2012/11/22

Tây Tạng và Việt Nam - Kẻ trước người sau?


Phạm Nhật Bình – Lê Vĩnh

Tây Tạng (Tibet) là một quốc gia vùng Trung Á, đất nước của Lạt Ma Giáo được mệnh danh là “Nóc nhà của thế giới”, đã bị Trung Cộng đưa quân xâm chiếm từ năm 1950 và hoàn toàn nằm dưới ách thống trị của ngoại bang kể từ khi Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong sang Ấn Độ năm 1959. Cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc của nhân dân Tây Tạng kéo dài nhiều thập niên với một chính phủ lưu vong tại Dharamsala, bang Pradesh (Ấn Độ).
Ngày 16 tháng 11 vừa qua, Đại hội quốc tế ủng hộ dân tộc Tây Tạng đã được tổ chức ở "thủ đô tỵ nạn" Dharamsala với khoảng 200 đại biểu từ 43 quốc gia trên thế giới về tham dự. Trong ba ngày của đại hội đặc biệt này, các đại biểu đã nỗ lực thảo luận những biện pháp để giảm thiểu làn sóng tự thiêu của các sư tăng và dân chúng Tây Tạng để phản đối chính sách cai trị tàn ác của Bắc Kinh; cũng như thảo luận các phương thức vận động quốc tế trong việc tạo sức ép, buộc nhà nhà cầm quyền Trung Cộng phải ngừng tay bạo hành trên xứ Tây Tạng. Trong bài diễn văn khai mạc đại hội, tiến sĩ Lobsang Sangay, Thủ Tướng của chính phủ Tây Tạng Lưu Vong đã gọi đây là một đại hội lịch sử và vô cùng quan trọng của người Tây Tạng.
Đây đúng là một đại hội “đặc biệt”, vì nó được tổ chức gần với thời điểm có đại hội Đảng CSTQ lần thứ 18. Vì thế đại hội Tây Tạng được coi như để “trả lời” đại hội đảng CS Trung Quốc cũng như thách thức sự thống trị hà khắc của Bắc Kinh hơn nửa thế kỷ qua trên đất nước Tây Tạng. Ngoài ra nó cũng là sự kiện để cho thế giới so sánh giữa chánh và tà — một bên phi chính nghĩa, xâm lăng bằng vũ lực và cai trị bằng bạo lực; và một bên có chính nghĩa, đấu tranh vì sự sống còn của dân tộc mình bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động.
Một điểm đặc biệt khác của đại hội là việc khai triển thực hiện những quyết định trong đại hội tháng 9 vừa qua. Trong đại hội đó những nhóm đấu tranh khác nhau của người Tây Tạng đã nhất trí kết hợp thống nhất lực lượng để đẩy mạnh các nỗ lục đấu tranh, mà một việc cụ thể trước mắt là đưa các nhà lãnh đạo Trung Cộng ra Toà Án Quốc Tế.
Hiển nhiên, người Việt chúng ta có thể học được nhiều điều từ dân tộc Tây Tạng và Chính Phủ Lưu Vong Tây Tạng. Cụ thể như trong nhiều năm qua, các nhà tranh đấu Tây Tạng rất khôn ngoan trong việc chọn các ngày lễ lớn hay các dịp trọng đại của Bắc Kinh để làm nổi bật vấn nạn của dân tộc Tây Tạng và bộ mặt tàn ác của Trung Cộng trước công luận thế giới. Bốn năm trước, trong thời gian tiền Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, vấn nạn Tây Tạng đã được nâng cao cùng với từng đoàn rước đuốc thế vận trên khắp thế giới bất kể sự xấu mặt và tức tối cùng cực của Bắc Kinh. Tại đất Tây Tạng và một số vùng khác của Trung Quốc, mặc dù mạng lưới an ninh được tung ra để ngăn chận tối đa, không cho bất cứ biến cố chính trị nào làm ảnh hưởng tới bộ mặt Thế Vận Hội, nhưng các nhà tranh đấu Tây Tạng đã thực hiện thành công nhiều chiến dịch làm rung chuyển Trung Nam Hải. Đặc biệt là vào tháng 3/2008, những cuộc biểu tình đã bùng nổ trên khắp Tây Tạng và lan ra tới các cộng đồng người Tây Tạng ở miền Tây Trung Quốc. Những cuộc đàn áp tàn bạo của lực lượng an ninh Trung Cộng khiến nhiều người Tây Tạng bị giết chết và trọng thương. Truyền thông thế giới đã ghi lại những hình ảnh kiên cường của các cuộc xuống đường khắp nơi trên lãnh thổ Tây Tạng khiến mọi người phải bàng hoàng sửng sốt trong sự ngưỡng mộ tinh thần đấu tranh bất khuất của người dân xứ này. Cũng từ những hình đó, người ta nhìn thấy một nước Trung Quốc đầy bạo loạn chính trị do chính sách đô hộ khắc nghiệt đối với một quốc gia láng giềng.
Để bào chữa cho tội ác của mình tại Tây Tạng, giới lãnh đạo Trung Cộng cáo buộc các nhà "ly khai" Tây Tạng, nhất là Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã xúi giục nổi loạn và truyền thông phương Tây đưa tin thiên vị về các cuộc biểu tình bị Bắc Kinh đàn áp đẫm máu. Báo chí Trung Cộng lúc ấy đã phỉ báng Đức Đạt Lai Lạt Ma với giọng điệu hung hăng chưa từng có kể từ thời Cách Mạng Văn Hóa, như: "con sói đội lốt nhà sư!" Điều này đã làm cho thế giới Tây phương nhận ra bộ mặt thật của một Trung Cộng xâm lăng, khác hẳn với cái mặt nạ “xã hội hài hòa” mà Bắc Kinh đeo lên để trình diễn trong suốt kỳ Thế Vận Hội 2008.
Công cuộc đấu tranh của dân tộc Tây Tạng cũng ngày một trưởng thành hơn. Trong khi Trung Cộng có vẻ muốn kéo dài thời gian để chờ Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời và dân tộc Tây Tạng mất lãnh đạo ít là trong một thời gian. Nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khôn khéo thực hiện một sự chuyển quyền tuy chậm nhưng chắc chắn và hiệu quả. Trước cuộc bầu cử tháng 4/2011, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã công bố ý định từ giã môi trường chính trị, dọn đường cho việc tuyển cử bầu lãnh đạo mới cho một chính phủ dân cử lưu vong. Trong cuộc bầu cử cuối tháng tư sau đó, ông Lobsang Sangay, một nhà trí thức chứ không phải cao tăng, được bầu làm Thủ tướng Chính phủ lưu vong Tây Tạng. Luật sư Lobsang Sangay là một trí thức yêu nước và là một nhà hoạt động trong độ tuổi 40, xuất thân từ đại học Harvard. Ông Sangay lên nắm giữ vai trò chính trị trước đây của Đức Đạt Lai Lạt Ma, còn ngài lui về vị trí một vị lãnh đạo tinh thần. Mặc dù ông Lobsang Sangay nối tiếp cựu thủ tướng chính phủ Tây Tạng Lưu Vong là ông Lobsang Tenzin qua một cuộc bầu cử dân chủ, nhưng đây là lần đầu tiên trong 400 năm qua đã có sự chuyển quyền lãnh đạo từ vị đứng đầu giáo hội Phật Giáo Tây Tạng sang một người không phải tu sĩ. Từ đây, Chính phủ lưu vong cùng với Quốc hội Tây Tạng do chính người Tây Tạng bầu lên, là lãnh đạo chung của cả bên trong và bên ngoài nước Tây Tạng.
Với sự chuyển quyền vừa kể, và đại hội đặc biệt lần này để củng cố những thành quả trong việc tổ chức, nhân dân Tây Tạng đã thấy ra một điều cần thiết cho cuộc đấu tranh trong tương lai. Đó là chuyển từ thể chế đức trị của thời kỳ Đạt Lai Lạt Ma sang thể chế pháp trị như các quốc gia dân chủ khác. Điều này cho phép sự điều hành đất nước phải dựa vào luật pháp chung chứ không thể dựa vào mức đức độ của từng lãnh tụ. Hơn thế nữa, chỉ đức độ mà thôi cũng không đủ để lãnh đạo một dân tộc trong thế giới chính trị hiện nay.
Hệ thống quyền lực của chính phủ Tây Tạng giờ đây cũng dễ dàng hơn trong việc kế quyền, giảm bớt mức độ bị đe dọa bởi hệ thống mật vụ ám sát của Bắc Kinh, v.v. Tất cả những ưu điểm này đang nâng sức đấu tranh của nhân dân Tây Tạng lên một tầm cao mới. Nhiều nhà hoạt động trẻ Tây Tạng trước đây không mặn mà với con đường gọi là “trung đạo” của Đức Đạt Lai Lạt Ma - chỉ xin tự trị mà không đòi độc lập – vì họ đánh giá nó khó đi đến thành công, nay đã có thể làm việc với chính phủ của Thủ Tướng Sangay. Riêng về nạn tự thiêu, trong vòng hai năm qua, đã có 74 tăng ni và thanh niên nam nữ Tây Tạng dùng ngọn đuốc nơi chính mình để đánh động lương tâm nhân loại về khổ nạn và hiểm nguy bị xóa sạch văn hóa của dân tộc Tây Tạng. Nhưng Bắc Kinh gọi tự thiêu là một loại “khủng bố”. Họ trừng phạt nặng nề thân nhân, bạn bè, và những người liên hệ với các nạn nhân. Trong khi đó, hệ thống báo đài công bố phần thưởng lớn cho những ai chỉ điểm các vụ tự thiêu sắp xảy ra. Thủ tướng Lobsang Sangay đã vạch trần sự gian ngoa này của Bắc Kinh khi ông nhấn mạnh rằng: "Chẳng một ai trong số 74 người tự hy sinh đó gây ra bất cứ sự nguy hại nào cho người Trung Hoa hoặc cầu đường, nhà cửa ở Trung Quốc". Và chính phủ Lưu Vong Tây Tạng sẽ vẫn tiếp tục kiên trì đấu tranh theo phương thức bất bạo động.
[Xem ra trò vu cáo "khủng bố” của Bắc Kinh cũng được người em phương Nam tiếp thu kỹ lưỡng.]
Đất nước Việt Nam mặc dù chưa bị Trung Cộng trực tiếp cai trị nhưng tiến trình mất dần chủ quyền đã bắt đầu và dân tộc Việt Nam đang bị cai tri bởi một chính quyền tay sai của Trung Cộng. Con đường “tiệm tiến bắc thuộc” hiện nay của tập thể lãnh đạo đảng CSVN đang từng bước chắc chắn đẩy Việt Nam vào vị trí một tỉnh hay "khu tự trị" của Trung Cộng giống như Tây Tạng và Tân Cương. Và khi đó các khổ nạn nhục nhã mà 2 dân tộc này đang gánh chịu sẽ được lập lại trên đầu và da thịt của người Việt Nam. Thoát ra khỏi gông cùm này là chuyện cực kỳ khó khăn và cái giá máu phải trả cũng rất cao như đang thấy tại cả 2 "khu tự trị" này.
Xin chân thành cầu chúc cho nhân dân Tây Tạng vượt qua được các thử thách cam go và sớm đến bến bờ độc lập tự do, chấm dứt những tháng ngày rên xiết dưới gót giầy ngoại xâm.
Xin Thượng Đế cũng độ trì cho dân tộc Việt Nam đủ khôn ngoan, sáng suốt, và nghị lực để chận đứng được sự tuột dốc vào cái hố thống trị tàn ác của Bắc Kinh. Một cái hố sâu thẳm, không có lối ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét