2015/07/17

Dân Nhật Biểu Tình Lớn Chống Sửa Đổi Điều 9 Hiến Pháp

Ngô Văn


Sau hàng chục cuộc thảo luận kéo dài trên 116 tiếng đồng hồ về việc sửa đổi một số điều khoản trong điều 9 Hiến pháp tại Quốc hội Nhật; nhưng vẫn chưa đạt sự thỏa thuận giữa chính quyền liên hiệp và các đảng đối lập.
Ngày 13 tháng 7 vừa qua, trong cuộc họp báo của ông Tanigaki, Tổng thư ký đảng Tự do Dân chủ (Tự Dân), cho biết là trong phiên thảo luận sắp tới vào 2 ngày nữa, tức 15/7 thì Ủy ban An ninh & Hòa bình thuộc Hạ viện, các dân biểu thuộc hai đảng cầm quyền Tự Dân-Công Minh sẽ bỏ phiếu cho thông qua việc sửa đổi điều 9 Hiến pháp để đem ra biểu quyết trong phiên họp khoáng đại Quốc hội.
Khi biết được tin này, lập tức các tổ chức, hội đoàn và nhiều người dân Nhật đã kêu gọi tham gia cuộc biểu tình phản đối trước tiền đình Quốc hội và dinh Thủ tướng. Lúc cao điểm số người biểu tình lên đến 6 vạn người, còn bên trong phòng họp Quốc hội thì các đảng đối lập đứng lên la hét và dương cao các tấm bảng phản đối, nhưng vì số phiếu của hai đảng cầm quyền chiếm đa số nên việc sửa đối điều 9 Hiến pháp được thông qua.

Tại phiên khoáng đại Quốc hội ngày 16/07 pháp án này cũng được biểu quyết thông qua bằng số phiếu thuận của các dân biểu hai đảng cầm quyền cộng thêm 2 phiếu của đảng đối lập Jisedai, còn các đảng đối lập khác tẩy chay không vào họp. Số Pháp án này sẽ được chuyển sang Thượng viện để phê chuẩn mà tại Thượng viện số ghế của hai đảng cầm quyền cũng trên quá bán nên việc thông qua chỉ là vấn đề thời gian.

Kể từ ngày thua trận trong Thế Chiến II, đây là lần đầu tiên một nội các Nhật được sử dụng quyền ‘’Tự vệ tập thể’’, nghĩa là cho phép tự vệ đội Nhật được nổ súng yểm trợ đồng minh trong lúc tuần tra hỗn hợp khi quân bạn bị địch tấn công ở trong cũng như ngoài lãnh thổ Nhật.

Về phía chống đối thì cho đây là một đạo luật ‘’chiến tranh’’ nên phản đối đến cùng và Bắc Kinh đã lợi dụng điều này để lên tiếng chỉ trích nặng nề chính quyền Thủ tướng Abe muốn trở lại thời đại quân phiệt. Đặc biệt Bắc Kinh tạm thời ra lịnh cho các tàu bè, máy bay của họ tránh xa quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) để tạo ấn tượng cho người dân Nhật thấy ông Abe là người diều hâu, thích chiến tranh.

Trong khi đó, những người khởi xướng cuộc biểu tình ở Nhật chỉ đưa ra một lập luận duy nhất là phản đối chiến tranh, muốn duy trì tình trạng hòa bình như hiện nay chứ không đề cập gì đến chuyện Trung quốc luôn xâm phạm không phận, lãnh hải để mong chiếm đoạt quần đảo Senkaku của Nhật. Khi được hỏi với tình trạng như hiện nay thì làm sao bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ trước sự xâm lược của Trung quốc thì những người phản đối chỉ trả lời rằng có nhiều cách giải quyết chứ không cần phải sửa đổi điều 9 Hiến pháp, nhưng cách nào thì không giải thích hoặc giải thích rất hời hợt cho qua chuyện.

Về phần Thủ tướng Abe, tuy cố gắng giải thích rằng Nhật cần phải thích nghi với môi trường an ninh đang thay đổi ở vùng châu Á-Thái bình dương và dẫn chứng các dữ kiện thực tế cho thấy sự vẹn toàn lãnh thổ của Nhật đang bị đe dọa; nhưng đang bị mất dần sự ủng hộ của người dân từ 43% xuống còn 39%.

Theo các bình luận gia thì bất cứ một Thủ tướng Nhật nào nếu muốn sửa đổi điều 9 Hiến pháp đều bị người dân phản đối vì nó đe dọa “không khí chiến tranh”. Cái dở của ông Abe là trong chuyến công du Hoa Kỳ vào cuối tháng 4 vừa qua, khi nói chuyện trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ, đã hứa rằng trong năm 2015 Nhật sẽ sửa đổi điều 9 Hiến pháp khiến cho người ta có ấn tượng là Thủ tướng Abe phải làm theo yêu cầu của Washington hơn là nguyện vọng chung của dân Nhật, trong lúc vấn đề sửa đổi này đang thảo luận sôi nổi tại Quốc hội Nhật hay trên các diễn đàn.

Sau Thế Chiến Thứ II, dân Nhật đã có một thời gian dài sống trong hòa bình, dưới điều 9 Hiến pháp, để quên đi những hãi hùng gây ra bởi quân đội Thiên Hoàng.

Cũng dưới điều 9 Hiến pháp, tuy quân đội được tái lập nhưng chỉ mang danh nghĩa là lực lưọng tự vệ và không được có bất cứ hoạt động quân sự nào nằm ngoài lãnh thổ của Nhật Bản. Nói cách khác, là chính phủ Nhật không được gửi quân đội của mình đi ra khỏi nước.

Do đó, nếu không tu sửa điều 9, việc ông Abe đưa lực lượng hải quân hợp tác với Hoa Kỳ và các quốc gia khối ASEAN tuần tra trên biển Đông sẽ trở nên vi hiến.

Những cuộc biểu tình chống đối nội các ông Abe chắc chắn sẽ kéo dài và lên cao điểm vào giữa tháng 8 năm nay khi Nhật tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân bị hai quả bom nguyên tử của Hoa Kỳ thả xuống Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945.

Nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ khai thác biến cố này để kích lên làn sóng chống Nhật và nhất là tố cáo chính quyền Abe đang tìm cách phá vỡ nguyên trạng hòa bình, hầu đánh lạc hướng dư luận về sự bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông.

Do đó chính quyền Abe một mặt phải giải thích cho người dân hiểu rõ ý hướng của chính quyền trong việc sửa điều 9 Hiến pháp, một mặt khác là phải đối đầu những kích động từ phía Trung Quốc để có thể hợp tác với Hoa Kỳ và ASEAN tuần tra, bảo vệ hòa bình trên Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét