Nguyễn Xuân Nghĩa
Những người lãnh đạo Hà Nội có thể yên tâm. Hiệp ước Đối tác Xuyên
Thái bình dương TPP khó thành hình và chế độ chưa cần cải thiện tình
trạng nhân quyền hoặc giải tỏa hệ thống lao động để công nhân thực sự
được làm chủ sức lao động của mình. Ngược lại, cơ hội phát triển ngoại
thương của Việt Nam cũng bị đình hoãn, trong khi sức hút của Trung Quốc
vẫn gia tăng….
Trước hết, hội nghị cấp Bộ trưởng của 12 quốc gia tham gia Hiệp ước
TPP đã tan vỡ tại Hawaii mà không đạt tiêu chí là hoàn tất trong Tháng
Bảy. Như mọi khi, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry không nói sự thật tại
Hà Nội khi vẫn tỏ vẻ lạc quan và thật ra còn gây khó cho Chính quyền
Obama: hội nghị sẽ khó tái nhóm nội trong Tháng Tám như người ta hứa
hẹn.
Khác với cái nhìn chủ quan của Hà Nội, rằng Mỹ thiết tha lôi kéo Việt
Nam vào vành cung TPP như một lực đối trọng với ảnh hưởng của Trung
Quốc, Hoa Kỳ có nhiều vấn đề lớn lao và rắc rối hơn. Bài này sẽ tạm sơ
kết về chuyện đó.
***
Trước hết, trong 11 đối tác của vòng TPP, Hoa Kỳ chú ý nhất đến vị
trí của Nhật Bản, quốc gia có sản lượng kinh tế đứng hạng ba thế giới,
và bên trong vẫn còn nhiều khu vực được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh của
nước ngoài.
Tiêu biểu nhất là khu vực nông sản - lương thực - và thế lực rất mạnh
của hiệp hội nông gia, xưa nay là rường cột của đảng Tự do Dân chủ LDP.
Mạng lưới vận động của họ là một hệ thống được xây dựng từ dưới lên, từ
các hợp tác xã tại địa phương lên tới cấp quận huyện. Trên cùng là một
tổ chức có tên là “Toàn quốc Nông nghiệp Hiệp đồng Tổ hợp Trung ương
hội”, gọi tắt là “Toàn Trung” hay Zenchu theo tiếng Nhật. Hội viên ở
dưới có gần 10 triệu người, khoảng 10% của người dân ở tuổi đi bầu. Bên
trong, có gần năm triệu là hội viên chính thức và hơn bốn triệu “hội
viên hợp tác”, là những người không sinh sống bằng nghề nông. Mười triệu
người đó lập ra gần 700 hợp tác xã dưới cơ sở và từng bước liên kết với
nhau đến thượng tầng là tổ chức Toàn Trung.
Nhờ thế lực đó, họ bảo vệ năm ngành sản xuất (gạo, mì, bò gà, sữa và
đường) bằng hàng rào quan thuế rất cao. Như thuế quan về gạo Nhật lên
tới 778%, là loại cao nhất thế giới. Dân Nhật chịu cảnh “gạo châu củi
quế” trong nghĩa đen để nâng đỡ nông gia cao niên ở nhà. Chẳng những
vậy, các thế lực chính trị hậu thuẫn nông gia còn trợ cấp việc… không
trồng lúa và để nhiều thửa ruộng trống nhằm bảo vệ lợi tức của nông dân
nhờ giá cao.
Thủ tướng Shinzo Abe muốn phá vỡ thế lực đó với “mũi tên cải cách thứ
ba” của ông, mà chưa xong. Lý do hội nghị TPP khó tái nhóm chính là vì
sức cản đó tại Nhật Bản, như Thông tấn xã Kyodo đã sớm loan tin từ hôm
mùng sáu, trước khi John Kerry tới Hà Nội.
***
Nhưng Mỹ và các nước không chỉ gặp trở ngại từ phía Nhật.
Trong nhóm 12 nước TPP, Canada có sản lượng kinh tế đứng hạng ba sau
Mỹ và Nhật, và cũng có thế lực bảo hộ nông sản rất mạnh: họ đòi duy trì
hàng rào quan thuế là 241% trên sữa nhập cảng nên gặp phản ứng bảo hộ
không kém của… nông gia Mỹ. Một quốc gia có ưu thế về canh nông và lương
thực là Tân Tây Lan, New Zealand, muốn nhập cuộc TPP vì tìm ra cơ hội
xuất cảng sữa, phó mát hay trứng của mình, nên cũng viện dẫn tinh thần
bảo hộ Mỹ, Nhật, Canada để nêu vấn đề.
Vì kinh tế cũng là chính trị, người ta phải nhìn vào chính trường
Canada. Tháng 10 này, Canada có bầu cử, Thủ tướng Stephen Harper và đảng
Bảo Thủ của ông dễ mất phiếu của hai tỉnh đông dân là Quebec và Ontario
nếu ông nhượng bộ. Và nếu đảng Bảo Thủ thất cử, Quốc hội Canada sẽ khó
phê chuẩn Hiệp ước TPP. Mà bảo vệ hàng rào nông sản thì cũng là phá vỡ
TPP.
Hoa Kỳ khó yêu cầu Canada nhượng bộ để làm gương vì cũng có tật: bảo
vệ đường Mỹ chống sự cạnh tranh của đường Úc. Nước láng giềng Mexico ở
bên cạnh thì chẳng sợ đường của Úc mà không thích xe Nhật vì doanh
nghiệp xe hơi Nhật Bản cho Thái Lan ráp chế quá nhiều cơ phận. Và Thái
Lan không là một thành viên TPP! Cũng theo hướng đó, có nước sẽ hỏi rằng
sau khi vào TPP, Việt Nam có là một trung tâm xuất cảng hàng hóa hay
nguyên liệu Trung Quốc không?
Với cái mớ bòng bong đó, Hiệp ước TPP sẽ khó thành hình năm nay. Và
qua năm tới thì... hết thuốc chữa không vì Hoa Kỳ có tổng tuyển cử với
đảng Dân Chủ sở trường chuyện đối trắng thay đen. Ứng cử viên Hillary
Clinton chẳng hạn đã ủng hộ TPP khi còn là Ngoại trưởng, nay thì nghe
ngóng hơi gió. Và các dân biểu nghị sĩ phải tái tranh cử năm tới cũng
đón gió cử tri.
***
Nói về hết thuốc chữa, một trở ngại lớn cho Hoa Kỳ là quyền sáng chế dược phẩm.
Trong danh mục gần năm ngàn loại thuốc được bàn cãi trong dự án TPP,
có khoảng ba ngàn 400 loại là thuốc Mỹ, do doanh nghiệp Hoa Kỳ dày công
nghiên cứu, chế biến và phân phối. Một đạo luật được cả hai phe Dân Chủ
và Cộng Hòa thông qua quy định rằng doanh nghiệp Mỹ cần thời hạn khai
thác là 12 năm trước khi loại thuốc đó trở thành thuốc “đồng căn” - dược
phẩm gốc được mọi doanh nghiệp khác chế biến căn cứ trên thành phần gốc
do doanh nghiệp Mỹ tìm ra.
Nguyên tắc có vẻ hợp ý ấy lại đụng vào quyền lợi của xứ khác núp sau
màn khói luân lý đạo đức: phải có thuốc rẻ cho dân nghèo chứ!
Vì vậy, ngoài Nhật, hầu hết các nước đều yêu cầu Mỹ thu ngắn thời
gian khai thác từ 12 năm xuống năm bảy năm thôi. Dẫn đầu là Canada nơi
mà các doanh nghiệp dược phẩm được bảo vệ tác quyền trong tám năm, hay
Úc, có năm năm bảo vệ tư bản dược phẩm của mình.
Đấy là một trở ngại của TPP, được các nước gọi tắt là “biologic
pharmaceuticals” – dịch ra “sinh dược” chăng? Chúng ta hãy thử quên
chuyện chính trị mà nói đến cái “lô gích” của “biologic” đó.
Thí dụ như một doanh nghiệp dược phẩm Hoa Kỳ có thể mất chục năm và
trăm triệu để nghiên cứu, thử nghiệm và phát minh ra một loại thuốc mới,
rồi đệ nạp cơ quan Nông Dược FDA để xin phép phổ biến. Tiến trình đầu
tư tốn kém và lâu dài ấy cần có thời gian kiếm lời để “hoàn vốn” vì mối
lợi ấy là động lực kích thích đầu tư, sáng chế và tiến hóa. Bây giờ,
thời gian hoàn vốn đó bị thu hẹp từ 12 năm xuống dăm bảy năm và công ty
sáng chế sẽ phải cạnh tranh với loại dược phẩm gốc do mình tìm ra mà do
xứ khác phổ biến với giá rẻ hơn – vì chẳng mất tiền đầu tư về nghiên
cứu.
Nếu lên tiếng bảo vệ đặc quyền khai thác ấy, doanh nghiệp Mỹ có thể bị kết án là không thương dân nghèo của các nước khác!
Phái bộ Hoa Kỳ đang chết kẹt trong nghịch lý của kinh doanh và luân
lý đó. Chỉ cần nhượng bộ các nước về chuyện sinh dược là Hoa Kỳ tạo ra
một tiền lệ là “ở đời muôn sự của chung”. Và đánh sụt mức đầu tư trong
ngành dược phẩm.
Chúng ta đang thấy một thí dụ cụ thể mà nan giải của lý tưởng bảo vệ
quyền sở hữu trí tuệ, để từ đó suy ra nhiều hồ sơ rắc rối về nhu liệu
điện toán hay về sản phẩm của nghệ thuật giải trí. Hoa Kỳ và cả Nhật Bản
đang dẫn đầu thế giới về các ưu thế này. Khi phá bỏ hàng rào đó thì ta
sẽ có sản phẩm “đồng căn”, cùng gốc, của một quốc gia sở trường về nghệ
thuật ăn cắp. Là Trung Quốc!
Bài học kinh tế ở đây là gì? Tự do thương mại có góp phần phát triển
kinh tế. Quốc gia nào cố gắng tổ chức hệ thống kinh tế theo nguyên tắc
này đều đạt kết quả khả quan, y như cố gắng xây dựng hạ tầng cơ sở là
cầu đường cho sản xuất. Bây giờ, vì xứ khác dựng hàng rào cản trở mà ta
cũng lui về phản ứng bảo hộ mậu dịch thì chẳng khác gì về phá hỏng cầu
đường của chính mình.
Khi thấy ngần ấy nước về nhà tự phá như vậy, chúng ta không nên lạc
quan về viễn ảnh TPP trong năm 2016. Và Hà Nội đừng vội lo: hãy cứ rong
chơi trong vòng Bắc thuộc!
Nguồn: http://dainamaxtribune.blogspot.com/
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét