2015/08/20

Quyền tiếp cận thông tin, đừng lấy thúng úp voi

Phạm Nhật Bình


Một trong những thể hiện rõ ràng nhất của quyền tự do ngôn luận của công dân là quyền tiếp cận thông tin trung thực và chính xác từ mọi nguồn. Hầu hết các nước dân chủ đều tôn trọng quyền căn bản này và quy định rõ ràng trên luật pháp.

Tại Việt Nam, tiếp cận thông tin chưa bao giờ được đề cập đến như một quyền đương nhiên phải có của công dân. Lý do đơn giản, nhà nước ở đây là người nắm giữ và kiểm soát mọi nguồn thông tin gọi là chính thống. Qua hệ thống báo chí, đài phát thanh, truyền hình quốc doanh dầy đặc, chính quyền cộng sản giành độc quyền ban phát mọi thứ thông tin đã qua sự kiểm duyệt chặt chẽ của Bộ Thông tin với sự giám sát của Ban Tuyên giáo. Người dân trong nước chỉ được biết, được nghe những gì đã xào nấu, chắt lọc từ những “thợ viết” chuyên nghề sản xuất tin tức theo khuôn mẫu một chiều.

Thậm chí trước đây hàng ngày người dân còn bị buộc phải nghe tin tức mà không có quyền từ chối, qua hệ thống loa phường đến nay vẫn còn tồn tại. Vì độc quyền thông tin, nên sự bưng bít thông tin trở thành đặc trưng của chế độ, nhưng ẩn mình dưới những màu sắc dân chủ ngụy tạo. Quyền tự do báo chí được ghi trong hiến pháp, thỉnh thoảng được nhắc tới như những nét hoa văn trang trí cho những bài diễn văn sáo rỗng.

Không có lối ngụy biện nào đẹp đẽ hơn như lời tuyên bố của ông Bộ trưởng Bộ 4T trước đây “Thực ra ta có nhân quyền và báo chí ở ta tự do hơn họ rất nhiều.” Lý do ông bộ trưởng đưa ra là “hiếm có nước nào có nhiều tờ báo và truyền hình như Việt Nam hiện nay” và Việt Nam “là 1 trong 20 nước trên thế giới có luật báo chí”! Tuy nhiên, ông cũng không giấu được mà phải thừa nhận một điều: báo chí là công cụ của đảng.

Mới đây trong một phiên họp của Quốc hội ngày 12/8, dự án “Luật tiếp cận thông tin” lần đầu tiên được đưa ra thảo luận và có thể thông qua trong năm 2016. Người ta thấy ngay rằng không phải vì chế độ ngày nay đã tiến bộ tới mức cho phép người dân có cái quyền này. Hay họ muốn chứng minh cho thế giới thấy Việt Nam có tự do ngôn luận và người dân được biết những gì họ cần biết. Sự thật thì hoàn toàn ngược lại, trước sau như một, người dân Việt chỉ được biết những gì “chính thống” do nhà nước ban phát qua báo đài quốc doanh.

Hà Nội theo thông lệ vẫn nói thật tốt về việc mình làm. “Luật Tiếp cận thông tin ra đời nhằm đảm bảo quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận”. Hiến pháp 2013 hầu như “ghi nhận” thật đầy đủ mọi quyền công dân như các nước dân chủ trên thế giới. Chỉ có khác một điều: hiến pháp Việt Nam không bao giờ được tôn trọng và thi hành như một bộ luật tối cao. Tất cả các điều tốt đẹp ghi nhận trong hiến pháp đều đi kèm với câu “theo luật pháp (tức là đảng CSVN) quy định”.

Cho tới lúc này, cuộc thảo luận ở quốc hội chỉ mới đưa ra những điều mà Phó chủ tịch Quốc hội đánh giá là thiếu cụ thể. Chẳng hạn Điều 20 của dự luật đề cập đến quyền từ chối cung cấp thông tin. Kiểu nói ấy hoàn toàn mâu thuẫn với tính minh bạch cần thiết của người cầm quyền. Nó cũng bộc lộ cho thấy có những loại thông tin mà người dân không thể yêu cầu được cung cấp, sau khi được đóng dấu “an ninh quốc gia” hay “mật”. Một khi nhà nước muốn xóa bỏ quyền được biết của người dân, họ chỉ cần nhẹ nhàng sử dụng những từ này. Tài sản bất minh của lãnh đạo cao cấp dĩ nhiên lại càng “mật”, càng cần được che giấu!

Người dân càng cảm thấy mâu thuẫn hơn khi nghe ông Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý bàn luận: “những gì hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân phải ghi cụ thể trong luật.” Như thế dù dự luật có được thông qua, nhà nước giữ lại hai quyền to tát trong tay: quyền từ chối và quyền hạn chế cung cấp thông tin theo yêu cầu.

Nhưng sự ra đời và phát triển của internet trong thế kỷ này quả là một sự bất hạnh cho các chế độ độc tài. Tại Việt Nam trong vài ba năm gần đây, 35 triệu người đã biết đến internet. Một chân trời bao la mở ra trước mắt mọi người. Người dân có thể tìm thấy ở đây hầu như tất cả những gì mà lâu nay bị đảng che giấu. Họ không cần chờ sự ban phát của thông tin lề đảng nữa mà đã có tin tức trên facebook, trên các trang blog cá nhân ngoài sự kiểm soát của nhà nước.

Đồng thời với sự phát triển của internet bằng lượng thông tin dồn dập tứ phía, một mặt trận mới cũng mở ra giữa hai chiến tuyến: một bên là lực lượng hùng hậu của cơ quan An ninh mạng thuộc Bộ Công an, một bên là những công dân Việt yêu dân chủ. Những công dân đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi ngành nghề cùng hướng về một mục tiêu chung: tự do ngôn luận, trong đó bao gồm những hình thức tự do căn bản nhất của hoạt động trí óc con người.

So sánh lực lượng ban đầu, phần thắng nghiêng về chế độ độc tài với mọi loại vũ khí trong tay: tường lửa, Nghị định 72, Điều 88 “tuyên truyền chống nhà nước”, Điều 258 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”…và cuối cùng là sự phối hợp nhịp nhàng giữa công an-côn đồ ra tay trấn áp bằng bạo lực. Nhiều bloggers bị bắt giam, nhiều facebookers bị đưa ra tòa, hàng trăm diễn đàn bị công an mạng đánh sập. Trong nhiều năm liền, Việt Nam trở thành kẻ thù internet, là một trong 5 nước kiểm soát internet nghiêm ngặt nhất trên thế giới.

Tưởng chừng như nhà nước toàn thắng trong cuộc chiến không cân sức này. Nhưng ngược lại, càng bắt bớ, lực lượng đấu tranh càng tăng về số lượng và chất lượng. Đến nỗi ngày nay, có thể nói mỗi trang facebook là một tờ báo, mỗi diễn đàn đấu tranh dân chủ là một mũi giáo có cùng mục tiêu: xô ngã thành trì độc quyền tư tưởng, độc quyền thông tin của chế độ.

Do đó, trước sức ép liên tục của phong trào dân chủ và các tổ chức nhân quyền thế giới, CSVN buộc phải từng bước nhượng bộ, từng phần chấp nhận quyền tự do ngôn luận trong luật pháp do họ đặt ra. Tuy nhiên, trong tình trạng báo chí tư nhân chưa được phép ra đời, việc đưa ra dự luật “Quyền tiếp cận thông tin” cũng chỉ là một cách trì hoãn, câu giờ của nhà nước. Điều không thể chấp nhận là tuy với một danh xưng tốt đẹp “Quyền tiếp cận thông tin”, chế độ độc tài vẫn tìm cách giới hạn và ràng buộc người dân.

Khi đã coi "thông tin" là quyền của người dân thì hành động lấy thúng úp voi chỉ là một hành động mang lại sự thất bại cay đắng hơn. Vì lúc ấy, sự phá rào sẽ tràn ngập như nước vỡ bờ.

Phạm Nhật Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét