tập Cận Bình nay đang “đả hổ” hay “cưỡi hổ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét