2012/11/29

Từ đồng chí “X” đến đồng chí “tự trọng”


Ngô Đình Thu - DienDanCTM

Tính đến nay, trong suốt hơn một nhiệm kỳ làm thủ tướng của mình, ông Nguyễn Tấn Dũng được mọi người đồng thuận đánh giá là một vị thủ tướng gây nhiều tai tiếng hơn là tăm tiếng. Các tập đoàn kinh tề và tổng công ty do chính ông lập ra và chỉ đạo lần lượt sa vào nợ nần và thất thoát hàng tỷ đô la, những con số làm cho các nhà kinh tế trong nước chóng mặt. Nhưng những cố gắng đẩy ông khỏi chiếc ghế quyền lực đều tỏ ra vô hiệu quả. Sau những cuộc đấu đá, mổ xẻ từ Bộ Chính Trị đến Hội nghị Trung ương 6, ông vẫn tại vị nhờ nắm chắc "chuyên chính TÀI sản". Sau đó, mặc dù thuộc đơn vị ứng cử tại Hải Phòng, thủ tướng đã vội vàng theo chân chủ tịch nước bay vào Sài Gòn để “tiếp xúc cử tri” và đến nói chuyện tại Đại học Quốc gia TPHCM ngày 21/10 vừa qua.
Vốn đã nổi tiếng với những lời xin lỗi và tuyên bố huề tiền, lần này trước một cử tọa chọn lọc, Thủ tướng Dũng tiếp tục làm mọi người kinh ngạc khi yêu cầu công chức, cán bộ nhà nước: “phải có lòng tự trọng để khỏi rơi vào tình trạng tham nhũng”. Ông còn giảng giải thêm: “Công tác giáo dục đạo đức, lối sống để mỗi cán bộ, công chức có lòng tự trọng, có trách nhiệm cao với đất nước cũng có vai trò rất quan trọng.” Hiển nhiên, cử toạ không nghe ông Dũng nói gì đến nạn tham ô tràn ngập đến độ ruỗng nát các tập đoàn kinh tế và tổng công ty do ông chỉ huy, cũng như không nghe nói gì đến nguồn gốc khối tài sản nhiều tỷ đô la của gia đình ông hiện giờ.
Tiếp theo đó, sáng ngày 14/11/2012 trong phiên họp chất vấn chính phủ của Quốc hội khóa 13, đại biểu Dương Trung Quốc đã đặt câu hỏi thẳng với chính Thủ tướng Dũng về trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ:
“Thủ tướng không thể chỉ nhận trách nhiệm và xin lỗi suông trước Quốc hội. Trước kỳ họp, toàn dân đều được chứng kiến các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, trong đó có Thủ tướng đã có lời xin lỗi và xin Trung ương Đảng kỷ luật. Còn tại Quốc hội, Thủ tướng chỉ xin lỗi về trách nhiệm chính trị liên quan đến một số tập đoàn Nhà nước ... Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật, chứ không chỉ là lời xin lỗi. ... Phải chăng Thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu Chính phủ hướng tới đoạn tuyệt với lời xin lỗi, thay bằng... văn hóa từ chức với một lộ trình để quan chức của ta từng bước làm được điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm?"
Đại biểu tỉnh Đồng Nai cũng hỏi: "Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đang nặng trách nhiệm với Đảng, nhẹ trách nhiệm với dân?". Câu hỏi này được đặt ra vì ông Dũng chỉ nhận “trách nhiệm chính trị” mà thôi. Diễn giải ra ngôn ngữ bình thường có nghĩa là ông chỉ chịu "trách nhiệm với Đảng" mà thôi vì Đảng giao quyền cho ông ta chứ DÂN chẳng liên hệ gì vào việc đó cả.
Chính trong tư duy đó mà ông Dũng bắt đầu thanh minh: "Hôm nay còn ba ngày nữa là tròn 51 năm tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng. Chịu sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, trong 51 năm qua, tôi không xin với Đảng cho tôi làm, đảm nhiệm chức vụ này hay chức vụ khác ...Mặt khác, tôi không từ chối, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và Nhà nước giao phó."
Ông còn đi vào chi tiết: "Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, Đảng tiếp tục phân công tôi ứng cử, làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục làm Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, BCH Trung ương Đảng, Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất".
Tóm tắt, ông Dũng cho mọi người biết ông là người có tinh thần trách nhiệm cao và “Còn nhiệm vụ, còn làm!”.
Khi mới nghe ông Dũng nói câu này, ai cũng thấy ông có lý cả. “Còn nhiệm vụ còn làm” gợi cho mọi người tính chất “cao cả” của một người công bộc, hy sinh tất cả cho dân cho nước giống như tất cả các nguyên thủ quốc gia trên khắp thế giới. Nhưng chỉ vài phút sau, nhớ lại những gì vừa xảy ra, người nghe cảm thấy không ổn. Một câu hỏi đương nhiên bật lên: Ai giao nhiệm vụ cho ông Dũng?
Trước hết, ông Dũng liệt kê Đảng “và” Quốc Hội là chuyện thừa. Thừa vì rằng ai cũng biết cái Quốc hội này chỉ là một công cụ chính trị do Đảng nặn ra, nằm gọn trong tay đảng và hoạt động, múa may theo lệnh Đảng. Hiến pháp 1992 cũng ghi cho đẹp mặt, Quốc hội là “cơ quan quyền lực cao nhất nước” nhưng cái quyền lực cao nhất ấy xưa nay vẫn phải nằm bẹp dưới tay của MỘT ủy viên Bộ chính trị đảng CSVN và chưa hề dám làm điều gì ngoài lệnh Đảng. Trong dân chúng ai cũng thừa biết và thuộc lòng câu “Đảng lãnh đạo chỉ tay, mặc áo Nhà nước ra tay, và đội mũ Quốc hội vỗ tay”! Và không chỉ người dân Việt Nam mà cả thế giới đều biết, Quốc hội trong mọi nước cộng sản đều chỉ là một vật trang trí cho bộ mặt độc tài của Đảng cầm quyền.
Như vậy chỉ có Đảng giao quyền cho ông Dũng. Nhưng cả nói câu đó cũng xem ra đầy tính khiên cưỡng và cường điệu. Vì thực tế là cái ghế thủ tướng của ông Dũng có được không phải vì ông là một chính trị gia tài ba nhất nước, một nhà kinh tế lỗi lạc hay một nhà quản lý hành chánh công quyền có tầm cỡ. Mà đó là kết quả của 51 năm dày công luồn lách, dẫm đạp và thậm chí hãm hại nhiều đồng chí khác của ông để giành lấy cho bằng được. Chỉ khi giành được ghế rồi, ông mới trải tấm vải Đảng lên ghế trước khi ngồi vào. Và dĩ nhiên đã ngồi vào rồi và nắm chặt qui luật "tiền và quyền nuôi lớn lẫn nhau" thì bố bảo đứa nào dám rút lại cái "trách nhiệm đã giao" cho ông. Gần đây nhất, ngay cả toàn thể Bộ chính trị muốn giật lại cái ghế thủ tướng của ông cũng không làm được. Do đó, nếu đi vào tận gốc rễ của sự việc thì quả thật chẳng có ai trong Đảng “giao trách nhiệm” cho ông Dũng cả!
Điều đáng nói là ông Dũng không phải là một biệt lệ. Ông chỉ đang đứng dưới ánh đèn pha của các đối thủ thôi, chứ toàn bộ hệ thống lãnh đạo đảng CVSVN đều áp dụng các nguyên tắc truyền thống xưa nay:
  • Thứ nhất, luật lệ của lãnh đạo đặt ra chỉ ràng buộc những đảng viên bên dưới — và dĩ nhiên, đám dân thường — mà thôi. Hoàn toàn không có chuyện lời và luật của lãnh đạo ràng buộc chính họ. Nguyên tắc này được áp dụng ở mọi cấp từ Tổng Bí Thư xuống đến Bí Thư chi bộ; từ thời ông Hồ Chí Minh xa xưa dài đến ngày nay; và bao trùm từ lãnh vực ăn chơi đến lãnh vực tham nhũng.

  • Thứ hai, thuận tiện hơn nữa, trong bài bản tư tưởng cộng sản, lòng tự trọng và khả năng biết xấu hổ từ lâu đã bị lên án là thái độ tiểu tư sản, ủy mị và thiếu tính cách mạng. Chính vì vậy mà các đảng viên còn lương tâm, dám lên tiếng trước điều xấu đều bị xếp vào loại "bản thân chưa gột rửa được đầu óc tiểu tư sản nên có vấn đề" và rồi bị trừng phạt cho đến chết.

  • Thứ ba, mọi việc hệ trọng chỉ cần giải quyết với Đảng. Còn dân chúng chỉ là "lũ con cái không biết gì mà cứ nói". Nếu cần, chỉ đánh cho một trận là "im ngay cái miệng hỗn".
Cán bộ càng lên cao, 3 nguyên tắc trên càng thêm vững chắc. Và đến tầng “Đảng chính là 14 người chúng ta đây thôi!" thì các điều đó đã trở thành qui luật tuyệt đối.
Ôn lại cả dòng thực tế đó, người dân Việt Nam, đặc biệt là bà con Nam bộ, hiểu liền ý nghĩa nụ cười mỉm của đồng chí X suốt từ sau Hội Nghị Trung Ương 6: "Giỡn hoài! Ngu sao mà tự trọng!".
Nguồn: DienDanCTM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét