2013/03/27

Đưa tin giặc Tàu leo thang tội ác cũng phải được lệnh?


Võ Văn Tạo

Trưa 20-3, tàu tuần tra Trung Quốc số 786 rượt đuổi, bắn cháy tàu cá QNg 96382 TS của ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang đánh bắt tại ngư trường truyền thống là vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Vượt hàng trăm hải lý, ngày 22-3, tàu cá trên, do ngư dân Bùi Văn Phải làm thuyền trưởng, với bằng chứng cabin tàu cháy tan hoang, mới về đến cầu cảng Lý Sơn.
9h17 phút sáng 24-3, Báo Tiền Phong online đưa tin vụ việc hết sức nghiêm trọng trên. Vài giờ sau, bỗng bản tin onlines biến mất, không một lời giải thích (!). Công luận đành suy đoán hai khả năng:
1. Tiền Phong nhanh nhảu đoảng, đưa tin không chính xác. Bóc tin không giải thích, thiếu tôn trọng bạn đọc.
2. Đưa tin đúng, nhưng bị lệnh bóc.
Phần lớn nghiêng về khả năng thứ nhất, vì chẳng lẽ đưa tin tố cáo giặc Tàu leo thang tội ác cũng phải được trên cho lệnh?
Rốt cuộc, tối 25-3, ít phút sau khi VTV1 đưa tin Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về sự việc trên (nội dung như Tiền Phong đã loan tin), hàng loạt tờ báo nhất loạt đưa lại trên onlines và sáng 26-3, lục tục trên các báo in. Ngay tối 25-3, Tiền Phong online post trở lại bản tin đã đưa. Rõ rồi nhé, không có chuyện Tiền Phong bộp chộp đưa tin không chính xác. Thật buồn, cái điều “chẳng lẽ” lại là sự thật!
Sự việc trên càng làm công luận cho rằng báo chí phương Tây nói hơn 700 trăm tờ báo ViệtNamchỉ có một Tổng Biên tập, không phải là cường điệu.
Cổ vũ lòng yêu nước, nâng cao cảnh giác chống ngoại xâm, tố cáo tội ác leo thang mới của giặc Trung Quốc bành trướng; thông tin nhanh, nhạy, chính xác… là nhiệm và yêu cầu đối với báo chí mà không cơ quan nào, cá nhân nào có thể phủ nhận, bác bỏ. Rõ ràng, cung cách chỉ đạo, điều hành báo chí như trên chẳng giúp gì cho tình hình Biển Đông bớt căng thẳng, chẳng giúp nhân dân thêm cảnh giác. Nó chỉ làm báo chí nhà nước mất nốt chút uy tín nhỏ nhoi còn sót lại trong lòng công chúng và bạn đọc, Nhà nước thêm mất uy tín với Nhân dân; và giặc Tàu được thể càng hung dữ.
Xin nhớ cho, đây không phải lần đầu tiên báo chí nhà nước lâm tình huống dở khóc dở cười tương tự. Vụ đưa tin nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời, vụ giặc Tàu lại cắt cáp tàu ta thăm dò dầu khí, vụ bắt Bầu Kiên… chẳng lẽ không cho Ban Tuyên giáo Trung ương bài học nào sao? Có cần thiết phải “phanh gấp” đối với những thông tin báo chí dạng như thế? Được gì và mất gì? Thậm chí tai hại đến mức nào, khi hành xử “vụng về” và “ngớ ngẩn” đến vậy?
Thử hình dung, giả sử một ngày nào đó, biết tin quân Trung Quốc bất ngờ xâm nhập một vùng nào đó trên đất nước ta, báo chí có tránh khỏi “lập cập” không?
V. V. T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét