2015/08/22

Làm thế nào vực dậy nền giáo dục hiện nay?

Radio Chân Trời Mới phỏng vấn Thầy Phạm Minh Hoàng



Radio Chân Trời Mới (Thanh Lan): Trong một buổi hội thảo ra mắt sách Văn và Tiếng Việt lớp 6 của nhóm Cánh Buồm tại Hà Nội hôm 12/8, một lời phát biểu rất đặc biệt của một cậu bé đã được lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội. Nội dung cậu bé muốn gởi đến Bộ giáo dục Việt Nam là giáo dục Việt Nam bây giờ quá thối nát. Trong nhiều năm qua Bộ giáo dục Việt Nam đã cải tiến bao nhiêu lần mà không thay đổi được kết quả. Cậu bé yêu cầu là giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa mà giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Cậu bé nói thêm rằng nếu bây giờ các vị [Bộ giáo dục] không làm thì khi nào cậu bé trở thành Bộ trưởng Bộ giáo dục thì cậu ấy sẽ làm. Thưa thầy Phạm Minh Hoàng, là một giảng viên, ông nghĩ thế nào về câu nói này ạ?

Phạm Minh Hoàng: Câu nói này bộc lộ ra cái mà tôi tạm gọi là sự bất mãn, sự rối rắm và tụt hậu của nền giáo dục Việt Nam. Người Việt Nam mình hay nói câu là "đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ", nghĩa là miệng lưỡi của con nít chỉ biết nói thật. Chúng ta không thể đánh giá một cách chính xác và đầy đủ bởi vì bé chỉ 14 tuổi, mới học cấp 2. Nhưng theo những gì chúng ta được biết trong thời gian qua thì phải nói là trong gần 10, 15 năm trở lại đây, chúng ta thấy nhận xét của cậu bé này phản ảnh đúng sự thật của Việt Nam. Đó là một sự tụt hậu thối nát như em nói. Ở đây tôi xin được trích ra vài lời của những người tạm gọi là những cây đa cây đề của nền giáo dục Việt Nam và những người có quan chức liên quan đến giáo dục.

Người đầu tiên tôi muốn nhắc tới là Giáo sư Hoàng Tụy. Giáo sư Hoàng Tụy là một giáo sư đại học và dường như là người Việt Nam độc nhất trên thế giới có một định lý được cả thế giới công nhận về toán. Năm nay ông khoảng 85 tuổi. Giáo sư Hoàng Tụy là một người giỏi về khoa học và là người rất tâm huyết về giáo dục Việt Nam. Năm 2009 Giáo sư có viết một bài chỉ trích rất nặng nề nền giáo dục Việt Nam mang tựa đề "Cho Tôi Được Nói Thẳng". Ngoài yếu tố nước Việt Nam rất nghèo, đầu tư không đủ, trình độ không tới; nhưng nguyên nhân chủ yếu là những người quản lý không có tâm, không có tầm. Và những sai sót này càng ngày càng trầm trọng và sai từ trên xuống dưới. Trong bài viết này Giáo sư Hoàng Tụy nêu ra rất nhiều điều mà tôi không thể nói ra hết được ở đây. Giáo sư nêu ra những hiện tượng cực kỳ tiêu cực, cực kỳ xấu xa; chẳng hạn vấn đề thạc sĩ hóa 100% các công chức ở Việt Nam, cũng như mở rộng văn miếu khắc tên các chiến sĩ..., những chuyện phải nói là không ai có thể nghĩ ra người lãnh đạo có thể làm được như thế.

Người thứ hai tôi xin trích lời là Giáo sư Võ Tòng Xuân. Ông là cựu hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ. Ông nói như sau: Từ ông đến đời con ông và đến cháu ông đã ba thế hệ rồi mà ông càng lúc không còn một niềm tin nào vào nền giáo dục Việt Nam. Xin được nhắc lại, ông Võ Tòng Xuân đã có nhiều công trong chế độ này. Ông đã đóng góp rất nhiều về giáo dục, đã có nhiều bằng sáng chế về máy móc giúp đỡ cho nhà nông. Gần đây ông có viết rằng kỳ tuyển sinh của 2015 - tức cách đây chỉ hơn 1 tháng - là một kỳ tuyển sinh kỳ lạ nhất mà không tìm thấy nơi nào có ngoài đất nước Việt Nam.

Chúng ta thấy rằng các nhận xét của những người có liên quan đến nền giáo dục khá là bi quan. Tôi là người đã từng đi làm [nghề giáo] thì nhận xét của tôi cũng theo chiều hướng đó. Qua lời nhắn gởi của em bé 14 tuổi này thì chúng ta thấy xã hội ngày càng có nhiều người gióng lên tiếng báo động về nền giáo dục Việt Nam ngày càng tụt hậu và ngày càng bi quan.

Radio Chân Trời Mới: Với những kinh nghiệm cá nhân thì ông có những đề nghị gì ạ?

Phạm Minh Hoàng: Qua những năm tháng tiếp cận với môi trường giáo dục thì tôi thấy việc đầu tiên có lẽ cần làm là giảm tải học sinh của chúng ta. Chúng ta bắt con em học nhiều quá, bắt hấp thu quá nhiều kiến thức; đến khi học xong đại học thì không biết các em còn giữ được gì trong đầu. Tôi lấy một ví dụ là đến ngày hôm nay người ta vẫn than là các em không có giờ để đi chơi vì việc học của các em quá nặng; hầu như vừa đi ra khỏi trường là các em phải đến nơi khác học ngay.

Tôi đề nghị là chúng ta phải bỏ bớt những món không cần thiết. Ở tiểu học cũng như trung học chúng ta giảm giờ cho các em để các em có những sinh hoạt ngoại khóa, cũng như cho các em được ra chơi và tham dự những sinh họat khác. Một trong những sinh hoạt mà tôi cho rằng bổ ích trong lúc các em còn nhỏ là sinh hoạt hướng đạo - mà theo tôi được biết thì nhà nước bây giờ cho phục hồi lại - cho các em có dịp quen với thiên nhiên, quen với môi trường.

Ở bậc lớn hơn như đại học, chúng ta giảm tải bằng cách loại bỏ những môn cực kỳ vô ích là môn về chính trị. Hiện nay các em học 6, 7 môn về chính trị, về chủ nghĩa Mắc-Lê, đường lối cách mạng của Cộng sản, lịch sử đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những môn này cực kỳ vô ích nhưng cực kỳ quan trọng vì nếu không đậu những môn này thì các em không được ra trường. Tôi không hiểu khi ra trường thì các em sẽ dùng những môn này như thế nào cho công việc của các em trong tương lai. Chúng ta bỏ những môn này thì chúng ta có thể thay thế bằng những môn cực kỳ hữu ích như luật pháp, ngoại ngữ; và đặc biệt chúng ta có thể dạy cho các em những khái niệm về nhân quyền.

Tôi xin mở ngoặc ở đây là tôi đọc báo và theo dõi và thấy ở các nước tân tiến như Mỹ, Úc, Pháp, người ta đã dạy cho học sinh tiểu học về những khái niệm thật sự là cao, chẳng hạn như thế nào là dân chủ, nhân quyền, thế nào là bầu cử, đánh giá một nền dân chủ ra sao v.v.. Lúc họ đưa những khái niệm này vào chương trình học thì chắc chắn họ có chủ đích là hình thành trong đầu non nớt của các em: thế nào là quyền cơ bản của các em. Trong khi đó tất cả những điều này hiện nay ngay cả ở bậc đại học cũng không được dạy, cho nên các em không được trang bị những ý thức, những khái niệm cơ bản đó; chỉ có em có đủ khả, kiến thức hàn lâm.., nhưng tóm lại thì các em cũng là những con cừu, chỉ biết nghe chứ không biết làm gì cả.

Một vài môn mà tôi nghĩ cần thêm vào chương trình học của các em là những khóa học về kỹ năng mềm. Kỹ năng mềm là kỹ năng không dạy hàn lâm mà chỉ dạy thêm. Những kỹ năng này rất quan trọng, chẳng hạn như kỹ năng nói chuyện trước công chúng, kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng làm việc nhóm, kỹnăng tạo dựng và theo dõi một dự án. Đây là những kỹ năng cực kỳ quan trọng của một sinh viên hoặc kỹ sư đại học ra trường. Một kỹ năng mà chúng ta đánh giá rất là thường nhưng rất quan trọng, đó là kỹ năng sống. Chắc mọi người cũng biết là ở Việt Nam chúng ta, mỗi năm có 200 - 300 em bị chết đuối. Tại sao chúng ta không dạy các em môn đó thay vì bắt các em học những môn vô bổ về anh hùng này anh hùng nọ; trong khi các em ra đời không có những kỹ năng cơ bản để bảo vệ chính các em, chứ chưa nói gì đến những kỹ năng cao cấp hơn, như học về bảo vệ môi trường, thân thiện với môi trường v.v..

Một đề nghị khác mà tôi muốn nêu, đó là phải tập cho các em sống thật với suy nghĩ của các em. Đọc trên báo chúng ta thấy có những chuyện rất khôi hài. Muốn tả một người mẹ thì phải tả người mẹ thật là đẹp, da dẻ hồng hào, trắng trẻo v.v. Trong khi đó người mẹ của mình phải tả là người lam lũ... Nhưng nếu tả theo chân thực như vậy - người mẹ lam lũ, là khổ cực - thì điểm lại không cao; phải tả cái gì cũng đẹp.

Tôi nhớ câu chuyện về một cô giáo đưa một ngôi sao và nói các em nghĩ gì khi nhìn ngôi sao. Phần lớn các em nghĩ đến lá cờ của Việt Nam. Cô giáo bảo "Tại sao các em không nghĩ ngôi sao là những ngôi sao trên trời, ngôi sao của ngọn đèn Trung thu?". Có lẽ các em đã được hình thành từ bé, có những tư tưởng uốn nắn các em rập khuôn như thế. Chính sự rập khuôn như thế tạo cho các em một suy nghĩ là lớn lên các em không dám vượt ra khỏi cái khuôn đó; nghĩa là các em sẽ không dám nói ngược lại ý người khác, không có tư tưởng phản biện. Và không có tư tưởng phản biện thì chúng ta vẫn tiếp tục là những con cừu.

Một đề nghị khác mà tôi nghĩ cần coi lại là vấn đề thành tích. Ở Việt Nam người ta thường nói bệnh thành tích là bệnh rất nặng và làm cho giáo dục càng lúc càng đi xuống. Thành tích là lúc nào cũng muốn học sinh của mình, muốn lớp, trường, thầy cô của mình phải khá, phải tiến bộ. Vì thành tích người ta có thể sửa điểm, sửa tất cả; tập cho học sinh và giáo viên gian dối... Tôi nghĩ trên thế giới có lẽ Việt Nam là nước có tỉ lệ đậu tú tài, phổ thông trung học cao nhất, gần 99%. Có nhiều người đặt câu hỏi là nếu đậu cao như thế thì tổ chức làm gì cho mất công? Nhưng người ta vẫn phải làm, bởi vì đó là thành tích.

Đó là một số điều mà tôi xin được phép đề nghị để có thể một phần nào đó thay đổi nền giáo dục Việt Nam và cải thiện ngày một tốt hơn.

Radio Chân Trời Mới: Tại sao khi ra trường thì sinh viên không kiếm được việc làm, phải chăng nền giáo dục không đáp ứng được nhu cầu thực tế hoặc lỗi hệ thống, thưa ông?

Phạm Minh Hoàng: Với những đề nghị của tôi, với những đề nghị của Giáo sư Hoàng Tụy hoặc những nhận xét của em bé lớp 8, thì liệu sinh viên của chúng ta ra trường có kiếm được việc làm nhiều hơn hay không; điều đó tôi không thể nào chắc chắn được. Theo tôi thì việc thất nghiệp của sinh viên mới ra trường tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên tôi nghĩ cần phải thay đổi, là quan niệm về nghề nghiệp của con người Việt Nam. Người Việt Nam quan niệm có những nghề được trọng vọng trong xã hội như bác sĩ, kỹ sư; đưa đến việc phu huynh ép con mình phải học những nghề không có khả năng hoặc thậm chí không thích. Điều này không tốt. Nếu không thích thì chắc chắn tỉ lệ thất bại sẽ nhiều. Đó là chưa nói đến tình trạng tại Việt Nam hiện nay là thừa thầy mà thiếu thợ.

Theo một thông kế cho biết, 400 trường đại học tại Việt Nam hiện nay chỉ cung ứng khoảng 20% công việc trong thị trường lao động. Trong khi đó, những trường nghề mở ra được sự giúp đỡ và có sự đầu tư của nhà nước về vật chất, về trường lớp, về thầy cô; nói chung là đầu từ rất nhiều nhưng lại không có học viên. Cuối cùng thì nhiều trường đóng cửa. Trong khi đó thì xã hội rất cần... Tôi lấy ví dụ ở Dung Quất, cách đây khoảng hơn một năm thôi, lúc xây dựng họ cần rất nhiều thợ hàn có bậc cao, nghĩa là bậc 7. Họ cần những người có trình độ hàn chuyên nghiệp, tạm gọi là được thế giới công nhận. Nhưng họ đã tìm không ra; không có một người nào học nghề thợ hàn đó.

Ngoài ra có một số nghề mà xã hội đánh giá thấp, chẳng hạn như nghề đầu bếp, nghề điều dưỡng. Trong khi nếu những người này đi làm thì lương còn cao hơn kỹ sư mới ra trường rất nhiều. Kỹ sư mới ra trường bây giờ kiếm được việc làm 6 triệu đã mừng rồi. Trong khi đó chỉ với 2 năm học nghề và khoảng 6 tháng thực tập, những người thợ này họ có thể kiếm việc làm dễ dàng. Nhưng cha mẹ vẫn ép con đi học những nghề khác, khiến cho thị trường lao động ở Việt Nam có sự mất cân bằng. Tuy nhiên tôi muốn nói thêm ở đây là việc sinh viên kiếm được việc làm hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Quý thính giả và chị chắc cũng biết là trong một năm có khoảng 70 ngàn đến 80 ngàn doanh nghiệp đã bị giải thể. Chúng ta cứ lấy trung bình một doanh nghiệp có 30 người thì chúng ta có thêm 2 triệu người thấp nghiệp. Trong khi đó mỗi năm có từ 50 ngàn đến 60 ngàn cử nhân ra trường, thì chúng ta thấy là số thất nghiệp cử nhân mới không thấm đâu vào tình trạng lao động, tình trạng thất nghiệp.

Vì vậy nói đến cách giải quyết bài toán thất nghiệp tôi nghĩ phải có nhiều người, nhiều cơ quan liên hệ vào trong đó. Tôi thấy rằng để giải quyết vấn đề lao động, vấn đề thất nghiệp của sinh viên thì chúng ta phải vượt ra ngoài phạm vi của giáo dục. Người ta vẫn phê phán người Việt Nam có tư duy lũy tre làng là tư duy cốt lõi. Tôi có đọc một bài báo họ có phê bình về một số người Việt thời Liên Xô sụp đổ. Người Việt Nam trong giai đoạn đầu họ buôn bán và rất là thịnh lúc giao thời ấy; thậm chí có nhiều người Việt Nam còn mướn người Nga làm việc. Nhưng sau đó người Nga với óc sáng tạo, với tư duy thông minh đã vượt lên và trở thành những ông chủ, và chính những người chủ Việt Nam trước đây đã trở thành những người thợ của họ. Điều đó cho thấy rằng, khái niệm về thông minh, về sự cần cù cũng rất là tương đối.

Chúng ta có thể cải thiện giáo dục, cải thiện những gì tôi vừa đề cập lúc nãy..., và chúng ta còn phải làm nhiều hơn thế nữa. Chúng ta phải tạo cho các sinh viên nói riêng và con người Việt Nam nói chung, những tư duy mới. Những tư duy mới là những tư duy gì? Đó là những tư duy mà chúng ta phải tôn trọng pháp luật nói chung; chúng ta thường nói là nhà nước pháp quyền, mà ở Việt Nam có thêm "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" mà tôi không hiểu nó là cái gì. Nhà nước pháp quyền là của nhà nước mà trong đó tất cả mọi người tôn trọng luật pháp. Mọi người phải tôn trọng những phát minh, tôn trọng quyền của người khác.

Tôi còn nhớ một phát biểu gần đây của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là một kinh tế gia cao cấp của Việt Nam. Ông nói rằng để nước Việt Nam phát triển thì một trong những điều cần là chúng ta phải tôn trọng những giá trị phổ quát của nhân quyền. Chúng ta phải hội nhập không chỉ về kinh tế mà hội nhập trên đủ mọi lãnh vực. Khi chơi trong một sân chơi lớn thì chúng ta phải áp dụng luật chơi, phải tôn trọng cuộc chơi. Và một trong những luật chơi quan trọng mà chúng ta phải tôn trọng, đó là những giá trị phổ quát của con người; nói trắng ra là nhân quyền.

Tôi nghĩ rằng để vực dậy nền kinh tế, và tiếp theo đó là vực dậy nền giáo dục, tạo công ăn việc làm, thì chúng ta phải thay đổi suy nghĩ. Nhà nước và đất nước Việt Nam chúng ta phải thay đổi thành một nước thật sự một tôn trọng nhân quyền, tôn trọng những giá trị phổ quát của nhân loại. Từ đó chúng ta mới có thể xây dựng một đất nước, một xã hội tốt đẹp để có thể giải quyết mọi vấn đề, chứ không riêng vấn đề giáo dục.

Radio Chân Trời Mới: Xin cám ơn thầy Phạm Minh Hoàng.

Nguồn: Radio Chân Trời Mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét