2015/08/08

Tượng đài và Nguyễn Tấn Dũng

Đoàn Hùng


Trước sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng mạng, ông Nguyễn Tấn Dũng ra chỉ thị cho UBND tỉnh Sơn La phải báo cáo về việc xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh với kinh phí 1.400 tỷ đồng.

Thật tội nghiệp cho ông Cẩm Ngọc Minh (chủ tịch UBND) và ông Phạm Văn Thủy (phó chủ tịch UBND) của tỉnh Sơn La không những mất cơ hội kiếm vài chục tỷ đồng bỏ túi trước khi nghỉ hưu mà còn có thể bị khiển trách vì để cho dự án bị bể.

Tội nghiệp là vì cả hai ông Minh và ông Thủy cũng chỉ là nạn nhân của chủ trương mà chính ông Nguyễn Tấn Dũng đã dùng việc xây dựng tượng đài hầu bồi dưỡng cho “cán bộ” tay chân quanh mình.
Cuối tháng 7 năm 2015, ông Dũng đã ra một Quyết định cho phép các cơ quan tỉnh thành được phép lên kế hoạch xây dựng tượng đài từ nay đến năm 2030. Quyết định này có thể coi như ông Dũng bật đèn xanh cho lãnh đạo tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, điều phối thành kế hoạch thu nhập riêng qua việc xây tượng đài.

Sáng ngày 6/8, phóng viên báo Trí Thức Trẻ đã phỏng vấn ông Cẩm Ngọc Minh, chủ tịch Uỷ Ban về vụ tượng đài. Ông Minh cho rằng quy hoạch chi tiết về công viên sẽ được công bố vào ngày 10/10/2015, nhân dịp kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Sơn La.

Ông Minh cũng cho rằng hiện cả nước đã có rất nhiều tỉnh có quảng trường, tượng đài, Sơn La chưa có mà bị dư luận phản đối và bị ông Dũng bắt báo cáo là sự thiệt thòi cho Sơn La. Con số 1.400 tỷ đồng mà dư luận xôn xao theo ông Cẩm Ngọc Minh chỉ mới là con số dự toán, chưa phải là con số cuối cùng của đề án này. Tức là còn cao hơn nữa khi thi công.

Qua phát biểu của ông Minh cho thấy:

1/ Sơn La là một trong ba tỉnh nghèo nhất Việt Nam, đứng sau Nghệ An và Thanh Hóa. Sơn La hiện có 71.000 hộ nghèo và 36.000 hộ thiếu đói trong tổng dân số là 1,1 triệu người. Ông Cẩm Ngọc Minh đã không nghĩ gì về hoàn cảnh nghèo khó của địa phương mà lại đi “ganh tỵ” với những địa phương khác khi chưa có tượng đài Hồ Chí Minh. Phát biểu của ông Minh, người đứng đầu tỉnh Sơn La đã cho thấy não trạng của cán bộ lãnh đạo là tạo những dáng vẻ hào nhoáng về bề ngoài.

2/ Việc xây dựng tượng đài là một khuyến khích của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sự khuyến khích này thực chất không nhằm việc tưởng niệm hay tôn vinh Hồ Chín Minh mà chỉ là tạo cơ hội cho cán bộ địa phương “ăn chia” với nhau, để luôn luôn trung thành với phe Nguyễn Tấn Dũng. Nói cách khác là trong khi phe Nguyễn Phú Trọng soi mói vào các dự án kinh tế, xã hội để “đánh tham nhũng” gắt gao nên Nguyễn Tấn Dũng đã phải chuyển qua dự án văn hóa, tôn vinh Hồ Chí Minh để cho đàn em kiếm tiền. Việc ra Quyết định liên quan đến quy hoạch tượng đài đến năm 2030 là một kế hoạch giúp cho lãnh đạo các tỉnh thành bòn rút tiền bạc khá an toàn.

3/ Việc Nguyễn Tấn Dũng nhanh chóng yêu cầu UBND tỉnh Sơn La làm báo cáo về đề án là sự phủi tay có tính toán. Sơn La chưa giải trình về lý do thực hiện dự án mà trên trang nhà chính phủ đã ghi nào là “dự án chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay”, “đi ngược lại sự chỉ đạo của chính phủ về tiết kiệm chi, dồn vốn cho đầu tư phát triển”. Những nội dung này rõ ràng là chính phủ của ông Dũng đang “bỏ của chạy lấy người” không ngờ Quyết định cho các tỉnh thành quy hoạch tượng đài đã bị dư luận mạng tấn công quá mạnh. Nguyễn Tấn Dũng sợ bị “vạ lây” làm ảnh hưởng đến cuộc chạy đua quyền lực cho chức danh Tổng bí thư vào đại hội XII tới đây nên đã phủi tay.

Nói tóm lại, xây dựng tượng đài là kế sách của Nguyễn Tấn Dũng bày ra cho các quan chức địa phương kiếm tiền bỏ túi. Không ngờ Sơn La chơi bạo, bỏ ra 1.400 tỷ đồng (tương đượng 70 triệu Mỹ Kim) để xây dựng tượng đài trong lúc ngân sách nhà nước đang bị thiếu hụt, nên bị chống đối làm cho Quyết định của Nguyễn Tấn Dũng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên với bản chất gian hùng, Nguyễn Tấn Dũng sẽ không chịu thua. Dũng sẽ chỉ thị cho các tỉnh thành âm thầm xây dựng để bòn rút ngân sách quốc gia và chỉ khi nào xong mới đưa lên mặt báo để đặt dư luận vào chỗ đã rồi.

Mưu mô quỷ quyệt này đã giúp cho Nguyễn Tấn Dũng sống sót trong nhiều năm qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét