2012/11/07

Sợ từng chữ viết – Hãi từng nốt nhạc


Ngô Đình Thu - DienDanCTM

Ngày 14/10/2012, cô sinh viên 20 tuổi Nguyễn Phương Uyên và ba người bạn tại trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM đột nhiên bị hơn 10 công an sắc phục lẫn thường phục đến bắt đi tại phòng trọ. Họ nói là để xác minh một số vấn đề rồi cho về. Nguyễn Phương Uyên lúc đầu bị đưa lên công an Phường Tây Thạnh, sau đó bị giải lên công an Quận Tân Phú, TP HCM và mất tích trong nhiều ngày trong lúc những người bạn cô thì được thả về. Những người bạn của Phương Uyên cho biết cô bị bắt vì “làm thơ chống Trung Quốc” và công an thu được những bằng chứng không có lợi cho cô lúc kiểm tra điện thoại tại phòng trọ. (Những câu thơ chống Trung Quốc như thế nào, nhà nước cũng giấu biệt không công bố cho mọi người để biết mức độ “tác hại” của nó ra sao). 
Sau nhiều phê phán mạnh mẽ của quần chúng về kiểu bắt cóc người vô pháp luật của chế độ, gia đình Phương Uyên mới được biết cô đang bị giam tại công an tỉnh Long An. Nơi đây đưa ra một thông báo chính thức là cô Phương Uyên vi phạm điều 88 Bộ luật hình sự “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN”. Khi giới sinh viên và các nhà trí thức đồng lên tiếng phản đối, công an liền một mặt xách nhiễu các sinh viên một mặt mở chiến dịch bôi nhọ các nhà trí thức đã ký các thư chung. Và để biện minh cho trò "bắt có" bị công chúng phê phán, công an cho họp báo ngày 3/11/2012 để dựng ra thêm màn "có chất nổ". Dân chúng liền hỏi nếu có chất nổ thì tại sao chỉ truy tố theo điều 88? Rõ ràng chế độ lại chơi trò đẻ thêm tội để chạy theo "2 bao cao su" đã quá phổ thông từ vụ bắt Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ dài đến vụ giam toàn bộ nhóm tôn giáo tại Bia Sơn. 
Đã đến lúc, lãnh đạo chế độ này hoảng sợ trước từng chữ viết của một nữ sinh viên 20 tuổi, chỉ vì những chữ này phản đối Trung Quốc xâm lược! 
Sau sự kiện Phương Uyên bị bắt hai tuần, ngày 30/10/2012, toà án của chế độ cũng đã đem hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình ra xử tội họ thật nặng cũng theo điều 88 – "Tuyên truyền chống nhà nước". Nhạc sĩ Việt Khang bị giáng bản án 4 năm tù giam và nhạc sĩ Anh Bình bị 6 năm tù. Bằng chứng phạm tội của 2 nhạc sĩ này là những bản nhạc kêu gọi lòng yêu nước của người dân Việt và đồng thời phản đối những kẻ đánh đập người yêu nước. Những bản nhạc như Anh Là Ai, Việt Nam Tôi Đâu của Việt Khang và Người Việt Nam, Rạng Ngời Việt Nam của Trần Vũ Anh Bình chỉ nói lên tiếng nói lương tâm phải có của bất cứ ai còn mang giòng máu Việt Nam trong huyết quản. 

Đã đến lúc, lãnh đạo chế độ này hoảng sợ trước từng nốt nhạc của tuổi trẻ Việt, chỉ vì những giòng nhạc này kêu gọi lòng yêu nước chống ngoại xâm nơi dân tộc Việt Nam! 
Rõ ràng sau bao năm đồng hóa Đảng với đất nước, nay giới lãnh đạo CSVN đang đồng hóa luôn đảng và đất nước Việt Nam với Bắc Kinh. Chính vì thế mà bất cứ ai phê phán Trung Quốc xâm lược là "tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN". 
Trước sự thật nham nhở đó, giới văn nghệ sĩ, trí thức Việt không chấp nhận im tiếng như trong quá khứ. Nhạc sĩ Tuấn Khanh, trong bài viết “Án tù cho nghệ sĩ, có sợ không?”, đã nhận định rằng “Việc bắt giữ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đã tạo nên một làn sóng phản ứng khó lường. Thậm chí với cộng đồng người Việt đã xa quê hương và xa những con người Việt thế hệ mới trong nước, họ cũng đã bày tỏ sự sửng sốt của mình, khi nghe có những con người đang đối diện với lao tù chỉ vì ca hát, bằng cách xuống đường và chia sẻ những chữ ký hết sức ấn tượng”.
Một phản ứng tiêu biểu khác trên trang Blog của Thanh Niên Công Giáo, luật gia Lê Hiếu Đằng nói rằng: “Tôi thấy những cái bản án đó rất nặng nề so với những gì các anh đã làm. Có lẽ người ta muốn dùng các biện pháp phát xít để mà làm cho người dân, để làm cho giới trí thức, giới văn nghệ sĩ phải sợ, không hưởng ứng phong trào đấu tranh vì dân chủ, vì tiến bộ xã hội, đấu tranh chống lại cường quyền hiện nay trên đất nước Việt Nam”. 
Nhưng điều đáng nói nhất, qua các vụ bắt cóc và xử án nghặt nghèo này, không chỉ nhân dân Việt Nam và cả thế giới đều thấy rất rõ một sự thật: Hiện nay, người dân Việt không cần tới súng đạn nhưng lại đánh đúng vào những yếu huyệt của chế độ. Ngòi bút, phím đàn đang là những vũ khí đủ làm cho những kẻ cầm quyền với đủ loại phương tiện bạo lực sợ hãi. 
Một sự thật khác không thể chối cãi cũng ngày càng rõ. Bộ mặt thật giới cầm quyền đằng sau những mỹ từ cách mạng, độc lập, tự do, giải phóng, ... xưa nay đã hiện ra là những lừa bịp dối trá. Những con người này sẵn sàng hy sinh cả chủ quyền đất nước, sẵn sàng chà đạp lên chính người dân của mình để làm hài lòng ngoại bang và giữ ghế cai trị. Giới lãnh đạo chẳng còn bứt rứt lương tâm khi cứ liên tục đem bán biển, đảo, biên giới đất liền, tài nguyên thiên nhiên, chủ quyền kinh tế, văn hóa, cho Bắc Kinh. Họ cũng sẵn sàng cúi đầu khi những "tàu lạ", "nước lạ" bắn giết, đánh đập, tống tiền ngư dân Việt. Và họ sẵn sàng thi hành lệnh từ Bắc Kinh trấn áp những người Việt yêu nước. 
Và sự thật thứ 3: Lãnh đạo Đảng biết rõ người dân, kể cả hàng ngũ đảng viên, đã thấy bản chất của họ, đang khinh bỉ và phẫn nộ tới mức bật lên những hành động phản đối. Vì sợ những hành động này lan rộng, giới lãnh đạo Đảng đang ráng chứng tỏ họ rất mạnh, có đủ phương tiện bạo lực để bóp chết mọi hình thức phản đối của dân chúng. Nhưng đó chính là tiến trình đã lập đi lập lại vào giai đoạn chót của các chế độ độc tài trong 2 thập niên qua. Chế độ càng mạnh tay, nguời dân càng phẫn nộ phản ứng. Phản ứng của dân càng làm chế độ lo sợ. Để che dấu sự lo sợ, chế độ càng bạo hành. Vòng xoáy này cứ dâng cao dần cho đến lúc người dân bùng nổ ra đường phố và chế độ đột tử.
***

Trước những hy sinh cao quý của những Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Phương Uyên và biết bao thanh niên yêu nước khác, chúng ta phải làm gì? 
Có lẽ câu trả lời đã quá rõ. 
Ai viết được xin hãy viết nhiều hơn nữa và viết bằng đủ mọi cách, mọi phương tiện, ngay cả trên tường, trên cột điện, trên ghế đá, trên tiền giấy, ... và trên mạng Internet. 
Ai hát được xin hãy hát to lên, hãy tập trung cho đông và hát ở mọi nơi, trong giáo đường, nhà nguyện, nhà chùa, góc phố, công viên, ... và giữa vòng các sinh viên. 
Ai biết soạn nhạc xin hãy sáng tác nhiều hơn nữa những bài ca yêu nước ngập tràn truyền thống hy sinh của cha ông. Thế hệ hôm nay sẽ tiếp nối những bài ca hào hùng như “Bạch Đằng Giang”, “Hội Nghị Diên Hồng”, “Tiếng Gọi Thanh Niên”, ... của thế hệ đi trước. 
Và những ai không viết, không soạn được nhạc hay không hát được, xin hãy bằng nhiều cách bao quanh, bảo vệ, đùm bọc những người đang viết, đang hát. 
Đất nước này và những người con yêu của mẹ Việt Nam như Phương Uyên, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình thuộc về tất cả chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét