2013/01/26

Nhân quyền và chủ quyền quốc gia – cần một nhận thức mới?


Lê Quang Việt - LCST

Nhân loại văn minh ngày càng trở nên một cộng đồng gắn kết, sự liên hệ giữa các chính phủ và các quốc gia ngày càng chặt chẽ. Chính quyền của các quốc gia ngày càng chấp nhận đối thoại cũng như chấp nhận sự phê bình về việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền (đôi khi được gọi là hồ sơ nhân quyền) của mình từ người dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế.
Với các quốc gia, chủ quyền (sovereignty) thường được hiểu theo hai nghĩa tương đối khác nhau. Thứ nhất, chủ quyền giữ vị trí độc lập của một quốc gia với một quốc gia khác, mỗi quốc gia có quyền tài phán quốc gia độc lập trong phạm vi địa lý của mình. Thứ hai, chủ quyền hàm ý trong mỗi quốc gia có một chủ thể (thường là nhân dân hay nghị viện) có quyền chính trị pháp lý tối cao.
Tôn trọng chủ quyền không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác là một nguyên tắc cơ bản co bản của luật quốc tế hiện đại mà đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc. Trước đây, chủ quyền quốc gia thường được hiểu theo nghĩa hẹp (chủ quyền tuyệt đối), trong đó các quốc gia không được can thiệp vào công việc được coi là “vấn đề nội bộ” của quốc gia, đặc biệt là vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, xu hướng chung của luật pháp quốc tế hiện đại ngày nay là thay thế khái niệm chủ quyền quốc gia tuyệt đối bằng khái niệm chủ quyền quốc gia hạn chế, trong đó có sự mở rộng chi phối của cộng đồng quốc tế đối với một số vấn đề vốn trước đây được coi là nội bộ của quốc gia trong đó có vấn đề nhân quyền- một vấn đề cực kì quan trọng và nhạy cảm.

Sự thay đổi cách nhìn nhận này, theo quan điểm cá nhân là kết quả của sự phát triển không ngừng của luật nhân quyền quốc tế và phong trào đấu tranh vì nhân quyền toàn cầu. Những phát triển đó đưa đến một nhận thức mới của nhân loại và buộc chính phủ các nước, trong đó có cả chính phủ Việt Nam đã đến lúc phải thay đổi nhận thức và cách thức “đối xử” với công dân của mình. Bởi lẽ, vấn đề này không còn chỉ thuộc về vấn đề “nội bộ quốc gia” mà đã trở thành vấn đề chung của cộng đồng quốc tế(international public domain). Điều này cũng có nghĩa là việc phê phán các chính phủ trong những vấn đề nhân quyền, dù xuất phát từ bất kì một chủ thể nào như quốc gia khác, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hay cá nhân trong và ngoài nước là đều không phải là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của các nước liên quan.
Chính quyền của các quốc gia ngày nay phải chấp nhận đối thoại và chấp nhận sự phê phán của công luận trong và ngoài nước vì có như thế thì nhân quyền mới được đảm bảo và chủ quyền mới được vững mạnh.
Dĩ nhiên các sự phê bình, chỉ trích hồ sơ nhân quyền của một quốc gia bởi bất kì chủ thể nào cần mang tính xây dựng, công bằng, khách quan và không mang động cơ phi dân chủ. Điều này sẽ gia tăng mục đích cao đẹp của công cuộc đấu tranh vì nhân quyền của thế giới nói chung.
Hà Nội, ngày 22 tháng Giêng năm 2013.
Lê Quang Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét