Nguyễn Thanh Giang
Thủy điện được xem là nguồn lợi thiên nhiên rất lớn. Do không phải chi
phí cho các nhiên liệu như uran, dầu mỏ, khí thiên nhiên, than đá và do
chi phí nhân công thấp bởi vì các nhà máy này được tự động hoá cao, chỉ
cần ít người làm việc tại chỗ khi vận hành nên giá thành điện sản xuất
thường rất rẻ. Thủy điện cung cấp khoảng 20% lượng điện trên thế giới.
Tại một số nước, thủy điện đóng vai trò chủ chốt trong cung cấp điện
năng. Na Uy sản xuất toàn bộ năng lượng điện của mình bằng sức nước.
Iceland thủy điện cung cấp 83% nhu cầu của họ. Áo 67%. Canada 70%.
Ở Việt Nam, do phải gấp rút tăng trưởng kinh tế để bù lại nhiều thập
kỷ trì trệ ngõ hầu rút ngắn khoảng cách tụt hậu nên nhu cầu tăng trưởng
điện bình quân lên tới 15% mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn năng lượng từ nhiên
liệu hóa thạch trong nước như than, dầu, khí ngày càng cạn kiệt và đã
đến giới hạn khai thác. Theo tính toán, đến năm 2015 chúng ta sẽ phải
nhập khẩu than mà việc nhập khẩu cũng không dễ dàng. Trong tình hình như
vậy, thủy điện được xem là cứu cánh.
Với khoảng 260 công trình đang vận hành có tổng công suất gần
11.000MW, thủy điện Việt Nam đang cung cấp khoảng 36% nhu cầu điện của
cả nước.
Song, việc phát triển thủy điện vừa qua có thể xem là khá tùy tiện,
đặc biệt là ở miền Trung. Riêng bốn tỉnh miền Trung cùng hai tỉnh ở Tây
nguyên là Kontum và Đắk Nông đã có gần 150 dự án thủy điện lớn nhỏ đã
được phê duyệt.
Là địa phương có số lượng các nhà máy thủy điện lớn nhất, Quảng Nam
có đến 62 dự án thủy điện với tổng công suất lên tới 1.601MW.
Tuy không tiêu tốn nhiên liệu nhưng thủy điện tiềm ẩn nguy cơ gây tác
động tiêu cực về kinh tế, xã hội và môi trường. Ước tính mỗi MW thủy
điện phải "nuốt" trên 10 ha rừng. Chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đầu
nguồn. Vì vậy, việc phát triển thủy điện một cách tùy tiện vừa qua đã
gây nên khá nhiều hậu quả tai hại.
Do thiếu quy hoạch chung nên các công trình thủy điện không có lưu
lượng xả để duy trì dòng chảy, do việc xây hồ chứa chưa quan tâm đến
chức năng phòng chống lũ và cấp nước cho hạ du nên hạn hán và lũ lụt đã
không chỉ là thiên tai mà còn do nhân tai.
Tại Nam Trung bộ, toàn vùng hiện có 17.277 ha cây trồng bị thiếu
nước, hạn hán và xâm nhập mặn, trong đó lúa có 15.627 ha, cà phê 300 ha.
Hạn nặng làm mất trắng 50 ha lúa.
Tại Tây Nguyên hiện có 51.403 ha cây trồng thiếu nước và hạn hán,
trong đó lúa gần 15.000 ha, cà phê trên 34.000 ha. Hầu hết các hồ chứa
thủy điện, thủy lợi trong vùng đều có dung tích thấp hơn nhiều so với
thiết kế, nhiều hồ nhỏ đã cạn, không còn khả năng tưới.
Nhiều năm trước, các đoàn địa chất thủy văn khảo sát ở Tây Nguyên chỉ
cần khoan 15 - 20 mét sâu đã chạm nguồn nước. Nhưng đến nay, muốn tìm
nước phải khoan sâu đến 150 - 200 mét.
Việc xây dựng nhà máy thủy điện tại Bình Định vừa qua đã làm chuyển
dòng sông Ba khiến tỉnh Gia Lai bị thiếu nước cho hoạt động nông nghiệp.
Hậu quả này có nguy cơ sẽ lan sang cả Phú Yên.
Theo Trung tâm Quốc tế về Quản lý Môi trường ICEM – một cơ quan
nghiên cứu độc lập do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ - hiện lượng
phù sa ở các con sông bồi lắng ở Quảng Nam đã đến mức báo động.
Sông Vu Gia tại trạm quan trắc Thành Mỹ (Nam Giang) bình quân mỗi năm có
460.000 tấn đất, cát bồi lắng. Với lượng bồi lắng như vậy, cơ quan này
cảnh báo thành phố cổ Hội An (Quảng Nam) sẽ là nơi hứng chịu nhiều cơn
lũ lớn do chính tác động này. Thủy điện sông Bung 4 đi vào tích nước
(490 triệu m3) thì nước ở sông Bung sẽ cạn kiệt, dẫn đến hạ lưu khô hạn.
Nhân tai gây nên do thủy điện không chỉ tàn phá môi trường, phá hoại
sản xuất mà còn uy hiếp tính mạng người dân. Nhà máy thủy điện A Vương
xả lũ trong bão nhấn chìm hàng chục ngàn nhà dân các vùng Đại Lộc, Hội
An, gây thiệt hại trên 800 tỷ đồng. Nhiều vụ xả lũ ở các đập thủy điện
khác không chỉ gây thiệt hại kinh tế lớn hơn mà còn cả sinh mạng người
dân!
Xin nêu mấy khuyến nghị:
1 - Rà soát để điều chỉnh lại kế hoạch phát triển thủy điện. Đến
thời điểm hiện nay, số dự án đăng ký ồ ạt đã lên tới con số 1.097, với
tổng công suất dự kiến là 24.246 MW. Trong đó, chỉ mới 195 dự án đã phát
điện, 245 dự án đang xây dựng. Còn tới 657 dự án chưa đầu tư.
Hiện cả nước đã có hơn 6.500 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích 11 tỷ
m³ nước. Triển khai hết số dự án còn lại sẽ có bao nhiêu túi nước hãi
hùng treo trên đầu người dân?
2 - Hủy bỏ dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A. Đây là 2 dự
án do Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư, nằm trên địa bàn bàn 3
tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Phước.
Theo dự kiến trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn
2011-2020, Thủy điện Đồng Nai 6 sẽ đưa vào vận hành năm 2015 và Thủy
điện Đồng Nai 6A đưa vào vận hành năm 2016. Tổ hợp này sẽ sản xuất
khoảng trên 929 triệu kWh.
Tuy nhiên, hai dự án sẽ làm mất vĩnh viễn trên 372ha đất rừng, trong
đó có hơn 128ha đất ở khu Cát Lộc thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên.
3 - Xem xét kỹ lại chủ trương xây dựng Thủy điện Đrăng Phốk. Công
suất dự kiến của công trình này chỉ khoảng 28MW, trong khi 63ha rừng
thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn sẽ bị hủy diệt.
4 - Kíp thời sửa đổi sự bất hợp lý trong quy trình thẩm đinh và cấp phép đầu tư cho các dự án thủy điện.
Hiện nay, những dự án yêu cầu vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng trở lên thuộc
quyền cấp phép của Thủ tướng Chính phủ. Những dự án đặc biệt lớn sẽ do
Quốc hội phê chuẩn. Việc cấp phép đầu tư các dự án thủy điện nhỏ hơn
thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh.
Về quy trình thẩm định, chỉ các dự án nhóm A mới giao cho Bộ Công
Thương chủ trì làm đầu mối lấy ý kiến các Bộ, ngành và địa phương có
liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Với những dự án quy mô nhỏ,
UBND địa phương tự tổ chức thẩm định.
Về báo cáo đánh giá tác động môi trường: các dự án thủy điện vừa và
lớn, các dự án quan trọng (dung tích hồ trên 100 triệu m3, chiếm trên 20
ha rừng phòng hộ, dự án nằm trên 2 tỉnh...) do Bộ TNMT phê duyệt, các
dự án còn lại do các sở TNMT thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt.
Sự bất hợp lý trong các quy định này (chỉ căn cứ vào giá trị của
khoản vốn đầu tư) làm cho các dự án ngoài nhóm A không lấy được ý kiến
bàn luận và sự thẩm định của các nhà khoa học có chuyên môn cao, trong
khi ngay cả các dự án loại này cũng có thể gây nên thảm họa môi trường
khó lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh mạng đồng bào.
5 - Công khai hóa các dự án thủy điện, mở rộng dân chủ trong việc
tiếp thu các ý kiến liên quan đến kế hoạch phát triển thủy điện nói
chung và cho mỗi dự án nói riêng. Khen thưởng xứng đáng cho các ý kiến
phản biện có giá trị. Xử phạt, nghiêm trị những quyết sách sai trong
việc triển khai các dự án thủy điện cho dù xuát phát từ lợi ích cá nhân,
lợi ích nhóm hay vì kém cỏi trong nhận thức khoa hoc, trong tổ chức
thực hiện hay quản lý hành chính.
6 - Gấp rút xây dựng và triển khai các dự án phát điện năng lượng
Mặt Trời và gió. Việt Nam là một nước nhiệt đới, có bờ biển dài 2.400
km, tài nguyên nắng và gió rất dồi dào, sự chậm trễ trong việc triển
khai lĩnh vực này có thể xem là lỗi về chủ trương. Chính sách khuyến
khích hỗ trợ của Chính phủ về giá mua cho điện Mặt Trời và điện gió (1
cent/kWh) có thể xem là chưa thỏa đáng. Cần mạnh tay chi phí cho những
đầu tư ban đầu để rồi sẽ có được giá thành hạ hơn trong việc sản xuất
điện bằng các phương pháp này. Sự bù lỗ cho điện Mặt Trời và điện gió
phải được xem là cần thiết, nó được tính như khoản tài chính chi cho bảo
vệ môi trường và phát triển bền vững.
Hà Nội 13 tháng 10 năm 2013
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang
Chuyên ngành Địa Vật lý
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Mobi: 0984 724 165
Nguồn: DienDanCTM
2013/10/15
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét