2015/07/30

Biển Đông: Vì sao Bắc Kinh lại sợ phán quyết của tòa án quốc tế?

RFI - Trọng Nghĩa

Phái đoàn Philippines trong phiên điều trần Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc La Haye (Den Haag) - DR

Ngay từ khi Philippines khởi động vụ kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc cách nay hai năm rưỡi, Bắc Kinh luôn luôn tuyên bố không tham gia tranh tụng, cũng như không chấp nhận phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, lập trường cứng rắn được lập đi lập lại đó phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng trước khả năng tòa án trọng tài phán quyết bất lợi cho Trung Quốc.

Phải nói là trong tháng Bảy 2015, vụ kiện Trung Quốc đã chuyển qua một giai đoạn thiết yếu, với việc Toà án Trọng tài Thường trực tại La Haye (Hà Lan) mở phiên điều trần đầu tiên, kéo dài một tuần lễ để nghe bên nguyên đơn là Philippines trình bày lập luận của mình. Trung Quốc không tham dự vì đã từ chối tham gia vụ kiện.
 Tuy nhiên, vào cuối phiên điều trần hôm 13/07/2015, Tòa án Thường trực đã ra thông cáo xác định rằng mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia tranh tụng, nhưng Tòa án cho rằng các thông tin được Bắc Kinh công bố có hiệu lực như một lời «biện hộ» cho quan điểm của Trung Quốc theo đó đơn kiện của Philippines không nằm trong thẩm quyền xét xử của tòa án.

Trên cơ sở đó, Tòa án cho biết sẽ sớm phán quyết về thẩm quyền thụ lý vụ kiện của mình, và trong mọi trường hợp, không muộn hơn cuối năm 2015.

Thông cáo trên đây của Tòa án La Haye đã khiến Trung Quốc hết sức tức tối. Ngay hôm sau, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tái khẳng định rằng: «Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ giải pháp áp đặt nào hay một cách xử lý do một bên thứ ba đơn phương ấn định».
Bất chấp các tuyên bố lập trường của Trung Quốc, ngày 21/07 vừa qua, trong một phát biểu được đánh giá là rất quan trọng vì thể hiện thái độ can dự tích cực của Mỹ vào hồ sơ Biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách châu Á Daniel Russel đã cho rằng nếu Tòa án La Haye tuyên bố có thẩm quyền thụ lý vụ kiện của Philippines, rồi sau đó ra phán quyết về vụ kiện, thì: «Cả Philippines lẫn Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ tất cả các điều đã được quyết định… dù muốn hay không muốn».

Tuyên bố của ông Russel rõ ràng là đã làm cho Trung Quốc tức tối. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã tố cáo Mỹ hành xử như «một trọng tài đứng bên ngoài tòa án» và định hướng cho các thẩm phán.

Theo ông Tần Gia Thông (Frank Ching), một nhà báo kỳ cựu tại Hồng Kông chuyên theo dõi vấn đề Trung Quốc, thì các phản ứng trên đây là dấu hiệu phản ánh thái độ quan ngại của Bắc Kinh trước các phán quyết của tòa án.

Trước hết, nếu tòa án cho rằng đường lưỡi bò mà Bắc Kinh dùng để khẳng định chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế, thì Trung Quốc sẽ bị đẩy vào một tình thế rất khó chịu.

Nếu duy trì lập trường từng được nhắc đi nhắc lại là không tuân thủ phán quyết, Bắc Kinh sẽ bị lên án là một kẻ coi thường luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, các nước khác, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, sẽ có hậu thuẫn pháp lý quốc tế để đẩy mạnh việc khai thác những khu vực được Tòa án cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình, bất chấp cái gọi là «chủ quyền lịch sử» của Trung Quốc.

Và nếu Bắc Kinh tìm cách sử dụng vũ lực để áp đặt yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ, sẽ được luật pháp bảo vệ khi phản đối các hành động của Trung Quốc.
Và đấy sẽ là trường hợp cho thấy rõ ý nghĩa quan trọng của tuyên bố của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel ngày 21/07 khi ông xác định rằng Hoa Kỳ «sẽ không trung lập khi nói đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế», và sẵn sàng «hành động mạnh mẽ khi việc tuân thủ luật lệ được đặt ra».

 Nguồn: RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét