NGHỊ ĐỊNH SỐ 72/2013/NĐ-CP VI PHẠM HIẾN PHÁP, PHÁP LUẬT
VIỆT NAM VÀ CÁC CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ MÀ VIỆT NAM THAM GIA
Chúng tôi:
- Những công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt là những người sử dụng Internet như một phương tiện trau dồi tri thức, cập nhật thông tin trong nước và quốc tế để có điều kiện sống, học tập và làm việc xứng đáng với tư cách con người văn minh của xã hội hiện đại;
- Những người Việt định cư ở nước ngoài tha thiết với vận mệnh đất nước Việt Nam, với quyền tự do dân chủ của đồng bào trong nước;
Nhận thấy Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng” có hiệu lực ngày 01/09/2013 (gọi tắt là Nghị định 72) có những nội dung trái hoặc tiềm ẩn việc thi hành tùy tiện trái với Hiến pháp, Pháp luật Việt Nam, Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị và Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc:
Một số nội dung sai trái của Nghị định 72:
I. Tại các Khoản 3, 4, 5 điều 20 “Phân loại trang thông tin điện tử”, quy định:
“3. Trang thông tin điện tử nội bộ là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề và thông tin khác phục vụ cho hoạt động của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó và không cung cấp thông tin tổng hợp.
4. Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.
5. Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, y tế, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành khác và không cung cấp thông tin tổng hợp”.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
“19. Thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”.
“II. Điều 22. Cung cấp thông tin công cộng qua biên giới. 1. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập tại Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật của Việt Nam. 2. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới”.
Những nội dung trên trái ngay với Luật Công nghệ Thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Việt Nam, trong đó:
Điều 4. Giải thích từ ngữ
“17. Trang thông tin điện tử (Website) là trang thông tin hoặc một tập hợp trang thông tin trên môi trường mạng phục vụ cho việc cung cấp, trao đổi thông tin.”
Điều 2 qui định Đối tượng áp dụng chỉ là “tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam”
và
Điều 3. Áp dụng Luật công nghệ thông tin: “Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”.
Nghị định 72 còn là bước thụt lùi so với Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet như ở những qui định:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
“1. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet tại Việt Nam.
2. Trong trường hợp các Điều ước quốc tế liên quan đến Internet mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế”.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
“12. Trang thông tin điện tử trên Internet là trang thông tin hoặc tập hợp trang thông tin phục vụ cho việc cung cấp và trao đổi thông tin trên môi trường Internet, bao gồm trang thông tin điện tử (website), trang thông tin điện tử cá nhân (blog), cổng thông tin điện tử (portal) và các hình thức tương tự khác”.
Như vậy, các Khoản 3, 4, 5 Điều 20 “Phân loại trang thông tin điện tử”, Điều 22 “Cung cấp thông tin công cộng qua biên giới” tiềm ẩn nguy cơ bị vận dụng tùy tiện để ngăn cấm công dân Việt Nam thực thi các quyền tự do ngôn luận, tự do tìm kiếm, thu nhận và chia sẻ thông tin đã được bảo đảm bởi Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
1- Điều 69 Hiến pháp 1992, sửa đổi, bổ sung 2001:
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
2- Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị 1966 mà Việt Nam tham gia 1982:
Điều 19:
“(2) Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.
(3) Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu:
a. Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác.
b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý”.
3- Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc 1948:
Điều 19: “Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia”.
Nghị định 72 chứa đựng những quy định đi ngược lại các tuyên bố cải thiện về dân chủ, nhân quyền của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam trong thời gian gần đây, nhất là trong các thảo luận về sửa đổi Hiến pháp 1992, đi ngược lại lợi ích của nhân dân và đất nước, chỉ có tác dụng phá hoại lòng tin của người dân đối với sự trung thực và sáng suốt của chính quyền.
Việc ban hành Nghị định 72 với những quy định vi phạm hoặc tiềm ẩn nguy cơ bị thực hiện tùy tiện vi phạm các quyền tự do ngôn luận của công dân, trong hoàn cảnh Việt Nam vừa tuyên bố là đối tác toàn diện với Hoa Kỳ trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khi vụ xét xử phúc thẩm hai sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên được ghi nhận là một tiến bộ về tự do ngôn luận, trong lúc Việt Nam đang mong muốn ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, là việc làm đi ngược xu thế hội nhập của Việt Nam với thế giới, chỉ có tác dụng phá hoại uy tín của Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế, hết sức bất lợi cho việc tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trước bè lũ bành trướng Bắc Kinh.
Vì thế, chúng tôi tuyên bố:
1/ Phản đối Nghị định 72;
2/ Yêu cầu Chính phủ hoãn thi hành Nghị định này để chỉnh sửa những nội dung vi phạm hoặc tiềm ẩn nguy cơ vi phạm Hiến pháp, Pháp luật Việt Nam và các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết như nêu trên;
3/ Yêu cầu Quốc hội khẩn cấp thẩm tra các nội dung vi phạm Hiến pháp Việt Nam và các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết trong Nghị định 72 để can thiệp với Chính phủ trong quyền hạn của mình.
Khoản 9 Điều 84 của Hiến pháp 1992:
“Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
9- Bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội”;
Quyền tự do ngôn luận, tự do tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ thông tin là điều kiện tiên quyết để xây dựng nền dân chủ cho đất nước, cũng là điều kiện tối cần thiết để đất nước mở mang giao lưu và phát triển. Cấm cản nó, tất cả mọi phương diện của đời sống đất nước sẽ rơi vào vòng ngưng trệ, bước tiến vốn còn rất chầy chật của một nước Việt Nam mong sớm đứng vào vào hàng ngũ các nước phát triển chắc chắn sẽ bị đẩy lùi. Chúng tôi yêu cầu mọi chủ trương chính sách của Nhà nước Việt Nam trong tương lai phải tuyệt đối tôn trọng những quyền thiêng liêng, cơ bản trên đây.
Danh sách ký tên:
1. Nguyễn Quang A, TS, nguyên Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội
2. Vũ Thị Phương Anh, TS, nghiên cứu giáo dục, giảng viên, TP HCM
3. Vũ Hồng Ánh, nghệ sĩ đàn Violoncelle, TP HCM
4. Bùi Xuân Bách, giáo viên về hưu, Hoa Kỳ
5. Hà Dương Dực, chuyên viên kế toán tài chính, Hoa Kỳ
6. Vũ Trọng Khải, PGS TS, TP HCM
7. Lê Xuân Khoa, nguyên giáo sư Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ
8. Hoàng Quân, sinh viên, Hoa Kỳ
9. Đào Quốc Việt, Hà Nội
10. Nguyễn Hữu Vinh, cử nhân Luật, Hà Nội
11. Augustine Hà Tôn Vinh, giáo sư Đại học San Francisco, Hoa Kỳ
12. Dương Văn Vinh, cựu sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, TP HCM
13. Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Thiếu tướng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Hà Nội
14. Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, Huế
15. Hoàng Minh Xuân, nhà báo, TP HCM
16. Phạm Xuân Yêm, GS TS, nguyên Giám đốc Nghiên cứu Vật lý, CNRS và Đại học Paris VI, Pháp
17. Nguyễn Đông Yên, GS TSKH, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hà Nội
18. Lê Viết Yên, giáo viên, TP HCM
19. Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức yêu nước TP Hồ Chí Minh, TP HCM
20. Nguyễn Thị Hoàng Bắc, nhà văn, Hoa Kỳ
21. Hoàng Ngọc Biên, nhà văn, Hoa Kỳ
22. Võ Văn Cần, hưu trí, Canada
23. Xà Quế Châu, đầu bếp, TP HCM
24. Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo, TP HCM
25. Nguyễn Huệ Chi, GS, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Văn học, Hà Nội
26. Nguyễn Phương Chi, biên tập viên chính, tạp chí Nghiên cứu Văn học, Viện Văn học, đã nghỉ hưu, Hà Nội
27. Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động, TP HCM
28. Ngô Thị Kim Cúc, nhà văn, nhà báo, TP HCM
29. Tiêu Dao Bảo Cự, nhà văn tự do, Đà Lạt
30. Nguyễn Đắc Diên, bác sĩ, TP HCM
31. Nguyễn Xuân Diện, TS Ngữ văn, Hà Nội
32. Phạm Chí Dũng, nhà báo tự do, TP HCM
33. Hoàng Dũng, PGS TS, TP HCM
34. Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh khóa 4, 5, TP HCM
35. Khương Quang Đính, chuyên gia Công nghệ Thông tin, Pháp
36. Lê Hiền Đức, 82 tuổi, công dân chống tham nhũng ở Việt Nam, Hà Nội
37. Huy Đức, nhà báo tự do, TP HCM
38. Lê Mạnh Đức, kỹ sư, hưu trí, TP HCM
39. Nguyễn Ngọc Giao, chủ biên tạp chí Diễn Đàn, nguyên Tổng Biên tập các báo Liên Hiệp và Đoàn Kết, Pháp
40. Hoàng Lại Giang, nhà văn, TP HCM
41. Đỗ Đăng Giu, nguyên Giám đốc Nghiên Cứu CNRS, Đại học Paris-Sud, Pháp
42. Phan Tấn Hải, nhà văn, Hoa Kỳ
43. Nguyễn Gia Hảo, nguyên Thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Hà Nội
44. Đặng Thị Hảo, TS, Hà Nội
45. Lê Minh Hằng, TS, Hà Nội
46. Phạm Duy Hiển (bút danh Phạm Nguyên Trường), hưu trí, Vũng Tàu
47. Nguyễn Trọng Hoàng, bác sĩ y khoa, Pháp
48. Lê Anh Hùng, blogger, Hà Nội
49. Nguyễn Mạnh Hùng (Nam Dao), TS Kinh tế, nguyên GS Đại học Laval, Canada
50. Nguyễn Thế Hùng, GS TS, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam, Đà Nẵng
51. Hà Thúc Huy, PGS TS, giảng viên Đại học, TP HCM
52. Nguyễn Thị Từ Huy, TS, TP HCM
53. Nguyễn Đăng Hưng, TSKH, Giáo sư Danh dự Thực thụ Đại học Liège, Bỉ
54. Hoàng Hưng, nhà thơ, nguyên Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ báo Lao Động thời Đổi mới, TP HCM
55. Phạm Khiêm Ích, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội
56. Lê Phú Khải, nguyên phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, TP HCM
57. Phan Trọng Khang, thương binh 2/4, Hà Nội
58. Nguyễn Văn Khoa, Pháp
59. Trần Minh Khôi, kỹ sư điện toán, Berlin, CHLB Đức
60. Quản Mỹ Lan, Pháp
61. Nguyễn Quang Lập, nhà văn, TP HCM
62. Phuong Thao Le, hưu trí, Hoa Kỳ
63. Mai Thái Lĩnh, nhà nghiên cứu, Đà Lạt
64. Trịnh Lữ, dịch giả, Hà Nội
65. Trần Lương, nghệ sĩ Thị giác, Hà Nội
66. André Menras – Hồ Cương Quyết, nhà giáo, cựu tù chính trị trước 1975, Pháp
67. Trần Tố Nga, giáo viên, hưu trí, TP HCM
68. Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP HCM
69. Phùng Hoài Ngọc, thạc sĩ, An Giang
70. Hồ Ngọc Nhuận, nguyên Giám đốc chánh trị chủ bút nhật báo Tin Sáng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TP HCM
71. Phan Thị Hoàng Oanh, TS, giảng viên đại học, TP HCM
72. Nguyễn Mai Oanh, chuyên gia nông nghiệp – phát triển nông thôn, TP HCM
73. Tô Oanh, giáo viên THPT, Bắc Giang
74. Hà Sĩ Phu, TS, Đà Lạt
75. Lữ Phương, viết văn, TP HCM
76. Nguyễn Đăng Quang, nguyên Đại tá Công an, Hà Nội
77. Bùi Minh Quốc, nhà báo, nguyên Tổng biên tập tạp chí Lang Biang, Lâm Đồng
78. Tô Lê Sơn, kỹ sư, TP HCM
79. Vũ Vân Sơn, CHLB Đức
80. Trần Đình Sử, GS TS, Hà Nội
81. Trần Công Thạch, cán bộ hưu trí, TP HCM
82. Nguyễn Chí Thanh, thạc sĩ, TP HCM
83. Cao Ngọc Thanh, Thuỵ Sĩ
84. Antôn Lê Ngọc Thanh, linh mục, Giáo phận Sài Gòn, TP HCM
85. Nguyễn Văn Thạnh, Đà Nẵng
86. Giuse Maria Lê Quốc Thăng, linh mục, Giáo phận Sài Gòn, TP HCM
87. Nguyễn Lân Thắng, Hà Nội
88. Lê Thân, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên cán bộ phong trào đấu tranh của nhân dân, sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ Thành phố Đà Lạt, TP HCM
89. Đào Tiến Thi, nhà nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội
90. Phạm Tư Thanh Thiện, nguyên Phó Trưởng ban Việt ngữ đài RFI, Pháp.
91. Nguyễn Trung Thuần, nhà nghiên cứu, dịch giả, Hà Nội
92. Trần Quốc Thuận, luật sư, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, TP HCM
93. Tưởng Năng Tiến, Hoa Kỳ
94. Vũ Ngọc Tiến, nhà văn, Hà Nội
95. Bùi Tín, nhà báo tự do, Pháp
96. Phạm Toàn, nhà nghiên cứu giáo dục, Hà Nội
97. Nguyễn Thị Khánh Trâm, nghiên cứu viên văn hóa, TP HCM
98. Phạm Đình Trọng, nhà văn, TP HCM
99. Nguyễn Quang Trọng, Pháp
100. Hà Vũ Trọng, dịch giả, TP HCM
101. Hà Dương Tuấn, nguyên chuyên gia Công nghệ Thông tin, Pháp
102. Hoàng Ngọc Tuấn, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Văn học Nghệ thuật, Úc
103. Hoàng Tuỵ, GS, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hà Nội
104. Phan Thị Trọng Tuyến, Pháp
105. Dương Tường, nhà thơ, Hà Nội
106. Hà Dương Tường, nguyên Giáo sư Đại học Compiègne, Pháp
107. Nguyễn Đức Tường, tiến sĩ Vật lý, Canada
108. Trần Thanh Vân, kiến trúc sư, Hà Nội
Để ký tên vào Tuyên bố này, xin đồng bào trong và ngoài nước gửi e-mail về địa chỉ phandoinghidinh72@gmail.com, ghi rõ họ tên, nghề nghiệp, chức danh (nếu có), địa chỉ và số điện thoại (máy bàn, di động).
Nếu cần, chúng tôi sẽ công khai tất cả thông tin về người đã ký vào Tuyên bố (địa chỉ cụ thể, cơ quan làm việc, số điện thoại) trừ những bạn nào có yêu cầu không công bố.
Việc ký tên vào Tuyên bố này sẽ kết thúc vào lúc 19g ngày 28/8/2013 và toàn bộ danh sách sẽ được đăng trên trang mạng Bauxite Việt Nam vào sáng 29/8/2013.
Bauxite Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét