Phạm Nhật Bình
Từ lâu lắm rồi, người dân Việt hầu như đã quên hẳn mấy chữ “phê và tự phê”. Mọi người đã gần như đương nhiên coi đó là sản phẩm của những năm tháng “điên điên” của thời chủ nghĩa cộng sản còn ở “đỉnh cao trí tuệ loài người”. Hơn một thập kỷ qua, tất cả những thứ gàn dở như “phê và tự phê” đều đã bị ném cả vào cái giai đoạn gọi chung chung là “thời bao cấp”, tức cái thời chứa đựng nhiều lạc hậu, sai lầm mà nay đảng và nhà nước vẫn hãnh diện bảo là đã qua rồi.
Chính vì thế mà nhiều người ngạc nhiên khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bất ngờ phủi bụi bài bản “phê và tự phê” đem từ trong kho ra công bố tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vào tháng 5/2012, cùng lúc với việc ông cho phục hồi Ban Nội Chính Trung Ương và nắm lấy ghế Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đợt phê và tự phê này, với tên gọi mới dài hơn một chút “Kiểm điểm phê bình và tự phê bình”, sẽ được thực hiện trong toàn đảng, ở mọi cấp, mọi địa phương. Cũng bất ngờ không kém, vào giữa tháng 8, Thông tấn xã Việt Nam được lệnh tung tin 14 ủy viên Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư Đảng đã phê và tự phê xong rồi. Mất tất cả 16 ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8.
Về mặt thực hiện, những cán bộ đã trải qua nhiều đợt phê và tự phê trong các thập niên trước như ông Lê Hiếu Đằng, cựu phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố HCM, cho rằng: “phê và tự phê mang nhiều tính hình thức hơn là thực chất”. Ông đặt câu hỏi: “Ai dám phê bình thủ trưởng? Trong chi bộ chính phủ thì ai dám phê bình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng? ... Trong cơ quan tôi cũng vậy, bao nhiêu đảng viên im như thóc không ai dám phê bình lãnh đạo”. Vì vậy, theo ông, đã đến lúc “Phải dùng pháp luật để giám sát hoạt động của các vị trong Đảng và Nhà nước”.
Thật vậy, nhiều người tin rằng “phê và tự phê” chỉ là cách để đảng tự đặt họ đứng ngoài và đứng trên pháp luật. Nghĩa là chỉ có đảng mới có quyền xử đảng; còn pháp luật chỉ dùng cho dân và những người đã bị khai trừ khỏi đảng. Và khi hệ thống pháp luật còn không được phép biết các quan phê nhau những gì thì dân chúng lại càng bị cấm cửa. Các buổi phê và tự phê ở cấp càng cao, màn bí mật càng dầy. Rồi sau bức màn bí mật ấy, các bên thương lượng với nhau để ai “hạ cánh an toàn” và ai leo lên ngồi thế chỗ.
Chính vì biết rõ kiểu phê và tự phê trong bóng tối đó của lãnh đạo đảng mà người dân khó nhịn cười khi nghe những quan chức như ông Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc, khẳng định: “Ai xấu ai tốt quần chúng đều biết hết”, hay “đảng làm kỹ lắm, rất thẳng thắn và mạnh mẽ.” Ai cũng biết ông Nguyễn Lân Dũng đang nói xạo vì chính ông cũng không biết gì ráo. Và khi được hỏi tại sao không công bố cho toàn dân biết, ông Dũng lại càng gân cổ nói bừa đến độ mâu thuẫn với câu khẳng định trước, đó là: “Chả nước nào công bố khuyết điểm của lãnh đạo cho nhân dân” và “Ban chấp hành Trung ương đã đại diện cho toàn nhân dân rồi”. Hóa ra ông cựu đại biểu quốc hội này mù tịt về thế giới bên ngoài, mù tịt về giới hạn được biết của trung ương đảng CSVN, và mù tịt luôn về vai trò của cái quốc hội mà ông từng là thành viên.
Trở lại với chủ đề chính “phê và tự phê". Có thể nói bản chất của đợt “phê và tự phê” lần này vẫn như xưa — vẫn là công cụ để số đông hùa vào đánh một đối thủ chung. Đặc biệt trong trường hợp đối tượng bị đánh còn tương đối mạnh. Lần này, ở thượng tầng lãnh đạo đảng, các ủy viên Bộ Chính Trị có đối thủ chung là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Họ ghen và ghét ông Dũng từ nhiều năm qua vì ông nắm gần như độc quyền mọi nguồn tiền và nguồn lợi béo bở nhất. Họ muốn đánh ông Dũng từ lâu nhưng không dám hay chưa làm được, vì số tay chân chung quanh ông ta còn quá đông. Tiền sinh ra quyền. Đội ngũ những quan chức được hưởng thu nhập từ các “quả đấm thép”, đấm gang, đấm gỗ, đấm dầu, đấm điện, đấm địa ốc, đấm ngân hàng… càng lúc càng đông và “chỉ biết còn Dũng còn mình”.
Nhưng nay sự sập tiệm và chao đảo của hàng loạt các tập đoàn kinh tế và tổng công ty mang nhãn hiệu VinaX, VinaY đang làm ông Nguyễn Tấn Dũng choáng váng. Mới nhất là Tổng công ty Vinacomex báo cáo lỗ 757 tỷ đồng, tương đương 38 triệu USD và nợ ngân hàng trên 1,000 tỷ đồng. Các tay chân cỡ lớn của ông Dũng thì người ra tòa như Phạm Thanh Bình, kẻ bỏ trốn như Dương Chí Dũng, hay bị còng lôi đi như Nguyễn Đức Kiên. Đây là cơ hội bằng vàng cho các đối thủ của ông Nguyễn Tấn Dũng khởi động cuộc tấn công.
Điều đáng nói là mặc dù choáng váng nhưng phe cánh ông Dũng vẫn còn khá mạnh. Đặc biệt bên cạnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn Ủy viên Bộ Chính Trị kiêm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, là một đồng minh kiêm cựu thuộc cấp của ông Dũng. Rõ ràng nếu cán cân quyền lực đã nghiêng hẳn về phía các đối thủ của ông Dũng thì người ta đã chỉ thấy các vụ “điều tra” hay các buổi “kiểm điểm trách nhiệm” đối với người đứng đầu chính phủ. Sự kiện phải dùng đến ngón đòn cổ điển “phê và tự phê” cho thấy cán cân quyền lực còn nghiêng ngửa và nhu cầu phải lấy thịt đè người tại Bộ Chính Trị còn cao.
Nếu xử dụng đến nơi đến chốn, phương pháp đấu đá bằng “phê và tự phê” có thể tương đương với kiểu “tùng xẻo” của Tàu. Khi chia phiên cho từng người, 12 ủy viên Bộ Chính Trị còn lại (trừ ông Dũng và ông Hùng) có 12 lượt để mỗi người cắt ông Dũng một miếng. Ngược lại, ông Dũng chỉ có thể cắt lại một lần mà thôi. Trước thế áp đảo đó, ông Nguyễn Sinh Hùng nhiều phần chỉ dám chọn thế đứng giữa hay chỉ trích nhẹ ông Dũng để bảo vệ sinh mạng chính trị của chính mình. Kết quả trận đấu khá hiển nhiên: 12 đánh 1 không chột cũng què. Và cuộc “tùng xẻo” này kéo dài ít là 4 ngày như Thông tấn xã Việt Nam đã thông báo.
Cũng theo báo đài lề phải, đợt sinh hoạt chính trị “phê và tự phê” này sẽ mở rộng trên cả nước tới cấp chi bộ đảng địa phương. Nhưng giới cán bộ lớn nhỏ khắp nơi đã dư biết mục tiêu chính của đợt phê và tự phê này là để “giải quyết vấn đề nhân sự” tại Bộ Chính Trị. Còn lệnh mở rộng chiến dịch này ra cả nước chỉ là lớp sơn cần thiết để che bớt hình ảnh “tùng xẻo” ở thượng tầng lãnh đạo. Nói cho cùng, cũng chẳng có cán bộ cấp dưới nào sợ “phê và tự phê” vì từ lâu họ đã có đủ khả năng và kinh nghiệm tối thiểu để đối phó và luồn lách các cuộc kiểm điểm chiếu lệ kiểu này. Ngoại trừ những cán bộ không may bị chọn làm dê tế thần. Và những ai đã xui tận mạng như thế thì dù có “phê và tự phê” hay không, số phận họ vẫn không đổi.
Ngay cả trong trường hợp trung ương đảng Cộng Sản muốn có một cuộc kiểm điểm thật để sửa sai cho đất nước và “khôi phục lại lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng” như ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố thì kết quả vẫn có thể thấy trước là rất vô ích. Ông Nguyễn Văn An, cựu Trưởng ban Tổ Chức Trung ương, đã phân tích tới tận gan ruột loại vấn nạn này. Đây không phải là vấn đề nhân sự mà là “lỗi hệ thống”, nghĩa là hệ thống cai trị hiện nay liên tục sản sinh ra loại cán bộ như vậy. Nói một cách đơn giản là cho mỗi cán bộ xấu đang nắm quyền ở mọi cấp hiện nay có hàng trăm các cán bộ khác, kể cả các cán bộ đi chỉnh đốn người khác, đều ước ao được ngồi vào ghế đó và tận hưởng như cán bộ xấu đó đã hưởng. Đặc biệt ở tầng cao nhất, biết bao kẻ đang thèm thuồng cái ghế của ông Nguyễn Tấn Dũng, chỉ để lập lại hoặc đi xa hơn những “cái sai” ông Dũng đã làm trong gần 10 năm qua.
Có lẽ vì đã biết quá rõ thế võ XHCN này nên đại khối dân chúng chẳng ai đoái hoài đến đợt “phê và tự phê” rầm rộ trên mặt báo hiện nay. Các quan tâm chính vẫn là đại hoạ “diễn biến hòa bình” từ Trung Quốc đang diễn ra. Guồng máy cán bộ khắp nơi cũng chẳng ai bỏ buổi nhậu nào vì lo lắng sắp bị phê hay phải tự phê. Ngay cả Bắc Kinh cũng chẳng đoái hoài đến chuyện này vì cánh nào thắng đi nữa thì cả Bộ Chính Trị vẫn nằm trong tay họ rồi, vẫn trung thành với 16 chữ vàng và 4 tốt.
Kết cuộc lại, chỉ có báo đài nhà nước có thêm chút việc làm. Và có lẽ chỉ vài tuần nữa, bài bản “phê và tự phê” lại trở vào kho nằm hứng bụi thời gian.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét