2013/08/10

Nguyễn Thanh Sơn và quan điểm nhất quán của đảng

Nguyễn Đình Thu - DienDanCTM

Ngay sau cuộc viếng thăm lạnh lẽo của ông Chủ tịch Trương Tấn Sang vừa chấm dứt, có một người đột nhiên danh tiếng nổi như cồn. Đó là Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Trước hết, ông Sơn xuất hiện trên Phố BolsaTV. Ông cao giọng phê phán cuộc biểu tình ngày 25/7/13 của đông đảo người Việt tại Hoa Kỳ trước Nhà Trắng để phản đối nhà cầm quyền mà ông Trương Tấn Sang đại diện. Ông Sơn bảo những người đi biểu tình hôm ấy thực chất là vì trong lòng còn mang “hận thù cuối cùng” và vì “muốn có thêm thu nhập”.

Nhiều người tin rằng con số hàng ngàn người biểu tình với biểu ngữ rợp trời và tiếng hét phản đối vang vào tới tận phòng họp bên trong Nhà Trắng là biểu tượng của sự thất bại hoàn toàn của Nghị Quyết 36, và sự vô dụng của Ủy ban về người Việt ở nước ngoài mà ông Sơn là chủ nhiệm.
Bị la mắng là hiển nhiên nhưng hơn thế nữa, cái ghế thứ trưởng của ông cũng khá lung lay sau vụ này. Chính vì thế mà ông Sơn phải xuất hiện ngay để "giải thích" gián tiếp với cấp trên và mong làm giảm nhẹ tác dụng của cuộc biểu tình.

Nhưng lời "giải thích" của ông Sơn ngay sau đó lại trở thành trận bão phản đối dữ dội mà chính ông Sơn cũng không ngờ tới. Các hình ảnh được tung ra càng nhiều để chứng minh số người kéo về Washington DC không hề là “một bộ phận rất nhỏ” như ông Sơn khẳng định. Vì để giúp phương tiện cho 1 người về tới nơi biểu tình, hàng chục và cho khi hàng trăm người khác, đã chung góp để mua vé máy bay, thuê xe, đổ xăng, v.v... Có người phải bay suốt chiều ngang nước Mỹ từ California. Có người phải lái xe 2 ngày 2 đêm từ Texas. Có thể nói cứ một người tới được Washington DC thì có tới mười người muốn đi nhưng hoàn cảnh và điều kiện không cho phép. Và cùng với cuộc biểu tình tại DC còn có nhiều cuộc biểu tình "đồng hành" khác tại các địa phương đông người Việt. Cộng hết lại thì rõ ràng đây là một "bộ phận quá lớn" của bà con người Việt ở nước ngoài.

Cả con số và nhiệt huyết của đoàn người biểu tình đã được nhiều ký giả ngoại quốc thường trực trong phòng báo chí Tòa Bạch Ốc ghi nhận. Họ ghi rằng chắc chắn phái đoàn ông Sang đã nghe rất rõ tiếng hô vang của người biểu tình tố cáo chế độ của ông vi phạm nhân quyền, và dường như ông Obama muốn để ông Sang và phái đoàn nghe được những tiếng hô đó.

Khá chắc những lời nói thiếu suy nghĩ của ông Sơn trên Bolsa TV và cơn thịnh nộ của công luận sau đó không giúp gì cho ông ta trong việc gỡ gạc với cấp trên để giữ ghế. Khi công luận cả ngoài và trong nước quá nóng, có lẽ ông được lệnh phải lên tiếng đính chính. Ông chọn BBC để lên tiếng than phiền là cơ quan truyền thông này viết tựa đề không trung thực. BBC liền mở cơ hội cho ông nói thế nào mới là trung thực.

Nhưng thay vì giải tỏa tình hình, ông Sơn lại đem thêm xăng xịt vào đám cháy và càng chứng minh ông cố tình bịp người dân trong nước về thế giới bên ngoài.

Trước hết ông cố chứng minh các phát biểu trước của ông là đúng bằng cách mạ lỵ tiếp bà con biểu tình bằng câu: "Chúng tôi có hỏi một vài người tại sao lại tham gia như thế làm gì thì họ bảo là thực tế nói thật là cũng đi để kiếm thêm vài ba chục đô la vì họ phát tiền, họ cho tiền thì tại sao không đi.” Đây là thói quen gian dối, bịp bợm và coi thường cả người trong lẫn ngoài nước. Ông Sơn dư biết tiền thuê xe, mua xăng, hay đi xe công cộng từ các tiểu bang miền đông Canada và Hoa Kỳ đến Washington DC đã tốn hàng trăm đô la cho mỗi người, chưa kể tiền ăn ở. Riêng bà con bay từ California thì 1 vé khứ hồi rẻ cũng phải trên 500 đô la. Họ bỏ ra bằng đó tiền và mấy ngày lương tại sở làm để nhận "vài ba chục đô la" tại Washinton DC? Và ai là người phát tiền tại DC? Nếu ông Sơn đã biết tỏ tường sự việc và có cả nhân chứng thì tại sao không nói ra đó là ai? Hay ông Sơn cũng chỉ như đài VTV Hà Nội nói về những vị biểu tình chống Trung Quốc xâm lược?

Nhưng dù sao, cũng nhờ những lời giận quá mất khôn đó của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn mà bà con ta thấy rõ được 2 điều:

Thứ nhất, mỗi khi đi viếng thăm bất cứ nơi nào bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, lãnh đạo đảng rất sợ các cuộc biểu tình đồng lòng đồng hướng của người Việt tại hải ngoại. Người biểu tình càng đông, lãnh đạo càng sợ và càng cay cú. Rất nhiều lần họ phải chạy rút xuống hầm xe hay lui cui đi vào cửa sau các trụ sở. Nhưng họ không chỉ sợ mất mặt với các nước chủ nhà, mà hơn thế nữa, họ còn sợ các cuộc biểu tình này làm nức lòng bà con trong nước. Đây là những người vừa bị côn an đủ loại tha hồ đánh đập và tống vào trại phục hồi nhân phẩm trong các cuộc biểu tình yêu nước chống ngoại xâm.
Thứ nhì, phát biểu của Nguyễn Thanh Sơn cho thấy quan điểm thật và nhất quán của lãnh đạo đảng đối với khối người Việt hải ngoại. Rõ ràng lãnh đạo đảng không hề thay đổi sự khinh bỉ trong lòng đối với người Việt hải ngoại, cho dù trên môi họ luôn gắn câu "khúc ruột ngàn dặm” để mồi chài, khuyến dụ. Đối với đảng, trước sau như một, họ vẫn coi người Việt hải ngoại chỉ là “lũ bồi bếp, đĩ điếm chạy theo đồng tiền và bơ thừa sữa cặn của đế quốc" như chính lời ông Phạm Văn Đồng mô tả sau năm 1975. Những "bồi bếp và đĩ điếm" đó nay lại chạy theo "vài ba chục đô la" để đứng la hét biểu tình.

Câu hỏi còn lại là với những điều Nguyễn Thanh Sơn vừa ném vào mặt người hải ngoại như thế, các cộng đồng người Việt chúng ta khắp nơi sẽ làm gì: Khi Nguyễn Thanh Sơn tái xuất hiện tại hải ngoại với các kêu gọi hòa hợp hòa giải? Khi các phái đoàn của nhà cầm quyền CSVN, dù cấp nhỏ hay lớn, dù ít hay đông, đến các thành phố có người Việt Nam cư ngụ để dụ dỗ đầu tư? Khi những kẻ cam tâm cầm loa chạy theo Nguyễn Thanh Sơn đang ngang nhiên bước vào các sinh hoạt của cộng đồng tại Nam Cali, ngang nhiên nhận từng lá phiếu bầu của chúng ta tại Houston, ngang nhiên nhận tiền quảng cáo từ chính chúng ta tại Orange County? Tình trạng này còn kéo dài tới bao giờ nữa?

Nguồn: DienDanCTM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét