Ls. Nguyễn Văn Thân
Có 4 sự kiện quan trọng có tầm ảnh hưởng đến tương lai của đất nước
Việt Nam trong năm 2016. Thứ nhất, Đại Hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam
sẽ đưa ra một dàn lãnh đạo mới lèo lái con tàu quốc gia trong một thập
niên tới. Nếu đa số thành phần nhân sự thuộc nhóm bảo thủ, giáo điều thì
Việt Nam sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn trong thời đại hội nhập và cải
cách. Thứ hai, Tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển dự kiến sẽ ban hành
phán quyết về thẩm quyền của Tòa trong vụ kiện của Phi Luật Tân phản
đối yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Nếu câu trả lời là Tòa có
thẩm quyền thì hầu như chắc chắn Phi Luật Tân sẽ đạt được mục đích. Nếu
không thì Trung Quốc sẽ càng dạn dĩ lấn chiếm và Việt Nam sẽ là nạn nhân
đầu tiên của Trung Quốc trong ý đồ thu tóm trọn Biển Đông. Thứ ba, Quốc
hội Hoa Kỳ đã trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng Thống Obama và vậy thì
có nhiều cơ hội Hiệp ước đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương sẽ hoàn
tất trong năm nay và chính thức có hiệu lực từ đầu năm tới. Thứ tư, Cộng
đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức ra đời vào ngày 1 tháng 1 năm 2016 tạo
ra một thị trường chung. Sự kiện này mang đến nhiều cơ hội cũng như
thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập vào ngày
8/8/1967 khi ngoại trưởng 5 nước thành viên sáng lập gồm có Nam Dương,
Mã Lai, Singapore, Phi Luật Tân và Thái Lan đồng ký vào Bản Tuyên bố
ASEAN tại Bangkok. Mục đích chính thức là đẩy mạnh sự hợp tác kinh tế và
xã hội trong khu vực nhưng thực chất là để ngăn cản chủ nghĩa cộng sản
lan truyền tại Đông Nam Á trong bối cảnh của cuộc chiến tranh Việt Nam.
ASEAN thay đổi theo hoàn cảnh khi chiến tranh lạnh chấm dứt cùng với sự
sụp đổ của khối cộng sản tại Đông Âu. Brunei gia nhập vào tổ chức này
trong năm 1984. Việt Nam gia nhập trong năm 1995. Tiếp theo là Lào và
Miến Điện vào năm 1997. Khi Cam Bốt gia nhập vào năm 1999 thì giấc mơ
ASEAN như một cộng đồng khu vực thống nhất với những thành viên quốc gia
chia sẻ cùng các yếu tố địa lý, an ninh, kinh tế, văn hóa bắt đầu trở
thành hiện thực.
Từ khi thành lập, ASEAN đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Hiệp
ước thân thiện và hợp tác tại Đông Nam Á (Treaty of Amity and
Co-Operation) ra đời vào năm 1976 xác nhận nguyên tắc là các nước thành
viên sẽ giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình và không
can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Chấp thuận Hiệp ước này cũng
như các Văn bản Tuyên bố và Hiệp ước đã có là tiêu chuẩn gia nhập cho
các thành viên mới. Năm 1992, ASEAN thông qua Hiệp Định Mậu Dịch Tự Do
(ASEAN Free Trade Area) tạo khuôn khổ căn bản cho hợp tác kinh tế với
mục đích là tăng năng lực cạnh tranh qua việc tháo dỡ rào cản thuế quan
và thu hút đầu tư ngoại quốc vào thị trường của Khối ASEAN.
Diễn đàn Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum) được thành lập vào năm
1994 với mục đích là tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên ASEAN
cùng với các siêu cường quốc như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Ấn Độ,
Hàn Quốc, Úc có điều kiện thường xuyên trao đổi và hợp tác chính trị và
an ninh trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Năm 1995, Hiệp ước về
Khu vực Đông Nam Á phi Vũ khí nguyên tử được ký kết tại Bankok mà theo
đó, các quốc gia thành viên không được tìm cách phát triển, sản xuất, sở
hữu, kiểm soát hoặc lắp đặt vũ khí hạt nhân.
Năm 1997, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội, ASEAN đã thông qua
Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN tại Kualar Lumpur, định hướng mục tiêu xây dựng
một tập thể cộng đồng gắn kết, hòa bình và thịnh vượng. Năm 2002, ASEAN
ký Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông với Trung Quốc tại Phnom Penh
kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và thông
qua đàm phán giữa các bên liên hệ. Năm 2003, ASEAN ra Tuyên bố hòa hợp
ASEAN II tại Ba li, khẳng định quyết tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN trước
năm 2020 dựa trên 3 trụ cột: Cộng đồng An ninh, Cộng đồng Kinh tế và
Cộng đồng Văn hóa – Xã hội.
Năm 2005 cũng là một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của
ASEAN với sự ra đời của Hội nghị cấp cao Đông Á (East Asia Summit) tại
Kualar Lumpur. Hội Nghị này tạo điều kiện cho nguyên thủ 10 quốc gia
thành viên ASEAN cùng với các nước siêu cường gồm có Trung Quốc, Ấn Độ,
Nhật Bản, Hàn Quốc, Tân Tây Lan, Nga và Hoa Kỳ gặp mặt đối thoại thường
niên về các vấn đề chiến lược, an ninh và kinh tế trong khu vực. Năm
2007, Hiến chương ASEAN được ký và có hiệu lực từ ngày 15/12/2008 tạo cơ
sở pháp lý và tư cách pháp nhân cho ASEAN hỗ trợ mục tiêu hình thành
Cộng đồng ASEAN theo khuôn khổ của Liên minh châu Âu. Năm 2009, Ủy ban
Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền ra đời (ASEAN Intergovernmental
Commission on Human Rights).
Năm 2011, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, lãnh đạo ASEAN đã
đồng thuận rút ngắn thời hạn và thống nhất kế hoạch hình thành Cộng
đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Có nghĩa là chỉ còn vài tháng nữa thì một
thực thể cộng đồng sẽ chính thức ra đời, mở ra một chương mới trong tiến
trình phát triển của ASEAN.
Vào ngày 1/1/2016, ASEAN sẽ trở thành một thị trường chung và là cơ
sở sản xuất duy nhất có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu
tư và lao động có tay nghề. Rào cản thuế quan sẽ hoàn toàn được tháo bỏ.
Mục đích là nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư ngoại quốc
vào thị trường ASEAN, san bằng khoảng cách phát triển, gắn kết các thành
viên vào một tương lai và vận mệnh chung cũng như tạo thế đứng và sức
mạnh tập thể với các đối tác trong vùng. Không loại bỏ tiềm năng trong
tương lai xa, ASEAN có thể thống nhất thể chế chính trị và tiền tệ như
Khối liên Âu.
Về mặt kinh tế thì thị trường ASEAN bao gồm 600 triệu dân và tổng GDP
lên tới 3,000 tỷ Mỹ kim. Trong năm 2013, thương mại trong Khối ASEAN đạt
gần 610 tỷ Mỹ kim và thu hút 122 tỷ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài
(Foreign Direct Investment).
Khi Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời vào ngày 1/1/2016 sắp tới đây
thì ASEAN đã đi một chặng đường dài trong nửa thập kỷ từ khi thành lập.
Nhưng so với Khối liên Âu thì vẫn còn khá nhiều giới hạn, cụ thể nhất là
về mặt nhân quyền là nền tảng cho sự phát triển bền vững lâu dài nhưng
vẫn chưa được nhiều quốc gia thành viên ASEAN coi trọng. Các diễn đàn
ASEAN thường được ví như là những buổi lễ hội nói chuyện (talkfest). Có
nghĩa là thảo luận rất nhiều nhưng không dẫn đến hành động và kết quả cụ
thể vì không có các cơ chế điều hành và giám sát việc thực thi. Nhìn
chung thì thành phần lãnh đạo ASEAN vẫn có cái nhìn phong kiến quan liêu
về quan hệ giữa giới cai trị và dân đen, ngược với ý tưởng của một cộng
đồng là chính những người dân bình thường và tổ chức doanh nghiệp thấu
hiểu, đóng vai trò chủ động và thực thi quan hệ cộng đồng dựa trên
nguyên tắc bình đẳng và tương kính là hai yếu tố nền tảng của khái niệm
nhân quyền phổ quát.
Dù sao đi nữa, sự ra đời của Cộng đồng và thị trường chung ASEAN và nhất
là TPP sẽ kèm theo nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Doanh
nghiệp Việt Nam sẽ có một thị trường rộng lớn hơn để phát triển. Khoảng
60% dân số Việt Nam dưới 40 tuổi có thể cung cấp một lực lượng lao động
trẻ và rẻ. Thị trường của 90 triệu dân cũng là điểm thu hút cho một số
nhà đầu tư ngoại quốc.
Mặt khác, thể chế kinh tế thị trường Việt Nam chưa hoàn thiện và năng
suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á – Thái Bình
Dương. Khi thị trường mở cửa thì doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ bị
đánh bại ngay trên sân nhà. Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như
gạo, trái cây, nông sản và hải sản thuộc loại rẻ tiền. Trong khi đó,
Việt Nam phải nhập các thiết bị đắt tiền nên cán cân mậu dịch sẽ càng
thâm hụt. Cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn yếu kém với nhiều công trình
không đạt chỉ tiêu vì nạn tham nhũng bất khả trị. Hệ thống hành chính,
luật pháp của Việt Nam lại rườm rà, tốn kém và thiếu minh bạch. Bắt tay
vào cuộc chơi chạy đua kinh tế với một cơ thể bệnh hoạn có nghĩa là Việt
Nam có nhiều nguy cơ đội sổ về khả năng cạnh tranh trong khu vực. Nếu
không tiến hành cải cách mạnh mẽ và nhanh chóng thì Việt Nam có thể trở
thành một công xưởng chuyên sản xuất đồ tiêu thụ rẻ tiền và làm lao động
nô lệ cho các công ty ngoại quốc.
Nguyên nhân là thể chế độc đảng hiện nay. Chính sự thiếu vắng cạnh
tranh lành mạnh giữa các tổ chức đảng phái về các chính sách và phương
pháp quản trị và điều hành quốc gia ở thượng tầng dẫn đến năng lực cạnh
tranh yếu kém toàn diện trong nền kinh tế và xã hội. Việt Nam có một
nguồn tài nguyên quý giá mà các quốc gia khác không có là một cộng đồng
với 5 triệu người Việt hải ngoại thành công và có kỹ năng cao có thể
đóng góp kiến thức và công sức nâng cao năng lực cạnh tranh cho đất nước
trong tiến trình hội nhập. Nhưng ngày nào Việt Nam còn duy trì chế độ
độc quyền đảng trị không lấy quyền lợi dân tộc, dân quyền và nhân quyền
làm gốc thì ngày đó vẫn không thể thu hút được tài nguyên từ tập thể
người Việt hải ngoại. Có nghĩa là không thể loại bỏ nguy cơ Việt Nam trở
thành một Hy Lạp của ASEAN hoặc TPP trong tương lai gần sắp tới.
N.V.T
Nguồn: Bauxite Việt Nam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét