Thanh Thảo thực hiện
Ngày 22 tháng 6 vừa qua, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ quốc phòng CSVN đã trả lời cuộc phỏng vấn của báo Dân Trí liên quan đến thế đứng của Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tướng Vịnh cho rằng để tranh thủ sự ủng hộ, Việt Nam không ngã theo nước lớn nào để tránh bị các nước lớn thỏa hiệp trên lưng. Tướng Vịnh còn khẳng định rằng “không có hòa bình nếu đứng hẳn về một bên”.
Những phát biểu của Tướng Vịnh nói trên đi từ chính sách ba không mà CSVN đã đưa ra từ trước, theo đường lối ngoại giao đu dây giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn hiện nay. Đây có phải là đường lối khôn ngoan hay là đường lối của kẻ yếu khi mà vấn đề Biển Đông càng ngày càng bất ổn do Trung Quốc gây ra, đe dọa không chỉ cho chủ quyền của Việt Nam mà còn đe dọa sự an toàn hàng hải của thế giới? Để tìm hiểu vấn đề này, xin mời quý thính giả theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân, trong chương trình phát thanh hôm nay.
Thanh Thảo: Trước tình hình căng thẳng tại biển Đông hiện nay, mặc dù CSVN đã có những tiếp xúc khá gần hơn với Hoa Kỳ như ký một văn kiện “tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng giữa Hoa Kỳ và CSVN” nhân chuyến viếng thăm VN của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter hôm đầu tháng 6/2015, nhưng mới đây Tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu rằng, Việt Nam không đứng hẳn về phía nào, điều này mang ý nghĩa gì thưa ông?
Lý Thái Hùng: Mới đây trong một trả lời phỏng vấn của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Tướng
Nguyễn Chí Vịnh nói rõ là sự hợp tác quốc phòng Việt Mỹ dựa trên niềm tin để xây dựng một đối
tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, tướng Vịnh lại nói rằng vì sự can dự của nhiều thế lực, đặc biệt
là các nước lớn với sức mạnh khác nhau trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương nên Việt Nam
không tham gia bất cứ trò chơi cạnh tranh quyền lực nào của các nước lớn. Nói cách khác là Việt
Nam không đứng hẳn về phía nào như chị đề cập.
Tuy phát biểu là như vậy, nhưng trên thực tế, quan hệ giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn trở nên “nồng ấm” sau vụ giàn khoan HD 981 và vụ Bắc Kinh cho cải tạo 7 đảo và bãi đá hiện nay, khiến dư luận chung đánh giá rằng: Trung quốc càng hung hăng trên Biển Đông, CSVN càng đi gần với Hoa Kỳ, Vì thế, phát biểu của Tướng Nguyễn Chí Vịnh, theo tôi, mang ba ý nghĩa sau đây.
Thứ nhất, sự kiện Bộ quốc phòng CSVN và Hoa Kỳ lần đầu tiên ký chung một văn kiện mang tên “Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng”, tuy nội dung không có gì khác lạ với những gì mà hai bên đã hợp tác trong vài năm vừa qua, nhưng việc ký chung này khiến cho CSVN lo ngại. Đó là có thể bị Bắc Kinh diễn dịch là Hà Nội đang muốn mở rộng hợp tác quân sự, qua đó mua vũ khí từ Hoa Kỳ để chống lại Bắc Kinh, nên vì thế mà Tướng Vịnh đã lên tiếng để trấn an đàn anh Phương Bắc.
Thứ hai, từ trước đến nay, CSVN luôn luôn dựa trên lập trường 3 không bao gồm: không liên minh quân sự, không hợp tác tấn công nước khác, không cho nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình; nhưng những động thái của Hà Nội gần đây là mở rộng quan hệ với Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Châu là những đồng minh cật ruột của Hoa Kỳ nằm trong liên minh bao vây Trung Quốc. Điều này có thể khiến Bắc Kinh lo ngại là Hà Nội đang tiến dần vào khối liên minh với Mỹ nên Tướng Vịnh cũng phài lên tiếng để trấn an Trung Quốc.
Thứ ba, việc đi gần với Hoa Kỳ trong thời gian gần đây chắc chắn cũng đã khiến cho một thành phần vốn bị Trung Quốc cấy sinh tử phù từ nhiều thập niên qua, do mối quan hệ răng môi giữa Bắc Kinh và Hà Nội, ngấm ngầm chống đối. Ngoài ra do đường lối tuyên truyền “chống Mỹ cứu nước” trong quá khứ, khiến cho một số người nhẹ dạ tin theo và coi Hoa Kỳ là thủ phạm của mọi cuộc chiến chống lại khối xã hội chủ nghĩa nên không đồng tình về mối quan hệ nồng ấm Mỹ Việt. Do đó phát biểu của Tướng Vịnh nói trên cũng nhắm vào nội bộ thân Tàu để trấn an hàng ngũ.
Nói tóm lại, phát biểu của ông Vịnh chỉ là lối nói trấn an mang đầy sự ngụy biện vì lãnh đạo CSVN ngày hôm nay thấy rõ ngoài Hoa Kỳ không có quốc gia nào có khả năng khống chế được sự hung hăng của Trung Quốc.
Thanh Thảo: Cũng trong cùng ý nghĩ đó, Tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng Việt Nam liên lạc và giao hảo với mọi nước bao gồm cả Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản v.v... sẽ giúp giữ được độc lập tự chủ, vừa bảo đảm đa phương hóa, đa diện hóa quan hệ. Ông nghĩ ra sao về quan điểm này trong lúc cả thế giới đang lo ngại chủ trương bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông?
Lý Thái Hùng: Đây cũng là phát biểu tưởng là khôn ngoan trong quan hệ đối ngoại hiện nay, nhưng trong thực tế đây là biểu hiện của kẻ yếu thiếu dũng khí.
Thứ nhất, cả thế giới hiện nay ai cũng thấy rõ Trung Quốc là kẻ xâm lược biển đảo của Việt Nam và cũng là kẻ đang đe dọa đường tự do hàng hải và nền hòa bình trên biển Đông. Không nhận diện Trung Quốc là kẻ xâm lược, mà quanh co cố giữ giao hảo hữu nghị trong cái gọi là duy trì quan hệ đại cục với Bắc Kinh cho thấy Hà Nội không chỉ quá yếu mà còn quá hèn. Khi một chế độ coi sự tồn tại của họ cao hơn quyền lợi tối thượng của dân tộc, việc cố giữ mối giao hảo với kẻ xâm lược chắc chắn bị coi thường và sẽ bị nuốt chửng bất cứ lúc nào.
Thứ hai, việc mở rộng giao hảo với mọi quốc gia theo chủ trương ngoại giao toàn phương vị chỉ có thể hiệu quả và mang lại lợi ích cho quốc gia trong thời bình mà thôi. Tức là khi thiên hạ thái bình, người ta cần mở rộng giao hảo và hợp tác để giúp nhau phát triển. Nhưng khi tình hình khu vực trở nên căng thẳng do một nước lớn tạo ra như Trung Quốc đã và đang khuấy động biển Đông, thì Việt Nam không thể duy trì kiểu ngoại giao làm bạn mọi nước, kể cả kẻ thù của mình.
Thứ ba, điều nguy hiểm sẽ xảy ra cho lối giao hảo với mọi nước mà ông Vịnh khoe khoang chính là sự bị bỏ rơi khi bị kẻ xâm lược tấn công. Nói cách khác là với bản chất bành trướng của dân tộc Đại Hán, Trung Quốc sẽ không ngừng tạo chiến tranh để cướp thêm lãnh thổ, lãnh hải cho họ. Nếu khi có xung đột bùng nổ giữa Hà Nội và Bắc Kinh xảy ra, sẽ không có nước nào nhảy vào cứu giúp mạnh mẽ vì chính Hà Nội đã không thực sự tìm đồng minh để giúp mình bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước trước một kẻ thù hung hiểm.
Nói tóm lại, chủ trương mở rộng giao hảo với mọi nước kể cả kẻ xâm lược Trung Quốc và khước từ việc tham gia một liên minh trong tình hình căng thẳng biển Đông hiện nay cho thấy là CSVN thật sự vẫn còn coi Trung Quốc là cái bóng phải núp, chưa thoát ra khỏi tư duy lệ thuộc và sợ hãi Bắc Triều.
Thanh Thảo: Tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng xác nhận là giữa CSVN và Trung Quốc còn
nhiều bất đồng, nhất là trong quan hệ quốc phòng; nhưng quan điểm của Hà Nội là không
phát triển thêm phức tạp và đặc biệt là không tạo ra những va chạm dẫn đến đứt gãy giữa
đôi bên. Theo ông thì đây có phải là chủ trương đúng trong tình hình hiện nay hay
không?
Lý Thái Hùng: Vấn đề ở đây không phải là CSVN tạo thêm vấn đề phức tạp mà chính Trung Quốc đang từng bước gia tăng những hành động xâm lược trên biển Đông để thách đố thế giới.
Đối diện với một nước ỷ lớn là Trung Quốc, liên tục có những hành động không chỉ bành trướng trên biển Đông, mà còn đe dọa đến đời sống của ngư dân Việt Nam lương thiện, kiếm sống nhờ đánh cá trong vùng biển truyền thống lâu đời do ông cha ta để lại, cho thấy là Tướng Vịnh đã đặt sai mục tiêu hành xử.
Mục tiêu đó là phải hành động để bảo vệ ngư dân và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của tổ tiên mình, chứ không nhằm be bờ tránh tạo thêm phức tạp và duy trì quan hệ đôi bên. Quan hệ nào đối với kẻ cướp nước và giết hại dân lành Việt Nam?
Trên cương vị của một ông tướng và thứ trưởng quốc phòng, ông Vịnh đã để lộ rõ chính sách của đảng cộng sản Việt Nam đối với Trung Cộng và nguy cơ của dân tộc khi cơ chế bảo vệ đất nước nằm trong tay của những kẻ nhu nhược.
Thanh Thảo: Theo Tướng Vịnh thì vấn đề biển Đông đã là chuyện đã rồi không thể nào giải
quyết nhanh chóng mà phải kiên trì, bền bỉ để bảo vệ chủ quyền trên căn bản luật pháp quốc tế. Ông nghĩ sao về cái nhìn này của Tướng Vịnh?
Lý Thái Hùng: Chính vì Tướng Nguyễn Chí Vịnh và lãnh đạo CSVN hiện nay không muốn gây thêm sự phức tạp cho Trung Quốc về tình hình biển Đông nên mới đưa ra chủ trương mang tính đầu hàng nói trên.
Qua chủ trương mang tính đầu hàng nói trên của Tướng Vịnh cho thấy, Hà nội đã “liệt kháng tư tưởng”, buông xuôi trước những biển Đảo đã mất, và trong hiện tại cứ ngậm miệng hay chống lấy lệ để mua thời gian sống còn.
Nếu Hà Nội muốn có những chống đối mạnh mẽ đối với Bắc Kinh thì phải dựa vào sức dân. Nhưng dựa vào dân thì lại sợ bị chính người dân đứng lên lật đổ vì tội bán nước theo Bắc Kinh, nên trong thế tiến thoái lưỡng nan đó lãnh đạo CSVN đành phải coi mất Hoàng sa và Trường sa là chuyện đã rồi là vì vậy.
Thanh Thảo: Điều sau cùng và đây là vấn đề rất cần ông soi sáng khi tướng Nguyễn Chí Vịnh
cho rằng đấu tranh là một chuyện khác còn quan hệ mang tính chất đại cục giữa hai quốc gia là một chuyện khác. Tại sao chủ quyền quốc gia bị đối phương cướp đoạt và đe dọa mà lại tách rời ra với việc cố duy trì hữu nghị coi như mọi chuyện không có gì với đối phương là sao thưa ông?
Lý Thái Hùng: Đây là lối suy nghĩ quái gở hay chỉ là lối nói ngụy biện chỉ có trong đầu óc của những con người lãnh đạo coi quyền lợi dân tộc thấp hơn sự tồn vong của chế độ.
Khi Tướng Vịnh phân biệt hai chuyện đấu tranh chống hành động bá quyền trên biển Đông khác với việc duy trì quan hệ mang tính đại cục, cho thấy hai điều sau đây:
1/ Hà Nội phản đối hay lên tiếng chỉ trích những hành động bá quyền của Trung Quốc luôn luôn nằm trong khuôn khổ mà Trung Quốc cho phép, hay nói khác hơn là không tạo ra sự giận dữ của Bắc Kinh. Điều này đã biểu hiện qua phát biểu của ông Vịnh khi trả lời báo chí sau Diễn Đàn Đối Thoại Shangri-La vào cuối tháng 5/2015 là quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội có rất nhiều những bất đồng, nhưng CSVN không bao giờ có thái độ làm mất mặt hay mất uy tín của Bắc Kinh đối với bên ngoài.
2/ Trong thâm tâm, Tướng Nguyễn Chí Vịnh và lãnh đạo CSVN coi việc mất Hoàng Sa, Trường Sa không đáng kể vì đó là những quần đảo, những bãi đá ngầm ở quá xa thềm lục địa và chưa có khả năng khai thác trong hiên tại. Trong khi đó, vấn đề quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh giúp cho CSVN rất nhiều thứ từ kinh tế, chính trị đến ngoại giao, an ninh quốc phòng. Do đó mà CSVN đã coi quan hệ đại cục quan trọng hơn chuyện đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo là vì vậy. Cũng trong lối suy nghĩ vừa chủ bại vừa thiển cận để bảo vệ quyền lực của chế độ, những ngư dân đánh cá chết oan uổng ngoài biển khơi chỉ là những hy sinh vặt vãnh, nhỏ nhoi cần thiết cho ... «đại cục».
Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng.
Nguồn: Radio Chân Trời Mới
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét