BBC
Kết thúc năm 2012, không khí chính trị ở Việt Nam tăng độ nóng với nhiều phát biểu ở cấp cao thể hiện sự lo ngại về nguy cơ ‘tự diễn biến’ và sự tan rã của mô hình ‘xã hội chủ nghĩa’.
Mặc dù tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 trong tháng 10 vừa qua, các lãnh đạo Đảng đã cảnh báo về ‘diễn biến hòa bình’ và nạn tham nhũng, nhóm lợi ích, cho đến cuối năm vấn đề vẫn không giảm đi, thậm chí còn được bộ máy tuyên truyền dồn dập nhắc nhở.
Tại hộ thảo ‘Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay’ ở Hà Nội hôm 27/12/2012, sự lo ngại bao trùm cả hệ thống này được nêu ra công khai qua lời ông Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận của Đảng.
- Mọi đảng viên cộng sản đều cần ’nâng cao sức chiến đấu’
Bài diễn văn cho rằng có mối liên hệ giữa cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng với đấu tranh chống ‘diễn biến hòa bình’, cụm từ được định nghĩa là tiến trình giải thể hệ thống chính trị độc Đảng ở Việt Nam không qua biện pháp bạo lực.
Tuy nhiên, bài phát biểu của ông Vũ Văn Phúc cũng không chỉ ra được đối tượng đứng đằng sau các hành động mang tính chuyển hóa chế độ đó là ai mà chỉ cho rằng có ‘các thế lực thù địch’ một cách khá chung chung.
Vì thế, Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị “nâng cao sức đề kháng của mỗi tổ chức đảng, từng cấp chính quyền, đoàn thể, của mỗi cán bộ, đảng viên”.
Rối loạn, lạc hướng?
Vì không có định nghĩa ai đang làm gì, và vi phạm thế nào để trở nên kẻ ‘tự diễn biến’, thậm chí ‘tự diễn biến’ bắt đầu từ đâu, và đi tới đâu cũng không rõ nên hiện Đảng thừa nhận xử lý không tốt sẽ dẫn đến lạc hướng.
Tiến sỹ Vũ Văn Phúc tự đặt câu hỏi:
“Chẳng hạn, “tự diễn biến” là thế nào, tới mức nào thì dẫn tới “tự chuyển hóa”? Nếu không khu biệt rõ, rất dễ nhầm lẫn. Mà nhầm lẫn thì đi đến rất dễ nghi oan, thậm chí rất dễ quy chụp, và dẫn tới rối loạn, lạc hướng.”
Bên cạnh một số đề nghị mang tính đạo đức và tâm lý, bài diễn văn không đề ra được giải pháp cụ thể, mới mẻ ngoài việc tăng cường công tác xây dựng Đảng, chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi tình trạng cát cứ, cục bộ và lợi ích nhóm.
Đặc biệt, ông Vũ Văn Phú đề nghị “về dựa hẳn vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước”.
Nhưng chỉ riêng việc tổ chức hội thảo của Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương cùng với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho thấy bên cạnh công an thì quân đội đang ngày càng được đề cao ở vị trí bảo vệ chế độ hiện hành.
Trong một bài diễn văn nhân kỷ niệm 40 năm cuộc không tập của Hoa Kỳ vào Hà Nội tháng 12/1972-2012, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cũng có bài đăng trên tạp chí Quốc phòng Toàn dân, lên án ‘diễn biến hòa bình’.
- Quân đội Nhân dân có nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ Đảng
Lần đầu tiên từ nhiều năm, Tướng Phùng Quang Thanh nhắc đến nguy cơ ‘chiến tranh xâm lược’ mà ông cho rằng chính ‘diễn biến hòa bình’ là hoạt động tạo cơ hội cho nước nào đó từ bên ngoài phát động chiến tranh chống lại Việt Nam.
Gần đây các báo chính thống ở Việt Nam cũng nói về chuyện chống ‘quốc gia hóa quân đội’ và nhấn mạnh đến sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Vào đầu năm 2013, dự kiến Trung ương Đảng sẽ họp hội nghị lần thứ 7 để bàn về nhiều chủ đề chưa hoàn tất từ hội nghị trung ương 6, cả về nhân sự và đường lối.
Lần đầu tiên, các cơ quan của Đảng cũng nói về chuyện "xác định đường lối cho cải tổ chính trị" trong không khí hỏi ý kiến nhân dân về sửa đổi hiến pháp.
Là một trong số vài ba đảng cộng sản còn cầm quyền trên thế giới kể từ sau khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã̉, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện gặp cuộc khủng hoảng mô hình.
Theo các chuyên gia quốc tế và một số nhà hoạt động trong nước, mô hình chính trị độc đoán kết hợp với kinh tế thị trường còn có tên là ’chủ nghĩa tư bản phi tự do’ như tại Việt Nam và Trung Quốc đang gặp khủng hoảng.
Câu hỏi là liệu bộ máy hiện nay, dù đã nhận ra vấn đề, có năng lực tự cải tổ để chuyển sang một mô thức khác hay là không.
Nguồn: BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét