2013/08/02

Chính sách xoay trục sang Á Châu của Hoa Kỳ lại xoay ngược?

Ngô Quảng

Sau gần một thập niên tập trung vào chiến trường Afghanistan, Iraq và hầu như vắng bóng hẳn tại Châu Á, năm 2009 Hoa Kỳ mới gởi Ngoại trưởng Hillary Clinton đến tham dự Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF) ở Phuket, Thái Lan. Tại diễn đàn này bà Clinton tuyên bố rằng chiến lược hàng đầu hiện nay của Hoa Kỳ là Á châu, đánh dấu một chính sách mới của Hoa Kỳ.

Tháng 7 năm 2010, Diễn Đàn Khu Vực ASEAN lại được tổ chức tại Hà Nội và Ngoại trưởng Hillary cũng đến tham dự. Điều làm cho mọi người, đặc biệt là Ngoại trưởng Trung quốc Dương Khiết Trì, ngạc nhiên là lời tuyên bố của bà Hillary rằng Hoa kỳ cũng có quyền lợi [cần phải bảo vệ] trong vấn đề tự do hàng hải tại biển Đông.

Đến cuối năm 2010, chủ trương trở lại Á Châu của Hoa Kỳ đã được Washington đẩy mạnh và chính thức đặt tên ’’Tái cân bằng lực lượng’’ hay "Xoay trục’’ nhằm chuyển trọng tâm chiến lược của Hoa Kỳ từ Trung Đông sang Châu Á-Thái Bình Dương.

Liền sau đó, nhiều chiến lược gia tên tuổi của Nhật Bản lẫn Hàn quốc đưa ra nhận định có đại ý là: Nếu Hoa Kỳ tái phối trí quân đội của mình và chuyển nhiều lực về vùng Châu Á thì tại Trung Đông, Do Thái sẽ bị buộc phải lo phòng thủ nước nhà chứ không tấn công Iran nhiều và tạo nhiều rắc rối cho Hoa Kỳ như trước đây nữa. Ngược lại, tại Á châu, Trung quốc sẽ không thể tự tung, tự tác xâm lược biển đảo của nhiều nước trong vùng và phong tỏa đường hàng hải quan trọng qua biển Đông, để hiện thực hóa giấc mộng bá quyền của họ. Ngoài ra, nếu Hoa Kỳ xoay trục sang Á châu thì chắc chắn sẽ có nhiều quốc gia trong vùng đang cần sự có mặt của Hoa Kỳ sẽ đóng góp một phần không nhỏ cho các chi phí quân sự của Hoa Kỳ trong vùng. Những đóng góp đó càng đáng kể khi nền kinh tế của Hoa Kỳ chưa phục hồi, và ngân sách quốc phòng đang bị cắt giảm dưới áp lực của công luận và Quốc hội Mỹ. Với những lý do và nhu cầu đó, việc xoay trục sang Á châu là chiến lược thích hợp nhất cho Nhà Trắng hiện nay.

Nhưng chính trường Hoa Kỳ thay nhanh mỗi 4 năm, ngay cả khi người ngồi ghế tổng thống không đổi. Nếu bà Clinton vẫn giữ chức Ngoại trưởng Hoa Kỳ ở nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama thì có lẽ chuyện Mỹ ’’Xoay trục’’ sang Á châu không còn là vấn đề tạo nhiều xôn xao trong giới phân tích tình hình Á Châu nữa. Nhưng với việc tân Ngoại trưởng John Forbes Kerry thay thế bà Clinton, đang có nhiều chỉ dấu cái trục xoay lại đang quay về nơi xuất phát.

Trong 3 tháng kể từ ngày nhậm chức, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã công du Trung Đông 5 lần. Tuy vẫn tham dự Diễn Đàn Khu Vực ASEAN lần thứ 20 tại Brunei vào ngày 3 tháng 7 vừa qua, nhưng ông đã hủy bỏ nhiều chuyến công du đã dự định trước tại Á Châu để dành nhiều thời giờ cho Trung Đông. Và trong những ngày cuối tháng 7, Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry vừa tuyên bố sẽ tái lập hội nghị hòa bình giữa Do Thái và các nước Ả Rập trong vùng. Đây là một nỗ lực đã kéo dài qua nhiều đời tổng thống Mỹ nhưng vẫn chưa đạt được kết quả sau cùng là sự tồn tại trong độc lập và hòa bình cho cả người Do Thái và người Palestine.

Theo báo giới tại Nhật và Nam Hàn, lịch trình nêu trên chứng tỏ ông Kerry vẫn coi Trung Đông là điểm nóng hơn Á châu và các khu vực khác. Họ còn dẫn chứng lời của chính ông Kerry xác nhận: "Tổ tiên của tôi gốc Do Thái nên tôi rất muốn tìm kiếm một nền hòa bình cho Trung Đông. Đó không phải là điều ao ước của riêng cá nhân tôi mà nhiều người cũng mong muốn như thế".

Trang mạng nổi tiếng ở Hàn quốc có tên Cộng Hòa Triều Tiên (Republic of Korea) đã nói thẳng rằng tân Ngoại trưởng Kerry của Hoa Kỳ là người ít quan tâm đến Á châu. Trang mạng này còn dẫn chứng thêm rằng trước đây ông Kerry, trong vai trò Chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, thường hay chỉ trích cựu Ngoại trưởng Clinton Hillary là thiếu cân bằng trong chính sách, tập trung quá nhiều vào Trung quốc, và cảnh giác một cách quá đáng đối với quốc gia này. Trong một dịp điều trần, bà Hillary đã đáp lại: "Mặc dù Hoa Kỳ luôn đi tìm kiếm một giải pháp giao hảo tốt với Trung quốc trên mọi lãnh vực, nhưng không phải vì thế mà có thể thiếu cảnh giác với quốc gia này. Bằng tri thức lẫn sức mạnh của Hoa Kỳ, chúng ta trở lại Á châu để chủ động trong vấn đề ngoại giao, rồi từ đó đẩy mạnh việc hợp tác bảo an và hợp tác kinh tế với các quốc gia trong vùng."

Trong khi đó, giới chiến lược gia Nhật Bản có vẻ lạc quan hơn. Theo họ, tại Âu châu đã có tổ chức NATO với nhiều thành viên cùng với Hoa Kỳ đóng vai trò bảo vệ an ninh vững chắc cho toàn khu vực. Trong khi đó, tại Á châu hiện chỉ có hiệp ước bảo an riêng lẻ giữa Hoa Kỳ với 4 nước là Nhật Bản, Hàn quốc, Đài Loan và Philippines. Hoa Kỳ muốn từng bước xây dựng một loại NATO của Á Châu, đặc biệt bao gồm các nước yếu tại Đông Nam Á, để ngăn chận sự bành trướng quân sự của Trung quốc tại biển Đông Việt Nam, biển Tây Philippines, và duy trì an ninh vững chắc cho toàn vùng. Họ cho rằng đó là chính sách lâu dài của Tổng Thống Obama, cho dù Ngoại trưởng Kerry có mặn mà với chính sách này hay không. Hiện tượng ông Obama để ông Kerry thử dựng lại cuộc đàm phán Trung Đông chỉ là nỗ lực ngắn hạn. Ngay khi có một biến động gây hấn nào đó của Trung Quốc xảy ra, chính quyền Obama sẽ phải chú tâm trở lại với Á Châu mà thôi.

Nhưng yếu tố quan trọng được giới phân tích tại cả Nhật và Hàn đề cập đến là sự can dự trở lại của Hoa Kỳ với Châu Á CHỈ HỮU HIỆU NẾU nhân dân và chính quyền tại mỗi nước trong vùng đều đồng ý Bắc Kinh là mối đe dọa chung và muốn hợp tác với các nước khác để cùng đối phó.

Thật đáng tiếc, nếu xét theo kết luận đó, thì việc Hoa Kỳ trở lại Châu Á vẫn chẳng giúp được gì cho nền an ninh và chủ quyền của Việt Nam — nơi mà 16 chữ vàng & 4 tốt vẫn ngồi trên bàn thờ, còn những người dân yêu nước nhất lại tiếp tục ngồi trong tù ngục.

Nguồn: DienDanCTM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét