The Economist
Ngày 15 tháng Tám, 2015
Đảng Cộng Sản Trung Quốc cưỡng chế lịch sử để biện minh cho tham vọng hiện nay
Vào đầu tháng Chín này Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ duyệt binh ở một cuộc
diễn hành quân sự to lớn tại Bắc Kinh. Đây là lúc bộc lộ quyền hành rõ
nét nhất kể từ khi ông ta lên nắm quyền năm 2012. Trên chính thức thì sự
kiện này là để tưởng niệm chấm dứt thế chiến thứ hai vào năm 1945 và
tưởng nhớ 15 triệu người Hoa đã thiệt mạng trong một chương lịch sử đẫm
máu nhất: lúc Nhật Bản xâm lăng và chiếm đóng Trung Quốc trong thời gian
1937-1945.
Đây là lúc để tưởng nhớ đến sự dũng cảm của người chiến binh Trung
Quốc và vai trò then chốt của họ trong việc đối đầu với thế lực đế quốc
hung hãn tàn ác tại Á Châu. Và đáng để được đề cập. Sự hy sinh của Trung
Quốc trong thời kỳ tối tăm này xứng đáng được công nhận nhiều hơn.
Trong khoảng thời gian từ 1937 khi chiến tranh bùng nổ tại Trung Quốc và
đến cuối năm 1941 khi Hoa Kỳ khai chiến với Nhật thì Trung Quốc chiến
đấu với Nhật một mình. Đến cuối cuộc chiến thì Trung Quốc đã tổn thất
nhân mạng - cả binh sĩ và thường dân - nhiều hơn các quốc gia khác trừ
Liên Xô.
Tuy nhiên cuộc diễn hành trong tháng tới không chỉ có tưởng niệm mà
còn nhắm về tương lai nữa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tưởng niệm
chiến tranh bằng một màn quân sự thay vì một buổi lễ trang nghiêm. Các
quốc gia láng giềng sẽ không thể không thấy điều này và sẽ làm cho họ lo
lắng. Thế lực đáng lo ở Đông Á không còn là một chuỗi đảo (Nhật) của
một Thiên Hoàng mà là quốc gia có đông dân nhất dưới sự lãnh đạo một
nhân vật với ước mơ tương lai hao hao giống những khẩu hiệu đế quốc của
nước Nhật một thời. Dĩ nhiên không nên so sánh điều này một cách quá lố:
Trung Quốc không sắp sửa xâm lăng các láng giềng. Tuy nhiên có lý do để
lo ngại về cách nhìn lịch sử của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và cách bóp
nắn lịch sử để biện minh cho tham vọng đương thời.
Lịch sử với đặc tính Trung Quốc
Theo họ Tập thì lô-gích của lịch sử diễn ra như thế này. Trung Quốc
đóng vai trò quan trọng trong việc đả bại đế quốc Nhật, do đó chẳng
những Trung Quốc xứng đáng được tuyên dương cho sự dũng cảm và đau khổ
trong quá khứ, mà còn đáng được vị trí đầu đàn tại Á Châu ngày nay.
Trường học, viện bảo tàng, chương trình TV thường xuyên cảnh báo rằng kẻ
thù hung hãn vẫn còn đó bên kia mé biển, tức Nhật vẫn còn nguy hiểm.
Một nhà ngoại giao Trung Quốc từng ngụ ý thủ tướng Nhật, Shinzo Abe, là
một loại Voldemort tân thời (Voldemort là nhân vật ác độc nhất trong
loạt sách Harry Potter). Báo nhà nước hàm ý rằng bất cứ lúc nào Nhật Bản
có thể đe dọa Á Châu lần nữa và Trung Quốc cũng lần nữa sẵn sàng đối
đầu với mối đe dọa đó.
Theo chúng tôi thì cách diễn giải nói trên rất méo mó lịch sử. Trước
nhất cộng sản Trung Quốc không phải là lực lượng chính chiến đấu với
Nhật mà thật ra là lực lượng quốc gia (tức Quốc Dân Đảng) dưới quyền
Tưởng Giới Thạch. Thứ nhì, Nhật Bản ngày nay không còn nét gì giống với
phát-xít Nhật hung hãn ngày xưa.
Cứ cho là Nhật chưa hoàn toàn ăn năn hối lỗi về những lỗi lầm trong
chiến tranh của họ như nước Đức đã bày tỏ. Đến giờ này mà vẫn còn một
nhóm nhỏ người Nhật quốc gia cực đoan vẫn phủ nhận các tội ác chiến
tranh của Nhật gây ra. Tuy nhiên bảo rằng Nhật vẫn còn là một thế lực
hung hãn là một điều lố bịch. Binh sĩ Nhật chưa từng bắn một phát súng
giận dữ từ năm 1945. Nền dân chủ Nhật ăn sâu rể và họ tôn trọng nhân
quyền sâu đậm. Đa số người Nhật thừa nhận tội lỗi gây ra trong chiến
tranh. Các chính quyền liên tiếp lên tiếng xin lỗi. Nhật Bản ngày nay
dân số càng giảm, già nua, chủ hòa và vì chấn thương bởi Hiroshima và
Nagasaki, khó mà có vũ khí nguyên tử. Như thế không thể gọi là mối đe
dọa được.
Mối nguy của chuyện hù ma, nhát quỷ
Việc Trung Quốc vẻ vời Nhật thành quỷ sứ không những thái quá mà còn
có rủi ro. Chính quyền mà thổi lên những thù hằn dân tộc chủ nghĩa chưa
chắc kiểm soát nỗi nó. Cho đến nay sự tranh chấp đảo Điếu Ngư (tức Senkaku theo Nhật hoặc Diaoyu theo Trung Quốc) chỉ mới là đấu võ mồm chứ chưa đổ máu. Nhưng luôn có xác suất là tính toán sai sẽ dẫn đến hệ quả tệ hại hơn nhiều.
Những vết thương lòng của chiến tranh vẫn chưa lành. Bán đảo Triều
Tiên vẫn còn phân ly. Trung Quốc và Đài Loan còn tách bạch, ngay cả Nhật
cũng có thể được xem là còn chia cắt vì từ 1945 Hoa Kỳ vẫn tiếp tục
dùng đảo Okinawa ở phía nam để đóng trụ căn cứ quân sự trong vùng Tây
Thái Bình Dương. Eo biển Đài Loan và biên giới Bắc & Nam Hàn tiếp
tục là những điểm nóng; chúng có thể ngày nào đó bốc cháy hay không tùy
thuộc vào hành xử của Trung Quốc. Thật là ngây thơ nếu tin là Hoa Kỳ
luôn có khả năng nắm vững tình thế.
Ngược lại nhiều người Á Châu lo là tham vọng của Trung Quốc rồi sẽ
đụng đầu với cường quốc (Hoa Kỳ) và các tiểu quốc núp đằng sau cái dù an
ninh chung. Khi Trung Quốc gây hấn với Nhật trong vùng biển Đông Hải,
hoặc xây sân bay trên các đảo san hô trong vùng tranh chấp xưa đến nay ở
biển Nam Hải, mối lo đó chỉ có gia tăng. Còn có mối rủi ro là kéo Hoa
Kỳ vào các tranh chấp biển đảo và gia tăng xác xuất xung đột cuối cùng.
Đông Á thời hậu chiến không giống như Tây Âu. Không có khối NATO hay
liên hiệp Âu để ràng buộc các cựu thù lại với nhau. Pháp thống nhất một
số điều luật với nước cựu thù Đức để xúc tiến một nền hòa bình lâu dài.
Sự kiện như thế không có tương đương ở Á Châu. Đông Á do đó không ổn
định như Tây Âu: một thứ pha trộn không bền của các quốc gia giàu và
nghèo, dân chủ và độc tài, mà chẳng có đồng ý với nhau về những giá trị
chung hay lằn ranh lãnh thổ. Vì thế đừng làm lạ tại sao thiên hạ lo sợ
anh khổng lồ trong vùng, cai trị bởi một đảng không chịu phân biệt đảng
với nhà nước, bây giờ lại thổi phòng lên mình là nạn nhân lịch sử và vì
thế có nhu cầu sửa sai lịch sử.
Tốt hơn biết mấy nếu Trung Quốc mưu cầu vị trí đàn anh trong vùng
đừng dựa vào quá khứ mà dựa vào thái độ hành xử có tính cách xây dựng
ngày nay. Nếu Tập Cận Bình điều hướng Trung Quốc vào nỗ lực đa diện để
xây dựng ổn định trong vùng, ông ta sẽ cho mọi người thấy là ông đã thật
sự học được bài học lịch sử. Như thế sẽ tốt hơn nhiều chuyện tái diễn
lịch sử.
Hoàng Thuyên lược dịch
Nguồn: The Economist
Theo Radio Chân Trời Mới
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét