Tác giả: Shawn W. Crispin - The Diplomat
Người dịch: Trần Văn Minh
10-07-2015
Chuyến đi mới đây không quan trọng như một số người mô tả.
Phải chăng chuyến thăm ngoại giao của ông Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo
tối cao của Việt Nam, tới Washington, trong đó có một cuộc gặp tại Tòa
Bạch Ốc với Tổng thống Barack Obama, quan trọng như đã được tường thuật?
Những cái tít đã đồng loạt tung hô chuyến viếng thăm của ông Trọng,
người đứng đầu đảng Cộng sản lần đẩu tiên đến Hoa Kỳ, như là một cái mốc
lịch sử làm sâu sắc hơn sự hòa giải và phát triển mối quan hệ giữa hai
kẻ từng là đối thủ trận địa.
Tuy nhiên, ngoài những chi tiết ngoại giao, ông Trọng trở về Hà Nội
với vài nhượng bộ quân sự quan trọng ở thời điểm nhu cầu chiến lược cấp
bách, gồm sự thiếu tiến triển trong việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ
khí sát thương trong nhiều thập niên qua của Washington, đặt ra cho chế
độ cộng sản Việt Nam với thành tích nhân quyền kém cỏi. Obama nới lỏng
lệnh cấm năm ngoái, cho phép Việt Nam tiếp cận trang thiết bị hàng hải
không sát thương mà cho đến nay chỉ có tác dụng rất ít trong việc kiềm
chế sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nhà
phân tích dự kiến việc dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương sẽ được làm nổi
bật trong chương trình nghị sự và có thể thậm chí được công bố trong
chuyến thăm cấp cao của ông Trọng.
Thay vào đó, các thỏa thuận đạt được từ cuộc họp là làm gia tăng
‘quan hệ đối tác toàn diện’ đa phần mang tính tượng trưng được khởi
xướng vào năm 2013. Theo một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, hai nhà lãnh đạo
đã đạt được thỏa thuận cụ thể về tránh đánh thuế hai lần, hợp tác về các
mối đe dọa đại dịch, an toàn hàng không và giáo dục. Họ cũng cam kết
hợp tác trong nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu, bao gồm thiên tai, nạn
buôn bán động vật hoang dã và bảo vệ nguồn nước, và làm việc hướng tới
hoàn tất Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương càng sớm càng tốt.
Về mặt quân sự, hai bên đồng thuận với bản ghi nhớ mở đường hợp tác
cho sự tham gia của Việt Nam trong tương lai vào các hoạt động gìn giữ
hòa bình của Liên hiệp quốc. Được hiểu là bản ghi nhớ sẽ dẫn tới những
huấn luyện nhân quyền cho người lính Việt Nam. Báo The New York Times
cũng tường thuật các thỏa thuận mơ hồ về “đồng sản xuất” công nghệ và
thiết bị quốc phòng chưa được tiết lộ, cũng như các hoạt động hải quân
chung sâu rộng hơn nữa. Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cho biết, hai bên đang
lo ngại về diễn biến gần đây ở Biển Đông, nhưng nhận thấy sự cần thiết
phải “kiềm chế những hành động gây căng thẳng” và chống lại hành động
“ép buộc, đe dọa, và sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.
Các thỏa thuận quốc phòng được công bố trong chuyến thăm của ông
Trọng sẽ không đẩy mạnh đáng kể khả năng triển khai sức mạnh hoặc răn đe
của Việt Nam trong bối cảnh các tranh chấp lãnh hải đang gia tăng với
Trung Quốc. Công cuộc xây dựng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, nếu phát
triển thành căn cứ quân sự với các phi đạo, sẽ tiêu biểu cho mối đe dọa
cấp thời và rõ ràng cho vị trí chiến lược của Việt Nam. Trong một hành
động khiêu khích có tính toán, Trung Quốc lại triển khai hồi cuối tháng
Sáu dàn khoan dầu HD 981 tại vùng biển mà cả Bắc Kinh và Hà Nội tuyên bố
chủ quyền. Một sự điều động tương tự như của giàn khoan này hồi năm
ngoái đã dẫn đến các cuộc đụng độ trên biển và các cuộc bạo động chống
Trung Quốc gây chết người ở Việt Nam.
Được biết, Hà Nội ước muốn có máy bay do thám P-3 Orion do Mỹ sản
xuất, máy bay vô tuyến và tàu tuần tra cao tốc được trang bị súng ống để
đối phó với Trung Quốc – tất cả những thứ này vẫn còn bị cấm bán theo
lệnh cấm vận vũ khí hiện nay. Một bài báo gần đây của Reuters trích dẫn
“nguồn tin công nghiệp” cho biết, Việt Nam đã thảo luận với bộ phận quốc
phòng của hãng Saab của Thụy Điển, Airbus của Âu Châu và Boeing của Mỹ
để mua máy bay phản lực, máy bay tuần tra và máy bay vô tuyến dân sự.
Ông Trọng đã chứng kiến chiếc máy bay thương mại Boeing Dreamliner 787
được giao cho Việt Nam trong chuyến thăm Washington của ông; Airbus vừa
công bố kế hoạch thành lập các nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Duy trì lệnh cấm vận một phần là câu trả lời cho hồ sơ nhân quyền vẫn
còn tệ hại của Hà Nội. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, một nhóm vận động
có trụ sở tại Mỹ, cho biết, có ít nhất 150 tù chính trị hiện đang bị
giam cầm. Nhiều người trong số những nhà hoạt động bị kết án về tội
chống phá nhà nước do biểu tình chống sự xâm lấn lãnh thổ của Trung Quốc
hoặc các thủ thuật kinh doanh bóc lột. Obama nói với các phóng viên,
ông đã thảo luận “thẳng thắn” với ông Trọng về các vấn đề nhân quyền,
nhưng không có dấu hiệu của một bước đột phá. Trong nhiều năm qua, hai
bên thường xuyên tham gia vào các cuộc đối thoại nhân quyền, phần nhiều
là không có hiệu quả. Các quan chức Việt Nam vẫn liên tục khẳng định họ
không có tù nhân lương tâm.
Một số báo cáo mô tả sự phóng thích luật sư nhân quyền được Hoa Kỳ
đào tạo, ông Lê Quốc Quân, vào cuối tháng Sáu để chiều lòng Washington,
nhưng nhà hoạt động đã chịu đủ bản án 30 tháng của ông. Việc phóng thích
trước thời hạn nhà hoạt động chống Trung Quốc Nguyễn Văn Hải, một
blogger nổi tiếng, được biết với tên Điếu Cày, hồi tháng Mười năm ngoái,
đã được một số nhà phân tích xem như một sự trao đổi đáp ứng với việc
tiếp cận tàu tuần tra biển của Mỹ. Obama đã công khai kêu gọi trả tự do
cho blogger độc lập này và tiếp đón ông ấy tại Tòa Bạch Ốc sau khi ông
được phóng thích và sang Mỹ sống lưu vong.
Cuộc gặp giữa hai ông Obama-Trọng cũng không làm tiến triển thêm lời
kêu gọi của Mỹ để có sự tiếp cận ưu đãi đối với cảng biển nước sâu Vịnh
Cam Ranh của Việt Nam. Reuters đưa tin hồi tháng Ba rằng Washington đã
yêu cầu Hà Nội ngừng cho Nga sử dụng cơ sở chiến lược quan trọng sau khi
máy bay ném bom của Nga đã sử dụng nó để tiếp nhiên liệu trong khi bay
vòng quanh một căn cứ không quân của Mỹ trên đảo Guam. Phù hợp với chính
sách “ba không”, không liên minh với nước ngoài, không cho nước ngoài
đặt căn cứ hoặc không dựa vào nước này để chống nước kia, được nhiều
người xem như là sự nhượng bộ Trung Quốc, Việt Nam đã từ chối yêu cầu
nhiều lần của Mỹ về quyền sử dụng ưu đãi của nước ngoài đối với cơ sở
này, theo tin tức.
Với lệnh cấm vận của Mỹ vẫn nằm yên tại chỗ, Việt Nam sẽ phải tiếp
tục dựa vào đồng minh Nga thời Chiến tranh Lạnh để phòng thủ ngăn chặn.
Tuần trước chuyến thăm của ông Trọng đến Washington, Hà Nội đã tiếp nhận
tại Vịnh Cam Ranh tàu ngầm thứ tư do Nga chế tạo, loại Kilo tân tiến,
có thể trang bị tên lửa, được thiết kế để chống tàu ngầm và chống tàu
trên mặt nước. Việt Nam sẽ cho vận hành sáu chiếc tàu ngầm chạy bằng
điện và dầu diesel vào cuối năm nay, trở thành nước có đội tàu tiên tiến
nhất Đông Nam Á. Trong khi Việt Nam có thể mong muốn nâng cấp thiết bị
từ Nga sang Mỹ, chuyến viếng thăm mang tính biểu tượng của ông Trọng làm
nổi bật những trở ngại lớn, đang cản trở mối quan hệ chiến lược toàn
diện.
Nguồn: Ba Sàm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét