2013/08/03

’Vũ khí’ bảo vệ Biển Đông

Hà Sĩ Phu

Bàn về hiệu quả thực tế của những “vũ khí” giữ gìn Biển Đông

Trước hết xin cảm ơn anh Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm Minh triết đã có thư mời tôi đến dự cuộc họp mặt các tác giả có công trình về chủ quyền Biển Đảo Việt Nam.

Tôi rất muốn có mặt để trực tiếp được nghe ý kiến các tác giả đã dày công nghiên cứu sưu tầm tư liệu về chủ quyền nước ta tại Hoàng Sa - Trường Sa và chia sẻ quyết tâm sắt đá giữ gìn Biển Đảo, nhưng do điều kiện sức khỏe không ra Hà Nội dự được, tôi xin có một lời bàn ngắn ngủi gửi đến cuộc họp mặt, với sự hiểu biết còn hạn hẹp, cũng mong góp phần nhỏ vào cuộc trao đổi thân mật và rất có ý nghĩa này.

Trước hết, dù là vũ khí chính trị, vũ khí ngoại giao, quân sự, lịch sử, văn hóa, dân vận… xin gọi chung là “vũ khí”.

Về vũ khí lịch sử, chúng ta đã sưu tầm được những văn bản, những bản đồ, hiện vật chứng minh từ hàng thế kỷ nay Hoàng Sa - Trường Sa đã thuộc vùng quản lý của tổ tiên ta, trong khi chính bản đồ của Trung Quốc từ năm 1904 đã cho thấy ranh giới của họ chỉ đến đảo Hải Nam, những tư liệu lịch sử ấy rất quý giá, kết tinh tấm lòng và công sức của nhiều người, như những vũ khí rất có giá trị.
Đã có nhiều tác giả, nhiều công trình, nhiều sáng kiến đáng tôn vinh trong buổi gặp mặt này, nhưng để các “vũ khí” phát huy được hiệu quả mong muốn, tôi xin bổ sung mấy điều sau đây:

1/ Phải có chỗ cho chứng cứ phát huy

Ta nói đó là những chứng cứ “không thể tranh cãi”, nhưng không thể tranh cãi là trong một môi trường có CÔNG LÝ và NHÂN TÂM, chứ vô tác dụng trước một kẻ đã quyết một bề truyền kiếp xâm lược, chỉ cãi chày cãi cối, ngồi xổm lên Nhân tâm và Công lý, những lời thiện tâm chỉ là giả vờ để che mắt và bịt miệng. Vậy làm thế nào để buộc đối phương phải đối mặt với Công lý và Nhân tâm?

- Về Công lý, muốn buộc đối phương phải đối mặt cần đưa các bằng chứng ấy lên Tòa án quốc tế, mà Philippines đã cho ta một tấm gương. Chủ trương đối thoại tay đôi với kẻ mạnh đang ức hiếp mình chính là vô tình hay hữu ý tiếp tay cho nó “ngọt ngào thôn tính” đất nước mình. Không chống được sai lầm này thì những chứng cứ của ta cũng vô tác dụng.

- Về nhân tâm, nếu song song với những chứng cứ lịch sử, mà nhà nước lại bỏ tù những người lên tiếng chống kẻ xâm lược thì khác nào tạo ra một môi trường phản nhân tâm, cả nhân tâm trong nước và nhân tâm thế giới, còn ai tin vào kế sách chống xâm lược của một nhà nước như thế? Trong một môi trường thiếu vắng sức mạnh của Nhân tâm như vậy thì chứng cứ lịch sử phỏng có giá trị gì?

2/ Giá trị thời gian trong chuỗi chứng cứ

Trong môi trường của Nhân tâm và Công lý thì những chứng cứ lịch sử càng có niên đại xa xưa càng có giá trị, càng đáng tin cậy, càng thuyết phục lòng người. Trái lại trong môi trường “chày cối” và ức hiếp thì dẫn chứng càng xa xưa càng không đáng để ý, càng thua kém những sự thực đang diễn ra trước mắt.

Để dễ hiểu ta lấy ví dụ vườn tược nhà anh A bị anh B láng giềng bày mưu chiếm lĩnh. Anh A đem gia phả nhà mình ra chỉ cho tên hàng xóm thấy chủ quyền của A. Tên hàng xóm chẳng hề nao núng, liền bảo: Tôi cóc cần biết đây là của cụ 5 đời hay 10 đời của anh, đấy là việc của gia đình anh, chỉ biết mới năm ngoái chính bố anh lúc còn sống đã xác nhận khu vườn ấy là của tôi rồi, có chữ ký của bố anh rành rành ra đây! Con cháu đã đem gán nợ cho người ta rồi còn giở gia phả làm chi cho rách việc?

Vì thế công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 là một căn cứ quan trọng để họ khẳng định ý kiến của Việt Nam đã chấp nhận Hoàng Sa - Trường Sa thuộc lãnh hải Trung Quốc, bất chấp những bằng chứng xa xưa. Muốn giữ Biển Đảo thì phải phủ định giá trị pháp lý của Công hàm ấy là việc cần phải làm. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, những ký kết, những nhượng bộ và những thái độ im lặng (hay chỉ phản đối lấy lệ) trước những hành vi xâm lược diễn ra sau Công hàm 1958, từ cuộc cầu hòa ở Thành Đô đến nay, của đảng và nhà nước Việt Nam còn mang giá trị cam kết cao hơn nhiều so với Công hàm 1958. Cứ thế, bước đi sau còn tệ hơn bước đi trước. Ta biết trong chuỗi các văn bản, chuỗi các ứng xử, các cam kết thì cái sau luôn có giá trị hơn cái trước, nhưng những cam kết bí mật những năm gần đây giữa hai ĐCS thì dân lại không được biết, chúng ta không được biết!!!

3/ Mặt trận giữ nước phải liên hoàn

Tóm lại việc trưng ra những chứng cứ lịch sử phải đi kèm với việc đưa ra Tòa án quốc tế, với sử dụng sức mạnh đa phương, với việc trả tự do và vinh danh những người đã dũng cảm lên tiếng chống bọn xâm lược mới, với việc không chấp nhận thủ đoạn 16+4 (là thứ yêu thương giả để cắn xé thật)… nếu không thì những chứng cứ lịch sử quý giá mà ta tìm được cũng chỉ để cho ta “nhâm nhi” nâng chén tự sướng với nhau trong khi kẻ cướp cứ yên chí lấn dần bờ cõi! Đất nước sẽ mất dần trong sự đã rồi, trong sự lãng quên của cộng đồng thế giới vốn đầy rẫy cảnh cá lớn nuốt những con cá bé ham mồi, dại dột và cô độc.

Nếu không đấu tranh từng bước liên hoàn với những hoạt động trong và ngoài nước như trên đề cập thì tôi e công phu sưu tập vũ khí lịch sử của chúng ta chẳng những bị uổng phí, mà biết đâu nếu nạn Bắc thuộc trở lại (dưới cái áo khoác mới) thì những chứng cứ quý giá ấy của dân tộc Việt Nam mình sẽ bị thu sạch, đốt sạch hoặc mang về Bắc quốc như lịch sử nghìn năm Bắc thuộc còn ghi!

4/ Phải giữ nước trước tiên bằng “vũ khí chính trị

Sau cùng xin nói: Đánh giặc giữ nước tất nhiên cần vũ khí quân sự. Nhưng vũ khí nào cũng cần một bộ phận châm ngòi “phát hỏa” như cò súng, ngòi nổ hay các nút bấm… Những nút bấm điều khiển ấy luôn thuộc về thuộc bộ phận CHÍNH TRỊ!

Kế hoạch giữ nước trước hết là phải giữ nước từ Chính trị và bằng Chính trị. Một nền chính trị ưu việt để giữ nước mạnh hơn mọi vũ khí. Một quyết định chính trị khôn ngoan có thể hiệu quả hơn hàng tỷ đô la mua vũ khí. Nếu không biết những nút bấm thuộc về đâu thì tàu ngầm, tên lửa, máy bay hiện đại mua của Nga của Mỹ… cũng đều vô dụng, có khi còn tự hại mình.

Xét về giá trị trong đấu tranh thì chính trị cao hơn quân sự, thực tại cao hơn quá khứ, hành động cao hơn ngôn từ, thực tế cao hơn mơ tưởngChỉ khi nền chính trị tạo được sự đồng thanh cả nước một lòng chống giặc, từ người lãnh đạo cao nhất, đến các lực lượng võ trang, đến các trí thức và mỗi người dân, với sự hỗ trợ của thế giới văn minh, thì khi ấy những “vũ khí” trong đó có vũ khí quân sự và vũ khí lịch sử của chúng ta mới được sử dụng, mới có ý nghĩa. Một khi nhà nước thì “hợp tác chiến lược” với giặc Bành trướng bằng kế sách 16+4, trong khi đất nước và nhân dân thì khốn khổ vì kế sách đó, là đối tượng bị xâm hại bởi kế sách đó, thì tôi không hiểu những vũ khí sẽ dùng để làm gì, nằm trong tay ai, ai sẽ sử dụng?

Tôi tin tất cả chúng ta trong cuộc gặp mặt này cũng đều hiểu điều đơn giản ấy. Điều đơn giản ấy chắc người cầm quyền cũng thừa sức nhận ra, nhưng vì sao không dám chọn lối ra sáng sủa ấy, trả lời câu hỏi này chắc hẳn cần những bài viết và những cuộc thảo luận khác nữa [*].

Xin gửi đến cuộc họp mặt một lời thân thiết và trân trọng. Mong được tiếp nhận những cao kiến từ cuộc họp mặt thân mật này. Vô cùng cảm ơn.
[*] Xin tham khảo bài ”Giải Cộng nhi thoát”.

Đà Lạt ngày 30/7/2013

H.S.P.

Nguồn: Bauxite Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét