2013/01/12

Phóng viên không biên giới chứng minh sự vô tội của blogger Paulus Lê Sơn


Thanh Phương - RFI

Trong một thông cáo công bố ngày hôm nay, 11/01/2013, tổ chức Phóng viên không biên giới, bày tỏ sự phẫn nộ về bản án đối với 14 nhà hoạt động Công giáo và Tin Lành trong phiên xử sơ thẩm hai ngày 08/01 và 09/2013 tại thành phố Vinh. Đồng thời, tổ chức này tuyên bố có thể chứng minh sự vô tội của blogger Paulus Lê Sơn, một trong ba người lãnh án nặng nhất.
Trong phiên xử sơ thẩm vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã kết án tù 13 trong số 14 người bị đem ra xét xử với tội danh «hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân», do bị cáo buộc là đảng viên đảng Việt Tân, mà Việt Nam xem là một tổ chức khủng bố. Ba người lãnh án nặng nhất là Lê Văn Sơn, tức Paulus Lê Sơn, Hồ Đức Hòa và Đặng Xuân Diệu, mỗi người bị tuyên án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế. Những người còn lại lãnh án từ 3 đến 8 năm tù giam và từ 2 đến 4 năm quản chế. Chỉ có một người được hưởng án treo.
JPEG - 26.3 kb
Paulus Le Son tại khóa huấn luyện về blog do Phóng viên không biên giới tổ chức, Bangkok, Thái Lan, 07/2011 (SRF)
Riêng về blogger Paulus Lê Sơn, Phóng viên không biên giới tuyên bố có thể chứng minh rằng blogger này không hề tham gia một hoạt động nào của Việt Tân, khi ở Bangkok trong thời gian từ 25 đến 30/11/2011, đơn giản chỉ là vì lúc đó, Lê Sơn dự một khóa huấn luyện do Phóng viên không biên giới tổ chức cho các blogger Đông Nam Á. Đối với Phóng viên không biên giới, rõ ràng là chính quyền Việt Nam đã sử dụng những «chứng cớ ngụy tạo»để kết án những blogger chỉ trích họ. Tổ chức này cực lực phản đối việc kết án Paulus Lê Sơn và bảy blogger khác và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho họ. 
Các tổ chức nhân quyền quốc tế khác cũng đã đồng loạt chỉ trích Việt Nam về phiên xử ở Vinh.
Trong bản thông cáo đề ngày 09/01 ngay sau khi phiên xử sơ thẩm ở Nghệ An kết thúc, tổ chức Human Rights Watch ( HRW ) cho rằng, việc kết án tù 14 nhà hoạt động nói trên đánh dấu «một sự leo thang rõ rệt trong chiến dịch trấn áp những tiếng nói chỉ trích chính quyền.» Theo giám đốc châu Á của HRW, Brad Adams, «thay vì cầm tù những người chỉ trích, chính phủ Việt Nam nên tôn vinh họ vì những nỗ lực giải quyết vô số vấn đề của đất nước, mà bản thân chính quyền cũng đã nhìn ra»

HRW yêu cầu chính quyền Hà Nội trả tự do cho những người bị kết án ở Nghệ An, cũng như hủy bỏ những cáo buộc đối với luật sư, blogger Lê Quốc Quân, bị bắt giữ cuối tháng 12 vừa qua ở Hà Nội. 
Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các nhà hoạt động vừa bị kết án. Ông Rupert Abbott, nhà nghiên cứu về Việt Nam của Ân xá Quốc tế, tuyên bố: «Xuyên tạc các hành vi của các nhà hoạt động như một cố gắng lật đổ chính phủ là hoàn toàn vô căn cứ. Họ đã bị cầm tù chỉ vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận»
Trong một thông cáo đề ngày 09/01, Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo CPJ ghi nhận là trong phiên xử 14 nhà hoạt động Công giáo và Tin Lành, có ít nhất 5 blogger độc lập đã bị kết án tù nặng nề, đó là Palus Lê Sơn, Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Văn Duyệt và Nguyễn Xuân Anh. Họ là những cộng tác viên của trang mạng Truyền thông Chúa Cứu Thế, chuyên thông tin về các vụ đàn áp người Công giáo, các vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền với người dân và các vấn đề xã hội khác ở Việt Nam. Tổ chức CPJ lên án hành động này và kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ những cáo buộc đối với họ trong phiên xử phúc thẩm và trả tự do cho các blogger nói trên. 
Về phản ứng của các nước Tây phương, ngay sau khi kết thúc phiên xử ngày 09/01, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã ra thông cáo bày tỏ mối quan ngại của họ. Bản thông cáo cho rằng «những bản án này, cùng với việc bắt giữ luật sư Lê Quốc Quân ngày 27/12/2012, và việc y án tù đối với các blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần, và Phan Thanh Hải cho thấy phần nào xu hướng đáng lo ngại về nhân quyền ở Việt Nam».
Bản thông cáo của sứ quán Hoa Kỳ xác định: «Hành xử của chính quyền đối với những cá nhân này tỏ ra không phù hợp với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như các điều khoản của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền liên quan đến tự do ngôn luận và xét xử theo đúng trình tự. Chúng tôi kêu gọi chính phủ trả tự do cho các cá nhân này và tất cả các tù nhân lương tâm khác ngay lập tức».
Nguồn: RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét