2013/09/09

Có chia rẽ trong làng báo lề phải VN?

Phạm Chí Dũng

Ông Hoàng Văn Lễ vốn là tổng biên tập có thâm niên lâu năm của Sổ tay Xây dựng đảng – tờ báo được xem là cửa khẩu chính ngạch của Ban Tuyên giáo thành ủy TP.HCM.

Gương mặt có vẻ trầm muộn, dáng đi lặng cúi và không nổi bật trong giới học hàm học vị, viên chức tuyên huấn này đã chỉ được nhiều người biết đến sau khi một blogger của trang mạng Tâm sự Y giáo và vài nhà phê bình văn học như Phạm Thị Hoài công bố một “nghiên cứu nhân bản” đột biến: TS Hoàng Văn Lễ, tác giả có bài viết trên báo Sài Gòn Giải Phóng phản kích “âm mưu” thành lập đảng Dân chủ Xã hội của ông Lê Hiếu Đằng, cũng chính là các tác giả “Amari TX tức Mai Hoàng Kiên tức Trung Thành tức Tuyên Trần tức Tường Anh tức Trần Mai tức Hữu Đức tức Trọng Linh tức Khánh Sơn ad libitum” trên các báo Đảng.

Bằng vào phương pháp so sánh và đối chiếu trong nghiên cứu khoa học, sự phát hiện trên đã cho thấy nhóm trị số của các tác giả cùng gốc gác trên là đặc biệt tương hợp.

Với kết quả thú vị như thế, điều mà khoa học so sánh làm được trong trường hợp này không chỉ dẫn ra kết luận về sự giả danh Việt kiều của cán bộ tuyên giáo, mà còn lôi ra ánh sáng một sự thật lý thú hơn nhiều: nguồn nhân lực phản tuyên truyền của đảng đã gần như cạn kiệt.

Cân bằng truyền thông

“Phản tuyên truyền”, hay “tuyên truyền theo định hướng”, là thuật ngữ được đại trà phổ biến và triển khai trong toàn bộ hệ thống và công tác tư tưởng văn hóa từ khoảng hai chục năm trước. Ba chủ đề chính mà công tác phản tuyên truyền trọng tâm hóa là bảo vệ an ninh chính trị, an ninh tư tưởng văn hóa và an ninh tôn giáo.

Từ sau năm 2000, Internet bắt đầu bùng nổ và khá nhanh chóng làm cho chính thể khó ngủ. Chỉ trong vòng một thập niên, mạng thông tin toàn cầu đã khiến những uẩn ức và bất mãn trong lòng dân biến thành mạng thông tin xã hội.

Từ vị thế hoàn toàn manh mún, thông tin xã hội lại dần được chắp vá thành mô hình truyền thông xã hội.

Bắt đầu từ những năm 2005-2006, một trong những nhóm bất đồng chính kiến có ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam là Khối 8406 đã triệt để dùng Internet và truyền thông xã hội để loan tải tư tưởng và nội dung hành động của họ.

Và cũng từ thời điểm đó, công tác phản tuyên truyền trên báo đảng đã bắt buộc phải “thay đổi về lượng và chất”.

Điều ngày càng hiển nhiên là các cơ quan khoa giáo, tư tưởng văn hóa, tuyên huấn và sau này là tuyên giáo của Đảng đã không còn chiếm ưu thế trong hoạt động thông tin một chiều.

Đa dạng và đa chiều thông tin luôn có thể gây “xâm hại” đến đa nguyên tư tưởng, kể cả tạo ra tư tưởng đảng phái và thái độ thay thế chính đảng cầm quyền.

Cũng từ năm 2000, một sự kiện không kém “diễn biến” là độ mở trong quan hệ Việt – Mỹ bắt đầu hình thành, được chứng thực bởi Hiệp định song phương thương mại giữa hai quốc gia vốn là cựu thù.

Mở lối chính trị lại tiếp sức cho thoáng đạt thông tin. Người dân và nhiều trí thức trong đảng đã dần biết đến những tin tức tổng hợp của các đài báo quốc tế về một số tình hình được xem là thực chất hơn nhiều so với thông tin một chiều trên báo đảng, liên quan đến “triều chính”, quan điểm đối ngoại, những phong trào và cá nhân bất đồng, đối kháng, kể cả hiện tình của văn nghệ nước nhà hoặc nhiều khuất tất về tài chính.

Cũng vào thời gian này, trong lực lượng phản tuyên truyền đã xuất hiện dấu hiệu “mỏng” dần, dù mức nhuận bút được cải thiện đáng kể.

Một số đánh giá không chính thức từ những người làm công ăn lương đã cho thấy các bài viết phản tuyên truyền không còn nhất quán về lập trường và theo phương châm triệt để dùng lý lẽ để phản bác các “luận điệu sai trái” như trước đây.

Thay vào đó là tính tư tưởng và lý luận trở nên trung dung và có vẻ ôn hòa hơn, các luận điểm nêu ra cũng xa rời thực tế đời sống hơn, hiệu ứng lan tỏa và tác động của bài viết thấp hơn.

Khi những cuộc biểu tình đầu tiên chống Trung Quốc can thiệp vào Biển Đông chớm nở ở Hà Nội, cũng là lần đầu tiên dư luận chú tâm đến đến một sắc thái mới: nội dung phản tuyên truyền trên báo đảng đã bắt đầu phải đề cập nhiều hơn hẳn những thông tin “không chính thống”, thay cho thái độ bỏ qua hoặc rất ít nhắc tới những thông tin này trong giai đoạn trước đây.

Vào lúc này, chủ đích phản tuyên truyền đã được xem như một trọng điểm nặng gánh đối với ngành
tuyên giáo.

Cũng vào lúc này, “lề đảng” đã bắt buộc phải tích cực “nhân bản” đối tượng tuyên truyền viên và dư luận viên, trong đó đặc biệt quan tâm “bồi dưỡng” những cây viết phản tuyên truyền được xem là “cao cấp”.

Đặc biệt từ đầu năm 2013 đến nay, mối tương tác giữa truyền thông nhà nước với truyền thông xã hội càng có tính song ánh. Hàng loạt sự kiện đã xảy ra và đánh dấu quan hệ “môi răng” như thế: “Kiến nghị 72” của một nhóm nhân sĩ, trí thức; hai vụ tuyệt thực của các ông Cù Huy Hà Vũ và Điếu Cày Nguyễn Văn Hải; hoặc gần đây nhất là hiện tượng Lê Hiếu Đằng với tư tưởng “tính sổ” với Đảng.
Càng về sau này, “độ trễ” trong phản ứng của hoạt động phản tuyên truyền càng được thu ngắn. Nếu như trước đây, độ trễ ấy có thể đến cả tháng, thì về sau này đã chỉ còn vài tuần lễ.

Thậm chí, liên quan đến vụ việc giáo dân giáo xứ Mỹ Yên ở Nghệ An bị chính quyền và công an địa phương trấn áp vào đầu tháng 9/2013, đã có đến hơn mười bài phản tuyên truyền được tung lên trên mặt báo Nghệ An chỉ vài ngày sau đó – một hiện tượng rất gần với khái niệm “Cơn lên đồng tập thể” mà ông Lê Hiếu Đằng đã dùng để điềm chỉ giới báo chí quốc doanh “đánh hội đồng” mình.

Cùng với độ mở chính trị đối ngoại giữa Nhà nước Việt Nam trong thế bắt buộc phải tương tác với Mỹ và phương Tây, năm 2013 đang chứng kiến một hình ảnh chưa có tiền lệ: thế tạm thời cân bằng giữa truyền thông xã hội với báo chí nhà nước, không chỉ trên phương diện tuyên truyền mà còn cả về các tin tức kinh tế - xã hội – văn hóa.

Đây cũng là thời điểm mà yêu cầu phản tuyên truyền được “nâng cao thêm một mức”, làm mọi cách để có được những Amari TX từ việc “nhân bản” những dư luận viên cao cấp như TS. Hoàng Văn Lễ mà người ta đã có dịp xâu chuỗi và cười cợt.

Chuyển lề

Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng điều đáng tiếc cho các báo đảng là họ ngày càng khó xử và mất sĩ diện trong việc lôi kéo các tờ báo quốc doanh khác tham gia vào mặt trận phản tuyên truyền.

Trong những vụ việc “nhạy cảm” như Đoàn Văn Vươn, Phương Uyên hay các nhân vật “lệch lạc về quan điểm”, những tờ báo có tiếng tăm nhất ở Việt Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Vietnamnet đã chỉ tham gia một cách miễn cưỡng trong khuôn khổ định hướng cầm tay chỉ việc của Ban Tuyên giáo trung ương.

Tình hình này cũng khiến nảy sinh một đặc thù mới mẻ và đầy hấp dẫn trong nội bộ truyền thông nhà nước: phân hóa sâu sắc giữa nhóm báo “kiên định” như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Đại Đoàn Kết, Sài Gòn Giải Phóng với số còn lại của hơn 700 tờ báo được phép phát hành.

Mặt báo Đảng vẫn loang lổ những từ ngữ “chống đối, thù địch, vu cáo, vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, đội lốt…” không thay đổi trên mặt báo Đảng sau hai mươi năm qua, được ưu ái dành cho những người và những tổ chức cần phải “quay đầu là bờ”.

Vẫn là ý thức hệ độc đoán được mặc định trong tư tưởng bài viết, lối hành văn khuôn cứng, giáo điều không chỉ về văn phạm và cấu trúc mà còn rơi vào cơn khủng hoảng hiếm muộn từ ngữ. Không khá hơn, ngoài mảng thông tin “công an hóa”, những thông tin “lề trái” được báo đảng trích dẫn cũng thường được triệt để vận dụng thủ pháp “tuyên truyền xám” như đã được chính những tờ báo này chỉ trích giới truyền thông phương Tây.

Một nhân viên an ninh có thâm niên, tất nhiên giấu tên, đã bình luận về chất lượng phản tuyên truyền trên báo đảng: “Họ vẫn viết như ngày nào… Cứ viết thế này thì sẽ chẳng có ai đọc nữa.”

Cũng có một dư luận viên ngán ngẩm: “Nói quay đầu là bờ, nhưng coi chừng đến bờ lại quay đầu.”
Phải chăng những lời trần tình ruột rà trên là thực trạng đau khổ của giới lãnh đạo tuyên giáo Việt Nam? Trong khung cảnh thê thảm về thực tồn xã hội cùng sự thăng hoa bất chấp của các nhóm lợi ích tài phiệt lẫn chính trị, một xu thế không thể tránh khỏi trong tương lai gần là những tay viết “lề phải” đang rơi vào tâm thế im lặng.

Sự im lặng này được giải thích xuất phát từ hai nguồn cơn chính: phản tuyên truyền như thế nào và để làm gì nếu như trong tâm khảm họ không còn trung trinh tính chính nghĩa? Và làm sao để bắt bẻ “lề trái” bằng những lý lẽ trái ngược với lòng dân?

Hoặc như lời một phụ nữ ở Văn Giang, Hưng Yên thốt lên với lực lượng công an trong ngày chống cưỡng chế thu hồi đất phi pháp vào năm 2012:

“Các cậu đuổi dân để bảo vệ ai? Bảo vệ những đứa đang chà đạp chính gia đình của các cậu à?”.
Độ mở đối ngoại cũng hiển nhiên mang tính bắt buộc đối với độ mở dân chủ nội trị. Rất không loại trừ trong vài ba năm tới, những cây viết “lề phải” sẽ dần chuyển sang “lề trái”, và cái sự thật cay đắng đó lại càng làm cho cơn sốt rét khan hiếm nguồn lực phản tuyên truyền của báo đảng và giới tuyên giáo “mensêvích” trở nên cấp tính hơn.
 
Nguồn: BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét