Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-01-15
Mục sư Nguyễn Trung Tôn, người bị kết án hai năm về tội truyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự, vừa mãn hạn tù.
Sau khi về đến nhà, ông có cuộc nói chuyện với biên tập viên Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do. Trước hết ông cho biết:
Tôi không vi phạm pháp luật
MS Nguyễn Trung Tôn: Tôi mãn án hai năm và vừa về đến nhà cách đây ba tiếng đồng hồ, tức khoảng lúc 11 giờ trưa ngày 15 tháng 1.
Gia Minh: Ai đưa ông về nhà?
MS Nguyễn Trung Tôn: Bản án của tôi có hai năm quản chế, nên cán bộ trại giam đưa tôi về. Họ đưa tôi về an ninh huyện Quảng Xương làm thủ tục, sau đó họ đưa tôi về công an xã Quảng Yên làm thủ tục quản chế tại công an xã này, rồi họ đưa tôi về nhà.
Gia Minh: Trước khi mãn hạn tù, trại giam họ có thông báo và làm những thủ tục thế nào, thưa mục sư?
MS Nguyễn Trung Tôn: Như thông lệ bình thường, trước khi hết án, họ đưa tôi ra nhà văn hóa để gặp cán bộ giáo dục nhằm làm giấy ‘đại khái’ gọi là cảm tưởng thời gian ở án. Sau đó họ giao cho tôi giấy ra tù. Trước đây giấy gọi là ‘cảm tưởng’ nhưng nay họ gọi là bản kiểm điểm; họ đưa tôi mẫu đó nhưng tôi không đồng ý vì đó là mẫu của những người nhận tội, thấy có tội phải thành khẩn ăn năn, hối cải. Thế nhưng cá nhân tôi, tôi xác định những việc tôi làm không vi phạm pháp luật, tôi không làm theo mẫu của họ đưa. Tôi chỉ viết vào đó là theo bản án tôi đã hoàn thành xong. Tôi về địa phương tiếp tục xây dựng gia đình và phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tôi viết mấy dòng như thế cho xong thủ tục đó. Sáng này họ thanh toán cho tôi 80 ngàn tiền ra trại, sau đó họ đưa tôi về.
...Nhưng cá nhân tôi, tôi xác định những việc tôi làm không vi phạm pháp luật, tôi không làm theo mẫu của họ đưa. Tôi chỉ viết vào đó là theo bản án tôi đã hoàn thành xong. Tôi về địa phương tiếp tục xây dựng gia đình và phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
MS Nguyễn Trung Tôn: Buồng giam của tôi có nhà đấu tranh dân chủ Vi Đức Hồi, người Lạng Sơn. Anh này bị kết án 5 năm và đến nay thi hành án được 2 năm. Anh này cũng bị kết án tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam. Ngoài ra còn có 13,14 người đồng bào ở Tây Nguyên bị bắt về tội ‘chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc’. Và có 8 người khác ở Mường Nhé, Điện Biên, Lai Châu. Họ là những người Mông, có người bị bắt bên Lào về, có người bị bắt sau vụ biểu tình ở Mường Nhé Điện Biên. Họ bị qui tội bạo loạn, gây rối. Ngoài ra còn có những phạm nhân khác vốn dĩ là công chức nhà nước ( công an, tuyên giáo) bị kết tội cung cấp thông tin bí mật, làm gián điệp cho Trung Quốc. Toàn bộ có 46 người.
Đấu tranh là con đường phải chọn
- Bà Hồ Bích Khương (trái) và Mục sư Nguyễn Trung Tôn trước khi bị bắt
Gia Minh: Ông nói không làm gì sai phạm pháp luật, và sắp đến ông sẽ theo con đường đã chọn mà ông nghĩ sẽ đưa ông vào con đường như vừa qua không?
MS Nguyễn Trung Tôn: Là một người sinh ra tại đất nước Việt Nam này, nói chung trong suốt chiều dài lịch sử 4000 năm đã hy sinh đổ xương máu rất nhiều cho sự toàn vẹn lãnh thổ, cho công bằng xã hội. Chắc chắn trong những cuộc đấu tranh giành độc lập, chủ quyền phải hy sinh xương máu, có người phải chấp nhận hy sinh mới có thành công. Tiếp tục trong phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ, cho đa nguyên đa đảng, cho xu thế chung hiện tại của thế giới. Trong phong trào chung đó, tôi chỉ góp phần nhỏ bé cho công cuộc đấu tranh mà thôi. Tôi tin chắc rằng những gì tôi đã chọn không có gì sai lầm, đó là con đường đúng đắn.
Dù rằng phía trước tôi còn nhiều chông gai, thử thách, còn nhiều điều phải trả giá. Có thể tôi phải tiếp tục xa cha mẹ già, xa vợ, xa con một lần nữa đi chăng nữa thì tôi cũng vui lòng chấp nhận. Tôi tin rằng bất cứ người nào khi đã chấp nhận dấn thân cho tự do dân chủ, chấp nhận đấu tranh đều phải trả giá, hy sinh. Tự do không ai ban tặng cho chúng ta mà phải đấu tranh bằng công sức của mình. Một mình tôi không thể làm gì, nhưng bên cạnh tôi còn có 80 triệu đồng bào, và người Việt ở nước ngoài là nguồn động lực thêm sức cho chúng tôi.
Nay tôi ra khỏi tù giam nhưng còn bị quản chế, quản thúc còn nhiều khó khăn trong đi lại. Tuy nhiên tôi chọn phương pháp nào đấu tranh tránh va chạm, tù đầy vì không ai muốn tù đầy. Tuy nhiên đấu tranh là con đường phải chọn, không còn con đường nào khác.
Gia Minh: Cám ơn Mục sư Nguyễn Trung Tôn.
Cũng xin nhắc lại là Ms Nguyễn Trung Tôn ở Thanh Hóa, ông từng bị bắt và ra tòa cùng với bà Hồ Thị Bích Khương, một người dân oan và trở thành nhà đấu tranh công khai với những bài viết trên mạng Internet. Ông bị tạm giam 19 tháng ở trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. Sau đó ông bị giam ở Trại giam Nam Hà.
Nguồn: RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét