2013/05/22

Bước chân Tự Do


Nguyệt Quỳnh

Mỗi cuộc hành trình dù xa bao nhiêu, gian nan bao nhiêu, đều phải bắt đầu bằng những bước chân đầu tiên. Tôi nhớ một câu hát đã nghe được ở đâu đó: “Nếu ngày không còn nắng, con đường không còn ai, bốn phía vây kín chỉ là nỗi buồn, em hãy bước ra đi”.

Cuộc dã ngoại để thảo luận về nhân quyền ngày 5/5/13 vừa qua là một cuộc chia tay của những công dân tự do với bóng tối và sự cam chịu bấy lâu. Các công viên 30 tháng 4 ở Sài Gòn, Nghĩa Đô Hà Nội và Bạch Đằng Nha Trang tuy không dầy đặc người, và người dân bị lẫn, bị ngợp trong đám thanh niên áo xanh, đám công an chìm/nổi; nhưng người ta có thể nhìn thấy sự thiết tha của họ qua các tấm bảng dơ lên trước ngực, sự cương quyết muốn thể hiện niềm khao khát của từng con người. Họ đã thực sự bước những bước chân đầu tiên để làm người tự do.

Cách đây 58 năm, người phụ nữ da đen tên Rosa Parks cũng đã bước những bước chân đầu tiên trong cuộc cách mạng đòi quyền bình đẳng. Bà đã từ chối nhường chỗ ngồi trên xe buýt cho một người đàn ông da trắng khi được yêu cầu phải đứng lên. Bà bị cảnh sát Alabama bắt giam và phạt 14 USD, nhưng bà trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh của người da đen chống lại sự kỳ thị chủng tộc. Bà Rosa Parks không phải là người da đen đầu tiên đi xe buýt ở Montgomery bị bắt vì tội không nhường chỗ cho người da trắng, nhưng bà là người đầu tiên dám thách thức những bộ luật phân biệt chủng tộc tại tiểu bang Alabama. Hành động của bà, một người thợ may bình thường đã châm ngòi cho một phong trào tẩy chay của người da đen đối với hệ thống xe buýt kéo dài suốt 381 ngày. Kết quả dẫn đến là chính phủ đã phải xoá bỏ các quy định phân biệt chủng tộc trên hệ thống giao thông công cộng của toàn nước Mỹ.

Khi được hỏi về hành động của mình trên chuyến xe buýt định mệnh ở Montgomery, bà Rosa Parks đã trả lời: "Nguyên nhân thực sự khiến tôi không đứng dậy lúc đó là vì tôi cảm thấy mình có quyền được đối xử như bất cứ hành khách nào khác. Chúng tôi đã phải chịu đựng kiểu đối xử đó quá lâu rồi".

Nhân dân Việt Nam có quyền được đối xử bằng sự tôn trọng đúng mực như bất cứ một người dân ở một đất nước văn minh nào. Đã đến lúc phải chấm dứt bạo lực và những thông tin dối trá. Hãy nhìn những ước muốn được thể hiện quyền con người của mình qua những tấm bảng được giơ cao trước mặt, trước ngực của những người tham dự buổi dã ngoại. Giữa cái khoảng trống an lành khi đám công an chưa xuống tay côn đồ; họ đứng, họ đi, họ ngồi với những biểu ngữ. Số lượng công an nhiều ngang ngửa với họ. Tôi cảm nhận như nghe thấy từ cái đám đông còn giới hạn đó những lời kêu gọi rất thiết tha: Hãy đến cùng với chúng tôi, chúng ta muốn được thực thi quyền làm người, chúng ta phải được đối xử như một người dân sống ở một quốc gia văn minh.

Chưa có thời đại nào người dân Việt Nam phải chịu nhiều nỗi oan trái, sỉ nhục, và bất công như hiện nay. Kẻ cầm quyền muốn bắt ai thì bắt, muốn đánh ai thì đánh, muốn cướp của ai thì cướp. Cứ nghe, cứ đọc, cứ nhìn thấy những chuyện oan khuất hàng ngày xảy ra cho người dân trên cả nước mới thấy rằng sự góp mặt của họ trong buổi dã ngoại này quan trọng như thế nào. Hôm 5/5 có lẽ có nhiều người chưa dám đến, nhưng ngày mai, ngày kia họ sẽ đến. Đó là lý do mà chị Bùi Minh Hằng, blogger August Anh, blogger Nguyễn Hoàng Vi và bạn bè các anh chị đã luôn có mặt. Trong họ có người đã từng bị bắt bớ, đánh đập, Hoàng Vi đã từng bị lăng nhục trong đồn công an. Hoàng vi dư hiểu rằng chị có thể bị chúng đánh đập lần nữa nhưng chị đã có mặt. Chị đang nối gót những người đi trước và tôi tin rằng chị cũng đang bước tới cho những người âm thầm sau lưng chị; như một bạn trẻ đã gởi thư riêng đến trang mạng Dân Luận. Anh tâm sự:

"Ngày hôm qua có quá nhiều sự kiện, có quá nhiều câu chuyện đáng nhớ, từ những câu chuyện cười ra nước mắt cho đến những giọt nuớc mắt đau đớn, căm phẫn và nhói lòng nên không biết phải kể cho Chị nghe bắt đầu từ đâu… chưa bao giờ em thấy cảnh một chục thằng (công an) mà đi đánh một người như thế. Nhìn bạn Quốc Anh (blogger Angust Anh) bị đánh tơi bời như vậy, mà em chỉ còn biết bất lực đứng nhìn, muốn xông vào giải cứu thì sợ mình sẽ bị đánh như bạn ấy... Rồi đang đi trên đường trở về nhà em chỉ còn biết khóc và tự trách mình thật hèn.

Thực sự, bạn ấy đã không hèn một chút nào, bạn ấy đã có mặt để bước cái bước chân đầu tiên. Mưu cầu một sự đổi thay tốt đẹp cho cả một dân tộc là việc làm đòi hỏi sự dũng cảm của rất nhiều người. Và bạn ấy đã có mặt.

Trong những năm gần đây, những biến cố của thế giới đã cho thấy sức mạnh của người dân là những dòng thác có thể cuốn trôi đi tất cả các chế độ độc tài mạnh mẽ nhất. Những cuộc cách mạng ngoạn mục đã xảy ra tại nhiều quốc gia như cách mạng Nhung tại Tiệp Khắc, cách mạng Cam tại Ukraine, cách mạng Hoa Lài tại Tunisia… đã giải thoát hàng triệu người và tạo nên ngọn lửa hy vọng cho những dân tộc đang đắm chìm trong nỗi sợ hãi dưới chế độ độc tài. Chiến thắng bất ngờ của các cuộc cách mạng trên cho thấy khi người dân bình tỉnh, sẵn sàng đối đầu với những trấn áp; sự sợ hãi chuyển dần sang những kẻ cầm quyền, cuối cùng các chế độ bạo lực phải buông súng.

Bốn năm trước, trong cuộc xuống đường của dân chúng Iran có một đoạn phim ghi lại hình ảnh một thiếu nữ bị trúng đạn của cảnh sát. Video này ngay sau đó đã lập tức lan tràn, cả dân tộc Iran đặc biệt là nam giới đã vùng lên như chính mình bị thương. Rõ ràng bạo lực không chiến thắng được dân tộc Iran.

Còn hình ảnh ba người phụ nữ của gia đình blogger Nguyễn Hoàng Vi bị đánh đập đến đổ máu sẽ khiến dân tộc tôi nghĩ gì? Liệu có ai co rút lại không? Riêng Nguyễn Hoàng Vi thì không! Cô gái với nụ cười tươi thắm ấy vẫn tiếp tục đi Long An ủng hộ 2 bạn Phương Uyên và Nguyên Kha trong ngày đối diện với tòa án công cụ.

Công luận thế giới cũng vậy. Hình ảnh Nguyễn Thảo Chi với những vết máu trên mặt, trên áo, hình ảnh của mẹ Nguyễn Hoàng Vi với dấu thuốc lá dúi vào mặt là những hình ảnh nói rõ nhất với thế giới về bản chất của giới lãnh đạo Việt Nam và sự bỉ ổi cùng cực của việc họ đang xin vào làm thành viên Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Nếu 58 năm trước bà Rosa Parks chịu đứng dậy nhường cái ghế của bà, tôi tin chắc bà và những người Mỹ da màu khác sẽ còn phải tiếp tục đứng trên xe buýt ít nhất là một thập niên nữa. Nếu người dân Việt Nam không đòi hỏi phải được tôn trọng, phải được thực thi những quyền cơ bản nhất của chính mình ngay trong thời khắc này, tôi cũng tin con cháu chúng ta sẽ tiếp tục bị công an tha hồ đánh đập như những Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Thảo Chi… và công an sẽ tiếp tục dúi thuốc lá vào mặt cả dân tộc ít nhất là một thập niên trước mắt.

Mọi cuộc hành trình dù dài ngắn bao nhiêu, đều phải bắt đầu bằng một bước chân. Nhiều người đã bắt đầu rồi, còn chúng ta thì sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét