2015/08/12

Nhân Quyền và Ông John Kerry

Đoàn Hùng


Sau khi tham dự Hội nghị Diễn đàn an ninh khu vực của khối ASEAN (ARF) lần thứ 22 tại Kuala Lumpur, Mã Lai từ ngày 4 – 6 tháng 8, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã viếng thăm Việt Nam từ chiều mồng 7/8.

Mặc dù chuyến đi của ông John Kerry đặt trọng tâm vào việc thảo luận về hợp tác an ninh hai nước để tiến đến “đối tác toàn diện” sau gần 3 năm cam kết; nhưng vấn đề Nhân Quyền lại được ông Kerry nhấn mạnh trong các cuộc tiếp xúc với ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng và trong buổi nói chuyện với sinh viên tại Hà Nội dưới chủ đề “Thúc đẩy thịnh vượng: 20 năm hợp tác phát triển Việt Nam.”

Tại buổi hội thảo với sinh viên và các nhà đầu tư trẻ tại Trung Tâm Hoa Kỳ ở Hà Nội, ông John Kerry đã nêu lên 3 quan điểm mà ông cho là nền tảng để thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt.

Thứ nhất là nhân quyền và pháp quyền là nền tảng thúc đẩy cho mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước một cách bền vững.

Thứ hai là quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp là điều cần thiết để bảo đảm sự ổn định xã hội.

Thứ ba là tôn trọng sự khác biệt về hệ thống chính trị, nhưng điều đó không làm cản trở các lên tiếng của Hoa Kỳ liên quan đến tù nhân chính trị, vai trò của nhà báo độc lập, cải tổ pháp lý… ở Việt Nam.

Trong ba điểm nói trên, theo ông John Kerry thì nhân quyền đang là một rào chắn khiến cho nhiều nỗ lực hợp tác đáng lý ra phải được khai thông rất nhiều nhưng lại bị trì hoãn.

Có lẽ đây là lần đầu tiên ông John Kerry đã có những phát biểu mang tính chất “nói thẳng” không quanh co theo kiểu ngoại giao như trước đây.

Những phát biểu của ông John Kerry cho thấy là Hoa Kỳ đang muốn chứng tỏ với dư luận chung là Hoa Thịnh Đốn đang cân bằng chính sách: thương mại (TPP) -  an ninh (Biển Đông) – nhân quyền với CSVN, sau 20 năm thiết lập quan hệ bình thường.

Đây là dấu hiệu tiến bộ về mặt quan điểm và chính sách của Hoa Kỳ trong việc tạo áp lực lên chế độ Hà Nội tôn trọng nhân quyền; tuy nhiên, phát biểu của ông John Kerry vào lúc này có hai nghi vấn lớn:

Thứ nhất, ông John Kerry đã “chữa cháy” cho ông đại sứ Ted Osius khi tuyên bố “Hoa Kỳ không chủ trương thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam”. Câu nói được đưa ra sau chuyến viếng thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng mà Hà Nội đánh giá là chuyến đi “lịch sử” cho thấy là Bộ ngoại giao Hoa Kỳ muốn gác lại vấn đề nhân quyền để Hà Nội không lo sợ “diễn biến hòa bình” hầu tích cực hơn trong việc cộng tác với Hoa Kỳ về biển Đông.

Thứ hai, ông John Kerry muốn trấn an dư luận rằng Hoa Kỳ không quên vấn đề nhân quyền trong lúc lôi kéo Hà Nội tách rời Bắc Kinh, nhằm tạo một bầu không khí thuận lợi cho chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama vào tháng 11/2015 nhân sang Mã Lai dự Hội nghị Thượng Đỉnh ASEAN. Nói cách khác là tuyên bố về nhân quyền của ông John Kerry chỉ là để “câu khách” cho chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Obama.

Với một người có quan điểm gần với Hà Nội trong nhiều năm dài, bỗng chốc đặt nặng vấn đề dân chủ, nhân quyền cho tiến trình hợp tác Việt Mỹ sau chuyến đi thăm nước Mỹ của Tổng bí thư đảng Cộng sản,phải nói là Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và ông John Kerry đã có một sự tính toán trong việc làm hài lòng cả hai.

Rất tiếc là người Việt Nam đã quá quen với những thủ thuật “làm hài lòng đôi bên” không còn tác dụng nữa, nên vì thế mà các phát biểu của ông John Kerry về nhân quyền trong thực tế không mấy ai quan tâm.

Đoàn Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét