2013/02/05

Miến Điện: luật vi hiến phải bỏ hẳn chứ không sửa


Ngô Văn

Tháng 3 tới đây là đúng 2 năm ngày ông Thein Sein lên nắm chức Tổng thống Miến Điện, từ đó đến nay chính quyền ông Thein Sein đã có nhiều cải cách chính trị và chính sách hòa giải dân tộc được người dân Miến Điện lẫn thế giới đánh giá cao. Nhờ đó, quốc gia này đã thoát ra khỏi sự cô lập của cộng đồng thế giới để phát triển kinh tế hầu xây dựng đất nước sau gần 3 thập niên bị chìm đắm trong khổ nhục bởi sự cai trị độc tài của chính quyền quân phiệt. Nhiều quốc gia chủ nợ của Miến Điện như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên hiệp Âu châu đã quyết định xóa bớt 60% tiền nợ, khuyến khích nhiều ngân hàng cho Miến Điện mượn tiền để trả số nợ đã đáo hạn còn lại. Đó là điều kiện phải có để nước này có thể vay vốn mới hầu phát triển kinh tế. Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á châu đi đầu trong nỗ lực trợ giúp. Chính phủ các quốc gia còn thúc đẩy các quỹ tư nhân bỏ tiền vào đầu tư ở xứ chùa Vàng này.
Có thể nói chính quyền Miến Điện ngày nay đã lột xác gần như toàn diện. Chỉ còn một lãnh vực là việc đối xử với các sắc dân thiểu số là đang còn dậm chân tại chỗ. Tuy đã có hiệp định đình chiến với các sắc dân thiểu số, nhưng giao tranh vẫn đang tiếp diễn. Đặc biệt nghiêm trọng ở mạn Bắc với việc giao tranh mãnh liệt của lực lượng vũ trang sắc tộc Kachin. Tại vùng miền tây tỉnh Rakhine việc xung đột giữa tín đồ Hồi giáo và Phật giáo cũng ngày một gay gắt hơn. Vùng tây bắc quận Sangaing của dân tộc thiểu số Pyu thường xuyên xảy ra sự xung đột giữa người dân với lực lượng an ninh chính phủ về chuyện khai thác khoáng sản.
Nhưng ngoài lãnh vực nêu trên, chính quyền Miến Điện hiện nay được cả thế giới khen ngợi về những bước đi mạnh dạn trong việc cải cách chính trị. Sau các đợt trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, chính quyền ông Thein Sein còn ban hành các luật công nhận người dân có quyền tự do phát biểu ý kiến, tụ họp, biểu tình trong ôn hòa. Ngày 24/01/2013, chính phủ còn tiến thêm một bước nữa là bãi bỏ hệ thống kiểm duyệt báo chí và cho phép tư nhân ra nhật báo để loan tải tin tức, bình luận về mọi vấn đề. Họ không còn bị giới hạn trong lãnh vực thể thao, văn nghệ, điện ảnh như báo tuần và báo tháng trước đây.
Dân chúng Miến cũng tiến lên trong việc đòi các quyền chính đáng của họ. Tuy đã được chính quyền trao trả lại các quyền tự do căn bản, nhưng người dân Miến Điện vẫn không thấy yên tâm. Họ đòi phải phế bỏ toàn bộ các điều luật mà vào năm 1988 chính quyền quân phiệt trước đây đã đưa vào bộ luật Hình sự. Các điều luật đó cấm người dân hoạt động chính trị, chẳng hạn như cấm không cho tụ họp từ 5 người trở lên nếu không được phép của chính quyền; phạt tù 20 năm đối với những ai có những phát biểu, hay diễn thuyết "gây tổn hại cho nền hòa bình quốc gia và sự ổn định xã hội".
Chính quyền nay đã ban hành luật cho phép người dân có quyền phát biểu ý kiến, biểu tình trong ôn hòa, tự do lập hội, lập đảng chính trị. Tuy nhiên, trong mắt người dân, ngày nào chưa phế bỏ các điều khoản cấm đoán như vừa nói trên thì một ngày xấu trời nào đó chính quyền có thể viện các khoản luật đó để tùy tiện tước đoạt những gì đã trao trả lại cho người dân. Bộ luật Hình sự của chính quyền quân phiệt Miến Điện ban hành vào năm 1988 được báo chí và người dân Miến Điện đặt tên là "bộ luật đàn áp".
Trước các tiếng nói vang dội của người dân Miến Điện, vào ngày 28/01/2013, Tổng thống Thein Sein chính thức công bố phế bỏ toàn bộ các điều khoản cấm tụ họp từ 5 người trở lên, cấm biểu tình, cấm lập hội, cấm lập đảng chính trị. Ông Thein Sein thừa nhận những điều luật đã vi hiến từ căn bản thì chỉ có thể bị phế bỏ toàn bộ chứ không tu, không sửa gì nữa. Hành động này cho thấy thiện chí thay đổi thật sự và tận gốc rễ của chính quyền ông Thein Sein và một lần nữa được cả người dân Miến Điện lẫn quốc tế nhiệt liệt tán thưởng.
Trong lúc Miến Điện tiến lên với những bước đi mạnh dạn để gấp rút bù lại nhiều thập niên lạc hậu, tại Việt Nam các nhà cai trị độc tài vẫn rụt rè, chân trong chân ngoài, dù chỉ mới tới khâu "bàn" (chưa nói gì đến khâu thực hiện) về tu sửa Hiến Pháp. Trong lúc tay trái mời dân góp ý và bảo "không có vùng nào cấm kỵ", thì tay phải liên tục hăm dọa "chỉ được góp ý trong định hướng XHCN", rồi "chỉ bổ túc chứ không được bàn việc bỏ điều bốn", hay ngay cả "hiện đang có các đòi hỏi thay đổi quá trớn theo các thế lực nước ngoài xúi dục"…
Không biết đến bao giờ giới lãnh đạo Việt Nam mới tin vào bài học mà các lãnh tụ Miến Điện đã ngộ ra. Đó là tích tụ thêm tiền của vào cái núi tài sản cá nhân hiện có để làm gì? Cất ở đâu trong thế giới liên lập hiện nay? Tiêu làm sao cho hết được từ nay đến cuối đời? Làm sao con cháu giữ nổi khối tài sản đó?... Trong khi các món nợ ác độc đối với dân tộc cũng cứ chất thêm lên ngày một cao, hết lớp này đến lớp khác, và đang tiến dần tới lằn mức không còn hoà giải được nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét