2015/07/04

Hoa Kỳ và TPP

Lê Vĩnh

TPP, chữ viết tắt của "Trans-Pacific Partnership", tiếng Việt gọi là "Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương" xuất phát từ một sáng kiến của ba nước nhỏ bên lề Hội Nghị APEC năm 2002 tại Mexico, được Hoa Kỳ tham gia vào năm 2008 và vận động nhiều nước khác cùng hợp tác để tiến tới chế độ tự do mậu dịch cho cả khu vực. Đến nay, TPP đã trở thành một trong những dấu ấn quan trọng nhất của tổng thống Obama ở toà Bạch Ốc, đồng thời cũng là vấn đề kinh tế gây tranh cãi ầm ỹ nhất của quốc hội Hoa Kỳ trong năm nay.

Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ đã tham gia nhiều thoả ước mậu dịch (chính xác là 14 thoả ước thương mại với 20 quốc gia). TPP có gì khác với những thoả ước mậu dịch mà Hoa Kỳ đã tham gia trước đây để trở thành dấu ấn quan trọng trong nhiệm kỳ của tổng thống Obama? Với TPP Hoa Kỳ sẽ được hưởng những lợi lộc hoặc bị thiệt thòi ra sao? Bên cạnh vấn đề giao thương, Hoa Kỳ còn muốn đạt được điều gì khác qua TPP? Và tại sao TPP lại là vấn đề kinh tế gây tranh cãi tở mở tại quốc hội Hoa Kỳ trong mấy tháng vừa qua?

TPP dưới mắt Hoa Kỳ

Một nghiên cứu về TPP của Quốc Hội Hoa Kỳ vào tháng 3/2015 cho biết, những thương thảo của Hoa Kỳ với các quốc gia thành viên TPP bao gồm nhiều vấn đề phức tạp và "nhạy cảm", đòi hỏi quyết tâm chính trị cao để đạt được. Trong 29 chương của TPP đang được thương thảo thì đến tháng 3/2015 mới chỉ có 9 chương được hoàn tất. Tuy nhiên, có triển vọng rất lớn là các cuộc đàm phán sẽ kết thúc trong năm nay.

Hiện Hoa Kỳ còn đang tiếp tục đàm phán về việc mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ và các sản phẩm nông nghiệp với các nước trong TPP, nhưng chưa là thành viên của các thoả hiệp mậu dịch (FTA) với Hoa Kỳ như: Brunei, Nhật Bản, Mã Lai, Tân Tây Lan và Vietnam. Những đàm phán này bao gồm các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, trao đổi dịch vụ, vai trò của chính phủ trong các doanh nghiệp nhà nước, đầu tư, các luật lệ về nguồn gốc hàng hoá, cạnh tranh, các vấn đề về lao động, môi sinh, v.v...Trong nhiều trường hợp, những đàm phán TPP hiện nay có mục đích gia tăng sự hữu hiệu của những luật lệ đã có trong thoả ước mậu dịch thế giới (WTO).

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng theo đuổi những tiêu chuẩn cao về lao động và môi sinh trong các đàm phán TPP. Một số những chủ đề thương thảo như công ty quốc doanh, những luật lệ về "toàn phẩm" (bao gồm nguồn gốc nguyên liệu, chuỗi dây chuyền cung cấp và sự cạnh tranh trong cả tiến trình vừa kể của một sản phẩm) có thể sẽ đặt nền tảng mới các thương thảo mậu dịch.

Đối với Hoa Kỳ, TPP là thoả ước mậu dịch mang tính chiến lược, với khối lượng hàng hoá lưu thông giữa các quốc gia thành viên lên đến 40 phần trăm tổng sản lượng toàn cầu (globlal GDP) và khoảng 1/3 khối lượng mậu dịch thế giới. Như vậy, TPP có thể sẽ là thoả ước mậu dịch lớn nhất của Hoa Kỳ từ trước đến nay. Trong năm 2014 khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Hoa Kỳ lên đến 727 tỷ mỹ kim, trong khi Hoa Kỳ nhập cảng 882 tỷ. Khi TPP có hiệu lực, các khối lượng này chắc chắn sẽ gia tăng rất nhiều.

Hiện nay, trong 11 quốc gia thành viên của TPP (ngoài Hoa Kỳ), đã có 6 nước cùng đứng chung với Hoa Kỳ trong các thoả ước mậu dịch khác. Qua TPP Hoa Kỳ cho rằng, sẽ có sự chia xẻ lớn lao về tự do mậu dịch đã có sẵn trong các quốc gia vừa kể với các nước thành viên TPP, và đó cũng là khuôn mẫu nền tảng cho các hiệp ước tự do mậu dịch sau này.

TPP- Những cái ’được’ và ’mất’ của Hoa Kỳ

Trong buổi nói chuyện với Phòng Thương Mại Fairfax vào tháng tư vừa qua, Tổng thống Obama nói rằng: "Hoa Kỳ phải nắm bắt lấy tương lai và Hoa Kỳ phải tiến vào các thị trường với những sản phẩm mà các nước khác không thể sản xuất được. Hoa Kỳ là quốc gia sáng tạo, là quốc gia tiên phong trong lãnh vực dịch vụ. Hoa Kỳ có thể tạo nên những sản phẩm mà các nước khác không làm được."
Có lẽ khó ai phủ nhận được những lợi thế tuyệt đối của Hoa Kỳ như ông Obama vừa nêu. Tuy nhiên, những ưu thế đó chẳng phát huy được bao nhiêu khi mà sở hữu trí tuệ không được bảo vệ, khi hàng rào quan thuế còn là vật cản để bảo hộ doanh nghiệp ở một số nước, khi mà sự cạnh tranh không công bằng hoặc bị nhà nước thiên vị, v.v... Khi còn nhiều rảo cản khác đối với hàng hoá và sản phẩm của Hoa Kỳ thì người ta hy vọng TPP sẽ là bước đột phá để tối thiểu hoá những cản trở và tối đa hoá các thuận lợi của Hoa Kỳ. Đương nhiên, sản phẩm của các quốc gia thành viên khác cũng vậy.

Chính vì thế mà trong TPP có những điều khoản nhằm gia tăng hiệu lực các luật lệ về bản quyền đối với dược phẩm, những sản phẩm giải trí, các hàng hoá kỹ thuật cao, những sản phẩm liên quan đến kỹ nghệ tin học cao cấp, các dịch vụ tài chánh và tin học. Một điều khoản của TPP giới hạn các quốc gia thành viên trong việc đòi hỏi những công ty internet của Hoa Kỳ phải đặt trụ sở tại nước họ để kinh doanh, đồng thời giới hạn những quốc gia ngăn cản lưu thông của internet (điều này đúng với trường hợp của VN hiện nay).

Các kinh tế gia độc lập cho rằng, với những điều khoản vừa kể, TPP sẽ đem lại những lợi thế vô cùng lớn lao cho Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý như thế. Hầu hết các nghiệp đoàn lao động lớn của Hoa Kỳ, các kỹ nghệ sản xuất mang tính truyền thống, đều kịch liệt chống đối TPP tương tự như họ đã từng phản đối toàn cầu hoá. Luận điểm của các thành phần này là các hiệp định tự do mậu dịch, tiến trình toàn cầu hoá, và nay TPP, chỉ có lợi cho thành phần giàu có. Tất cả đã và sẽ làm mất công ăn việc làm của giới lao động Hoa Kỳ, làm khoảng cách giàu nghèo ở Hoa Kỳ gia tăng nhanh chóng, làm thành phần trung lưu của Hoa Kỳ bị giảm sút lợi tức, v.v.....

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thấy cả hai bên ủng hộ và phản đối TPP đều đã mở những cuộc vận động lớn lao ở quốc hội. Không kể hơn 300 công ty tin học nhiệt liệt vận động cho TPP, tháng tư vừa qua, 30 giám đốc điều hành của nhiều công ty tin học, trong đó có những đại công ty như Cisco Systems, Oracle, AT&T,.... và giám đốc một số hãng phim, bay về Hoa Thịnh Đốn để vận động hơn 40 vị dân cử ủng hộ TPP. Ở chiều ngược lại, cũng đã có một thỉnh nguyện thư với hơn 2 triệu chữ ký để phản đối TPP.

Cũng có luận điểm cho rằng, quả thật đã có hàng triệu công ăn việc làm lương thấp "di tản" ra khỏi Hoa Kỳ và không trở lại, nhưng đổi lại thì nước Hoa Kỳ vẫn có lợi, vì người Mỹ mua được hàng hoá rẻ hơn.

Thực ra thì từ nửa thế kỷ qua những kỹ nghệ cấp thấp (low-end manufacturing) đã rời khỏi Hoa Kỳ. Mỹ chuyển sang tập trung vào các khu vực mà Hoa Kỳ nắm giữ lợi thế nhất. Trong hơn một thập niên vừa qua, những ngành kỹ nghệ cao cấp lệ thuộc nặng nề vào các sản phẩm trí tuệ, đã tạo nên sự vượt trội trong sản xuất so với các kỹ nghệ truyền thống. Thống kê từ năm 2002 đến năm 2012 của Bộ Lao Động Hoa Kỳ cho thấy, cộng chung giá trị kinh tế các phẩm giải trí của Hollywood với sản phẩm kỹ nghệ cao cấp, kể cả dược phẩm, dịch vụ cơ khí, máy móc, tin học, không gian,…. đã gia tăng đến 30% sau khi đã trừ đi lạm phát. Trong khi đó, giá trị kinh tế của các kỹ nghệ truyền thống gảm 1.1%.

Về vấn đề này giáo sư Peter Petri của trường đại học Braindeis (Massachusetts) nhận định rằng, Hoa Kỳ đã mạnh mẽ chuyển sang lãnh vực dịch vụ và tin học. Các công ty Hoa Kỳ ở Silicon Valley toàn là những công ty tin học. Vì vậy Hoa Kỳ sẽ có lợi thế không ai sánh bằng qua những luật lệ mới của TPP.

Trong một xã hội đa dạng và tự do như Hoa Kỳ thì sự phản đối hoặc ủng hộ một vấn đề nào đó là điều thường tình, mà cũng chẳng có ai bị rắc rối vì sự ủng hộ hay chống đối của họ. TPP cũng vậy, tuy nhiên theo một thăm dò của PEW vào đầu tháng 6 vừa qua thì có đến 58% dân Mỹ đứng về phía ủng hộ TPP của tổng thống Obama. Các thành phần không ủng hộ TPP cũng không vì thế mà mất ảnh hưởng của họ. Vụ tranh cãi về “cửa ải TPA” trong TPP của Hoa Kỳ cho thấy điều này.

’Cửa ải TPA’ trong TPP của Hoa Kỳ

Mặc dù Hoa Kỳ tham gia TPP từ năm 2008, nhưng phải gần hết năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất, ông Obama mới bắt đầu thúc đẩy các cuộc thương thảo TPP và dự định sẽ hoàn tất trong hai năm 2010-2011. Thế nhưng, đến tháng 6/2015, sau hơn 5 năm và 20 vòng đàm phán, TPP vướng phải trở ngại từ phía Hoa Kỳ. Đó là dự luật về thủ tục thương thuyết gọi tắt là TPA (Trade Promotion Authority).

Đạo luật TPA có từ năm 1974, qua đó Quốc hội Hoa Kỳ dành cho hành pháp rộng quyền thương thảo các hiệp định mậu dịch. Sau khi hoàn tất thương thảo thì đệ trình trọn gói cho Quốc hội phê chuẩn, thay vì cứ mỗi buớc đàm phán phải có sự kiểm soát và đồng ý của Quốc hội. TPA còn được gọi là “Fast Track”, được tái tục 5 năm một lần. Nhưng đến năm 2012 thì không được Quốc hội cho tái tục. Trong khi đó thì phía hành pháp của tổng thống Obama cần thủ tục này để mau hoàn tất việc đàm phán Hiệp ước TPP và cả Hiệp ước tương tự với Âu Châu. Nếu không vượt qua chặng TPA thì TPP coi như bị gãy đổ.

Khuynh hướng chung của đảng Cộng Hoà (Hoa Kỳ) là ủng hộ tự do giao thương, trong khi đó thì đảng Dân Chủ lại không mặn mà với tự do mậu dịch vì nhiều lý do, trong đó có những lý do đã nêu ở phần trên. Bởi vậy, trở ngại của TPA hầu hết là đến từ các nghị sĩ và dân biểu thuộc đảng Dân Chủ của ông Obama. Tuy hiện nay đảng Cộng Hoà chiếm đa số trong quốc hội Hoa Kỳ, nhưng cũng có không ít nghị sĩ và dân biểu của đảng này chống TPA, đơn giản chỉ vì họ không muốn tạo thuận lợi cho một vị Tổng thống thuộc đảng Dân Chủ. Mãi đến hạ tuần tháng 6 vừa qua, sau những cuộc vận động ráo riết của phía hành pháp cũng như của cá nhân Tổng thống Obama với các vị dân cử thuộc đảng mình - mà mấy phen ông Obama tưởng chừng như bị thua trắng tay, khiến thế giới cũng mấy phen…. chưng hửng - cuối cùng thì quốc hội cũng đã thông qua TPA để trao quyền đàm phán nhanh cho hành pháp để có thể hoàn tất TPP vào cuối năm 2015.

Mục tiêu cao hơn của Hoa Kỳ qua TPP

Hiện nay, song song với TPP do Hoa Kỳ cầm chịch, thì tại châu Á, Trung Quốc (TQ) có Hiệp ước Đối tác Kinh tế Toàn diện đang đàm phán với 15 nước Á Châu, kể cả Nhật, Ấn Độ, Nam Hàn cùng 10 nước của Hiệp hội ASEAN và Úc, New Zealand. Đồng thời Trung Quốc cũng gia tăng ảnh hưởng quân sự trên vùng biển Hoa Đông và Biển Đông của Việt Nam, tạo nên thế đối đầu với Hoa Kỳ ở châu Á.

Trước sự bành trướng thế lực của TQ, Hoa Kỳ đã có chiến lược chuyển về Châu Á, hay còn gọi là "chuyển trục", từ 5 năm trước. Nhiều người cho rằng sự "chuyển trục" của Hoa Kỳ xem ra không có nền tảng vững chắc, thì nay TPP chính là nền tảng cho chiến lược chuyển trục này. Đó là lý do tại sao Tổng thống Obama đã phải ráo riết vận động để TPP không bị thất bại.

Riêng đối với Hoa Kỳ thì do có thị trường nội địa quá lớn, Hoa Kỳ không những ít bị lệ thuộc vào ngoại thương, mà còn là nguồn sống cho những quốc gia bán hàng vào Hoa Kỳ. Cho nên quốc gia nào giao thương với Hoa Kỳ thì vừa được lợi về kinh tế nhờ xuất cảng hàng vào Hoa Kỳ, vừa dễ thành đồng minh với Hoa Kỳ. TPP đã vô hình chung tạo nên một khối "đồng minh" của Hoa Kỳ. Vì thế, trong thế cạnh tranh với Trung Quốc, TPP có lợi về cả kinh tế lẫn chiến lược cho Hoa Kỳ.
Từ trước đến nay giữa Hoa Kỳ và Nhật bản chưa hề có một hiệp định tự do mậu dịch nào. TPP đóng vai trò quan trọng trong việc thắt chặt hơn nữa mối liên hệ giữa hai quốc gia đồng minh có nền kinh tế đứng hàng đầu và hàng thứ ba thế giới này. Bên cạnh đó TPP cũng hứa hẹn sẽ đưa các quốc gia thành viên lại gần nhau hơn, đặc biệt là những nước vốn đã có những quan hệ lâu đời với Hoa Kỳ như Úc, Tân Tây Lan, Singapore. Nhờ đó "hình ảnh" của Hoa Kỳ trong khu vực "không bị lu mờ" hoặc bị "biến mất" như thỉnh thoảng bị than phiền.

Đối với TQ, TPP không chỉ là một hiệp định để Hoa Kỳ cạnh tranh thế và lực với TQ ở trong vùng, mà còn là một thực thể "viết lại" những luật lệ mới cho thế giới. Vào năm 2000, việc TQ gia nhập WTO là điều không thể tránh được, vì thế giới không thể làm ngơ để không giao thương với một quốc gia có xuất khẩu hàng đầu và nhập khẩu hàng thứ nhì thế giới. Nhưng cái giá cho TQ gia nhập WTO là làm tê liệt nhiều luật lệ giao thương quốc tế đã hình thành từ thập niên 1940 của thế kỷ trước, và đã chuyển hoá dần để thích ứng cho đến nay. Các cuộc thương lượng về tự do giao thương có TQ can dự vào đã trở thành quá khó khăn.

Tuy TQ không nói ra về sự khó chiụ của họ đối với TPP, nhưng hơn ai hết, chính TQ biết rằng TPP sẽ gián tiếp ảnh hưởng nhiều mặt đến nền kinh tế TQ, vì trong TPP có nhiều bạn hàng lớn nhất của nước này. Ít nhất các hạn ngạch thấp của TPP sẽ hấp dẫn các bạn hàng lớn của TQ, làm ảnh hưởng và suy giảm lượng giao thương của họ với TQ.

Để dành được sự ủng hộ của cả hai đảng tại quốc hội Hoa Kỳ cho TPP, tổng thống Obama đã phải đưa nhiều điều kiện khắt khe và mang tính cách ràng buộc vào các đàm phán TPP. Vì vậy, TPP với các tiêu chuẩn cao về giao thương, lao động, môi sinh,.... vẫn để ngỏ cửa cho TQ tham gia sau khi đã kiến tạo xong khung sườn luật lệ mà TQ không thể thay đổi được. Đặc biệt là TQ không thể có quyền "phủ định" (veto) trong đó.

Kết luận

Đến nay có lẽ không còn ai nghi nghề về tầm quan trọng của TPP đối với Hoa Kỳ cũng như vai trò "cầm trịch" của Hoa Kỳ trong TPP. Nhiều quốc gia bạn cũng như thù của Hoa Kỳ hẳn cũng phải " nín thở" theo dõi vụ "vượt cửa ải TPA" của Hoa Kỳ. Nay TPP có thể thẳng tiến trong 6 năm trước mặt. Như thế phải chăng Hoa Kỳ đã đóng xong vai trò của mình trong TPP? Câu trả lời là "chưa". Bên cạnh việc áp dụng, và có thể là trừng phạt, những vi phạm các thỏa thuận đã đạt được trong TPP sau này, Quốc hội Hoa Kỳ vẫn còn giữ vai trò quyết định trong việc phê chuẩn TPP. Ở bước quyết định này, CSVN vẫn nổi lên là nước duy nhất sẽ gặp nhiều rắc rối vì thành tích nhân quyền tồi tệ của mình.

Nếu không được đa số ủng hộ ở Hạ viện hoặc chỉ cần 1 thành viên trong Thượng viện chặn lại thì Việt Nam cũng không vào được TPP. Tháng 7 năm ngoái đã có khoảng từ 250-260 dân biểu không đồng ý cho Việt Nam vào TPP nếu như không có những cải thiện căn bản về nhân quyền. Tại Thượng viện cũng có một số thượng nghị sĩ kể cả Chủ tịch Tiểu ban đặc trách Châu Á-Thái Bình Dương đã tuyên bố thẳng thừng rằng không muốn cứu xét cho Việt Nam vào TPP nếu Việt Nam không cải thiện đáng kể về nhân quyền.

- - -

Tài liệu tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét