2013/03/15

Sao Đảng không giành lấy...?


Nguyễn Nguyên Bình

Sao Đảng không giành lấy quyền lãnh đạo một cuộc diễn biến hòa bình vì Dân tộc?
(Lá thư ngỏ cuối cùng gửi anh Nguyễn Phú Trọng)
Thưa anh Trọng,
Hai năm trước đây, vào đúng giờ phút giao thừa năm Tân Mão, tôi đã mạo muội viết thư gửi anh. Năm Quý Tỵ này, cũng vào giờ khắc giao thừa thiêng liêng, tôi lại cầm bút viết thư cho anh, nhưng tôi cứ chần chừ chưa gửi vì không biết nên gửi anh theo đường nào. Có lúc tôi đã quyết định đưa lên mạng để lá thư chắc chắn không dễ bị ‘thất lạc’ như thư gửi qua đường Bưu điện; tôi nghĩ thế nào anh cũng sẽ đọc được thư đó, vì nghĩ anh là giáo sư tiến sĩ thì chắc rất thành thạo sử dụng mạng Internet, hoặc chí ít cũng có thư kí báo cho anh biết là anh có thư (sự thực đúng như vậy, gần đây, “vài lời với Tổng bí thư” của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên cũng đăng trên mạng Internet đã nhanh chóng đến tai anh và cũng đã nhanh chóng được ‘xử lý’).
Thưa anh, cái thư nói trên giờ đã trở thành ‘bức thư không gửi’ rồi. Tôi quyết định không công bố nó nữa, vì nhiều nội dung lá thư ấy đến nay tôi nghĩ đã trở nên quá vô vị đối với anh, mặc dù nó mang tâm huyết của tôi và được viết ra trong một thời khắc thiêng liêng của người Việt Nam.
Trong lá thư kia, tôi đã cố thuyết phục anh nhiều vấn đề. Chẳng hạn như tôi đã đề nghị anh nên nghe thông tin nhiều chiều, đừng coi tất cả những thông tin ‘không chính thống’ được đưa lên mạng của các trang web, blog cá nhân là “những thông tin xấu, độc hại” (như anh đánh giá trong Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo toàn quốc năm 2012 họp vào ngày 9-1-2013). Tôi đã mong anh, với tư cách TBT Đảng đang chịu trách nhiệm quyết định đường đi nước bước cho Dân tộc hãy thực sự cầu thị, thực sự bỏ công nghiên cứu, phân tích, so sánh, đi từ định lượng đến kết luận định tính (và nhất là tránh định kiến). Có vậy mới kết luận được chính xác đâu là đúng đâu là sai để tìm cho đất nước một con đường phát triển thật sự bền vững, phù hợp với xu thế của thời đại.
Trong thư kia, tôi cũng viết rằng tôi rất thông cảm và hiểu sự say mê đến cố chấp của anh về ‘định hướng XHCN’. Chúng ta cùng được học các thày ở Bộ môn Mác- Lê trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chúng ta từng thấm thía lời các thày nói về tính ưu việt của CNXH và sự tươi sáng vô song của chủ ngĩa CS; chúng ta cũng được dạy về sức mạnh vô địch của 3 dòng thác Cách mạng trong thời đại ngày nay… Đến nay mà nói, chính bản thân tôi cũng vẫn đánh giá rất cao giá trị của phong trào CS và công nhân quốc tế đối với tiến trình phát triển của nhân loại. Trong giai đoạn CNTB dã man, nó đã bộc lộ vô vàn cái xấu xa hư hỏng, điều đó thể hiện qua rất nhiều tác phẩm văn học thuộc dòng hiện thực phê phán thế kỉ 19 được coi là kinh điển của thế giới. (Những nhà văn đó không phải tín đồ của CN Mác – Lê nào hết). Vì vậy phong trào CS và công nhân thế giới ra đời để chống CNTB, lúc đó sự việc đó là khách quan, là tất yếu, là cần thiết cho nhân loại. Nói cách khác, nó đã là sự phản biện mạnh mẽ, đã gây ra áp lực cực lớn khiến CNTB buộc phải điều chỉnh trên nhiều nội dung rất căn bản. Đến nay, chẳng phải là nhiều nước gọi là nước tư bản, không đi theo con đường XHCN đã trở nên thông minh hơn, hợp lý hơn, được lòng dân hơn và thực tế đã đưa đất nước phát triển nhanh và lành mạnh hơn nhiều nước gọi là XHCN. Lấy ví dụ như nước Ca na đa, trước kia đã từng là đại diện cho ‘phe đế quốc tư bản’ trong bộ ba Ca na đa+ Ấn độ + Ba lan làm Ủy ban quốc tế giám sát thi hành hiệp định Giơ ne vơ ở VN. Giờ đây nước Ca na đa TBCN ấy như thế nào, anh đã tìm hiểu chưa? Nếu chưa, anh hãy cho trợ lý tập hợp tư liệu sách báo và phỏng vấn thật nhiều Việt kiều yêu nước đang định cư ở bên đó xem họ nói sao. Hoặc tình hình hiện tại ở Nam Bắc Triều Tiên, nếu thực sự nghiên cứu nghiêm túc khách quan, ắt sẽ thấy được lời giải chính xác ngay thôi. Vào thời điểm nước ta bước vào cuộc Đổi mới, có ông thày giáo dạy ở trường Nguyễn Ái Quốc đến giảng cho đơn vị tôi, ông dẫn một câu nói của Lê nin mà tôi thấy rất hay, khiến tôi nhớ mãi: Thà CNTB thông minh còn hơn CNXH ngu dốt- chỉ tiếc tôi chưa tra cứu được câu nói đó ở trang nào dòng nào trong trước tác của Lê nin (và có thể còn nhiều ví dụ sinh động xác thực hơn nếu ta chịu khó tìm hiểu, phải không ạ).
Trong thư kia, tôi cũng đã tỏ sự vui mừng và hi vọng nhiều ở chuyến thăm Xing ga po vừa qua của anh, tôi cứ nghĩ anh đã tận mắt chứng kiến những việc người ta làm nên có thể tiếp thu lấy những cái hay của họ mang về cho nước ta cơ. Cái nước Xing ga po bé nhỏ mà mạnh mẽ ấy, họ đã làm được những kỳ tích gì mà không phải là do con đường XHCN dẫn dắt? Tôi cũng biết rằng, ngày nay, chưa có một chủ nghĩa nào là giải pháp tối ưu cho toàn nhân loại, nhưng cái gì đã thể hiện được tốt hơn, hay hơn thì vì cớ gì mà ta cứ cố công bài xích, không chịu tiếp thụ?
Thưa anh Trọng, đến lúc này, sau những câu anh nói ở Vĩnh Phúc mà VTV của Đảng Chính phủ đưa ra trong tối 25-2 vừa qua thì tôi thấy tuyệt vọng rồi. Tôi chắc chẳng còn ai, chẳng còn lời lẽ nào có thể thuyết phục được anh nữa. Nhưng đã tuyệt vọng sao còn viết lá thư này? Thưa anh, anh hãy vui đi, lá thư này là thư cuối cùng tôi viết để làm rác tai anh đấy. Sau này e rằng tôi sẽ chẳng còn cơ hội nào lấy tư cách một người đồng môn, một cựu Đảng viên để gửi cho đồng chí Tổng bí thư nữa đâu. Tôi nay không định thuyết phục, chỉ muốn đặt ra một số câu hỏi mà không đòi anh phải trả lời. Biết đâu tôi sẽ chẳng bị anh cho xử lý như ý định xử lý những người kí kiến nghị tập thể, khiếu nại đông người và biểu tình chống TQ? Cái từ xử lý kia nghe qua thì rất bình thường nhưng thật ra thì nhiều nghĩa đấy phải không anh. Trong số thần dân dại dột mà anh định xử lý, thật không may lại có cả những người cách mạng lâu năm mà tuổi đảng của họ còn cao hơn cả tuổi đời của anh, lại có những người có thành tựu to lớn không những với nước ta mà còn có danh thơm trên thế giới… Vậy anh tính xử lý như thế nào đây? Liệu anh có cho triệu tập họ đến ngồi bàn đối thoại với anh cho đến nơi đến chốn, lúc đó anh hoàn toàn có thể dùng lý lẽ sắc bén của Tiến sĩ xây dựng Đảng để đấu với họ đến khi nào họ tâm phục khẩu phục thì thôi? Hay là …anh sẽ cho xử lý họ bằng những bao cao su đã qua sử dụng, bằng những vụ tai nạn giao thông hoặc nếu cần, thì là những viên đạn súng giảm thanh? Cũng đành, anh là Đảng, là người nắm sinh mạng của toàn dân, anh muốn sao chả được.
Tôi muốn hỏi: Đã có lúc nào anh vi hành đến chỗ vườn hoa trước cửa đền Quán Thánh bên bờ Hồ Tây để tận mắt nhìn kĩ tận mặt mũi chân tay những người dân ‘khiếu kiện đông người’ bao tháng ngày ăn đất nằm sương kia chưa? Nhiều lần đi qua đấy, nhất là vào những ngày đông giá rét như cắt ruột, thấy đồng bào mình áo quần mong manh, mặt mày tím tái, tôi không cầm được nước mắt nữa. Anh hãy chỉ ra thế lực thù địch nào xui bẩy kích động họ xem nào? Anh đã gặp trực tiếp, đã hỏi chuyện họ bao giờ chưa? Anh căn cứ vào đâu để gán cho họ là phản động, là suy thoái đạo đức?
Thưa anh Trọng, anh luôn nói về ‘khách quan’, ‘biện chứng’, vậy cớ làm sao anh không thể nhìn ra mối quan hệ rất chi là biện chứng, mối quan hệ nhân- quả rất khăng khít giữa thể chế độc đảng toàn trị, chế độ sở hữu ‘toàn dân’về đất đai lâu nay ngự trị trên đất nước ta với tệ nạn tham nhũng nặng nề trong giới quyền chức hiện thời? Anh đã hăng hái chống tham nhũng, vậy sao còn ra sức cổ súy cho những điều kiện tối ưu từng ngày từng giờ đẻ ra tham nhũng? Sau hội nghị TƯ 6 vừa qua, chẳng phải chính anh cũng đã buồn bã than rằng: “…sự đời nó không đơn giản thế. Cứ nói cùng là Đảng viên cả, cùng là Ủy viên TƯ, Bộ chính trị cả thì phải tin các đồng chí ấy chứ. Nhưng khổ là bên ấy (chắc anh muốn nói là bên Chính phủ?) quá nhiều việc, chưa nói là tâm lý ăn cây nào rào cây ấy, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hay không? Anh nào ra cái đề án cũng phải cố gắng bảo vệ cho mình. Thế là không có người thẩm định, không có người kiểm tra nên mới dẫn đến cái sai như vừa rồi” (trích theo VietnamNet ngày 3-12-2012).Vậy theo anh, cái dự án bô xit Tây Nguyên có phải loại dự án đó không? Bây giờ nó đã rõ là sai chưa? Anh có nhớ mấy năm trước đã có biết bao nhà khoa học họ tự nguyện giúp Đảng thẩm định, đã phát biểu can ngăn rất thiết tha mà Đảng vẫn cứ không chịu nghe.Và chính anh cũng nói đó là chủ trương lớn của Đảng, anh có nhớ không?
Thưa anh Trọng, tôi còn rất nhiều câu muốn hỏi anh, nhưng thư đã quá dài, tôi đang cố gắng chốt lại cho gọn gọn một chút, anh gắng xem (hoặc nghe, đọc) nốt nhé. Tôi muốn biết khi phê phán gay gắt những ý kiến của các trang web, blog cá nhân, thực tình anh có trực tiếp đọc hay không? Hay chỉ giao cho các trợ lý đọc rồi ‘tổng hợp báo cáo’? Tôi tin, nếu anh tự mình đọc, chắc anh sẽ chắt lọc được những ý kiến rất đúng mức, đầy đủ tính xây dựng, rất bổ ích đấy, anh cứ thử đọc mà xem, đừng thành kiến. (Ấy chết, xin lỗi, tôi lại cố thuyết phục anh rồi!)
Tôi xin hỏi: anh có đọc báo Nhân Dân (giấy) số ra ngày 16-1-2013 không? Trong tờ báo đó, Chủ tịch Trương Tấn Sang có nêu rằng hiện nay đang có “một số thế lực bên ngoài vẫn luôn tìm cách gây mất ổn định chính trị – xã hội và đe dọa chủ quyền lãnh thổ”. Theo anh, các thế lực mà Chủ tịch Sang nói đó là ai? Thời điểm này ai đang đe dọa chủ quyền lãnh thổ của VN thì cả thế giới đều biết, huống chi là người VN! Chẳng lẽ anh lại không biết rằng đại đa số nhân dân VN cũng đang cảnh giác cao độ với kẻ địch đó? Chính kẻ thù đó đang đưa đất nước ta vào tình cảnh nguy hiểm, thậm chí là ngàn cân treo sợi tóc đấy.Một câu hỏi lớn đặt ra là: Nếu hiện giờ Đảng và nhân dân đều đã xác định có chung một thế lực thù địch thì sao Đảng lại sợ nhân dân tin theo bọn địch đó? Sao Đảng không giành lấy quyền lãnh đạo nhân dân làm một cuộc ‘diễn biến hòa bình’vì lợi ích chung của Dân tộc ta? Tại sao Đảng lại luôn hô hào chống diễn biến hòa bình? Chẳng lẽ Đảng có lợi ích nào khác với nhân dân chăng? Chẳng lẽ Đảng muốn có một cuộc diễn biến không hòa bình? Tôi lại xin hỏi: Anh nghĩ sao về tình hình đất nước Mian ma ngày nay? Anh đã đọc bao nhiêu tài liệu phản ánh quá trình thoát Hán của Mian ma?
Thưa anh, giờ chỉ còn một câu hỏi cho việc riêng tư thôi, cho phép tôi hỏi nốt. Số là, hai năm trước đây, một số thày cô của cả tôi và anh đã nói chỉ mong Phú Trọng đừng làm gì khiến thày cô phải xấu hổ. Hai năm qua, các thày cô nghĩ sao về ngôn hành của anh, tôi chưa dám hỏi. Tôi chỉ xin hỏi: anh đã có kế hoạch bố trí ngày nào đó để thăm và hỏi ý kiến thày cô chưa?
Đến đây tôi thực sự xin dừng lời. Chúc anh mạnh.
Nguyễn Nguyên Bình
Một người đồng môn
Nguồn: danchimviet.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét