2013/09/05

Ông Lý Thái Hùng và hiện tượng bỏ đảng cũ - lập đảng mới

RadioCTM

Radio Chân Trời Mới (Radio CTM): Trong thời gian vừa qua, dư luận của người Việt trong và ngoài nước chú ý đến vấn đề xuất hiện đảng đối lập tại Việt Nam qua sự kiện ông Lê Hiếu Đằng đề xướng việc thành lập đảng Dân chủ Xã hội. Qua những tài liệu phổ biến, ông Lê Hiếu Đằng đề nghị lập đảng Dân chủ Xã hội không nhằm chống hay lật đổ đảng CSVN mà chỉ muốn tạo thế đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, để phát triển một nền chính trị lành mạnh, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của thế giới. 

Tuy chưa công bố về chủ trương, đường lối và thành phần lãnh đạo như thế nào, nhưng việc ông Lê Hiếu Đằng công khai về ý định lập đảng sau hàng loạt những lên tiếng đòi bỏ điều 4 Hiến pháp của giới trí thức, cựu cán bộ CSVN qua đợt góp ý sửa đổi hiến pháp 1992 hiện nay đã tạo ra hai luồng suy nghĩ. Luồng thứ nhất thì cho đây là bước tiến của phong trào dân chủ khi giới trí thức, cựu cán bộ CS muốn ly khai, lập đảng đối lập; suy nghĩ thứ hai thì cho đây là kế sách biến chiêu đối lập cuội của CSVN. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi xin mời quý vị theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình phát thanh hôm nay.

Radio CTM: Trước hết ông nhận định ra sao về phát biểu đề xướng thành lập đảng Dân chủ Xã hội của ông Lê Hiếu Đằng, một người từng ở trong guồng máy cao cấp của CSVN sau năm 1975.

Ông Lý Thái Hùng (LTH): Tôi nghĩ đây cũng chỉ là sự kiện rất bình thường trong tiến trình đấu tranh nhằm chấm dứt thể chế độc tài toàn trị tại Việt Nam mà nhiều cá nhân, đoàn thể, tổ chức và đảng phái đã theo đuổi trong nhiều thập niên vừa qua.

Ông Lê Hiếu Đằng không phải là người đầu tiên đề xướng việc thành lập một đảng đối lập với đảng CSVN, dù mang danh xưng gì đi chăng nữa. Trước ông Lê Hiếu Đằng đã có nhiều người trong nước không chỉ đề xướng mà còn chính thức thành lập những tổ chức, đảng phái như Đảng Dân Chủ Nhân Dân, đảng Vì Dân, đảng Thăng Tiến, đảng Dân Chủ Việt Nam v.v… Hơn thế nữa, cũng đã có nhiều người từng là đảng viên cao cấp của đảng CSVN như cụ Nguyễn Hộ, cụ Trần Độ, ông Vi Đức Hồi, hay anh Nguyễn Vũ Bình … đã từng cổ súy cho vấn đề đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam.

Ông Lê Hiếu Đằng là một đảng viên và cựu cán bộ trong bộ máy dân vận của đảng CSVN, nhưng từ nhiều năm qua, ông đã có những trăn trở về tình trạng cai trị độc tài và thoái hóa của đảng CSVN. Ông Đằng đã cùng với nhiều trí thức, cựu cán bộ ký tên vào Kiến Nghị 72 yêu cầu đảng CSVN bỏ điều 4 trong Hiến Pháp 1992 mà đảng CSVN đang kêu gọi góp ý sửa đổi.

Nói tóm lại, việc ông Lê Hiếu Đằng đề xướng lập đảng đối lập không có gì là mới lạ. Việc làm của ông Đằng có được dư luận ủng hộ hay chống đối sau khi đảng Dân Chủ Xã Hội xuất hiện với chủ trương, đường lối rõ ràng là chuyện khác, nhưng trước mắt, theo tôi đó là một nhu cầu tất yếu khi mà xã hội chuyển mình từ một thể chế độc tài thoái hóa sang một xã hội dân sự để bắt kịp với trào lưu dân chủ hóa toàn cầu hiện nay.

Radio CTM: Theo ông thì việc lập đảng của ông Lê Hiếu Đằng xuất phát từ nhu cầu dân chủ hóa Việt Nam hay là nhu cầu của chế độ CSVN?

LTH: Đọc qua những bài viết và các cuộc trả lời phỏng vấn của ông Lê Hiếu Đằng thì tôi thấy xuất phát từ cả hai thưa chị.

Radio CTM: Tại sao lại cả hai thưa ông?


LTH: Sống nhiều năm trong chế độ độc tài toàn trị, và cũng từng là cán bộ phụ trách về công tác dân vận (tức Mặt Trận Tổ Quốc), ông Lê Hiếu Đằng biết rõ hơn ai hết về sự “an toàn chính trị” trong cách trả lời kiểu nước đôi về những ý kiến hay quan điểm của mình. Tuy nhiên, qua những điều mà ông Đằng trình bày lần này, người ta thấy có mấy điều sau đây:

- Ông Đằng cho rằng đảng CSVN hiện nay đã phản bội lý tưởng cách mạng, phản bội nhân dân, phản bội những người góp phần xây dựng nên chế độ trong đó có ông.

- Việc lập đảng của ông không phải để lật đổ đảng CSVN mà là để đáp ứng nhu cầu cứu đất nước thoát khỏi tình thế bế tắc và nguy cấp hiện tại, trong đó có đảng CSVN.

- Đảng Dân Chủ Xã Hội tuy là một tổ chức có đường hướng khác với đảng CSVN nhưng theo ông Đằng thì có thể cùng song song tồn tại với đảng CSVN và các tổ chức chính trị khác.

Những phát biểu của ông Lê Hiếu Đằng đã cho người ta thấy sự ngao ngán đến tận cùng của những người đang nằm trong guồng máy đảng CSVN, nhưng chưa muốn chia tay một cách dứt khoát. Họ chọn con đường đối lập để mong qua đó tiến đến một sự thay đổi nào đó cho xã hội tốt hơn.

Tuy nhiên, phát biểu của ông Lê Hiếu Đằng đã mở ra một lối thoát cho những người như ông là “bỏ đảng”. Lần này, sự bỏ đảng CSVN có thể sẽ không diễn ra trong âm thầm, vài ba người như quá khứ mà là sự bỏ đảng tập thể để xuất hiện một lực đối trọng ngay từ trong chính nội bộ đảng CSVN đi ra.

Đây là điểm mà lãnh đạo CSVN rất sợ. Hà Nội không chỉ sợ những phát biểu của ông Lê Hiếu Đằng sẽ làm lung lay tinh thần của nhiều thành phần quần chúng đảng vốn bất mãn chưa biết phải làm gì; mà còn lo ngại tình trạng bỏ đảng hàng loạt để tham gia những khuynh hướng đối lập lại đảng đang manh nha xuất hiện.

Radio CTM: Ông nghĩ thế nào về việc xuất hiện những đoàn thể, đảng phái đối lập trong xã hội.

LTH: Sự tiến bộ của xã hội và phát triển của một đất nước đòi hỏi phải có yếu tố cạnh tranh trên mọi lãnh vực từ kinh tế, chính trị đến giáo dục, văn hóa, thương mại, trong một luật chơi bình đẳng giữa các tác nhân. Tuy dân chủ không phải là mô hình hoàn hảo lý tưởng nhưng ít ra nó đã đáp ứng một luật chơi bình đẳng giữa các tác nhân, giúp nhau thăng tiến trong một xã hội hài hòa.

Các tác nhân trong xã hội hài hòa đó chính là những đoàn thể, cộng đồng, tập hợp ngành nghề, công đoàn, đảng phái, tổ chức tôn giáo v.v... quy tụ bởi một số người có cùng sở thích, quan tâm hay ước nguyện để chung sống… hoà bình.

Đặc biệt là trong những thập niên gần đây, nhờ sự phát triển của toàn cầu hóa và sự tiến bộ của mạng thông tin điện tử, cấu trúc của các xã hội dân chủ đã có nhiều thay đổi lớn, trong đó, chính quyền không chỉ đóng vai trò trọng tài giải quyết các xung khắc giữa các nhóm, đoàn thể, không chỉ tôn trọng sự chọn lựa của đa số mà còn quan tâm bảo vệ ý kiến thiểu số để tránh rơi vào tình trạng cực đoan, giáo điều.

Nhờ vậy mà ngày hôm nay, khi đề cập đến dân chủ, người ta thường dựa trên mức độ phát triển và hoạt động của xã hội dân sự tại mỗi quốc gia. Xã hội dân sự là cái nôi giúp cho các cá nhân thi thố những tài năng, sáng kiến và ước vọng của chính họ để kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ của những người khác hầu tạo những chuyển đổi xã hội tốt hơn.

Radio CTM: Nếu dựa trên những phân tích của ông thì lý do gì đảng CSVN lại coi những tổ chức tôn giáo hay những đoàn thể không do đảng CSVN lập ra hay chỉ đạo là phản động? Thậm chí họ còn cho hệ thống báo lề phải tấn công ông Lê Hiếu Đằng là hồ đồ, sai lầm và lệch lạc?

LTH: Nguyên tắc cai trị của các chế độ độc tài, đặc biệt là độc tài cộng sản là tiêu diệt mọi mầm mống đối lập mà họ gom chung là ‘phản động’.

Trong guồng máy cai trị của cộng sản không có chỗ đứng của những ai đứng ngoài quỹ đạo của đảng, và mỗi người nếu muốn tồn tại đều phải tự trở thành những con chốt phục vụ cho một thiểu số thống trị ở bên trên.

Các lãnh tụ cộng sản thường hay đề cập đến dân chủ, tự do nhưng đó chỉ là chiêu bài. Họ rất sợ dân chủ vì đó là mầm mống làm soi mòn chế độ. Vì thế mà đảng CSVN sẵn sàng tiêu diệt mọi khuynh hướng đối kháng. Sự kiện Hà Nội tấn công ông Lê Hiếu Đằng là vì như tôi đã thưa ở trên là vì sợ ông Đằng kêu gọi bỏ đảng và gom những người bỏ đảng lập đảng đối lập.

Việc đề xướng của ông Lê Hiếu Đằng có thành công hay không chúng ta cần chờ xem những hành động kế tiếp của ông; nhưng tôi tin là Hà Nội không thể ngăn chận làn sóng bỏ đảng và cưỡng lại được xu thế xuất hiện của các đoàn thể, đảng phái đối kháng lại đảng CSVN.

Radio CTM: Như vậy theo ông thì đảng Cộng sản Việt Nam có chấp nhận đối lập hay nói nôm na là chấp nhận đa đảng hay không?

LTH: Trước mắt thì lãnh đạo CSVN sẽ tiếp tục cố thủ trong lô cốt độc tài toàn trị, không chấp nhận đa đảng hay đối lập như ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố hôm đầu tháng 5 vừa qua khi đề cập về nên hay không nên sửa đổi điều 4 Hiến Pháp.

Lý do mà Hà Nội cố thủ vì họ đơn giản nghĩ rằng hiện không có lực lượng chính trị nào có đủ khả năng đối đầu với họ. Tuy nhiên, theo tôi thì tình hình đã có nhiều thay đổi so với quá khứ, lực lượng chính trị nặng ký sẽ đối đầu với họ chính là khát vọng dân chủ đang tạo một sự chuyển mình rất lớn trong đại khối quần chúng ở trong lẫn ngoài đảng CSVN mà Hà Nội hiện đang rất lúng túng đối phó.

Khi mà chế độ độc tài mất dần khả năng kiểm soát thông tin, lúng túng sửa đổi những luật lệ ban hành và hiện chỉ còn dựa vào bộ máy công an và xã hội đen để trấn áp người dân theo kiểu côn đồ thì họ không chỉ chọc tức người dân mà còn khiến cho hàng ngũ của họ vỡ dần theo đà thoái hóa của chế độ.

Tình hình này không khác gì mấy ở những năm tháng cuối cùng mà các chế độ cộng sản tại Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi phải đối diện trước khi rơi vào thế suy yếu, do sự bùng phát của các phong trào dân chủ.

Đương nhiên, mỗi quốc gia và mỗi thời kỳ có những chuyển biến lịch sử khác nhau nhưng trên tổng thể thì khi mà những tập hợp quần chúng xuất hiện ở thế đối lấp, các chế độ độc tài không còn có thể tiếp tục giữ nguyên trạng.

Radio CTM: Sau cùng thì theo ông liệu lãnh đạo CSVN sẽ tính toán gì về điều 4 Hiến Pháp khi mà những áp suất về dân chủ hóa xã hội đang gia tăng hiện nay?

LTH: Tôi nghĩ là CSVN sẽ cố làm như họ đang kiểm soát xã hội một cách toàn diện để trấn an nội bộ nên vì thế sẽ giữ nguyên điều 4 Hiến Pháp, tức là cố duy trì chủ trương đảng CSVN đứng trên tất cả.
Nhưng khác với các lần sửa đổi trước đây, việc giữ điều 4 Hiến pháp trong thời gian tới sẽ tạo ra một hậu quả chấn thương trầm trọng trong nội bộ đảng CSVN. Đó là một thiểu số hả hê, cố bám vào điều 4 để duy trì đặc quyền đặc lợi, còn đại đa số đảng viên, cán bộ sống cuộc đời nghèo khốn sẽ bất mãn và lặng lẽ bỏ đảng ra đi.

Nói một cách khác, tôi nhìn việc ông Lê Hiếu Đằng đề xướng việc lập đảng Dân chủ Xã hội tuy không trực tiếp liên hệ đến điều 4 hiến pháp nhưng nó là ngòi nổ của một sự bất mãn trầm trọng trong hàng ngũ đảng CSVN và hiện tượng bỏ đảng đang bắt đầu.

Nguồn: RadioCTM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét