2015/08/17
’Không để bị động, bất ngờ’: Sự níu kéo của đảng CSVN
Lê Vĩnh
“Không để bị động, bất ngờ” nói lên tình trạng đề phòng một âm mưu, một diễn biến đột xuất nào đó gây nguy hại, hoặc có thể làm thay đổi nguyên trạng. Trong những ngày vừa qua, tại các hội nghị của những cấp bộ trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), nhóm từ vừa kể đã được lập đi lập lại. Điều này cho thấy đảng CSVN đang ở trong tình trạng cảnh giác cao độ trước một tình huống không bình thường.
Chống đảo chánh nội bộ?
Vào cuối tháng 12 năm ngoái, trong buổi làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an về việc “không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước”, ông Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu ngành Công an “không để bị động, bất ngờ” đối với những sinh hoạt lập hội và các hoạt động đấu tranh đòi tự do dân chủ của quần chúng.
Lúc đó có nhiều phần ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ la hoảng chiếu lệ, vì những sinh hoạt đấu tranh của quần chúng đều nằm trong khuôn khổ đấu tranh bất bạo động, có nghĩa là đều công khai. Thí dụ, việc một số người cùng ngành nghề, hay cùng một mục tiêu đấu tranh, tập hợp với nhau bằng cách nào đó để hình thành những hội đoàn dân sự là điều, dù nhà cầm quyền biết (tức không bị động, không bất ngờ) cũng không ngăn chặn được.
Tuy nhiên, lần này thì khác, từ giữa tháng 7 đến nay, đã có một loạt những hội nghị “quán triệt, triển khai thực hiện” chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”. Những sinh hoạt này được tổ chức ở các đơn vị cấp trung ương như hội nghị cán bộ toàn quốc, Quân uỷ trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng uỷ Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, v.v...
Nội dung những sinh hoạt vừa kể, như được báo chí đăng lại, cho thấy các biện pháp đề phòng lần này là nhắm vào nội bộ đảng; với những khẩu hiệu cũ như “tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của đảng”, “đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động diễn biến hoà bình”, nhất định không “phi chính trị hoá công an, quân đội”, “công an, quân đội phải tuyệt đối trung thành với đảng”, v.v...
Tuy nhiên, nếu tình hình vẫn bình thường để những hô hào cũ như vừa nêu vẫn phù hợp thì hẳn là đảng chẳng cần phải ra chỉ thị mới rồi tổ chức hội nghị lung tung như vậy, vì nó chỉ làm đảng viên thêm giao động.
Loạt hội nghị này diễn ra sau khi xẩy ra sự thay đổi đột ngột và khuất tất các tướng lãnh cầm đầu quân khu thủ đô Hà Nội và quân khu 7 (trong đó có Sài Gòn) vào giữa lúc bộ trưởng quốc phòng, tướng Phùng Quang Thanh, được cho là đang đi chữa bệnh, ngay trước chuyến đi Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng. Từ đó có những đồn đoán về một âm mưu đảo chánh cũng như sự nghiệp chính trị của tướng Thanh đã đi đến chỗ chấm dứt.
Để thực hiện một cuộc đảo chánh, bí mật là yếu tố quan trọng nhất trong tất cả mọi khâu, từ móc nối nhân sự, lực lượng cho đến thời gian và cách thức tiến hành. Chỉ cần có dấu hiệu nghi ngờ là cuộc đảo chánh bất thành và những nhân sự liên hệ sẽ bị điều chuyển (hoặc bị giam giữ) một cách đột ngột, khuất tất, thậm chí đó chỉ là lệnh của “thủ trưởng” không nêu tên như trường hợp vừa nêu ở trên.
Nay tuy tướng Thanh đã “tái xuất hiện” sau chuyến trở về mờ mờ ảo ảo, để rồi “được” đảng cho có mặt trong hội nghị quân uỷ trung ương ở Hà Nội hôm 11/8 vừa qua, hô khẩu hiệu “không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”, cũng chẳng có gì bảo đảm đó là sự xuất hiện bình thường của ông ta, khi mà những “đối đầu nóng” trong đảng đã lên đến một mức độ nào đó khiến ngay trong nội bộ đảng phải công khai hô hào canh chừng lẫn nhau qua nhóm từ “không để bị động, bất ngờ”.
Tướng Phùng Quang Thanh sẽ còn xuất hiện trong nhiều dịp khác, có thể ông đã được Bắc Triều
chống lưng; nhưng cũng có thể ông phải đóng vai trò con rối cho đảng như tướng Võ Nguyên Giáp đã làm suốt nửa thế kỷ cho đến khi ông qua đời. Trong “Đèn Cù” nhà văn Trần Đĩnh có thuật lại một dự tính của đảng đưa cả gia đình tướng Giáp ra đày ở đảo Tuần Châu (Đèn cù tập I, chương 23, trang 268-270), thế nhưng ông vẫn đóng trọn vai trò của mình đối với đảng.
Cảnh giác tình hình mới?
Trở lại các hội nghị cao cấp trong tháng vừa qua của đảng, tuy không biết rõ “tình hình mới” trong chỉ thị của Bộ chính trị nêu trên như thế nào, nhưng với thời điểm văn bản đó được đưa ra vào ngày 22/6, tức thời gian cuối sau hơn 2 năm chuẩn bị cho chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng; người ta đoán được “tình hình mới” là những biến chuyển có thể sẽ xẩy ra trong tâm tư đảng viên và quần chúng đảng sau chuyến đi Hoa Kỳ của ông Trọng.
Mấy chục năm nay các đảng viên vẫn được hô hào phải tuyệt đối trung thành với đảng, với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, được học tập căm thù tư bản giãy chết,... nay thấy đảng ra sức vận động để ông Trọng được đến Mỹ, tên “đế quốc đầu sỏ” vẫn được coi là đầu têu cho “diễn biến hoà bình”; trong khi đó thì chính ông Nguyễn Phú Trọng cũng phải thú nhận về sự mờ mịt, hoang tưởng của chủ nghĩa xã hội, không biết sang thế kỷ sau đã đến được chưa! Trong tình trạng như vậy liệu còn đảng viên nào tin được những hô hào mà đảng từng bắt họ phải tin tưởng và trung thành?
“Tình hình mới” cũng có thể là những thay đổi sắp đến về đối tượng (thành phần cần phải đấu tranh chống lại) và đối tác (thành phần hợp tác) sau chuyến đi của ông Trọng. Bởi vậy nên trong bài viết dài (nhưng rất ít thông tin) nhân kỷ niệm 70 năm nhân ngày truyền thống công an, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng “đặc biệt, cần có tư duy mới về xác định đối tượng, đối tác”. Như thế có nghĩa là nguyên trạng sẽ bị thay đổi hay chuyển dịch. Điều mà các lực lượng đấu tranh không dại gì bỏ qua mà không khai dụng có lợi cho phong trào dân chủ.
“Tình hình mới” cũng có thể là kết quả tác động của các “thế lực thù địch, phản động, bọn cơ hội chính trị” đang cố tình gây mâu thuẫn trong nội bộ đảng, chia rẽ sự đoàn kết thống nhất giữa Đảng với Nhà nước, giữa Đảng, Nhà nước với Quân đội và Nhân dân, làm rối loạn môi trường chính trị để dễ bề thúc đẩy "tự diễn biến","tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng, như đã được ghi lại trong bài “Nâng cao hiệu quả phòng, chống thông tin xấu độc, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng”, đăng trên báo QĐND ngày 30/7. Đây là tình trạng tương tự như đảng Cộng Sản Liên Xô trước khi tan rã, được các nghiên cứu của đảng CSVN ghi chép lại để học tập và phòng chống.
Bên cạnh sự tương tự vừa kể, có lẽ cũng nên nêu ra một điểm tương tự khác về “tình hình mới”. Năm 1987 ông Gorbachev, tổng bí thư đảng cộng sản đầu tiên được tiếp tại văn phòng Bầu Dục toà Bạch Ốc (chứ không phải ông Nguyễn Phú Trọng, như ông ta đã nói dóc và được báo đảng phô trương). Trong cuộc viếng thăm đó, ông Gorbachev đã mời tổng thống Reagan thăm viếng Liên Xô đáp lễ. Bốn năm sau đảng Cộng Sản Liên Xô sụp đổ. Sự tương tự này rất có thể là “cái huông” cho đảng CSVN.
Đảng CSVN rất kinh hoàng khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Họ đã cố công nghiên cứu, học tập phòng chống hiện tượng tương tự diễn ra đối với đảng. Những hội nghị học tập quán triệt chỉ thị 46-CT/TW của bộ chính trị như vừa nêu ở trên là một nỗ lực trong việc phòng chống này. Tuy nhiên có phòng chống được hay không lại là chuyện khác, hoặc ngay cả “không bị động, bất ngờ” thì liệu rằng đảng có khả năng chống đỡ những đấu tranh ngay trong nội bộ đảng và của quần chúng hay không khi mọi điều kiện đã chín mùi?
Đảng Cộng Sản Liên Xô khi sụp đổ 20 triệu đảng viên vẫn còn đó và tất cả các chi bộ đảng vẫn nguyên vẹn. Chỉ có điều là không một đảng viên hay chi bộ đảng nào muốn chống đỡ cho sự tồn tại của đảng.
Lê Vĩnh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét