2013/07/08

Không còn ai bảo vệ công lý?

BBC
Các phiên xử giới cầm bút đặt câu hỏi về đường hướng xã hội

Bắt bớ giới luật sư có tư tưởng độc lập là tấn công vào ’vị trí cuối cùng’ của lực lượng bảo vệ công lý và là một hiện tượng hết sức lo ngại, theo bình luận của nhà nghiên cứu ở Việt Nam từng giữ vị trí quan trọng trong bộ máy.

Trao đổi với BBC hôm 05/7 từ Hà Nội, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng chính quyền Việt Nam hiện không chỉ tấn công hoặc đe dọa tấn công giới luật sư độc lập mà còn có thể đang có động thái nhắm cả vào giới bloggers và đặc biệt là giới nhân sỹ, trí thức.
Về các vụ bắt bỏ tù các luật sư mà mới đây là vụ luật sư Lê Quốc Quân sắp ra tòa vì tội trốn thuế, Tiến sỹ Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nói:

"Đấy là những lực lượng cuối cùng đứng lên để bảo vệ cho những bị cáo ở trong Tòa.

"Và đấy là đánh vào vị trí cuối cùng của lực lượng bảo vệ công lý và đấy là một hiện tượng hết sức lo ngại.

"Tuy vậy người ta sẽ không sử dụng việc bắt người A, người B vì anh đã đứng ra bảo vệ ở Tòa việc này, việc kia, mà họ sẽ tìm rất nhiều cách.

"Thí dụ, như sẽ nói tới tội trốn thuế, hay là nói đến một việc gì đó. Cái đó là điều mà hiện nay, hoàn toàn có thể có được," nguyên thư ký và phiên dịch tiếng Đức cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói.
Tiến sỹ Doanh còn bày tỏ quan ngại về diễn biến mới gần đây khi chính quyền đã bắt giữ những bloggers mà theo ông là có những tiếng nói hoàn toàn độc lập, ôn hòa, xây dựng và có trách nhiệm.
Ông nói:

"Gần đây bắt hai bloggers Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào. Những trường hợp trước đây, theo tôi hiểu là có bất kỳ một liên quan nào đến nước ngoài, thì đó là cớ để cơ quan an ninh họ ra tay.

"Nhưng trong trường hợp của Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào, tôi không thấy có dấu hiệu như vậy,"

"Và đây là những người hoàn toàn biểu đạt ý kiến của mình một cách hòa bình, độc lập với tinh thần và trách nhiệm công dân, thì tôi lấy làm quan ngại về việc đó."

’Khác biệt Đảng - trí thức’

Tiến sỹ Doanh cho rằng chính quyền có thể sẽ rơi vào tình trạng và viễn cảnh ’lợi bất cập hại’ khi tấn công hai thành lũy cuối cùng trong xã hội là giới bảo vệ công lý và giới đánh thức, dự báo và thức tỉnh lương tri và tư tưởng.

Ông nói:

"Những người cầm quyền thì hay có sự quá tự tin và đánh giá quá cao vào công cụ và vào sức mạnh đàn áp của mình.

"Nhưng những nhà khoa học thì tin vào sức mạnh của chân lý và tin vào sức mạnh của nhân dân.
TS Lê Đăng Doanh

"Tôi nghĩ rằng ở đây có những khoảng cách. Những người trí thức luôn luôn thể hiện một tinh thần xây dựng, thẳng thắn, và nhằm vào mục đích của dân tộc, không bao giờ đả kích cá nhân, cũng không nhằm vào bất kỳ mục đích vụ lợi nào.

"Cho nên tôi nghĩ, ở đây cũng có sự khác nhau. Còn đối với những người cầm quyền, thì họ có quyền trong tay, họ hoàn toàn có thể bắt bớ bất kỳ người nào. Cựu thành viên sáng lập Viện IDS về phản biện độc lập (đã giải thể) cũng bày tỏ quan ngại về khuynh hướng trong đó Việt Nam có những dấu hiệu lạm dụng quyền lực khi bắt bớ tràn lan trong bối cảnh thiếu vắng một nền tư pháp độc lập.
Tiến sỹ Doanh nói: "Ở Việt Nam hiện nay có câu cửa miệng rất đáng lo ngại đó là ’cứ bắt là có tội, cứ ra Tòa là có án".

"Và đấy là điều thúc đẩy cho những người trí thức mong muốn có một sửa đổi Hiến pháp.

"Bởi vì không có một nền công lý, không có một nền tư pháp độc lập, thì cũng không thể có một nền tự do dân chủ, nhân quyền của người dân."

Dám đi ngược lại

Tuần tới đây, hôm 09/7, theo dự kiến, một trong các luật sư đấu tranh dân chủ có tiếng, ông Lê Quốc Quân sẽ ra Tòa với tội danh ’trốn thuế.’

Truyền thông trong nước trước và trong thời gian ông Quân bị bắt từng xuất hiện nhiều bài cáo buộc ông là một phần tử gây rối, hoạt động đi ngược lại lợi ích của đảng, nhà nước, chính quyền và cộng đồng.

Trong một bài báo được đăng tải trên tờ Hà Nội Mới, ông Quân bị cáo buộc mạo danh người yêu nước, bất chấp luật pháp và có động cơ lật đổ chính quyền.

"Đi từ đám đông gây rối đòi đất đến tham gia đoàn biểu tình chống Trung Quốc, dù khoác áo "yêu nước" nhưng Lê Quốc Quân đã thể hiện thái độ coi thường pháp luật, lộ rõ động cơ chống đối và đòi lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

"Để phục vụ động cơ đó, Lê Quốc Quân kích động và lợi dụng chính những người biểu tình để gây mất ổn định an ninh chính trị, sau đó đưa lên internet những thông tin xuyên tạc tình hình đất nước, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, kích động chia rẽ quan hệ giữa quần chúng nhân dân với các cấp chính quyền, công khai đòi thay đổi chế độ...
"Động cơ, hành vi của Lê Quốc Quân thực chất là đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân và cần phải bị lên án, xử lý theo pháp luật," tờ Hà Nội Mới viết.

Gần đây, giới quan sát quốc tế nói nội bộ chính quyền Việt Nam vẫn chưa tìm ra được một tiếng nói chung trong giới lãnh đạo trong việc cân bằng quyền lực trong Đảng và xử lý các mâu thuẫn giữa quyền lực của Đảng và sự thách thức của nhiều giới trong xã hội, trong đó có các luật sư độc lập và hoạt động vì nhân quyền.

Nguồn: BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét