2013/02/21

Chuyện hỏi cung đại đội tù binh Trung Quốc ra đầu hàng quân du kích Cao Bằng tháng 3/1979


Nguyễn Nguyên Bình

Viết nhân kỉ niệm 34 năm chiến tranh Trung Quốc xâm lược Việt Nam.
Trước cuộc tấn công 17-2, bọn Tàu xấu bụng cũng đã ít nhiều để lộ âm mưu qua một số kênh khác nhau. Chúng ta chỉ bị bất ngờ về thời điểm nổ súng của chúng, chứ chúng ta cũng đã có sự chuẩn bị nhiều mặt cho cuộc chiến đấu với ‘anh bạn vàng hay trở mặt’. Chính vì chuẩn bị đối phó nên từ hàng năm trước, các cơ quan hữu quan ở Bộ Quốc phòng đã tìm một số cán bộ quân đội biết tiếng Trung Quốc, tập trung nghiên cứu về đối tượng tác chiến mới này. Với truyền thống coi trọng công tác vận động binh sỹ địch ra hàng để tránh đổ máu thương vong vô ích cho cả hai bên, cơ quan địch vận cũng khẩn trương vào cuộc. Hồi đó tôi cũng được điều động về giúp việc nghiên cứu trạng thái chính trị tinh thần của quân Trung Quốc ở cơ quan địch vận. Đồng thời với việc nghiên cứu, cơ quan cũng đã chuẩn bị được một loạt câu kêu gọi ngắn gọn gửi cho các đơn vị. Một trong số đó có câu “Thấu xéng chiu sâu khoan tai”. Phiên âm như vậy chưa thật chuẩn nhưng người Trung quốc nghe cũng có thể hiểu ra, đó là lời nhắn nhủ: “Đầu hàng thì sẽ được đối đãi tử tế.”
Sau khi nhận được những khẩu hiệu nhỏ đó, nhiều đơn vị đã nhanh chóng cho cán bộ chiến sĩ học thuộc để vận dụng trong chiến đấu. Thế rồi, cuộc chiến mới diễn ra chừng hai chục ngày, đến đầu tháng 3-1979, từ Cao Bằng đã có tin báo về: cả một đại đội quân Trung Quốc đã ra đầu hàng! Thật là một sự kiện hiếm hoi. Chắc đây là kết quả của lời kêu gọi “Thấu xéng chiu sâu khoan tai” thì phải?
Tin mới này đã khiến chúng tôi phải gấp rút lên đường. Chúng tôi gặp đại đội ra hàng đó ở một trại tạm giam khi họ đã được đưa về tuyến sau. Lúc đó, quả thật tôi mới là một phiên dịch bất đắc dĩ (năm 1965, tôi vừa học xong một năm chuyên tu tiếng TQ, bị cuộc ‘cách mạng văn hóa vô sản’ của ông Mao phá đám, phải về nước học cái khác, bỏ luôn tiếng Trung Quốc cả 13 năm, nay chưa kịp ôn lại đã phải đi dịch, đành ôm theo cuốn từ điển, vừa dịch vừa tra, thật rõ khổ!)
Thật tiếc, nhiều nôị dung khai thác được lúc đó tôi đã để rơi rụng mất kha khá, nay chỉ còn một ít trong trí nhớ mà thôi.
Cái đại đội ra hàng đó là thuộc trung đoàn bộ binh 448, sư đoàn 150, quân đoàn 50, quân khu Thành Đô. Đơn vị còn có đầy đủ cả bộ sậu: Đại đội trưởng, chính trị viên, cả ban chi ủy, các trung đội trưởng… và đầy đủ vũ khí trang bị. Cùng đi với đại đội còn có hai cán bộ do trung đoàn phái xuống để đốc chiến, một ‘vị’là tham mưu phó trung đoàn, ‘vị’ kia là phó chính ủy trung đoàn. Cả đại đội còn đầy đủ cả trăm con người. Đơn vị này thuộc thê đội hai của chiến dịch, mới ngơ ngáo tiến vào vùng núi Cao Bằng trập trùng bí hiểm, bị quân dân địa phương dồn đuổi mấy ngày, hoang mang quá, không biết làm thế nào, đã bàn nhau (bàn trong chi ủy Đảng CSTQ hẳn hoi) kéo cờ trắng ra hàng.
Tiếp xúc càng nhiều với đám lính ‘quân giải phóng TQ’ này tôi càng ngạc nhiên. Trước khi gặp họ, tôi hình dung về họ khác lắm kia. Thời gian tôi học ở Trung Quốc đúng vào lúc TQ vừa hồi phục sau thảm bại của cuộc ‘đại nhảy vọt điên rồ với hàng triệu người chết đói và một đất nước kiệt quệ bên bờ vực kinh tế. Phục hồi chưa được bao lâu, đất nước đã lại chuẩn bị bước vào một cơn co giật động trời khác, đó là cuộc ‘đại CM văn hóa vô sản’ nổi tiếng khủng khiếp trên thế giới. Thời gian đó, khắp đất nước TQ đâu đâu cũng đỏ rực những lời đao to búa lớn của lãnh tụ vĩ đại. Ngày ngày người ta kêu gọi thanh niên phải “Sống ở Trung Hoa, mắt đưa khắp thế giới”, phải “coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”, phải “tiến hành CM vô sản đến cùng để giải phóng toàn thế giới”. Đối với cán bộ chiến sĩ quân giải phóng TQ thì đã có nguyên soái Lâm Bưu luôn đốc thúc họ phải ngày ngày tâm niệm: “Đọc sách của Mao Chủ tịch, nghe lời Mao Chủ tịch, làm theo chỉ thị của Mao Chủ tịch, làm chiến sĩ tốt của Mao Chủ tịch”. Từng ấy thứ được nghe, được thấy ở TQ lúc đó khiến tôi cứ tưởng rằng những người lính quân giải phóng TQ chí ít cũng phải thế nào chứ. Đằng này…
Chính trị viên đại đội Phùng Tăng Mẫn, khi chưa lâm trận, ý hẳn cũng muốn phấn đấu theo lời nguyên soái nên đã đặt bí danh là Hồng Trị (Chính trị viên đỏ). Khi trở thành tù binh thì nhũn như chi chi, chẳng thấy vai trò chính trị viên đâu nữa, chỉ luôn đáp ứng yêu cầu của cán bộ hỏi cung, hỏi gì khai nấy, lại luôn cố gắng ‘làm thân’ với cán bộ chiến sĩ trong trại. Có lần phải ra khai cung sớm, bữa sáng chưa kịp ăn, bị kiến bò vào. Khi trở về, thấy cơm bị kiến bò, anh ta khóc ngon lành, than vãn mãi về việc bị kiến ăn tranh mất suất cơm. Khi được hỏi có yêu cầu gì đối với trại, anh ta chỉ đề nghị được ăn cơm nóng một chút, thức ăn nhiều dầu mỡ muối hơn một chút, vì người Tứ Xuyên hình như ăn mặn hơn người của trại!
Đại đội trưởng Lý Hòa Bình, thân hình to cao, trông bên ngoài có vẻ chất phác, luôn cố gắng sửa bớt cái giọng Tứ Xuyên nặng chịch để cán bộ nghe được dễ hơn. Anh ta đã có kinh nghiệm khi gặp cán bộ khai thác mà cứ nói nặng tiếng địa phương là phiền lắm. Quả cái tiếng Tứ Xuyên rất khó nghe, chúng tôi nghe nhiều thành quen mới hiểu nổi, chứ vị khách nào mới đến phỏng vấn thì nghe gà hóa cuốc là việc thường tình. Có lần chúng tôi lên trại, anh ta mới gặp đã khóc nức nở kể chuyện bị oan ức vì một cán bộ mới đến nghe không rõ, cứ khăng khăng bảo anh ta ‘ngoan cố, không thành khẩn khai báo’. Anh ta sợ bị cho là không thành khẩn thì sau này hết chiến tranh có thể sẽ không được trao trả về nước với gia đình, hoặc sẽ bị đối xử kinh khủng thế nào đó chưa biết được.
Tham mưu phó trung đoàn tên là Phó Bồi Đức, khá thạo tin về quân sự, nói giọng dễ nghe, nhiều người xác nhận thuộc loại ‘thật thà khai báo’, anh này thường nói mình vốn đang mang bệnh rối loạn nhịp tim, đang xin ra quân thì bị điều động đi đánh Việt Nam, chứ thực lòng không muốn đi tí nào. Anh ta còn nói, nghe trên tuyên truyền Việt Nam khiêu khích TQ, nhiều lần quấy rối, đánh sang biên giới TQ thì cũng biết vậy thôi, quân khu Thành Đô có ở biên giới đâu mà nói là thật hay không. Khi đơn vị đánh sang đất Cao Bằng của VN thì trên lại bảo đấy là ‘phản kích, dạy VN bài học xong rồi sẽ rút quân’. Trên bảo đơn vị trung đoàn 448 này vào đất VN để yểm hộ bộ đội rút quân… Vì vậy, Phó Bồi Đức cứ tiếc hùi hụi, giá không mắc kẹt với bộ đội Cao Bằng thì chẳng bao lâu nữa sẽ được lệnh rút về. Chỉ mong nhanh chóng ra quân để nghỉ ngơi và chữa cái bệnh tim thôi. (Cán bộ trại cũng đã cho thày thuốc khám bệnh, xác minh đúng anh ta có bệnh tim và đã cấp cho ít thuốc).
Phó chính ủy trung đoàn Long Đức Xương, ngoài những tin tức quân báo đã cung cấp, khi nói chuyện có tính tâm sự với cán bộ trại, anh ta thường than thở: mình nay đã quá tuổi phát triển, sức khỏe lại kém, đã thuộc vào loại cán bộ quá độ, không còn tiền đồ gì (trông anh ta quả cũng hơi hom hem, tuổi áng chừng trên 40 thật); lần này đơn vị bị điều đi đánh trận là bản thân rất bất ngờ, chưa kịp chuẩn bị gì, ra đi mà trong lòng hoang mang, bối rối… Anh ta lo lắng nhiều cho sự sống chết của bản thân vì ở nhà còn gánh gia đình rất nặng. Còn việc có tin hay không những tuyên truyền của chính phủ và quân đội về lý do phải ‘dạy bài học cho VN’, thì anh ta nói: đời mình đã trải qua quá nhiều phong trào, quá nhiều vận động rồi, bây giờ chẳng thiết tin hay không tin cái gì cả.
Khi hỏi các binh lính (ngoài số các cán binh của đại đội nọ, trong trại còn có một số lính TQ bị bắt ở các nơi khác ): Tại sao đi bộ đội? Phần lớn đều nói: để hi vọng kiếm được việc làm sau khi hết thời hạn phục vụ. Nhưng nhiều người cũng có vẻ bi quan về vận may của mình, họ nói: mù chữ, vô nghề nghiệp chẳng dễ mà kiếm được việc, đến đâu hay đến đấy… Chả thấy ai nói muốn trở thành quân nhân để tiến hành cách mạng vô sản đến cùng, để giải phóng toàn thế giới cả.
Thời gian mấy tháng ở trại, binh lính TQ thường tỏ ra ‘ngoan’, không dám quấy phá chống đối gì đáng kể. Họ quan tâm nhiều đến bữa ăn. Khi có phái đoàn Chữ thập đỏ quốc tế đến thăm trại, một số người tố khổ:cơm ăn không đủ no, thức ăn thì ít thịt cá dầu mỡ, rau thì toàn loại rau ‘rỗng ruột’ (tức rau muống) với dây lá bí rợ (rau bí)… Có người cũng vặn hỏi cán bộ trại: Việt Nam nói đầu hàng thì được đối xử tử tế, sao lại cho chúng tôi ăn như vậy? Lúc đó thật là khó giải thích cho họ hiểu, họ đâu biết hoàn cảnh khắc nghiệt về kinh tế của Việt Nam vào thời điểm ấy. Mỗi ngày họ được giành 700g gạo không độn mì mốc, ngô răng ngựa, bo bo hạt; lại có chút thịt cá dầu mỡ là phía ta đã cố gắng lắm rồi! Thời gian sau, khi trại được củng cố ổn định hơn, tù binh được cử người cùng đi nhận thực phẩm ở kho chung với cán bộ chiến sĩ của trại, được tận mắt chứng kiến phần thực phẩm giành cho bộ đội VN còn ít hơn phần của tù, họ mới hiểu ra và thừa nhận là trong hoàn cảnh đó, thực sự họ đã được đối xử tử tế.
Ở thời điểm năm 1979 đó, mặc dù chính tai được nghe, chính mắt được thấy, nhưng tôi vẫn nghi nghi hoặc hoặc. Tôi không thể hình dung nổi sao lại có cái khoảng cách quá lớn giữa hình tượng người lính được tuyên truyền rầm rĩ ở TQ về ‘người chiến sĩ tốt của Mao Chủ tịch’ với thực trạng tù binh mà tôi đã gặp. Sau này, khi có dịp đọc một số sách của các nhà văn TQ, tôi mới hết nghi hoặc. Hình ảnh những người lính đánh VN năm 79 trong cuốn tiểu thuyết ‘Ma chiến hữu’ của nhà văn Mạc Ngôn còn thảm hại, khốn khổ khốn nạn hơn cả những người lính ở trại tù binh kia. Thế thì có lẽ các vị lãnh đạo đất nước TQ chuyên xây dựng ra xã hội và con người kiểu ‘thùng rỗng kêu to’ chăng?
Từ 1979 đến nay đã là 34 năm, quân đội Trung Quốc nghe nói giờ đã chính qui hiện đại hơn nhiều lắm, vũ khí trang bị chả thua kém cường quốc nào trên thế giới với đủ cả khí tài điện tử, máy bay tàu bò, hàng không mẫu hạm v.v.. Và nay kinh tế TQ cũng mới thấc lên, tham vọng của những người lãnh đạo nhà nước lại bùng lên như những thời kỳ phục hồi trước đây. Họ lại lên giây cót xã hội, lại muốn ăn tươi nuốt sống cả thế giới… Nhưng thử ngẫm mà xem: vũ khí trang bị thì đổi mới có thể nhanh chóng và không khó khăn gì nhiều đối với nền kinh tế đang giàu xổi của TQ; còn con người thì sao? Liệu ba bốn chục năm đã đủ để xã hội con người trút khỏi cái bản tính ‘thùng rỗng kêu to’ chưa? Hơn nữa, những ‘ông vua con’ trong các gia đình (kết quả của chính sách dân số mỗi gia đình chỉ sinh một con) và hậu phương của họ liệu có sẵn sàng coi cái chết nhẹ như lông hồng để phục vụ cho tham vọng nuốt sống quả địa cầu không? Hay là khi lâm trận, gặp khó khăn nguy hiểm thì lại sẵn sàng nghe theo lời kêu gọi “Thấu xéng chiu sâu khoan tai”??
N.N.B.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét