2013/02/05

Nghị định mới về tôn giáo của Việt Nam là bước thụt lùi


Morning Star News

Việt Thi chuyển ngữ
Phải cần ít nhất 23 năm để được công nhận hợp pháp; nghị định nhằm chấm dứt các Hội thánh tư gia
Ngày 24 tháng 1 năm 2013 
TP. HCM, Vietnam (Morning Star News) – Các bậc lãnh đạo Tin Lành cũng như các lãnh đạo tôn giáo khác tại Việt Nam đang chỉ trích một nghị định mới về tôn giáo, bắt đầu có hiệu lực trong năm nay, là một bước thụt lui đáng kể, và như một nhà hoạt động Thiên Chúa Giáo nói, có thể chấm dứt phong trào giáo hội tư gia.
Trong một bức thư đề ngày 18 tháng 1, được phổ biến lần đầu tiên ngày hôm qua, 23 tháng 1, Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Việt Nam (VEF), một tổ chức gồm khoảng 25 Giáo hội tư gia, đã kêu gọi tuyệt thực và cầu nguyện vào ba ngày cuối tháng trước mối đe dọa của nghị định mới quy định rằng một giáo phái chưa đăng ký sẽ phải chờ ít nhất 23 năm trước khi được công nhận về mặt luật pháp.
Nghị định 92 được công bố tháng 11 năm 2012 và có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2013, sẽ thay thế Nghị định 22 ban hành năm 2005 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua năm 2004. Qui định đưa ra về việc đăng ký hoạt động tôn giáo như là một phương tiện quản lý và kiểm soát tôn giáo.
Mục đích của Nghị định 92 hiển nhiên là để làm sáng tỏ những sự chưa được rõ ràng trong Nghị định, nhưng các nhà phê bình thuộc mọi tôn giáo đều đồng ý rằng Nghị định 92 có nhiều hạn chế hơn Nghị định 22. Họ cũng đồng ý rằng nghị định mới này cung cấp cho chính quyền nhiều công cụ luật pháp hơn để kiểm soát tôn giáo, thậm chí để đàn áp tôn giáo.
Thông tư của VEF nói rằng Nghị định 92 quy định giáo hội tư gia là bất hợp pháp, và như vậy đe dọa một phong trào bắt đầu tại Việt Nam từ hơn 25 năm nay (1988). Một trong những người chỉ trích là Luật sư Tin lành Nguyễn Văn Đài, hiện đang còn bị quản chế tại gia sau khi đã thi hành án tù vì những hoạt động nhân quyền.

“Dụng ý của nghị định là để cung cấp công cụ luật pháp nhằm chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các giáo hội tư gia,” luật sư Nguyễn nhận định trên một trang web về nhân quyền tại Việt Nam.
Chương III của nghị định đưa ra sự khác biết mới giữa “hội họp tôn giáo” và “hoạt động tôn giáo”; Cả hai loại phải đăng ký trước khi một tổ chức hội đủ điều kiện để nộp đơn xin được chính thức công nhận hợp pháp. Hội họp tôn giáo có vẻ như chỉ giới hạn trong việc thờ phượng và cầu nguyện chung. Theo điều 3 của nghị định, chỉ khi nào được chấp thuận ở dạng "hoạt động tôn giáo" thì giáo hội mới được phép có những sinh hoạt như "giảng dạy và sống giáo lý, nguyên tắc và nghi lễ, và điều hành tổ chức”.
Nghị định quy định rằng một giáo hội phải không vi phạm hình sự hay dân sự trong vòng 20 năm - một điều không thể tưởng tượng nổi đối với những giáo hội Thiên Chúa Giáo từ lâu đã bị săn đuổi, bị truy bức những vi phạm dân sự nho nhỏ, - ngay từ lần đăng ký những buổi họp tôn giáo đầu tiên, trước khi có thể nộp đơn xin công nhận hợp pháp. Thủ tục công nhận tính hợp pháp này cũng phải mất ba năm.
Nghị định cho phép nhà nước sử dụng những tiêu chuẩn rất chủ quan về việc đăng ký giáo đoàn, theo lời những lãnh đạo các giáo hội. Thí dụ như người hướng dẫn các buổi hội họp tôn giáo phải có “tinh thần đoàn kết và hòa giải quốc gia.” Trong điều 5, một tiêu chuần để đăng ký các hoạt động tôn giáo đòi hỏi “những nghi lễ và hành động không trái ngược với những phong tục tập quán tốt đẹp của đất nước.”
Các nhà lãnh đạo công giáo lo sợ rằng quy định trên sẽ mở đường cho cho một số viên chức phán đoán rằng “phong tục và tập quán” bao gồm cả việc tôn thờ những anh hùng dân tộc và việc thờ phụng tổ tiên, không thích hợp với niềm tin Thiên Chúa Giáo.
Một tiêu chuẩn khác liên quan đến hai loại đăng ký là “phải có một nơi thờ phượng hợp pháp”. Theo định nghĩa, không nhóm nào có thề có một nơi như thế trước khi đăng ký, tạo nên một vòng lẩn quẩn. Ngay cả trong trường hợp một giáo hội hội đủ mọi quy định của nghị định, một điều khó có thể xảy ra, thì sớm nhất cũng phải mất 23 năm, nghĩa là tới năm 2036, thì giáo hội đó mới được công nhận hợp pháp.
Những kiểm soát đầy phiền toái 
Sau khi đăng ký, những tổ chức tôn giáo phải tuân thủ những đòi hỏi phiền toái. Nghị định quy định rằng hàng năm, vào tháng 10, mỗi giáo đoàn phải nộp cho nhà chức trách địa phương một bản kế hoạch cho toàn năm; không được phép đi ra ngoài kế hoạch nếu không qua những thủ tục cồng kềnh, các nhà lãnh đạo tôn giáo cho biết.
Ngoài ra, những kiểm soát nghiệt ngã hơn về việc xuất ngoại của các giới tu hành, nếu được áp dụng, sẽ tước mất một điều đã trở thành thường lệ.
Hơn nữa, những tổ chức tôn giáo đã đăng ký từ lâu và cũng thường gặp những quấy nhiễu từ phía chính quyền lại gặp phải một cản trở mới vào ngày hôm qua, 23 tháng 1. Hai giáo hội lâu đời nhất tại Việt Nam, Hội Thánh Phúc Âm Miền Bắc (ECVN-N), đăng ký năm 1958, và Hội Thánh Phúc Âm Miền Nam, đăng ký năm 2001, có chung một nguồn gốc. Sự phân chia xảy ra khi đất nước bị chia cắt năm 1954. Trong nhiều năm, hai giáo hội đã làm việc để tiến tới sự thống nhất, và cách đây hơn một năm, họ đã thỏa thuận được một bản nội quy của Hội thánh và đã nộp cho ủy ban quản lý tôn giáo quốc gia để được chấp thuận.
Họ bị khiến lầm tin rằng sự chấp thuận đã gần kề và công bố những kế hoạch cho một buổi lễ ở Đà Nẵng vào tháng Năm. Tuy nhiên, vào ngày thứ Tư, 23 tháng 1, các viên chức nhà nước cho biết là chưa sẵn sàng vì một thủ tục mơ hồ, các nhà lãnh đạo giáo hội cho biết. Theo họ, nhà cầm quyền có vẻ sợ sức mạnh của sự hợp nhất. 
“Họ tìm nhiều cách để chia rẽ những người chúng tôi theo Thiên Chúa Giáo,” một lãnh đạo giáo hội tại Tp.HCM nói.
ECVN-N, giáo hội Tin Lành đã đăng ký lâu đời nhất, hiện giám thị hàng trăm các nhà thờ Tin Lành của người thiểu số Hmong mà họ đã cố gắng đăng ký không thành công trong nhiều năm qua. Ngay cả trước khi có sắc lệnh mới, các nhà lãnh đạo ECVN-N đã không được phép đi thăm ngay chính những nhà thờ thuộc giáo hội vì những nhà thờ đó chưa được đăng ký.
Trong thông tư, VEF kêu gọi mọi tín đồ thiên chúa giáo tại Việt Nam và trên toàn thế giới cầu nguyện Thượng Đế bảo vệ và minh chứng tính chính đáng của giáo hội; kêu gọi tín đồ tiếp tục thờ phượng trong đức tin mặc dù những trở ngại mới; cầu nguyện Thượng Đế giúp đỡ soi sáng các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức được những phúc lợi xã hội to lớn mà cộng đồng Thiên Chúa Giáo mang lại cho xã hội; cầu xin Thượng Đế giúp đỡ Giáo Hội hoàn thành sứ mạng là ngọn đuốc soi cho thế giới được tốt đẹp hơn.
Sau khi gọi Sắc Lệnh 92 là một bước thụt lui trên đường tiến tới tự do tôn giáo, những tác giả của lời kêu gọi cầu nguyện cho biết là họ chờ đợi, ít nhất là sẽ bị triệu tập và trách mắng thẳng thừng về việc chỉ trích những gì mà chính phủ mô tả như là một sự tiến bộ về tự do.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét