Ls. Võ An Đôn
Sau khi nhận được Chứng chỉ hành nghề luật sư do Bộ tư pháp cấp, luật
sư chạy án tìm cách thiết lập mối quan hệ thân thiết với nhiều thẩm
phán, kiểm sát viên, điều tra viên bằng cách thường xuyên đi ăn nhậu
chung, tặng quà cáp cùng với những lời nịnh nọt. Họ nắm rất rõ ngày
sinh, tháng đẻ cũng như ngày giỗ chạp của gia đình những người nói trên
để đến nhà tặng quà và phục vụ lấy lòng.
Ban đầu luật sư chạy án chưa có khách hàng, họ sẽ nhờ thẩm phán, kiểm
sát viên, điều tra viên giới thiệu khách hàng cho họ, họ lại quả bằng
cách chia tỷ lệ phần trăm cho thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên đã
giới thiệu khách hàng cho mình (Thường là 10% của giá trị hợp đồng hoặc
dẫn đi ăn nhậu một chầu bí tỉ).
Sau một thời gian nhất định luật sư chạy án dần dần có khách hàng,
cộng với nguồn khách hàng được các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra
viên giới thiệu, luật sư chạy án bắt đầu thiết lập một đường dây chạy án
khắn khít với những người nói trên và ngày càng có nhiều người đến nhờ
luật sư chạy án vì họ làm được việc theo yêu cầu của khách hàng đặt ra.
Cùng một vụ án, nếu khách hàng nhờ luật sư chân chính thì chỉ mất vài
triệu đồng phí luật sư, nhưng nếu khách hàng nhờ luật sư chạy án thì
mất vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng, tùy thuộc đối tượng
khách hàng giàu, nghèo khác nhau và tùy thuộc vào tình tiết của vụ án
đơn giản hay phức tạp.
Số tiền luật sư chạy án lấy được của khách hàng sẽ đem chia cho thẩm
phán thụ lý vụ án và kiểm sát viên, thường thì tỷ lệ 50/50 nghĩa là luật
sư chạy án được hưởng 50% số tiền nhận được; 50% số tiền còn lại chia
cho thẩm phán từ 35% đến 40%, kiểm sát viên từ 10% đến 15%.
Luật sư chạy án rất giàu có nhưng cũng có nổi khổ riêng, khổ vì phải
luồn cúi, bợ đỡ, nịnh nọt quan tòa; nhiều khi kết quả xử án không đạt
được như ý muốn của khách hàng, khách hàng đòi lại tiền chạy án, buộc
luật sư phải trả lại tiền. Hay gặp trường hợp cả hai bên đương sự đều
nhờ luật sư chạy án, luật sư Bên A lẽ ra thắng kiện nhưng vì đưa tiền
cho thẩm phán ít hơn luật sư Bên B, nên tòa cho Bên B thắng kiện.
Để trở thành một luật sư chân chính thì rất khó khăn, khổ cực và là
giấc mơ của nhiều kiếp người, nhưng để trở thành một luật sư chạy án thì
chỉ cần có “Chứng chỉ hành nghề luật sư” là được, tờ giấy này cũng có
thể được cấp cho người học hành bài bản, nhưng cũng có thể được cấp cho
những kẻ lười học hành nhưng có dư tiền bỏ ra mua bằng cấp.
Việc chạy án của luật sư chỉ có lợi cho vài người, nhưng hậu quả đối
với xã hội thì rất to lớn: nó làm mất niềm tin của nhân dân đối với pháp
luật, xã hội không còn tin vào hệ thống các cơ quan tư pháp đại diện
cho công lý của một quốc gia; kẻ phạm tội đáng đi tù thì sống nhởn nhơ
ngoài vòng pháp luật; người không đáng tù thì lại vào tù; tài sản chính
đáng của người này lại đem chia cho người khác; luật sư chân chính tài
năng lẽ ra phải có cuộc sống giàu sang sung túc nhưng lại sống trong sự
thiếu thốn về vật chất và sự đau khổ về nội tâm (Đau khổ vì nhìn thấy
cảnh tượng trên)…
Nguồn: FB Võ An Đôn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét