Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải
(04.12.2012) - Roma, Italia - Hồi những năm 1985-1988, trong khi Tòa Thánh đang sửa soạn tuyên phong hiển thánh cho 117 chân phúc tử đạo Việt Nam, báo đài nhà nước nhân cơ hội đấy xuyên tạc, phản đối và kết án Công giáo. Không khí ấy loan khắp xã hội và tràn cả vào chốn học đường.
Tại trường Trung học Yên Khánh A- nơi tôi theo học, nhà trường cũng tổ chức một buổi cho các giáo viên đến các lớp tuyên truyền và kết án việc phong thánh và nhân đó kết án Giáo Hội. Trong không khí đấu tố mù quáng việc phong thánh ấy, tôi còn nhớ những cái nhìn miệt thị và những lời nói cay độc, thô lỗ của nhiều học sinh và giáo viên trong trường dành cho một số ít học sinh là người Công giáo chúng tôi, mà về sau tôi thấy họ đáng thương hơn là đáng trách.
Đến tháng 07/1987, khi được cha Vũ Ngọc Bích kín đáo nhận vào tu ở Thái Hà, tôi mới hiểu vấn đề hơn một chút khi được đọc những bài viết của cha Chân Tín và thầy Nguyễn Ngọc Lan, trong đó các ngài lên tiếng bảo vệ quyền chính đáng của Giáo Hội và phản bác lại các luận điệu tuyên truyền và kết án đầy ác ý, mù quáng và bất công của nhà nước, cũng như của những bồi bút điếu đóm ăn theo....
Về sau tôi biết, vì những việc này mà ngài bị một số người cho là theo cộng sản. Bản thân tôi không nghĩ vậy, bởi nếu sự thật là thế thì sau năm 1975 các tờ báo của ngài như Tuổi Hoa, Đứng Dậy và Đối Diện đã không phải bị đóng cửa, trong khi đó báo Công Giáo và Dân Tộc, trước đó chưa có ở Miền Nam, thì sau 1975 lại được “mở cửa”, mới đầu là tuần san về sau có thêm cả nguyệt san; hơn nữa nếu Chân Tín theo cộng sản thật thì cũng đã “được” Đảng cộng sản “cơ cấu” vào những chức vụ bù nhìn này kia thế nọ trong quốc hội hoặc trong các tổ chức khác như Mặt trận Tổ quốc, UBĐKCGYN. Mặt khác ngài đã không thường xuyên bị sách nhiễu, bị bắt bớ, quản chế, mưu sát và nhất là ngài đã không nói, không viết, không dấn thân như ngài đã làm để bảo vệ Giáo Hội, bảo vệ quyền lợi của người dân, cũng như để xây dựng đất nước và dân tộc như chúng ta đã thấy từ sau năm 1975 đến nay, mà nếu tôi không lầm thì ngài là một trong những tiếng nói hiếm hoi đầu tiên và thường xuyên nhất trong những thập niên vừa qua kể từ khi cộng sản chiếm được miền Nam Việt Nam.
Dầu sao thì trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, một số những việc làm của ngài lúc ấy bị cộng sản lợi dụng và it nhiều có lợi cho cộng sản và điều này người miền Bắc chúng tôi, những người đã nếm trải sự thâm độc và tàn bạo của cộng sản, chúng tôi chẳng ngại nói thật cùng ngài. Bản thân tôi đã từng nghe Bà Cố Cha Vũ Khởi Phụng chia sẻ rằng bà đã nói như thế với cha Chân Tín khi ngài lần đầu ra Hà Nội.
Năm 1989 cha Vũ Ngọc Bích gửi chúng tôi vào Sài Gòn. Bấy giờ học viện chưa tổ chức ăn học tập trung, các thầy ở gia đình mình, tự đi tìm việc phục vụ và tự kiếm việc làm để mưu sinh; nhà tập không mở thường xuyên và nếu có thì cũng chỉ gặp nhau vào thứ Bẩy, Chúa Nhật; dự tập thì hằng tháng gặp nhau một lần tại các địa điểm khác nhau trong ngoài thành phố. Các cha các thầy không có hộ khẩu ở tu viện Kỳ Đồng đều phải ở nhà thân nhân, nếu ban ngày có vào tu viện, thì tối cũng phải ra, nếu không muốn công an gây khó dễ cho mình và cho tu viện.
Ngày đó cha Trần Ngọc Thao, dù là Giám Tỉnh, xong việc ở Kỳ Đồng, tối vẫn phải về ngủ bên Mai Thôn, trong căn phòng bé tý của ngôi nhà ván gỗ lợp tôn lụp xụp, mà nhiều khi nước ngập tới chân giường. Trong hoàn cảnh ấy, việc đón chúng tôi từ miền Bắc vào tu ở Sài Gòn, đối với các đấng bề trên là một quyết định khó khăn và táo bạo, bởi vì Tu viện Kỳ Đồng phải bảo đảm toàn bộ cuộc sống và chi phí học tập của anh em chúng tôi, hơn nữa, một khi công an phát hiện có người trẻ thường xuyên ở trong tu viện, họ cho là Nhà Dòng đào tạo tu sĩ “trái phép” và nhân đó, có thể kiếm cớ cướp nốt cơ sở duy nhất còn lại ở Sài Gòn.
Lúc ấy nhiều anh em vẫn còn ám ảnh về vụ tu viện DCCT Thủ Đức bị cộng sản cướp hơn 10 năm trước và vụ Dòng Đồng Công Thủ Đức vừa xảy ra năm 1987 vẫn còn ám ảnh nhiều anh em, bởi thế anh em không muốn mạo hiểm. Từ nỗi sợ này, một số anh em trong Tu viện không muốn đón nhận chúng tôi. May thay các cha trong Hội đồng Quản Trị Tỉnh Dòng đã sáng suốt và cương quyết kịp thời, mà một trong số những người có tiếng nói mạnh mẽ và có tính quyết định, khiến các anh em còn do dự phải chấp thuận, đó là cha Chân Tín, lúc đấy đang làm niên trưởng của Hội đồng Quản trị Tỉnh Dòng, kiêm quản lý Tỉnh Dòng, quản lý Tu viện Kỳ Đồng, Giám đốc Nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Về sau chúng tôi biết được điều này là nhờ cha Trần Văn Hưng kể lại.
Thế là từ tháng 8 năm 1989 đến đầu năm 2006 tôi liên tục sống chung với cha Chân Tín tại tu viện Kỳ Đồng, trừ khoảng thời gian 3 năm ngài bị bắt và giam lõng ở Cần Giờ. Trong đó khoảng 10 năm, 1996-2006, tôi thường xuyên cộng tác với ngài trong việc mục vụ, ban đầu là phụ tá xóm giáo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và về sau là cùng ngài dạy các lớp giáo lý Dự tòng và Hôn nhân do ngài tổ chức, cũng như cùng với các anh Nguyễn Bình Định và Đinh Ngọc Lâm chở ngài xuống Cần Giờ vào những năm mới khởi sự việc truyền giáo ở ấp An Hòa, xã An Thới Đông, trước khi cha Hoàng Minh Đức nhập cộng đoàn Cần Giờ.
Bởi tôi ở đó lâu và làm việc với ngài nhiều, nên trong tu viện hầu như có việc gì quan trọng ngài cũng chia sẻ với tôi, từ việc mục vụ đến việc dấn thân cho công lý, sự thật, cho nhân quyền, dân chủ, tự do. Có lần ngài đi theo đoàn Phật giáo Hòa Hảo và Phật Giáo VNTN để cứu trợ đồng bào lũ lụt ở Miền Tây, biết là sẽ bị CA gây khó dễ và CA sẽ lại áp lực cha bề trên, cho nên ngài nói riêng với tôi: “Tôi đi chỉ nói cho anh biết, nếu có sự cố gì thì anh giúp tôi trình bày lại với bề trên. Tôi không muốn nói với ngài tôi đi làm việc này. Nếu nói, khi CA họ hỏi mà cha bề trên bảo là không biết thì ngài phạm tội nói dối. Còn nếu bảo là biết mà vẫn để tôi đi thì ngài bị CA gây khó dễ thêm. Tôi không muốn làm khó cho ngài.”
- Các Hòa thượng Thích Không Tánh và Thích Viên Hỷ của GHPG VN Thống nhất viếng cha Chân Tín
Những năm 2000-2006, thỉnh thoảng ngài có nhờ tôi chở ngài đi thăm bạn hữu đây đó, chẳng hạn đi thăm thầy Nguyễn Ngọc Lan, hoặc đến câu lạc bộ giải trí của các linh mục vào ngày thứ Hai ở nhà thờ Phú Lâm chỗ cha Châu, về sau tôi về Hà Nội rồi, nhưng khi vào Sài Gòn, gặp ngày thứ Hai, ngài vẫn kêu tôi đi cùng. Cũng vì việc này mà hồi năm 2001-2002, một thời gian dài, có tôi bị mấy nhân viên theo đuôi mỗi khi ra khỏi tu viện Kỳ Đồng, khiến tôi khi ấy chưa quen, khá căng thẳng và phải trình báo với các đấng bề trên xin hướng dẫn. Từ năm 2006 mặc dù tôi về miền Bắc phục vụ, nhưng mỗi khi vào Sài Gòn thì ngài là một trong vài đấng bậc tôi thường đến thăm hỏi, gặp gỡ và chia sẻ nhiều với ngài.
Sống và làm việc chung với ngài nhiều năm tôi thấy ngài là một linh mục đạo đức, có lòng tin và lòng mến Chúa mạnh mẽ, có đời sống tu đức khá chuẩn mực. Lịch làm việc hàng ngày của ngài như tôi thấy như sau: Buổi sáng tham dự giờ kinh thánh lễ chung với anh em trong tu viện. Dù tuổi cao, nhưng ngài là một trong số những cha có mặt đều nhất và thường xuyên nhất trong giờ kinh thánh lễ ban ssáng của cộng đoàn. Khoảng 6h ngài thường xuyên xuống nhà cơm ăn sáng chung với anh em.
Cũng giống như một số cha già khác được học với các cha Canada, nhà bếp dọn sao ngài ăn vậy, không bao giờ than phiền chuyện đồ ăn thức uống ngon hay không ngon. Ăn sáng xong ngài ra văn phòng làm việc ở ngoài nhà sách, tiếp khách, dạy giáo lý tại đó cho đến trưa thì về ăn cơm. Ngài dạy giáo lý dự tòng và hôn nhân cả ngày. Lớp buổi tối đông hơn cả, nhưng rả rích suốt ngày, 1 người, 2 người, năm ba người, ngài đều dạy. Bất cứ ai tìm đến xin học giáo lý, vì hoàn cảnh công ăn việc làm, cuộc sống không theo học lớp chính thức vào buổi tối được, thì ngài đều sắp thời gian để dạy riêng. Ngài thực sự vì lợi ích của từng học viên chứ không tính lịch làm việc theo kiểu tiện lợi cho mình, song cũng lại bị tiếng là người dễ dãi làm hư giáo dân và có thể bị người ta lợi dụng.
Bởi lịch làm việc như vậy nên buổi tối thường xuyên buổi tối ngài ăn cơm muộn. Thường khoảng 9 đến 9 h 30 tối. Ngài ăn tối tại nhà cơm một mình, rồi lên nhà nguyện cầu nguyện riêng, khoảng 10 h 30 ngài đi ngủ. Từ hơn chục năm trước đến nay tôi thấy ngài ngủ không nhiều. Có nhiều khi 2 h sáng ngài đã dậy. Hồi năm 2000, khi tôi mới dọn đến ở phòng 208 gần phòng ngài, có khi 2 h sáng tôi thấy phòng ngài điện sáng, sợ có chuyện không ổn tôi đến xem thì hóa ra ngài đang đi lại lần hạt trong phòng. Ngài nói ngài ngủ đủ rồi nên đi lại lần hạt một chút.
Tôi vẫn thấy ngài cũng như cha Bùi Quang Diệm cùng thế hệ là một trong những cha có lòng yêu mến Đức Mẹ đặc biệt. Anh em trong dòng thỉnh thoảng phải đi chung xe vì các việc tang ma hiếu hỉ đó đây, mỗi khi có ngài đi cùng thì ngài thường chủ sự việc đọc kinh, cầu nguyện, ngoài Kinh Phụng vụ, ngài còn yêu cầu anh em lần hạt Mân Côi, nếu xe đường dài thì ngày lần hạt hai ba lần. Ngay cả khi đi xe máy chỉ có hai người ngài cũng kêu lần hạt.
Tại phòng làm việc của ngài, cuốn Kinh Phụng Vụ luôn ở trên mặt bàn và ngài thường xuyên đọc kinh hay lần hạt vào những thời khắc thảnh thơi, giữa các ca tiếp khách hay các giờ dạy giáo lý tại phòng làm việc. Những ai bất chợt đến khu vực phòng làm việc của ngài thì thấy rõ việc này hơn cả. Liên quan đến đời sống đức tin của ngài, có lần tôi hỏi sao chứ ký của bố lại có nét thẳng băng lớn ở bên trên bao trùm lấy tên của ngài bên dưới, ngài trả lời tôi rằng: “Tôi lấy Đức Chúa Trời làm nền tảng cho mọi sự, cho cả cuộc đời tôi, cho những điều tôi viết và nói chứ không phải là lấy nền tảng là những sự dưới đất như thường thấy”. Tôi thấy đầy ý tưởng truyền thống nhưng lại là một cách áp dụng độc đáo của một con người có đức tin mạnh mẽ. Quả thật trước những khó khăn phức tạp, những chống đối trong ngoài, kiên trì dấn thân được như ngài trong một đường hướng cụ thể nửa thế kỷ là điều không đơn giản , nếu không có đức tin thì khó có ai có thể làm được như vậy.
Tôi cũng thấy ngài là người sống nghèo khó và rất trật tự ngăn nắp. Phòng ở của ngài trong Tu Viện cũng như phòng làm việc của ngài ở Nhà Sách, ai đến cũng thấy là nghèo khó, giản dị và ngăn nắp. Phòng ở của ngài chỉ có cái giường sắt, cái tủ gỗ đựng quần áo, cái máy cassette cũ kỹ, cuốn Kinh Thánh, vài cuốn sách tu đức và mấy ảnh tượng thánh cũ kỹ cùng tấm ảnh chụp ông bà cố và các anh chị em ngài trong gia đình. Phòng làm việc của ngài ở nhà sách thì khác hơn, có bộ đồ hãm nước chè, cái tủ lạnh nho nhỏ, một cái giường bố loại gấp được cũng cao tuổi như chủ nhân của nó, một ít tranh ảnh và đồ lưu niệm bạn bè thân nhân tặng treo trên tường, một cái cassette nhỏ nhỏ và ít sách vở, tài liệu cần thiết. Tất cả được săp đặt gọn gàng, ngăn nắp trong cái phòng nhỏ khoảng 10 m2.
Quần áo ngài rất ít và ăn mặc rất giản dị, đố ai thấy ngài có vật dụng hay áo quần gì có vẻ sang trọng bao giờ. Có điều vì ngài sống nghèo nên đôi khi ngài cũng muốn anh em như vậy. Tôi còn nhớ khi chúng tôi mới từ Hà Nội vào Sài Gòn, chúng tôi chưa được nhận ngay vào Dự tập, và trong Tu Viện chúng tôi làm việc dưới sự sắp đặt của cha Chân Tín và thầy Phạm Văn Thuyết. Cha Chân Tín, với tư cách là quản lý Tu Viện, giao cho chúng tôi phần việc quét dọn lau chùi toàn bộ hành lang và các nhà vệ sinh của Tu viện Kỳ Đồng, đồng thời giúp thầy Thuyết phơi lá cây và bổ củi làm chất đốt. Lúc đó, nhà vệ sinh không dùng giấy cuộn trắng văn minh như bây giờ, ngài đặt mua ký từng xấp giấy vệ sinh loại xấu rồi về cắt nhỏ ra đặt vào các hộp gỗ nhỏ trong nhà vệ sinh. Chúng tôi cắt đã nhỏ gần bằng khổ hộp gỗ rồi, thế mà ngài vẫn yêu cầu chúng tôi cắt nhỏ hơn nữa! Ngài nói cắt nhỏ bằng hơn 3 ngón tay khép lại thôi. Thầy Thuyết thấy thế thì nói tục: “Bét mẹ cái ông quản lý này, ông bảo các anh cắt nhỏ thế thì đi cầu anh em lấy tay mà lau à!” Cái lối sống nghèo của ngài phát xuất từ lòng thương người nghèo và ngài tính nước làm sao có lợi cho người nghèo.
Hồi nhiều giáo dân xóm 6 bị giải tỏa năm 1997-1998, đến thăm các gia đình, thấy họ có hoàn cảnh đáng thương tôi thấy ngài thường chảy nước mắt trong khi chăm chú lắng nghe họ. Từ khi được giải quản khỏi Cần Giờ giữa năm 1993, hàng tuần chủ nhật và dịp lễ nghỉ đạo đời ngài vẫn xuống Cần Giờ thăm viếng và giúp đỡ dân ở đây (Cần Giờ 15 năm trước còn nghèo nàn thảm hại!) và khi đi bao giờ ngài cũng kiếm cái gì mang theo để giúp người nghèo, như tiền bạc, quần áo đồ dùng mới cũ. Có lần không kiếm được cái gì, hay kiếm được không đủ lượng ngài mong muốn, ngài viết trên thông báo chung ở bảng đen cạnh nhà cơm tu viện thế này, tôi đọc thấy buồn cười: “Xin anh em có quần áo hay đồ dùng gì không cần thiết thì cho tôi để tôi mang đi chia sẻ cho người nghèo. Nếu không, quần áo mặc một thời gian thì cho tôi cũng được rồi. Đợi cũ rách mới bỏ ra cho thì anh em mặc hết phần của người nghèo sao?!”
Ngài luôn nỗ lực phục vụ Giáo Hội, đặc biệt là những người nghèo khổ. Hầu hết thời gian trong ngày ngài dành cho việc mục vụ: Dạy giáo lý, giải tội, cử hành các bí tích, thăm viếng người nghèo, người bệnh. Công việc mục vụ thường xuyên của ngài là phụ trách xóm giáo 6 với khoảng 2500 nhân danh. Nếu tôi không nhầm thì ngài giúp xóm giáo 6 từ trước năm 1975 cho đến năm 1998. Thời gian ngài bị quản chế ở Cần Giờ, thì cha Thành Tâm thay thế. Đấy là một xóm giáo đông đúc, nghèo khổ, cơ cực, hầu hết các gia đình đều sống chen chúc trong các căn nhà ổ chuột, hôi hám, ẩm thấp trên khu vực kênh Nhiêu Lộc, gần ga Hòa Hưng, công ăn, việc làm thì thiếu mà tội phạm thì thừa, ma túy, trộm cướp, mãi dâm đủ cả.
Trước nỗi khổ của phần lớn người dân ở đây, ngài đã luôn tìm cách cảm thông, chia sẻ với họ. Khi làm phụ tá xóm giáo cho ngài tôi thấy bất cứ trường hợp nào có vấn đề ngài đều đích thân phối hợp với Ban Điều hành xóm giáo thăm hỏi, hướng dẫn, giúp đỡ tận tình. Tháng 9 năm 1989 xóm giáo bị hỏa hoạn nặng nề, cháy mất 48 căn nhà và có một hay hai người bị chết, ngài đã tổ chức cứu giúp người dân ở đây bất luận lương giáo, giúp họ cơm ăn áo mặc. Về chỗ ở thì ban đầu ngài xin cha Bề trên Cao Đình Trị cho giáo dân tạm cư tại các phòng học giáo lý của giáo xứ và tại hành lang nhà thờ Kỳ Đồng, sau đó giúp đỡ họ dựng lại nhà cửa trên kênh.
Năm 1997 lấy lý do cải tạo đô thị, nhà nước giải tỏa nhà nguyện xóm giáo 6, họ tưởng là phen này dẹp được “nhà nguyện của cha Chân Tín” và ngài hết chỗ gặp gỡ, giảng dạy cho dân nghèo trong khu vực, nhưng họ nhầm, vì từ đó ngài đã sống với dân sâu sát hơn, bất chấp sự khó chịu của nhà cầm quyền, ngài đã tổ chức đi dâng lễ và đọc kinh lưu động vào các buổi tối ở tại các gia đình, nay nhà này mai nhà khác, nay khu này, mai khu khác, khiến cuối cùng sang năm 1999 nhà nước phải cho cha Phan Đức Hiệp mua một căn nhà trong khu vực để làm lại thành nhà nguyện mới khi cha Hiệp thay thế ngài phụ trách xóm giáo. Gia đình cha Lê Ngọc Thanh và cha Vũ Đình Tùng là giáo dân thuộc khu vực này có thể biết rõ hơn và làm chứng về tấm lòng mà cha Chân Tín dành cho người dân ở đây.
Liên quan đến việc truyền giáo có người nghĩ Chân Tín không lo giảng đạo, chỉ lo “làm chính trị”, song thực sự đấy là lời kết án bất công của những người nếu không phải là ác ý thì cũng là thiếu hiểu biết. Ai ở gần ngài thì biết nơi ngài thể hiện cách mạnh mẽ và thường xuyên ý thức xây dựng Giáo Hội và nỗ lực dấn thân truyền giáo cho người ngoại đạo. Nếu lúc này lúc khác ngài làm việc gì ra khỏi pham vi mục vụ bí tích thông thường, thì cũng là nhằm giúp cho Gíao hội và các tôn giáo có được một không gian tự do hơn để sống đạo và truyền đạo. Ngài nói và làm chứ ngài không chỉ nói. Nhiều người kết án ngài nhưng thực ra họ chưa làm được bằng một phần trăm điều ngài làm được trong việc truyền giáo.
Tôi thấy ngài thường có ý thức phải sống thế nào, phải giao tiếp và hướng dẫn người ta làm sao để giúp người ta đón nhận được đức tin. Ngài đau đớn trước những lối ứng xử thiếu nhân bản, thiếu bác ái khiến người ta sợ đạo, ghét đạo và tránh xa người có đạo. Để rút kinh nghiệm có lần ngài kể chuyện cho tôi một người quen của ngài là nhà thơ Đỗ Trung Quân, ngài nói anh ta có đạo, nhưng chỉ vì hồi nhỏ đi xưng tội, gặp một cha dữ quá, quát mắng anh trong tòa giải tội khiến anh bỏ đạo từ đấy. Cung cách phục vụ của ngài, tôi thấy ngài như thánh Phaolô nói, không tìm lợi ích của mình mà luôn tìm lợi ích của kẻ khác.
Hồi ngài bị công an đưa xuống Cần Giờ giam lỏng, ngài đã giúp cho mấy chục trường hợp hợp đạo nghĩa bê bối trở về hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội ở giáo điểm Cần Thạnh. Tại TGP Sài Gòn, khi đi sang gặp gỡ bên Liên Tu sĩ hàng tháng hoặc đi lễ đây đó, một thời gian tôi thấy ĐHY Phạm Minh Mẫn thường tự hào về việc truyền giáo của TGP ở Cần Giờ và đem chuyện ở đấy đi kể ra cho thính giả hiệp thông.
Theo cha Chân Tín xuống Cần Giờ một thời gian, tôi được nghe ngài và gia đình anh Hai Bạc kể rằng anh có ý đón nhận đức tin Công giáo khi đang bị tù vị tội vượt biên, nhưng khi ở tù ra anh đến khu vực Tân Thuận, Nhà Bè để xin một cha nào đó giúp anh theo đạo, thì anh bị linh mục ở đấy nghi ngờ và từ chối. Anh phải tìm lên nhà thờ Kỳ Đồng học với cha Bạch Văn Lộc, học xong anh vẫn chưa rửa tội. Đến khi gặp cha Chân Tín, thì anh xin ngài rửa tội.
Mỗi Chúa nhật thì ngài nhờ một hai anh em Học viện chở ngài xuống đây, ban đầu là cha Đinh Ngọc Lâm, về sau là cha Nguyễn Bình Định và tôi, đồng thời có mấy anh chị em Legio tháp tùng. Trong khi ngài đi thăm hỏi, trò chuyện với dân ở chỗ này thì các thầy và các anh chị em Legio kín đáo dạy giáo lý ở một chỗ khác, mà thường là nhà chưa có đạo nhưng có cảm tình với đạo. Sau đó thì tất cả những ai muốn cùng tham dự thánh lễ chung do ngài cử hành tại nhà anh Hai Bạc, bất luận CA cấm cản thế nào.
Tôi còn nhớ dịp lễ Giáng Sinh 1997 tôi và anh Nguyễn Bình Định theo ngài đến ấp An Hòa. Khi vừa tới nhà anh Hai Bạc thì đã thấy 2 nhân viên mặc quân phục và mấy dân phòng ngồi đấy rồi. Họ tuyên bố cấm làm lễ và dạy giáo lý. Tuy nhiên, ngài vẫn thăm hỏi và trò truyện bình thường với mọi người ở đó. Sau một hồi thấy mình ngồi đó vô duyên, nhóm CA rút sang nhà bên cạnh, sát vách nhà Hai Bạc và ngồi theo dõi từ đó. Đến khoảng gần trưa, ngài nói mọi người cứ ngồi yên như đang trò chuyện, trên bàn giữa các ly tách uống trà có một đĩa, một ly đựng bánh rượu. Ngài cũng ngồi, không mặc áo lễ, chỉ đeo dây stola và bằng cách đấy ngài vẫn dâng được thánh lễ được cho nhóm giáo dân nhỏ bé ngay trước mắt CA…
Cứ thế số người đón nhận đức tin mỗi ngày một gia tăng. Từ gia đình anh Hai Bạc đức tin lan tỏa ra những người họ hàng và những người hàng xóm trong ấp và ngoài ấp, rồi ngoài xã. Có dịp năm 1998 vào lễ Chúa Thánh Thần thì phải cùng lúc có hơn 50 chục người lớn về rửa tội tại nhà thờ Kỳ Đồng. Quả thật Chúa biến sự dữ nên sự lành và Chúa làm cho mọi sự trở nên sinh ích cho những ai yêu mến Người như lời Kinh Thánh nói. Rõ ràng việc cha Chân Tín bị bắt và bị kết án quản chế ở Cần Giờ là điều không tốt. Nhưng Chúa lại biến điều ấy thành cơ may cho việc truyền giáo ở đây và từ sau khi mãn hạn quản chế, việc truyền giáo và giúp đỡ những người dân ở đây là ưu tiên một của cha Chân Tín, là nỗi bận tâm lớn nhất của ngài.
Rõ ràng là từ khi ngài bị đưa xuống Cần Giờ quản chế thì công việc truyền giáo của cộng đoàn DCCT ở đây bước vào một giai đoạn mới năng động và hiệu quả hơn trước. Ngay cả về phương diện cơ sở vật chất cũng được cải thiện. Những nỗ lực của ngài đã mang lại những kết quả tốt đẹp hết sức cụ thể. Hiện nay An Thới Đông đã trở thành một họ đạo sinh động mà nhiều giáo xứ hàng trăm năm tồn tại ở Miền Bắc có mơ cũng chưa có được sức sống như vậy. Sau này nhờ các ân nhân ở Sài Gòn, nhờ sự cố gắng của cha Điệp và các anh em trong cộng đoàn, giáo họ đã xây dựng được một ngôi thánh đường xinh đẹp tại ấp An Hòa, với số giáo dân ở An Hòa, An Thới Đông và An Nhơn tổng cộng khoảng 500 nhân danh mà toàn bộ là tân tòng. Nếu ngày nay ai đến An Hòa khó có thể tưởng tượng gần 20 năm trước ở đấy vẫn chưa có ai có đức tin và còn là xã anh hùng thuộc chiến khu rừng Sác của cộng sản. Cũng vì nhận thấy cha Chân Tín và anh em truyền giáo ở Cần Giờ hiệu quả mà Đức cha Nicola Huỳnh Văn Nghi, khi đang làm Giám quản TGP Sài Gòn, đã ký hợp đồng giao cho DCCT địa bàn huyện Cần Giờ, toàn quyền tổ chức việc truyền giáo ở đây.
Cùng sống và làm việc với ngài, tôi thấy cha Chân Tín là người nhạy bén với những hoàn cảnh khốn khổ và đau thương của từng người cũng như của Giáo Hội, dân tộc và đất nước. Ngài không phải là hạng người thờ ơ với thời cuộc. Không khôn vặt theo kiểu ngậm miệng ăn tiền. Không cơ hội để theo đóm ăn tàn. Cũng không phải là hạng người như nhà sư Tinh Vân nói là chỉ lo “hóa duyên quyên góp”, “rộng thâu đệ tử”, xây dựng chùa to nhà lớn “tự coi lấy việc ấm no làm đủ”. Trái lại tôi thấy có một sự đối thoại thường xuyên và liên tục giữa ngài và cuộc sống xunh quanh, bởi thế cho đến chết, ngài luôn theo sát sự kiện trong dòng biến chuyển của lịch sử và luôn luôn suy nghĩ, tìm cách ứng xử thế nào cho thích hợp.
Năm 1990, sau khi ngài bị bắt, cha Nguyễn Ngọc Bích và Phạm Trung Thành, hai linh mục “chui” đầu tiên của Nhà Dòng sau 1975, có biến cái phòng lưu trữ trên lầu của Nhà Sách thành nơi làm lễ kín đáo riêng tư của các ngài và tôi là người có bổn phận quét dọn ở đấy và dự lễ ở đấy hàng tuần khi cha Nguyễn Ngọc Bích cử hành thánh lễ bí mật cho số tín hữu người Philippines. Cũng vì vậy nên có dịp đọc các tờ báo và tạp chí còn lưu trữ tại đây và nhờ vậy từ đấy tôi mới biết trước 1975 ngài đã sáng lập báo Tuổi Hoa, Đứng Dậy và Đối Diện. Sau này nghĩ lại tôi thấy nội những cái tên của các tờ báo và tạp chí cũng cho thấy khuynh hướng dấn thân của ngài.
Ngài đã luôn nỗ lực đối thoại với cuộc sống, đấu tranh cho sự thật, cho công lý, cho tự do, vì quyền lợi của người thấp cổ bé miệng, vì quyền lợi của các tôn giáo, của dân tộc và đất nước. Sau 1975 khi các tờ báo của ngài bị nhà cầm quyền cộng sản đình bản, nhà in bị đóng cửa, máy móc bị tịch thu, thì ngài vẫn viết lách đều đặn và tìm cách phổ biến những gì ngài nghĩ là hữu ích và cần thiết, bất chấp những nguy hiểm nhà cầm quyền gây ra cho ngài.
Trước khi nhà in bị tịch thu và nhà sách bị cấm xuất bản sách ngài còn kịp cùng anh em làm một cú chót có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu học hỏi Kinh Thánh đấy là xuất bản và in ấn cuốn Kinh Thánh của cha Nguyễn Thế Thuấn. Ngài cho biết thực sự thì nhà nước cho in một số lượng 10 nghìn bản gì đó tôi không nhớ, nhưng vì giấy bible nhập về từ trước 1975 còn nhiều và biết là sẽ khó có cơ may in lại nên ngài đã in lên số lượng thực tế là 10 hay 30 nghìn bản gì đó tôi không nhớ rõ. Năm 1989 tôi vào Sài Gòn, thì sách Kinh Thánh vẫn được bày bán ở nhà sách với số lượng hạn chế.
Từ những năm 1994 nếu tôi nhớ không nhầm, khi internet chưa phổ biến và những tin tức về Giáo Hội và xã hội còn mờ mịt ngay cả đối với các linh mục, tu sĩ ngài đã chủ trương sáng lập tạp chí Tin Nhà và sau đó là Thư Nhà. Ngài cho photo hàng loạt và tìm cách phổ biến trong giới linh mục tu sĩ và giới trí thức tiến bộ. Trong các dịp hội chung của các linh mục ở Sài Gòn ngài thường mang đến phát cho anh em. Trong hoàn cảnh thời bấy giờ Tin Nhà là nguồn tin tức chính xác và là một tiếng nói phản biện mạnh mẽ, thuyết phục nhất mà chúng tôi có thể tiếp cận. Những tin tức và nội dung bình luận của Tin Nhà phải nói đã giúp độc giả có một cái nhìn chân thực và đầy đủ hơn về các sự kiện liên quan và được những người quan tâm đến hiện tình Giáo Hội và đất nước đón đọc một cách thích thú.
Hồi đấy nhà cầm quyền TP HCM mới bắt đầu cho các tu sĩ Dòng được thu phong linh mục. Tất nhiên ứng viên để được nhà nước chấp thuận, thì phải qua quá trình phỏng vấn rất hồi hộp và nhiều cạm bấy, có thể kéo dài nhiều lần trong nhiều năm, mà không phải ai cũng đủ sức đủ khôn ngoan để bình an vượt qua mưu chước satan. Sự kiện đấy mở ra nhiều hy vọng cho các tu sĩ và chủng sinh theo ơn gọi giáo sĩ, nhưng CA lại lợi dụng điều đấy để rung cây nhát khỉ nhằm khống chế tư tưởng, lập trường của các ứng viên. Khi ấy tôi nghe cha Phan Đức Hiệp, Phụ tá Học viện, cho biết CA đánh tiếng rằng nếu anh em nào trong Học viện đọc báo Tin Nhà thì mai mốt không cho thụ phong linh mục; trong khi đó CA thường xuyên hỏi các ứng viên linh mục có biết Tin Nhà và có đọc Tin Nhà không. Những điều ấy cho thấy Tin Nhà của cha Chân Tín hồi ấy có ảnh hưởng thế nào và cũng làm cho chế độ lo ngại ra sao.
Sau Tin Nhà, ngài lại cùng các bạn hữu chủ trương Thư Nhà, rồi Tự Do Ngôn Luận. Đấy là chưa kể các bài trả lời phỏng vấn, các bài phát biểu đây đó, các buổi làm việc với cán bộ CA hay văn hóa được ghi chép lại rồi phổ biến, các tuyên bố, tuyên ngôn hoặc kiến nghị mà ngài ký cùng với các chức sắc của các tôn giáo khác, hay với các linh mục và giáo dân gửi cho các cấp lãnh đạo trong ngoài Giáo Hội.
Giảng dạy là công việc thường xuyên của ngài. Thời điểm năm 1989 tôi vào Kỳ Đồng, thì lịch dâng lễ Chúa nhật ở nhà thờ của các cha ổn định tương đối trong nhiều năm. Nếu tôi nhớ không nhầm thì cha Chân Tín thường làm lễ 6 h 30 sáng hoặc 5 h chiều, còn về sau thì lễ 10 h sáng chủ nhật. Ngài giảng dạy rất khúc chiết, có lý có tình, cung giọng mạnh mẽ, dứt khoát, nội dung có sơ sở Kinh Thánh, thần học và thực tiễn. Cho đến cách đây 2 năm về trước, khi tôi còn gặp ngài thì thấy ngài vẫn rất tỉnh táo và minh mẫn, cách suy nghĩ vẫn rất trẻ trung và hợp thời. Tôi nghĩ lý do khiến ngài được như vậy là nhờ ngài sống thật, sống gắn bó tha thiết với con người và cuộc đời chứ không sống một cách trưởng giả, quan liêu, đồng thời cũng là nhờ thái độ ham học hỏi, nghiên cứu của ngài. Ngài được tiếng là thông minh và là một trong 3 linh mục DCCT VN (Thuấn, Tín, Diệm) đầu tiên đi du học và là một trong 2 người đầu tiên đỗ bằng tiến sĩ (Diệm, Tín) và khi về Việt Nam ngài được bổ nhiệm làm Giáo sư Tín Lý của Học viện DCCT Đà Lạt và một thời gian sau, hình như là năm 1956, ngài được bổ nhiệm làm Giám đốc Học Viện. Bởi vậy, hầu hết các cha già hiện nay, từ cha già Phú trở xuống đều là học trò của ngài.
Ngài chăm chú đọc sách báo và đọc rất nhiều. Có lẽ chỉ kém cha Vũ Khởi Phụng theo nhận xét của tôi. Cách đây mấy năm, khi tôi đến thăm ngài tại phòng làm việc ở Nhà sách, tôi còn thấy ngài chăm chú đọc sách bằng cái kính lúp rê rê trên từng chữ. Xem ngài đọc cái gì thì hóa ra là một mục từ trong cuốn Dictionaire di Théologie fondamentale mới xuất bản, bên cạnh đó tôi còn thấy cuốn le Nouveau Théo: Encyclopedie Catholique nữa. Tất cả đều là bản photo. Tôi giật mình, vừa cảm phục ngài vừa xấu hổ với bản thân còn trẻ mà mấy khi dám bỏ thời giờ để sưu tầm và đọc những sách vở nghiêm túc như vậy. Về sau khi ngài dọn dời khỏi Nhà sách về ở tầng trệt của Tu viện Kỳ Đồng, khi từ Hà Nội vào ngài có tặng tôi một số sách, trong đó có một số cuốn tiếng Pháp.
- Cha Stêphanô vĩnh biệt cộng đồng ở đời tạm, hẹn gặp mọi người ở đời sống vĩnh cửu
Khi giảng dạy ngài không ngại nói thẳng nói thật, không ngại đề cập đến những sự thật nhức nhối của chế độ, và quan trọng hơn là hướng dẫn giáo dân có một phong cách sống đạo thích hợp, đúng đắn trong từng hoản cảnh và thời điểm cụ thể. Bởi vậy, giáo dân, nhất là lớp trung niên trở lên rất thích nghe, đặc biệt là những người mới trở về từ trại tù cộng sản hồi năm 1988 và thường lấy nhà thờ Kỳ Đồng là điểm hẹn để đến xưng tội, thăm hỏi tin tức đồng đội và bàn chuyện H.O. Nhân tiện nói đến các ông HO tôi cũng xin nói thêm hôm rồi sang Hoa Kỳ có nghe mấy ông kể lại việc họ đi tù, ở nhà gia đình họ được Chân Tín giúp đỡ và khi họ đi tù về ngài đã bày tỏ thiện cảm với họ và nâng đỡ họ ra sao.
Trở lại vấn đề giảng dạy của ngài, Mùa Chay năm 1990, ngài giảng ba bài Sám hối theo 3 đề tài: Cá nhân sám hối, Giáo hội sám hối, xã hội sám hối. Nội dung những bài giảng ấy cho đến hôm nay sau 22 năm theo tôi vẫn giữ nguyên tính thời sự [VRNs sẽ đăng lại các bài giảng quan trọng này trong những ngày tới]. Lúc đấy vì làm công việc giữ xe ở sân nhà thờ Kỳ Đồng, nên tôi có dịp chứng kiến cảnh tượng lạ ấy là sau ngày thứ nhất, từ khoảng 5 h chiều đã có những ông xách theo ghế nhựa loại nhỏ đặt ở sân nhà thờ Kỳ Đồng để giữ chỗ trước cho mình và cho bạn bè. Thời đấy ở Sài Gòn tổ chức được tĩnh tâm cho các giới là hiếm hoi vì nhiều lý do và các cuộc tĩnh tâm ở Kỳ Đồng thường thu hút giới tinh hoa nhà đạo trong toàn thành phố và được nhiều người trông đợi. Bởi thế các bài giảng của ngài như những quả bom nổ tung dư luận ở Sài Gòn. Cái không khí các nước cộng sản Đông Âu vừa sụp đổ trước đó mấy tháng khiến cho âm hưởng của các bài giảng càng mạnh mẽ. Sau những Chúa nhật kế tiếp, ngài tiếp tục khai triển và đào sâu những chủ đề liên quan đồng thời cho biết nhà nước đang tìm cách gây áp lực, sách nhiễu ngài thế nào….
Nhiều người lo lắng cho ngài, nhưng không vì thế mà ngài chùn bước. Ở trong tu viện quan sát phản ứng của các đấng bậc, tôi thấy có một số anh em sợ hãi và có ý trách móc ngài, vì theo những anh em ấy nội dung bài giảng của ngài có thể gián tiếp xa gần khiến anh em bị vạ lây. Tuy nhiên, phản ứng của các đấng bề trên khi ấy theo tôi là tuyệt vời. Ngay hôm giảng xong bài thứ ba, xã hội sám hối, về đến nhà ăn, ngài đang đi lấy cơm, Cha Phạm Huy Lãm, khi ấy vừa ăn xong, gặp cha Chân Tín đi vào nhà ăn thì đứng đối diện với ngài, lấy muỗng gõ vào cái bụng cha Chân Tín mà nói rằng: “Chân Tín, ngươi giảng dạy “bậy bạ” và “nguy hiểm”quá sức”. Ngươi có cái bụng tốt! Nhưng hãy canh chừng cái đầu ngươi!” Lời nói và cử chỉ của cha Lãm khiến tôi thấy dễ thương và buồn cười quá sức vì biết ngài tốt bụng và thường có kiểu nói tưng tửng với mọi anh em già trẻ khiến ngài được thiện cảm của nhiều người.
Trong khi ấy, cha Vũ Khởi Phụng bày tỏ lập trường ủng hộ và bảo vệ cha Chân Tín hết sức. Lúc bây giờ Cha Vũ Khởi Phụng có tham gia một số buổi hội thảo thần học và một số sinh hoạt khác theo lời mời của một số linh mục trong UBDDKCGYN TP. HCM, những con người và tổ chức ít nhiều có tiếng nói trong việc bắt hay không bắt cha Chân Tín. Bởi vậy, khi thấy cha Chân Tín bị đe dọa, cha Vũ Khởi Phụng đã tuyên bố với một số vị hữu trách trong UBĐK rằng: “Nếu Cha Chân Tín bị bắt, tôi sẽ không cộng tác với “các anh” nữa!” Và sự việc đã xảy ra như vậy. Ngài đã nghỉ chơi với CGDT, từ bỏ sự thuận lợi mục vụ dành cho mình để đồng trách nhiệm với anh em và chia sẻ với Nhà Dòng, cái đó khiến tôi thêm cảm phục và yêu mến ngài hơn là cái trí tuệ uyên bác của ngài.
Theo dõi tình hình, tôi cũng nghe được rằng cha Phó Giám Tỉnh, Bề trên-chính xứ Cao Đình Trị đã bị công an áp lực phải kiềm chế cha Chân Tín. Tuy nhiên, lúc đấy cũng như về sau, ngài đã luôn cương quyết và khéo léo giải tỏa rằng: “Các ông cứ việc làm việc trực tiếp với Chân Tín. Nếu Chân Tín làm gì phạm luật nhà nước, các ông muốn thì cứ việc bắt. Bắt đi! Còn tôi dù là bề trên, nhưng cũng chỉ là học trò của ông ấy. Ông ấy giảng dạy có cơ sở thần học, đúng thực tế, ông ấy không vi phạm giáo luật, không vi phạm luật dòng, nên tôi không thể làm gì để cấm ông dâng lễ hay giảng dạy được!” Chính cha Trị trả lời như thế mà cái bài dùng Công giáo trị Công giáo, dùng người nhà trị người nhà, dùng linh mục trị linh mục của CA đã thất bại khi áp dụng cho DCCT và cũng vì các đấng bề trên tỉnh táo, bản lĩnh, khôn ngoan mà anh em thêm tin tưởng, yêu mến, tạo nên sức mạnh cho Nhà Dòng và làm cơ sở cho anh em dấn thân phục vụ.
Tiếc thay cái bài bản khôn ngoan tối thiểu mà các đấng bề trên phải có như cha Trị ấy thì ngày nay tôi vẫn thấy thiếu nơi nhiều đấng bậc ngoài Hội dòng, khiến cho hàng linh mục, tu sĩ, giáo dân và thậm chí ngay bản thân các giám mục bị thất thế và bị khống chế cách nào đó. Tôi không thể không nói không có khi một số anh em và bản thân tôi cũng như cha Giám Tỉnh và một số linh mục khác trong Dòng bị cấm vận giảng dạy đây đó, chỉ vì nhà nước không thích và vì là những cái tên “nhậy cảm”.
Người ngoài biết đến cha Chân Tín nhiều khi thấy ngài kiên trì dấn thân tham gia đấu tranh cho tự do, cho nhân quyền, đặc biệt là tự do tôn giáo ở Việt Nam, không ngại tố cáo những bất công và tôi ác của chế độ cộng sản phi nhân, cũng nhiệt thành làm bất cứ điều gì có thể được để bênh vực người nghèo, để hậu thuẫn cho phong trào dân chủ ở Việt Nam. Trong giới Công giáo, có thể nói sau 1975 ngài là tiếng nói phản biện xã hội và Giáo Hội sớm nhất, thường xuyên nhất và lâu dài nhất. Vì mục đích này ngài cũng làm bạn với nhiều người thuộc nhiều tầng lớp và tôn giáo khác nhau, tham gia nhóm Nguyễn Kim Điền, tham gia khối 8406 hoặc ký tên vào các kiến nghị lúc này lúc khác, bênh vực người này người kia, tổ chức giúp đỡ chỗ này chỗ nọ.
Đầu năm 2008, khi vụ Thái Hà nổ ra, mặc dù tuổi cao bệnh tật, ngài đã ra tận nơi thăm viếng và gặp gỡ anh em trong tu viện cũng như giáo dân trong giáo xứ, rồi ngài cũng ra phố Đức Bà thắp nến với giáo dân. Sau đó, còn xin Cha Giám Tỉnh cho ngài ra Thái Hà phục vụ vì đấy cũng là nơi ngài đã vào Tập viện, đã học triết lý và thần học, đã chịu chức linh mục hồi hơn 60 năm trước. Dù ý muốn của ngài không được chấp nhận, nhưng khi được biết điều này tôi vẫn cảm phục ngài và cảm thấy an ủi khi trong Nhà Dòng, giữa cơn hoạn nạn gian nan, anh em già trẻ vẫn muốn được cùng chia sẻ với nhau, nếm mật nằm gai cùng nhau, chứ không tìm cách kết án hay ngoảnh mặt đi.
Tôi nghĩ chính thái độ đấy làm nên tư cách thật của một con người, đặc biệt là của một tu sĩ, linh mục. Cũng vì việc dấn thân của ngài mà tiếng nói của ngài có uy tín quốc tế, nhiều nhà ngoại giao ngoại quốc thường đến thăm ngài, nhiều nhà báo ngoại quốc hay liên lạc với ngài và phỏng vấn ngài, thậm chí có tổ chức Human Right Watch nhân quyền của Hòa Kỳ có năm nào còn trao tặng giải thưởng nhân quyền và quốc hội Hoa Kỳ có năm mời ngài sang điều trần nhưng ngài không đi vì nhiều lý do. Trong chọn lựa của ngài là chọn lựa người nghèo, chọn lựa Giáo Hội, chọn lựa dân tọc và đất nước, chọn lựa tự do và nhân quyền chứ không phải là chọn lựa quyền lực và tiên nghi. Lập trưởng của ngài rất rõ ràng, thẳng thắn và dứt khoát.
Khi được giải quản ở Cần Giờ trở về sống tại Tu viện Kỳ Đồng, ngài không xin làm thủ tục tái nhập hộ khẩu theo quy định. Công an nhắc nhở thì ngài nói ngài không tự động cắt khỏi SG và ngài cũng không tự xin nhập lại. Ngài nói chế độ hộ khẩu là chế độ man rợ, vi phạm tự do và nhân quyền, ngài là công dân Việt Nam tự do, ngài muốn sống ở đâu là quyền của ngài. Hộ khẩu của ngài là cả đất nước Việt Nam này. Rồi có lần CA vào xét hộ khẩu, họ đi từng phòng yêu cầu từng người ký vào cái biên bản có mặt hay vắng mặt gì đó, tôi cũng thấy ngài lớn tiếng phản đối nhóm CA đang đứng trước phòng ngài rằng cái thói xét hộ khẩu là man rợ, là gây phiền nhiễu người dân, là xúc phạm đến các tu sĩ. Thấy ồn ào, cha Bề trên Phạm Huy Lãm lúc đấy từ phòng bên cạnh sang nói với ngài rằng nên ký cho mấy nhân viên đấy đi về vì họ cũng chỉ là cấp thừa hành, thì ngài mới chấp thuận.
Việc bầu cử đại biểu quốc hội hay HĐND các cấp cũng vậy. Biết đấy chỉ là trò hề nhằm lừa đảo dân chúng nên nên ngài kịch liệt lên án cái thói giả dối và tốn kém này của dân và ngài kiên quyết không đi bầu cử, ngay cả khi cán bộ mang thùng phiếu vào phòng làm việc của ngài ngài cũng chối từ.
Ngài là người đáng kính đối với đại chúng, và với bạo quyền thì ngài hiên ngang, khảng khái, nhưng hằng ngày với anh em trong Dòng thì ngài rất hiền hòa, dễ thương và khiêm tốn. Ngài tìm mọi cách hiệp thông, chia sẻ với anh em cách cụ thể, không nề hà chuyện đường xa vất vả, tuổi cao sức yếu. Tôi thấy bất luận các anh em và gia đình các anh em trong dòng có chuyện vui buồn gì, thì ngài đều sắp đặt thời gian để hiệp thông chia sẻ, ngay cả khi phải đi xe xa dài ngày như đi lễ tang, lễ phong chức ở Nha Trang, ở Huế, ở Đà Lạt, ở Long Xuyên. Sống cùng tu viện với ngài, tôi thấy ngài rất hiền hòa và dễ thương. Các buổi hội chung của tu viện, các cuộc tĩnh tâm hay thường huấn của Tỉnh Dòng hay của giáo phận, hay của hạt Xóm Chiếu, của hạt Tân Định, dù thích hay không thích ngài đều sắp đặt thời gian tham gia, chia sẻ bởi vậy ngài cũng dành được nhiều sự cảm mến và kính phúc của các linh mục ngoài dòng. Đối với các đấng bề trên, dù là học trò của ngài, nhưng ngài luôn một mực kính trọng và gọi đích danh chức danh của các ngài khi có điều gì cần trao đổi. Đối với anh em tuổi trong dòng cao, nhưng tuổi đời nhỏ hơn thì ngài vẫn luôn gọi bằng anh. Đối với các anh em trẻ thân thiết, thì ngài luôn gọi bằng em. Sống với ngài trong tu viện, tôi không thấy ngài có vẻ cay đắng với ai, thăm hỏi anh em cách chân tình, chu đáo và đón nhận mọi anh em cách quảng đại và bình an, đồng thời luôn động viên anh em mỗi khi có thể được. Không bao giờ tôi thấy ngài biểu hiện ứng xử theo kiểu “thượng thiên hạ địa duy ngã độc tôn”.
Tôi nhớ hồi cuối năm 2004, khi bầu cử Giám Tỉnh cho nhiệm kỳ 2005-2008, cha Cao Đình Trị cương quyết chối từ. Mới đầu là chối từ ứng cử, về sau là chối từ nhận chức, vì ngài quá mệt mỏi và ngán ngẩm trong công việc bề trên sau nhiều thập niên đảm nhiệm. Nhận thấy Tỉnh Dòng vẫn cần cha Cao Đình Trị làm Giám Tỉnh và nhận thấy cha Cao Đình Trị cần được nâng đỡ, khuyến khích, nhân danh là niên trưởng của Tu viện Kỳ Đồng, ngài đã đích thân viết thư gửi cha Cao Đình Trị, phân tích lẽ hơn thiệt phải chăng và cổ vũ cha Trị đảm nhiệm chức vụ. Sau đó cha Cao Đình Trị đã đồng ý nhận chức. Tôi biết được điều này vì khi ấy cha Cao Đình Trị nói lại với tôi.
Trong các buổi họp của Tu viện Kỳ Đồng, tôi thường thấy cha Chân Tín tích cực đóng góp ý kiến và là những ý kiến có tính xây dựng, phát xuất từ thiện ý, không bao giờ có ý làm khó dễ anh em nào. Cũng không có ý áp đặt ý kiến của mình lên ai và lên toàn thể cộng đoàn. Ngài mạnh mẽ và quyết liệt bao nhiêu đối với những thế lực bên ngoài đang đang mưu toan làm hại người lành, thì cũng hiền hòa và dễ thương bây nhiêu với anh em trong nhà. Dường như bao nhiêu cái khôn ngoan ngài dùng để đối đáp với bên ngoài, với chế độ và những thế lực bất nhân, tàn bạo; còn với anh em trong Dòng, ngài thường lấy lòng khiêm tốn, kiên nhẫn, nhường nhịn, bao dung mà đối xử.
Ngài không phải là không có những sai lầm, khiếm khuyết trong hành trình dài hon 90 năm, bởi cuộc sống đa đoan phức tạp, con người lại yếu đuối và giới hạn,chẳng ai có thể nắm tay đến tối, gối đầu đến sáng, lời bài thánh ca nào đó viết rằng “đường đi sông núi mênh mông, làm sao qua hết long đong”. Có điều tôi vẫn cảm phục ngài là trong mọi hoàn cảnh, ngài vẫn cố gắng sống theo cái tên của mình, luôn nhiệt thành và chung thủy với sứ vụ ban đầu, với chọn lựa căn bản là phục vụ Tin mừng đấu tranh cho công lý, sự thật, tự do, vẫn dành tình cảm nồng nàn cho người nghèo, cho GH, cho quê hương và dân tộc cho đến giờ phút cuối đời.
Ngài đã góp phần làm nên diện mạo của Nhà Dòng hôm nay giữa lòng GH và dân tộc cũng như trong từng gương mặt cụ thể của các thế hệ anh em DCCT hiện đang còn sống. Tôi tin rằng như thánh Phaolo, có thể nói ngài đã luôn cố gắng lao mình về phía trước, đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, đã nhắm đúng đối thủ chứ không đấm vào không khí và bây giờ ngài vui mừng vì đã hoàn tất chặng đường đã qua. Tôi xác tín rằng trong cuộc đời này, trong hoàn cảnh này của đất nước, của Giáo Hội, của Nhà Dòng cần có những con người như ngài, cần phải dám sống thật với cuộc đời, dám đối diện với những khó khăn thử thách để phục vụ mọi người trong niềm tin, tình yêu và lòng phó thác nơi Thiên Chúa quyền năng và nhân hậu.
Roma, Chúa Nhật đầu Mùa Vọng 02.10.2012
Phêrô Nguyễn Văn Khải, LM DCCT
Nguồn: Truyền Thông Chúa Cứu Thế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét