2012/10/19

Tội phạm chân chính


Lê Nguyên Hồng

Nghe đến hai từ “tội phạm”, người này thì sợ hãi, người kia tỏ thái độ khinh bỉ. Họ liên tưởng ngay đến những kẻ hiếp dâm, trộm cướp, lừa đảo, tham nhũng, giết người… Nhưng có những tội phạm, phải nói một cách trung thực rằng: Họ là những con người chân chính, thậm chí còn trở thành vĩ đại.
Suốt chiều dài lịch sử thế giới, tội phạm chân chính và danh giá có nhiều, rất nhiều, khó mà có thể liệt kê ra hết. Vậy chỉ xin đơn cử ra đây một số trường hợp là người Việt hoặc có ít nhiều liên quan đến người Việt. Trước hết đó là Lê Nin, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh. Cả ba con người này đã được các nhà nước Cộng Sản ở Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam tôn sùng như những ông thánh sống, mặc dù chế độ cầm quyền trước đó đã coi họ là những tên tội phạm nguy hiểm.
Lê Nin. Vladimir Ilyich Lenin từng bị Nga Hoàng bắt giam 14 tháng vì tội phản loạn. Sau khi lãnh đạo cuộc nổi dậy bất thành tháng 7/1917 đã phải chạy sang Phần Lan tị nạn. Người anh ruột của Lênin là Aleksandr Ilyich Ulianov cũng là một tội phạm danh giá, đã bị treo cổ vì tham gia ám sát Nga Hoàng Aleksandr III năm 1887.
Mao Trạch Đông. Nhà cầm quyền Tưởng Giới Thạch coi Mao là một tội phạm khủng bố (nằm trong danh sách bạch sắc khủng bố) cực kỳ nguy hiểm, sau khi ông này lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Vụ Gặt Mùa Thu ở tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc năm 1927 bất thành.
Hồ Chí Minh. Năm 1931 bị nhà đương cục Thượng Hải bắt giam, đến năm 1932 được thả. Năm 1942 lại bị chính quyền Trung Hoa Dân Quốc bắt giam lần 2 và tháng 9/1943 lại được thả. Hồ Chí Minh cũng bị Thực dân Pháp coi là một tội phạm cực kỳ nguy hiểm.
Người ta thấy rằng, những tội phạm chân chính thường xuất hiện khi chế độ cầm quyền hiện tại suy tàn, thối nát, tàn bạo, hèn với giặc, ác với dân. Tất cả những tội phạm chân chính đều hành động phản kháng chống lại chế độ cầm quyền đương thời. Họ đấu tranh nhân danh lòng yêu nước thương dân, chống bất công, bảo vệ lẽ phải.
Một trong những tội phạm nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, đó là 3 anh em Nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ).
Ban đầu anh em Nhà Tây Sơn bị coi là phường thảo khấu, giặc cỏ. Nhưng sau khi quy tụ được nhiều người tham gia, họ đã biết chủ động cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo và tiến đánh Trịnh, Nguyễn, lập nên hẳn một triều đại kéo dài 24 năm, có công thống nhất đất nước, nhiều lần đánh tan giặc ngoại xâm...
Trong lịch sử Việt Nam cận đại cũng có rất nhiều những tên tuổi lớn, những tội phạm chân chính - trước và cùng thời với Hồ Chí Minh - từng bị nhà cầm quyền đương thời kết tội phản loạn như: Nguyễn Trung Trực, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Hà Huy Tập vv…
Thời nay ở Việt Nam tội phạm chân chính đang bắt đầu phát triển rất mạnh, họ bị nhà cầm quyền Cộng Sản quy kết cho đủ thứ tội danh ghê gớm, nào là gián điệp, phản động, khủng bố, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống nhà nước… Nhưng tất cả họ đều tin rằng họ không có tội, họ làm như vậy là thực hiện quyền sống, quyền tự do đấu tranh ôn hòa của con người lương thiện…
Chính vì vậy những tội phạm chống lại nhà nước thối nát, tham nhũng, ươn hèn, gian ác, đã trở thành những con người cao quý, vì họ đấu tranh giành quyền lợi cho dân tộc, quyền lợi của đại chúng nhân dân, họ đã đặt lợi ích của đất nước lên hàng đầu…
Nếu như đối với những loại tội phạm hình sự thông thường, thân nhân của họ luôn mặc cảm, xấu hổ vì người thân của mình là tội phạm, thì ngược lại, đối với những tội phạm chính trị hoạt động đấu tranh cách mạng, gia đình họ lại hãnh diện vì điều đó.
Dù có ra tay tàn bạo đến mấy, dù có kết án nặng nề cho những người đấu tranh đến đâu, cuối cùng kẻ cầm quyền độc tài cũng sẽ phải thất bại, đó là quy luật. Hôm nay một số người bị chế độ kết tội, nhưng ngày mai họ sẽ được cả thế giới vinh danh.
Tin rằng những tội phạm trong sạch, những tội phạm chân chính như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Quốc Quân, Nhóm của Trần Huỳnh Duy Thức, nhóm Điếu Cày, Tạ Phong Tần và hàng trăm, hàng ngàn những người đấu tranh dũng cảm khác sẽ được lịch sử ghi tên với lòng biết ơn.
Lê Nguyên Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét