Người Việt
WASHINGTON, DC (NV) – Những hình ảnh mới nhất được chụp gần đây cho thấy nhiều cơ sở và có thể cả một phi đạo đang xuất hiện dần trên đảo nhân tạo Xu Bi tại quần đảo Trường Sa.
Phần đảo nhân tạo Xu Bi ở phía Tây Nam đang được xây dựng. (Hình: Digital Globe) |
Theo tạp chí thời sự chính trị The Diplomat hôm Thứ Sáu, 31 Tháng Bảy, những hình ảnh ghi nhận từ công ty phân tích không ảnh Digital Globe ngày 18 Tháng Bảy cho thấy có những khác biệt nhanh chóng so với những không ảnh chụp hồi ba tháng trước về đảo nhân tạo Xu Bi.
Bãi đá ngầm Xu Bi hình vòng cung, tên quốc tế là Subi Reef, Trung Quốc gọi là Chử Bích Tiêu.
Trung Quốc đánh chiếm vùng này của Việt Nam từ thập niên 1980.
Với chiều ngang khoảng 250 mét, phần này đủ để xây dựng một đường chạy (taxiway) cho phi cơ song song với phi đạo, tương tự như cái người ta thấy Trung Quốc xây phi đạo gần hoàn chỉnh tại đảo nhân tạo Đá Thập.
Chiều ngang của đảo nhân tạo Đá Thập (cho cả phi đạo và đường chạy) chỉ có 125 mét mà phi đạo có bề ngang 54 mét.
Người ta thấy khoảng 48 máy cẩu lớn cùng với nhiều xe xây dựng đường sá cỡ lớn đang hoạt động tại khi vực có vẻ như làm phi đạo. Xe cẩu được dùng để nện nén cát và san hô làm cho nền bên dưới thêm vững chắc.
Hình ảnh mới nhất cũng cho thấy số lượng xe vận chuyển xi măng trộn tại đảo nhân tạo Xu Bi từ 20 chiếc hồi Tháng Năm nay lên đến 34 chiếc mà người ta tin sẽ được dùng để làm phi đạo.
Giới phân tích thời sự tin rằng Trung Quốc không phải xây một mà tới ba phi trường kích thước đủ cho phi cơ quân sự cỡ lớn lên xuống tại các đảo nhân tạo đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa, một ở Đá Thập, một ở Xu Bi, và một ở Vành Khăn.
Không ảnh mới nhất giữa Tháng Bảy, 2015 có vẻ như phi đạo đang chuẩn bị xây dựng ở đảo nhân tạo Xu Bi. (Hình: Digital Globe) |
Diện tích mặt đất của đảo nhân tạo Xu Bi khoảng 2.27 km vuông, chỉ nhỏ hơn đảo nhân tạo Đá Thập phần nào (được xác định khoảng 2.65 km vuông), nhưng lại dài hơn.
Theo tạp chí The Diplomat, sự khác biệt hoạt động giữa hai đảo nhân tạo vừa nói là đảo nhân tạo Đá Thập có cảng biển khá lớn và phi đạo đang được xây dựng.
Chưa thấy cảng biển quân sự nào hiện diện rõ rệt ở đảo nhân tạo Xu Bi, nhưng các hoạt động của
đoàn tàu nạo hút cát đá ở khu vực phía Nam của đảo này gần hoàn tất việc tạo lập một vòng quây kín từ các bãi đá ngầm thiên nhiên.
Điều này được hiểu rằng khu này hình thành dần một cảng biển được bảo vệ bởi rặng đá ngầm thiên nhiên mà hoạt động hút cát đá bồi lấp ở cực Nam sẽ tạo ra cầu cảng.
Các không ảnh hoạt động của Trung Quốc tại bãi đá ngầm Vành Khăn (Mischief Reef), Trung Quốc gọi là Meiji Jiao hay Mỹ Tế Tiêu, từng được tạp chí an ninh quốc phòng Jane’s Defense đưa tin mấy tuần trước, nay đang là đảo nhân tạo có diện tích khoảng 2.42 km vuông.
Vài tháng trước đó, nơi đây chỉ là bãi đá ngầm nay hoàn toàn là đảo nhân tạo với sự hoạt động ngày đêm của đoàn tàu hút cát đá. Không ảnh cho thấy sự hiện diện của hàng đoàn xe tải, trộn xi măng hoạt động tại đây bên cạnh hàng chục chiếc xe tải chuyên ngành xây dựng khác cũng có mặt.
Với những gì nhìn thấy, giới chuyên viên cũng cho rằng, một phi đạo dài hơn 3,000 mét cũng có thể được xây dựng tại Vành Khăn trong những ngày sắp tới.
Các đảo nhân tạo Xu Bi, Vành Khăn, Chữ Thập là ba trong số bảy bãi đá ngầm ở Trường Sa được Bắc Kinh làm thành đảo nhân tạo mà nhiều người tin rằng sẽ có các căn cứ quân sự. (TN)
Nguồn: Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét