2013/10/07

Tức nước vỡ bờ

Đỗ Đăng Liêu

Sau khi tiếng súng hoa cải của Đoàn Văn Vươn nổ ra ở Văn Giang khiến vài công an bị thương, và sau khi những phát súng của Đặng Ngọc Viết lạnh lùng bắn vào đầu những cán bộ Trung Tâm Phát Triển Quỹ Đất tại Ủy Ban Nhân Dân thành phố Thái Bình, thì bốn chữ “tức nước vỡ bờ” được nhắc đến nhiều, cũng như những chữ “cùng tất biến”, “con giun xéo lắm cũng quằn”.

Vào mạng, tìm chữ “tức nước vỡ bờ” thì được dẫn ngay tới tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố khiến người viết có cơ hội đọc lại tác phẩm này mà nội dung chứa đựng đầy những thương tâm, những uẩn ức, bất công của tầng lớp nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, và dưới sự đày đọa vô lương tri của bộ máy quan lại người Việt thời đó.

Gia đình anh chị Dậu và 3 đứa con nhỏ là những nhân vật chính, điển hình cho cuộc sống bần cùng và tăm tối không có lối thoát của những người nông dân hiền lành, nghèo khổ, lam lũ bị những tên quan phủ, quan huyện, lý trưởng, cai, lính, …dày xéo như những con giun con dế.

Anh Dậu, một thanh niên 26 tuổi, là một nông dân khoẻ mạnh, nhanh nhẩu, chịu khó. Bình thường thì sức anh làm cũng đủ ăn, nhưng phần vì sinh nhiều con, cộng thêm tai ương ập xuống khi mẹ anh đột ngột bị bệnh qua đời và người em trai cũng phải gió mà chết. Tốn phí cho 2 đám tang làm gia đình anh kiệt quệ. Họa vô đơn chí, anh lại mắc bệnh sốt rét phải nghỉ việc ở nhà khiến bao nhiêu tiền của gia đình dành dụm hết sạch ngay giữa mùa sưu cao thuế nặng. Mọi sự trông nhờ vào hai bàn tay trắng của vợ.

Chị Dậu được mô tả là một người phụ nữ có “cái nhanh nhẩu của đôi mắt sắc ngọt, cái xinh xắn của cặp môi đỏ tươi, cái mịn màng của nước da đen giòn, và cái nuột nà của người đàn bà 24 tuổi”. Như vậy, chỉ phải là một người có sắc đẹp nổi bật trong môi trường sống của chị, và đã hơn một lần phải khổ sở vì những ưu điểm trời cho đó.

Cái Tý 7 tuổi ngoan ngoãn hiếu thảo, thằng Dần 4 tuổi, và cái Tỉu còn bú là những nhân vật quan trọng có mặt để tô đậm thêm nỗi thống khổ của gia đình chị Dậu.

Lần theo câu chuyện, người đọc như chìm vào những khổ đau, từ tinh thần tới thể chất của cả 5 nhân vật. Suốt cả cuốn truyện, không thấy dóng dáng của thực dân Pháp, chỉ thấy toàn là người Việt hành hạ người Việt (giống bây giờ, chưa thấy công an Trung Cộng trấn áp người Việt biểu tình chống Trung Cộng xâm lược mà chỉ thấy công an Việt đàn áp đánh đập, giết hại người Việt).

Chỉ vì không có được 3 đồng để đóng tiền sưu mà anh Dậu đã bị trói khuỷu đến liệt cánh tay và bàn tay, bị đánh, bị đấm, bị giam giữ qua đêm (giống như ở đồn công an bây giờ, nhưng anh Dậu may hơn là chỉ gần chết chứ không chết).

Cũng chỉ vì không có được 3 đồng để đóng sưu vô lý cho người em chồng đã chết mà chị Dậu phải bán cả cái Tý và bầy chó mẹ chó con, bị những gã đàn ông lực lưỡng vũ phu thẳng tay đấm vào mặt vào người (giống như Phương Uyên bị công an đánh dấm đánh dúi hộc máu mồm máu mũi ở Phi Trường Nội Bài).

Cũng chỉ vì mấy đồng bạc khốn khổ đó mà chị Dậu suýt bị Quan Phủ cưỡng ép, và suýt bị Quan Cụ giở trò sàm sỡ lúc đêm khuya.

Tội cho cái Tý hiếu thảo bị bán với giá 2 đồng vào tay vợ chồng Nghị Quế để rồi cuộc đời không biết sẽ ra sao; tội cho thằng Dần khóc hết nước mắt xin mẹ đừng bán chị nó đi mà không được; tội cho cái Tỉu sữa không có mà bú, bị bỏ lăn lóc khóc xưng vù mắt.

Chìm vào câu chuyện, lẫn vào trong vai chị Dậu, người đọc như thấy mình bị đánh, bị đấm, bị trói, bị ức hiếp, để khóc với nỗi khổ, niềm uất ức của mỗi nhân vật, và muốn vung tay phá tung cả cái hệ thống xã hội thối nát, tàn độc, vô tâm đó để giải thoát cho những người nông dân hiền lương vô tội mà thân phận bị dày xéo.

Ở cuối truyện, ở đoạn chị Dậu vùng thoát khỏi tay của Quan Cụ lúc nửa đêm, nhà văn Ngô Tất Tố kết bằng câu “Buông tay, chị vội choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị” để diễn tả cái tâm trạng không lối thoát của những con người Việt Nam tội nghiệp vào thời điểm năm 1937 đó.

Tóm lại, toàn bộ câu chuyện là một chuỗi uất ức dài, cho các nhân vật và cho người đọc, mà cho đến cuối truyện tác giả vẫn không giải thoát.

Nhưng, đây là cái “nhưng” may mắn, và chỉ trong vài giòng ngắn ngủi, tác giả đã cho người đọc một vài giây phút ngắn ngủi, chút sung sướng mong manh như người bị bóp cổ được nới tay cho thở giây lát. Đó là khi tác giả diễn tả tâm trạng “tức nước vỡ bờ” của chị Dậu.

Truyện rằng, khi tên Cai lệ và người nhà Lý Trưởng xông vào nhà chị Dậu để đòi trói anh Dậu (đang đau ốm) để bắt đi thì chị Dậu đã năn nỉ van xin hết lời, đã không được lại còn bị tát vào mặt và đấm vào ngực, thì chị Dậu đã không còn chịu đựng được nữa, và chị hét lên:

- Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!

Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn giúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu.

Người nhà Lý trưởng sấn sổ bước đến, hươ gậy chực đánh chị Dậu. Nhanh như cắt, chị Dậu nắm ngay được gậy của hắn. Hai người giằng co nhau du đẩy nhau, rồi ai nấy đều buông gậy ra, áp vào vật nhau. Hai đứa trẻ con kêu khóc om sòm. Kết cục, anh chàng hầu cận ông Lý yếu hơn chị chàng con mọn, hắn bị chị này túm tóc lẳng cho một cái, ngả nhào ra thềm.

Chị Dậu vẫn chưa nguôi giận:

- Thà ngồi tù! Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được …”

Đọc đến đó thì người ta nghĩ ngay đến tâm trạng của anh Đoàn Văn Vươn và anh Đặng Ngọc Viết.
Chúng ta đang sống ở năm 2013, giữa thời đại vi tính, với điện thoại di động, và cầm trong tay bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Vậy mà những người lãnh đạo CSVN vẫn tiếp tục đối xử với người dân như trong truyện “Tắt đèn”. Bên ngoài thì Trung cộng xâm lược đất biển tổ tiên, bên trong thì một bầy sâu mọt cộng sản đục khoét làm đất nước tan hoang. Nước đã tức, dân đã tức, liệu cái be bờ chủ nghiã còn chống được bao lâu nữa?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét