Ngô Nhân Dụng
Lịch sử nền tư pháp Việt Nam sẽ ghi tên cô Tạ Phong Tần, anh Nguyễn Văn Hải, tức Ðiếu Cày, và anh Phan Thanh Hải, như những nạn nhân tiêu biểu của tình trạng tòa án làm nô lệ cho chính trị. Ðặc biệt, ở đây là chính trị thuộc cấp độ thấp nhất.
Trong phiên tòa diễn ra chỉ có vài giờ trong buổi sáng Thứ Hai ngày 24 tháng Chín, tòa án xử ông Nguyễn Văn Hải 12 năm tù, cô Tạ Phong Tần 10 năm tù và ông Phan Thanh Hải bốn năm tù. Cả ba người còn sẽ tiếp tục bị quản chế với thời hạn lần lượt năm năm, ba năm và ba năm.
Luật sư của ông Ðiếu Cày vừa nói rằng chính quyền không đưa ra được chứng cứ nào trong phiên xử để kết tội ba blogger này về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước;” tòa không cho ông Nguyễn Văn Hải chất vấn những người làm chứng; và cũng không cho luật sư tranh luận với phía công tố là Viện Kiểm Sát.
Trong bản lên tiếng đòi trả tự do cho ba nhà báo mạng (blogger), bà Catherine Ashton, đại diện của Liên Hiệp Châu Âu, nhấn mạnh là những bản án tù từ bốn đến 12 năm là quá nặng nề đối với các ông Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải và cô Tạ Phong Tần.
Tại sao Ðảng Cộng Sản Việt Nam lại kết án ba blogger nặng hơn hẳn các nhà tranh đấu dân chủ đã bị đưa ra tòa trước đây? Những bản án họ đã dành cho Linh Mục Nguyễn Văn Lý, các luật sư Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Ðịnh, Cù Huy Hà Vũ, ông Trần Huỳnh Duy Thức, và các thành viên những Ðảng Thăng Tiến, Ðảng Dân Chủ Nhân Dân, Ðảng Việt Tân, cùng các đảng và nhóm khác không lâu tới 10 và 12 năm như vậy. So sánh với những hành động của các nhà tranh đấu dân chủ trên thì ba nhà báo mạng Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải đáng lẽ chỉ bị kết án hai, ba năm tù vì hành động của họ không chống đối chính quyền cộng sản hoặc có ảnh hưởng mạnh hơn.
Tất nhiên, lý do duy nhất là tòa án chịu áp lực chính trị của đảng cộng sản. Nhưng lý do chính trị nào khiến đảng cộng sản quyết định như thế? Ai cũng nghĩ đến sức ép của sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Ba nhà báo tự do không đòi cải tổ chính trị ở Việt Nam, cũng không kêu gọi lật đổ chế độ cộng sản; nhưng họ đã chống chính sách bành trướng của Trung Cộng. Họ đều nhắm vào việc Trung Cộng chiếm Hoàng Sa năm 1974, đánh Trường Sa năm 1988; và kêu gọi mọi người Việt Nam đòi lại chủ quyền dân tộc. Ai cũng còn nhớ hình ảnh Ðiếu Cầy, Tạ Phong Tần trong những cuộc biểu tình đòi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhưng liệu Bắc Kinh có cần tạo áp lực trên Cộng Sản Việt Nam về những chuyện như xử án ba nhà báo hay không? Có thể họ không cần, và chưa chắc đã muốn. Mục tiêu cuối cùng của họ là làm sao đảng Cộng Sản Việt Nam phải ép cả nước phải im lặng chịu đựng mối nhục mất đất. Họ có những khí cụ mạnh hơn để thực hiện mục tiêu đó, và đã đạt được nhiều rồi. Bản án quá nặng cho ba nhà báo tự do sẽ chỉ gây cho nỗi oán hận của người Việt thêm nặng nề, bất lợi cho Bắc Kinh. Ba nhà báo không tác động dân chúng mạnh bằng những nhà trí thức và thanh niên đã tổ chức các cuộc biểu tình ở Hà Nội trước sứ quán Trung Quốc.
Một lý do khác được giải thích là những bản án nặng này cốt nhắm vào dư luận của đồng bào trong và ngoài nước, cùng chính phủ các nước Tây phương. Họ muốn chứng tỏ rằng các lời lên tiếng đòi trả tự do cho ba nhà báo và kết tội cộng sản vi phạm nhân quyền chỉ gây tác dụng ngược, khiến cho ba nhà báo tự do phải chịu những bản án nặng nề. Ðây có thể là một thông điệp, báo tin cho các chính phủ khác và người Việt trong và ngoài nước từ nay hãy giảm bớt các lời nói và hành động kết tội họ; nếu không thì chính những người được bênh vực sẽ lãnh hậu quả.
Nhưng lối giải thích này khó đứng vững. Dư luận lên án chính quyền cộng sản về tất cả những vụ vi phạm nhân quyền, không riêng đối với ba nhà báo tự do này. Ông Obama hay bà Clinton lên tiếng đòi trả tự do cho ông Ðiếu Cầy, cô Tạ Phong Tần, vì đó là việc họ phải làm, dù đó là người Việt Nam hay người Congo. Lên án chính sách vi phạm quyền làm người vì nguyên tắc; không ai có thể thể giảm bớt hành động chống đàn áp chỉ để mua sự an toàn cho các nạn nhân. Chính những người can đảm đứng lên tranh đấu như Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, hoặc trước đó là Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Ðịnh, Cù Huy Hà Vũ, vân vân, họ cũng chỉ làm bổn phận đối với đất nước. Họ hãnh diện và sẵn sàng chấp nhận hậu quả. Không ai trong số những vị trên lại đánh đổi lấy sự an thân của mình, muốn thế giới bên ngoài giảm áp lực buộc Cộng Sản Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền.
Cho nên, cuối cùng chúng ta chỉ thấy một thứ ảnh hưởng chính trị trên người xử án ở Sài Gòn trong bản án nặng nề này là cuộc tranh giành quyền lực ngay trong nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam.
Như chúng ta đều biết, những tay đầu sỏ trong chế độ đang công khai chống phá lẫn nhau. Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang đang tìm cách giảm bớt quyền hành của Nguyễn Tấn Dũng. Họ chống nhau bằng các hành động và lời nói, một cách công khai hoặc dùng những thủ đoạn ngấm ngầm. Bản án dành cho ba nhà báo tự do không phải do những cấp thừa hành quyết định. Nếu cấp thừa hành quyết định thì chắc chắn họ sẽ “theo lệ cũ,” ra lệnh cho tòa án phạt tù ba năm hoặc năm năm. Khi tăng số năm tù lên tới 10 hay 12 năm, những người phụ trách giật dây tòa án sẽ phải xin chỉ thị riêng. Chỉ thị riêng có thể do một trong những người cấp gần nhất với Bộ Chính Trị đưa ra. Trong lúc ba tay đầu sỏ Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang đang tìm các kẽ hở của nhau để tấn công thì cả ba người hay đám tay chân của họ thấy phải tỏ ra cứng rắn hơn, để chứng tỏ họ vẫn đặt quyền lợi của đảng cộng sản lên trên hết. Trong cuộc tranh giành quyền lực của mấy người lãnh đạo cộng sản, các nhà báo tự do đã trở thành nạn nhân. Nhưng các bản án dành cho họ đã làm cho dư luận thế giới khinh thường cả nước Việt Nam.
Bà Catherine Ashton đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Hà Nội trả tự do ngay tức khắc cho ba nhà tự do báo trên mạng. Bà nhắc nhở chính quyền cộng sản là tất cả mọi con người phải có quyền tự do phát biểu. Cộng Sản Việt Nam phải chứng tỏ họ tuân thủ những công ước quốc tế mà họ đã cam kết thi hành như bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, và Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị.
Ðại Sứ Quán Mỹ tại Hà Nội đã lên tiếng yêu cầu “Chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho Ðiếu Cày và các blogger Phan Thanh Hải và Tạ Phong Tần.” Lấy trường hợp Ðiếu Cày làm tiêu biểu, họ nhấn mạnh, “ông bày tỏ quan điểm chính trị của mình một cách ôn hòa,” là một quyền tự nhiên của mọi con người, được ghi rõ trong những bản văn mà chính quyền Hà Nội đã ký kết tôn trọng và bảo đảm thi hành. Thông cáo của sứ quán Mỹ phê phán phiên tòa và bản án đã vi phạm hai quyền tự do căn bản ghi trong công ước quốc tế, là quyền tự do ngôn luận và quyền được xét xử theo đúng thủ tục pháp lý của loài người.
Những lời nhắc nhở trên cho thấy cả thế giới kết án hành động đàn áp tự do ngôn luận của chính quyền cộng sản ở nước ta. Hành động biến tòa án thành một công cụ chính trị, những bản án bất công đang làm nhục cả dân tộc trước mặt thế giới văn minh.
Trong một bài thơ gửi ra ngoài trước phiên tòa, nhà báo Ðiếu Cầy viết:
Sóng biển trào dâng đòi tự do dân chủ,
Sóng cuốn phăng đi thành lũy lũ độc tài.
Sóng cuốn phăng đi thành lũy lũ độc tài.
Ðó là những lời tiên đoán. Một chế độ khinh thường dân sẽ không thể nào tồn tại được. Cơn sóng đòi tự do dân chủ sẽ cuốn phăng đi thành lũy cuối cùng của bọn độc tài.
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét