2015/09/10

Báo Petrotimes: Kết án đồng nghiệp trước khi truy tố

Phạm Nhật Bình


Ở Việt Nam, tuy hơn 800 tờ báo xuất bản đều nằm trong tay nhà nước nhưng hiện tượng siết chặt thông tin vẫn thường xuyên diễn ra. Các nhà báo dù thuộc diện quốc doanh, thỉnh thoảng cũng bị đe nẹt thẳng tay, thậm chí lãnh hậu quả mất chức hay tù tội vì hoạt động báo chí của mình.

Mới đây ông Đỗ Hùng, một nhà báo nguyên là Phó tổng thư ký báo Thanh Niên Online đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông, thường gọi tắt là Bộ 4T ngày 4/9, nhanh chóng ra quyết định cách chức và tước quyền hành nghề sau một status đăng trên Facebook hôm 2 Tháng 9 có liên quan đến ông HCM và tướng Giáp.

Sự kiện này khiến người ta nhớ đến lời phát biểu của ông Bộ trưởng 4T Nguyễn Bắc Son ngày 24/4 khi tiếp xúc cử tri xã Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội). Ông nói: “Một số tổ chức nước ngoài, trong đó có cả tổ chức nhân quyền thế giới bảo ta không có tự do báo chí, đó là họ nói không đúng và nhìn nhận không đầy đủ.” Nói như thế chẳng khác nào ông bảo Tổ chức Nhân Quyền Thế giới của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là thành viên, là một tổ chức vô tích sự nói có thành không.

Ông Son còn khẳng định: “Thực ra ta có nhân quyền và báo chí ở ta tự do hơn họ rất nhiều.” Nhớ đến lời tuyên bố của ông Son mới thấy hết cái mỉa mai và khôi hài về sự tự do báo chí của Việt Nam. Có tự do báo chí hơn nhiều nước khác, nhưng người cầm bút dù thuộc “lề đảng” vẫn bị rọ mõm hay tống vô tù khi cần.

Không biết ký giả Đỗ Hùng có phải là thành viên của “Hội Nhà Báo” không, nhưng khi ông lâm nạn câu “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” không thấy có ai trong số hàng ngàn nhà báo trong nước lên tiếng thể hiện tình đồng nghiệp. Trái lại thay vì có đôi lời bênh vực hay an ủi cho phải đạo, một tờ báo trong nước lại lên tiếng gay gắt kết án ông Đỗ Hùng đủ mọi thứ tội. Cuối cùng báo Năng Lượng Mới (Petrotimes) đi đến kết luận giống như một quan tòa: việc “xử lý” ông Hùng như thế là “thỏa đáng và nhân văn”!

Petrotimes nói “Nhiều người cho rằng, hình thức xử lý đó là xác đáng, là luật pháp đã được thực thi”, một “bài học cho kẻ ngông cuồng”. Thật đáng ngạc nhiên khi quyền công tố chưa phát động, nghĩa là ông Đỗ Hùng chưa bị điều tra, truy tố thì tờ báo lại khẳng định những chi tiết không thuộc phạm vi của mình.

Để mạnh miệng hơn, Petrotimes còn lôi cả Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh ra như hai tượng thần bất khả xâm phạm để cho rằng ông Hùng “bị quả báo” vì dám đụng chạm đến “hai biểu tượng thiêng liêng của dân tộc”. Điều này Petrotimes cố tình lẫn lộn vì 2 nhân vật này, nếu có là biểu tượng thiêng liêng thì cũng chỉ đối với đảng CSVN mà không hề là của dân tộc Việt. Huống chi hai người này cho đến nay, chỉ là hai pho tượng chân đất sét.

Trong bài báo “Cái giá phải trả của ông Đỗ Hùng”, Petrotimes vạch ra ít nhất ba tội nặng mà nhà báo Đỗ Hùng đã phạm phải qua những bài viết của ông Hùng trên Facebook, được cho là” gây bức xúc trong cộng đồng” suốt hai năm qua.

Thứ nhất là bài “Cờ vàng, cờ đỏ”, ông Hùng đã “phủ nhận cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, tuyên truyền quan điểm sai trái, không đúng với đường lối chủ trương của Đảng”.

Thứ hai, với bài ‘Chán như con gián’, ông Hùng “đã cố ý suy diễn, bịa đặt, xuyên tạc chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa” khi viết: “Trong một nghị viện dân chủ thực sự, thật khó mà có một tỉ lệ phiếu 100% thuận, hoặc 100% chống. Trong khi đó, cái tỷ lệ này từng là một điều gì đó rất quen thuộc ở Việt Nam…”.

Thứ ba, Petrotimes còn kể tội ông Hùng “tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngay từ những ngày đầu”.

Những điểm mà tờ báo quốc doanh “bảo hoàng hơn vua” này nêu lên để kết tội đồng nghiệp của mình, thật ra chỉ là suy nghĩ chân thành của một người cầm bút có trách nhiệm trước tình trạng băng hoại của chế độ mà ký giả đang phục vụ.

Đưa ra một sự thật về tỷ lệ bầu cử giả dối trong những kỳ bầu cử quốc hội ở Việt Nam không phải là một điều bịa đặt hay “xuyên tạc chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Tỷ lệ quá cao trong các kỳ bầu cử thật ra chỉ là một màn kịch dân chủ lừa bịp mà người dân Việt đã quá rõ và quá chán ngán. Vì trước khi cuộc bầu cử diễn ra, ai đắc cử ai không đều đã được đảng định trước, người dân chỉ có việc bỏ lá phiếu vào thùng phiếu để lấy con dấu đỏ trên thẻ cử tri.

Câu nói lưu truyền trong dân “đảng cử dân bầu” tuy mỉa mai khôi hài nhưng ẩn chứa biết bao bất mãn của người dân. Chủ trương của đảng là đưa ra một tỷ lệ thật cao trong các kỳ bầu cử để thế giới thấy tình trạng người dân Việt Nam tham gia bầu cử đông đảo và đồng thời cũng để chứng minh cho nền dân chủ ưu việt của chế độ. Nhưng tiếc thay từ lâu, mọi người đã nhận ra đó chỉ là hình thức dân chủ vay mượn hay nói khác đi là dân chủ giả hiệu.

Tờ báo tỏ ra rất đồng tình với nhà nước trong chủ trương thần phục Bắc Kinh để sống còn, nên liệt nhà báo Đỗ Hùng vào loại người “tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngay từ những ngày đầu”. Nếu quả vậy, ông Đỗ Hùng đã mang một cái tội rất đáng kính trọng mà không phải ai cũng có. Đối với nhà nước cộng sản và báo chí tay sai, hễ ai không tôn thờ Bắc Kinh hay chống lại kẻ cướp Biển Đông lập tức trở thành phản động. Nhưng đối với người dân, đó lại là loại “phản động đáng kính”!

Nhà báo Đỗ Hùng là người đã từng công khai bày tỏ quan điểm tích cực của mình về Biển Đông trên Facebook như sau: “Đối với vấn đề Biển Đông, Hà Nội cần công khai thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền Sài Gòn thời trước 1975, qua đó thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp của chính quyền Sài Gòn đối với Hoàng Sa và Trường Sa…”.

Nhưng vốn là những hậu duệ chân chính của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Hà Nội không dễ dàng chấp nhận quan điểm hợp lý này. Vì nó sẽ làm sụp đổ toàn diện công hàm bán nước 1958 thừa nhận lãnh hải 12 hải lý của thiên triều.

Cuối cùng, báo Petrotimes tự đứng ra vừa làm công an điều tra, vừa làm Viện kiểm sát kiêm luôn vai trò chánh án để xác định nhà báo Đỗ Hùng đã “vi phạm Điều 5 của Nghị định 72, đồng thời vi phạm Luật báo chí và Quy định đạo đức nghề nghiệp do Hội nhà báo Việt Nam ban hành.”

Một nhà báo trong nước đã từng cộng tác với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Trung Dân cho rằng “Người làm báo ở Việt Nam khó cất lên tiếng nói thật”; và “Tôi thấy việc xử lý ông Hùng như vậy là không đúng pháp luật và vô lý. Tôi không hiểu tại sao Bộ Truyền thông và báo Thanh Niên có thể xử lý ông Hùng lạ lùng và không coi pháp luật ra gì, dù báo chí luôn kêu gọi thượng tôn pháp luật”.

Và ông Dân đã bày tỏ một cách chí lý khi nói “Nếu nhà báo muốn dấn thân bảo vệ sự thật, thì chỉ còn có cách tìm việc khác”.

Trong thực tế cuộc đời ông Hồ là kết quả của một sự thêu dệt không có thật. Và từ lâu người Việt Nam ai cũng thấy rõ CSVN tô son trát phấn lên bộ mặt biến ông ta thành hình tượng đáng tôn thờ chỉ với mục đích để nấp sau lưng giữ lấy độc quyền cai trị. Ngay cả khi ông ta đã trở thành một xác chết khô héo trong lăng Ba Đình, đảng vẫn chịu khó bỏ đô-la ra trang điểm hàng năm.

Hành động trừng phạt nhà báo Đỗ Hùng của Bộ 4T và lối cổ xúy của Petro Times cho thấy là thủ đoạn cá vú lấp miệng em của một chính quyền độc tài lấy đàn áp tư tưởng làm chủ trương lớn.

Người ta thấy rằng giả thử ông Đỗ Hùng có đụng đến ông này ông kia đi chăng nữa thì hình thức kỹ luật cũng chỉ là sự cảnh cáo. Nhưng ở đây chính những người thường đề cao ngôn luận đã ra tay triệt hạ con đường sống khi rút thẻ hành nghề và cách chức ông Hùng.

Thủ đoạn này cũng không khác gì đối với các luật sư có những hành động phản đối các phiên tòa vô lối của CSVN rồi bị luật sư đoàn CSVN rút giấy phép hành nghề và đá ra khỏi hội luật sư như đã thấy đối với Luật sư Huỳnh Văn Đông.

Khi một nhà báo nói lên sự thật bị trả thù nặng nề thì không thể có kết luận nào hơn: Đây chính là hành động đích thực vi phạm quyền tự do ngôn luận cũng như chà đạp nhân quyền của một nhà báo.

Phạm Nhật Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét