2015/07/06

Bang Giao Việt Mỹ và Vấn đề Dân Chủ Nhân Quyền Tại Việt Nam

Đỗ Đăng Liêu

"Peaceful Evolution" (dịch qua tiếng Việt là "Diễn biến hoà bình") là một khái niệm do ông Foster Dulles, nguyên Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, đưa ra vào thời Chiến Tranh Lạnh, và được hiểu là bao gồm những nỗ lực của Hoa Kỳ để tạo sự chuyển hoá hệ thống xã hội chủ nghiã ở Trung Quốc bằng những phương cách hoà bình.

Cộng Sản Việt Nam cho rằng Hoa Kỳ áp dụng diễn biến hoà bình ở Việt Nam.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam thì "Diễn biến hòa bình là một trong những chiến lược có ý nghĩa và phạm vi toàn cầu của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động được hình thành từ những năm cuối thập kỷ 40 đầu thập kỷ 50 và hoàn chỉnh ở thập kỷ 80 của thế kỷ XX nhằm chống phá các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào độc lập dân tộc và phong trào cách mạng tiến bộ trên thế giới."

Theo định nghĩa của Từ điển Bách Khoa Thư thì "diễn biến hòa bình" là chiến lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế, được thực hiện dưới một phương thức, thủ đoạn mới để chống phá, đẩy lùi và đi đến xoá bỏ chủ nghĩa xã hội. Đối tượng của chiến lược Diễn biến hòa bình là các nước có khuynh hướng phát triển phi tư bản chủ nghĩa. Phương thức và thủ đoạn chủ yếu là tạo dựng và thúc đẩy những nhân tố phản động, chống đối từ bên trong, đẩy đối phương vào khủng hoảng toàn diện, từng bước chuyển hoá chế độ chính trị theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa hoặc bị chính các thế lực chống đối dùng bạo lực lật đổ.

"Chủ nghiã đế quốc" ở đây hẳn nhiên là để ám chỉ Hoa Kỳ.

Diễn biến hoà bình là nỗi ám ảnh đối với các lãnh đạo cộng sản Việt Nam, ngày một lớn hơn.
Có người đã nhận định là "Diễn biến hòa bình như một thanh thượng phương bảo kiếm đã từ lâu treo lơ lửng trên đầu các lãnh đạo CSVN. Thật vậy, nó là một nỗi ám ảnh gây hoang mang sợ hãi, như chực chờ trừng phạt những kẻ mà mỗi ngày tạo thêm nhiều tội lỗi gian manh, yếu hèn."
Theo CSVN, mục tiêu của diễn biến hòa bình tập trung ở 3 khía cạnh:

Về hệ tư tưởng: Tuyên truyền, phủ định, xóa bỏ chủ nghĩa Mác Lê và "tư tưởng Hồ Chí Minh".
Về định hướng phát triển: Xóa bỏ chủ nghĩa xã hội.
Về thể chế pháp luật: Xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp, thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện đa nguyên, đa đảng.


Trong những năm gần đây, với những chuyển biến tư tưởng của một số đảng viên cộng sản theo hướng đổi mới, CSVN lại mang thêm một nỗi ám ảnh cận kề hơn là tình trạng "tự diễn biến hoà bình", tức là diễn biến hoà bình ngay trong nội bộ của Đảng CSVN.

Ông Nguyễn Trung cựu đại sứ của VN cũng đã nhiều lần trăn trở và lo âu cho số phận của đảng CSVN trước thềm Đại hội XI nên ông viết một bài góp ý dài 60 trang và trong đó phần thứ III nói về “Đảng tự diễn biến hòa bình”, có đoạn ông viết: “Tính tiền phong chiến đấu trong toàn đảng bị đẩy lùi từng bước và hôm nay đang bị tha hóa lấn át?…Sự lựa chọn này của quyền lực trong đảng thực chất là sự giảm sút chất lượng chính trị của đảng, nói lên đảng đang tự diễn biến hòa bình?! Lúc này đảng đang trên đỉnh cao nhất của quyền lực, song cũng là lúc đảng yếu nhất, có nhiều yếu kém hư hỏng nhất về mọi mặt, giữa lúc chưa bao giờ công sức và thời gian được bỏ ra cho xây dựng đảng như ngày nay”. (1)

Giáo sư Lê Nhân, trong một bức thư (đề ngày 8-1-2006) gửi hai học trò cũ Nguyễn khoa Điềm và Nguyễn phú Trọng đã viết như sau: “Đảng của chúng mày là cái đảng gì mà đểu giả khốn nạn, lưu manh phản động, mà căm thù con người, muốn hủy diệt dân tộc và nhân loại như thế hi bọn quỷ vương mang mặt người do con hồ ly tinh đào tạo kia?(Người Việt ngày 10-1-2006).

Những nhận định phát xuất từ những đảng viên cộng sản kỳ cựu, những "lão thành cách mạng" như trên ngày càng nhiều, chứng tỏ sự lo sợ diễn biến hoà bình là rất thực vì tác động làm cho Đảng tan vỡ mà người CSVN lo sợ không phải là đến từ bên ngoài mà chính là từ trong nội bộ Đảng.

Nếu đem đối chiếu điều mà CSVN lo sợ nhất là sự tan vỡ của Đảng mà nguy cơ chính yếu mà họ lo sợ nhất là diễn biến hoà bình lại do chính Hoa Kỳ khởi xướng, và nỗ lực sáp lại gần Hoa Kỳ của CSVN trong 2 thập niên qua người ta tự hỏi phải chăng có một sự nghịch lý.

Trong suốt 20 năm qua, chỉ vì muốn sáp lại gần Hoa Kỳ nói riêng, và với thế giới tự do Tây phương nói chung, để đạt được những quyền lợi vật chất cần thiết cho sự tồn tại của họ, CSVN đã phải trả giá rất đắt, từ những sỉ nhục về mặt ngoại giao trên trường quốc tế, đến những nhượng bộ chiến lược có khả năng tác động lên sự sống còn của Đảng CSVN như buộc phải nới lỏng vòng xích trói buộc phong trào dân chủ và mất đi khả năng thống trị và đàn áp tuyệt đối - là vũ khí tối cần thiết để duy trì chế độ - mà họ từng có trước đây.

Phong trào dân chủ trong và ngoài nước đã biết đánh vào nhược điểm của CSVN. Tự do, dân chủ, nhân quyền là những chủ điểm mà phong trào dân chủ VN đã khéo léo buộc CSVN phải trả giá nếu muốn đạt được những quyền lợi họ muốn từ thế giới Tây phương. Từ đó, hầu như tất cả những nỗ lực của CSVN để mong đạt được những mục tiêu như gia nhập tổ chức WTO, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, TPP … cũng như trong tất cả những sự xuất hiện trên các diễn đàn quốc tế CSVN luôn luôn bị đối phó với những áp lực nhân quyền từ các quốc gia trên thế giới do sự vận động của phong trào dân chủ VN. Nhân quyền hầu như đã trở thành một điều kiện tất yếu từ các quốc gia Tây phương bắt buộc CSVN phải thực hiện trong mọi tài trợ cho VN.

Câu hỏi đặt ra là tại sao CSVN, hay nói chính xác hơn là có xu hướng trong Đảng CSVN, lại chọn đi gần lại với Hoa Kỳ, vừa là cựu thù, vừa là tác giả của nguy cơ to lớn nhất đối với họ?

Thật sự CSVN không còn chọn lựa nào khác. Và nếu sự chọn lựa hiện nay của CSVN chưa dứt khoát là vì xu hướng bảo thủ, tức là tiếp tục bám víu vào xã hội chủ nghiã (mà đến cả đương kim Tổng Bí Thư cũng đã phải nói là gần như vô tưởng) và bám víu vào đàn anh Trung Cộng (một điểm tựa ngày càng tỏ ra quỷ quyệt và nguy hiểm), vẫn còn sức mạnh nhất định tới một mức nào đó (tuy rằng sẽ không còn lâu nữa) để cản trở những nỗ lực thay đổi.

Hẳn nhiên là việc CSVN đi gần với Hoa Kỳ sẽ rất có lợi cho phong trào dân chủ VN. CSVN càng gần Hoa Kỳ thì phong trào dân chủ càng có nhiều cơ hội để buộc chặt nhân quyền và tự do dân chủ vào những mục tiêu của CSVN, và từ đó nới lỏng vòng xích đàn áp, nới rộng các quyền tự do dân chủ ở trong nước, tạo bàn đạp dẫn đến sinh hoạt chính trị đa nguyên là bước cần thiết để tiến đến những mục tiêu xa hơn nữa./.

— -

(1) Tham khảo: Đại Nghĩa - http://www.danchimviet.com/archives/15672

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét