GPVO
Lúc 8 giờ ngày 02/10/2013, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đưa vụ
án luật sư Lê Quốc Quân ra xét xử tại số 43, Hai Bà Trưng, Tp Hà Nội.
Chúng tôi đăng lại Văn thư của Ban Công Lý & Hòa Bình giáo phận Vinh
lên tiếng bênh vực công lý và bảo vệ gia đình luật sư Quân vốn đang
được công luận đặc biệt quan tâm, bênh vực.
"... Cùng với công luận Việt Nam và quốc tế, chúng tôi khẩn thiết đề
nghị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định đình chỉ vụ án, trả
tự do vô điều kiện cho luật sư Lê Quốc Quân và những người liên quan,
đồng thời buộc những người có trách nhiệm bồi thường xứng hợp cho họ và
gia đình. Nếu chúng ta tôn trọng Sự Thật thì đây là chọn lựa duy nhất."
Giáo Phận Vinh
Ban Công Lý Và Hòa Bình
Số: 07/13CL-HB Xã Đoài, ngày 23 tháng 7 năm 2013
V/v: Bênh vực công lý cho
luật sư Lê Quốc Quân trong vụ án
được coi là trốn thuế.
Sau khi nghiên cứu đơn kêu cứu và toàn bộ hồ sơ vụ án trốn thuế mà
luật sư Lê Quốc Quân, giám đốc công ty TNHH giải pháp Việt Nam, bị truy
tố, đồng thuận với công luận Việt Nam và quốc tế, Ban Công Lý và Hòa
Bình giáo phận Vinh khẩn thiết bênh vực công lý để bảo vệ quyền căn bản
của công dân.
Lê Quốc Quân được mọi người biết đến là một luật sư trẻ, một blogger
năng động, một nhà tranh đấu không mệt mỏi cho nền dân chủ Việt Nam.
Không ai phủ nhận ông có nhiệt huyết giúp đỡ người nghèo, khao khát đóng
góp cho công bằng xã hội, tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn
luận, tự do lập hội, cổ xúy đa nguyên – đa đảng để giúp đất nước thoát
ra khỏi tình trạng trì trệ và tham nhũng, chấn hưng nền giáo dục đang bị
khủng hoảng, phản đối xâm lược của Trung Quốc để bảo vệ toàn vẹn chủ
quyền lãnh thổ đất liền, không phận và biển đảo của quốc gia. Đây được
coi là nguyên nhân làm cho luật sư Lê Quốc Quân luôn bị chính quyền Việt
Nam theo dõi và tìm cách hãm hại.
Từ việc sách nhiễu, cấm cách, bắt bớ, giam giữ dài hạn nhiều lần mà
không có căn cứ pháp lý của chính quyền Việt Nam kể từ khi luật sư Lê
Quốc Quân trở về nước sau khi tham dự khóa học về “xây dựng xã hội dân
sự” do tổ chức Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for
Democracy) ở Mỹ cấp học bổng, việc công an Hà Nội, sau một loạt động
thái bất công vốn đã từng hành xử với những nhà tranh đấu cho nhân quyền
và dân chủ tại Việt Nam, bắt tạm giam luật sư Lê Quốc Quân ngày
27/12/2012 với cáo buộc tội “trốn thuế” trong tư cách là giám đốc công
ty TNHH giải pháp Việt Nam, đã làm cho công luận lo ngại về nội dung và
bản chất của vụ án. Đâu là sự thật?
Vượt quá những nguyên tắc tố tụng của một vụ án kinh tế, sau gần bảy
tháng tìm cách khép án, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã có quyết
định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 9/7/2013. Tuy nhiên, liền trước ngày
xét xử, cơ quan này lại đột xuất thông báo hoãn phiên tòa chỉ vì lý do
thẩm phán chủ tọa phiên tòa bị cảm cúm.
Từ những uẩn khúc lớn đó, chúng tôi đã nghiêm túc nghiên cứu vụ án và
phát hiện những nội dung quan trọng dẫn đến việc đồng thuận với công
luận rằng: vụ án “trốn thuế” theo điều 161 Bộ luật hình sự Việt Nam mà
chính quyền khởi tố và bắt tạm giam luật sư Lê Quốc Quân, giám đốc công
ty TNHH giải pháp Việt Nam, chỉ là kịch bản được dàn dựng để che đậy âm
mưu chính trị chống lại một nhà tranh đấu ôn hòa cho nhân quyền và dân
chủ, làm lung lạc tinh thần dân tộc của thế hệ trẻ.
Bằng chứng thứ nhất, Việt Nam đã tìm mọi cách bắt luật sư Lê
Quốc Quân bỏ tù không cần tội danh và chẳng cần luật pháp: lần 1: bắt
100 ngày, không có bằng chứng rồi thả tự do trước áp lực của công luận;
lần 2: bắt giam 11 ngày vì cho rằng luật sư Lê Quốc Quân có hành vi gây
rối, rồi cũng không có tội danh nên thả; lần 3: bắt và cố tình đưa luật
sư Lê Quốc Quân vào trại cải tạo không giam giữ 2 năm theo kiểu vụ án
đối với chị Bùi Thị Minh Hằng, nhưng vì Quốc Hội bãi bỏ luật cải tạo
không xét xử nên chính quyền đã ra quyết định giáo dục tại địa phương.
Cuối cùng, không ngoài tiến trình đó, nhà cầm quyền bắt luật sư Lê Quốc
Quân vì tội trốn thuế là điều dễ hiểu.
Bằng chứng thứ hai, hệ thống tư pháp Việt Nam hoàn toàn không
có cơ sở khởi tố luật sư Lê Quốc Quân về tội trốn thuế, vì theo luật
pháp Việt Nam hiện hành, thì bắt buộc cơ quan Thuế phải làm việc trước.
Trong vụ án này, chính quyền đã làm ngược quy trình đó, công an Hà Nội
ép cơ quan thuế làm và trong khi cơ quan thuế chưa làm thì công an đã
bắt người và tịch thu hết mọi hồ sơ giấy tờ của công ty, kể cả con dấu,
điều mà luật pháp không cho phép. Đặc biệt, theo các quy định về khai
nộp thuế hiện hành tại Việt Nam dựa trên Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày
14/6/2007 của Bộ tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của luật quản lý thuế, Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ tài chính hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật thuế doanh nghiệp và hướng dẫn thi
hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/11/2008 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế doanh nghiệp và Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 về việc nộp thuế doanh nghiệp,
thì những hành vi vi phạm thuế của luật sư Lê Quốc Quân nếu có thì cũng
chỉ bị xử phạt hành chính và buộc chi trả toàn bộ thuế cũ và phát sinh.
Bằng chứng thứ ba, trong lịch sử tư pháp Việt Nam, chưa một ai
bị bắt khẩn cấp vì tội trốn thuế. Vậy mà luật sư Lê Quốc Quân, anh Lê
Đình Quản và chị Nguyễn Thị Oanh lại bị bắt khẩn cấp, với hàng trăm công
an an ninh. Riêng chị Oanh lại bị bắt vào ban đêm trong hoàn cảnh đang
mang thai. Sau đó, chị được cho tại ngoại nhưng lại bị sẩy thai liền sau
đó và bị suy giảm nặng về sức khỏe thai phụ. Đây chính là hậu quả của
hành vi vi phạm nghiêm trọng khoản 2 điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự năm
2003: “Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con
dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, bệnh nặng mà có nơi cư trú rõ ràng
thì không được tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.” Theo
các luật sư tham gia vụ án này thì việc bắt luật sư Lê Quốc Quân và
những người khác trong vụ án đều không tuân thủ quy định tại Điều 80 Bộ
luật tố tụng hình sự Việt Nam, và nhất là đã có nhiều sai phạm nghiêm
trọng về thủ tục tố tụng hình sự.
Bằng chứng thứ tư, việc điều động công an an ninh thay vì công
an kinh tế để điều tra hoàn tất vụ án là bằng chứng cụ thể quan trọng
chứng minh tính chất chính trị của vụ án (xem Quyết định số 3449/QĐ-CAHN-PX13 ngày 18/10/2012 của giám đốc công an thành phố Hà Nội về việc điều động cán bộ).
Nhất là đã có bằng chứng làm giả hồ sơ để hoàn tất vụ án vì trong các
bút lục hồ sơ có những văn bản trước căn cứ văn bản sau xét về mặt thời
hạn. Đây là điều lý giải tại sao cơ quan tố tụng từ chối việc luật sư
tham gia vụ án ngay từ đầu theo quy định của pháp luật về tố tụng hình
sự.
Bằng chứng thứ năm, kể từ ngày khởi tố vụ án và bắt tạm giam
các bị can, cho đến nay thời hạn vụ án đã vượt quá các quy định tố tụng
nhưng vụ việc vẫn chưa được đưa ra xét xử. Trong khi chị Nguyễn Thị Oanh
đã mất đứa con đầu lòng của mình sau khi bị bắt và bị tạm giữ, luật sư
Lê Quốc Quân và anh Lê Đình Quản vẫn bị giam trong điều kiện hết sức
thiếu thốn, khắc nghiệt và chưa được gặp người thân như pháp luật cho
phép. Hơn nữa, theo luật tố tụng, với tội danh trốn thuế, thời hạn từ
khi tòa án thụ lý hồ sơ vụ án cho đến ngày xét xử là không quá 45 ngày,
nhưng thực tế, luật sư Lê Quốc Quân và anh Lê Đình Quản đã tiếp tục bị
giam không xét xử hơn 3 tháng.
Bằng chứng thứ sáu, gia đình và người thân của luật sư Lê Quốc
Quân, những người hoàn toàn không liên quan đến vụ án, vẫn thường xuyên
bị sách nhiễu, gây áp lực vô lý và bị đối xử rất bất công trong cuộc
sống. Công ty TNHH giải pháp Việt Nam không thể hoạt động do bị trịch
thu trái phép con dấu và các phương tiện cần thiết. Đặc biệt, trong thời
gian Luật sư Lê Quốc Quân bị bắt giữ, không chỉ trụ sở công ty mà cả
nhà riêng của gia đình cũng ít nhất 3 lần bị khám xét tùy tiện.
Với tất cả những nội dung trên, cùng với công luận Việt Nam và quốc
tế, chúng tôi khẩn thiết đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ra
quyết định đình chỉ vụ án, trả tự do vô điều kiện cho luật sư Lê Quốc Quân và những người liên quan,
đồng thời buộc những người có trách nhiệm bồi thường xứng hợp cho họ và
gia đình. Nếu chúng ta tôn trọng Sự Thật thì đây là chọn lựa duy nhất.
Trân trọng.
BAN CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH
GIÁO PHẬN VINH
Nguồn: GPVO
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét