Lý Thái Hùng
Những hành động mang tính chất khiêu khích của Trung Quốc trong Tháng 7 (đơn phương thiết lập bộ chỉ huy quân sự và Hội đồng đại biểu nhân dân “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng sa) và Tháng 8 (đưa 23 ngàn tàu đánh cá với gần 100 ngàn ngư dân rầm rộ chưa từng thấy đến đánh bắt hải sản tại vùng biển quanh hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa), đã không chỉ làm cho tình hình biển Đông vốn căng thẳng trở thành điểm nóng, mà còn khiến cho dư luận lo ngại rằng Bắc Kinh đang quân sự hóa biển Đông để chuẩn bị chiến tranh.
Thái độ hung hăng, coi thường dư luận của Bắc Kinh hiện nay trên biển Đông không phải là sự chuyển hướng bất ngờ do vấn đề rối rắm trong nội bộ đảng sau vụ Bạc Hy Lai (Bo Xilai), bí thư Trùng Khánh (Chongqing) bị thất sủng và càng không phải là lý do phe quân đội hay phe diều hâu tìm cách gây hấn chiến tranh ở bên ngoài để củng cố thực lực nhân đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 diễn ra vào mùa Thu năm nay. Tất cả những ứng xử của Trung Quốc hiện nay cũng như trong khoảng 5 năm vừa qua, từ khi cho thiết lập khu hành chánh Tam Sa vào tháng 12 năm 2007, đều nhắm tới mục tiêu kiểm soát biển Đông bằng mọi giá, trước khi vói tay ra thế giới thu tóm quyền lực để trở thành cường quốc số 1 vào năm 2050.
Báo Asahi còn cho biết là để ngăn không cho đối phương tiếp ứng, đồng thời với chiến dịch tấn công đánh chiếm mục tiêu, hai hạm đội Bắc Hải và Đông Hải của Trung Quốc cũng sẽ có mặt tại những vị trí ngoài khơi để chặn không cho các Hạm đội của Hoa Kỳ vào tiếp cứu. Theo báo Asahi thì tuy kế hoạch được soạn xong và Bắc Kinh đã cho quân đội thao dợt cả hai chiến thuật nói trên trong các cuộc tập trận rộng lớn tại vùng Biển Đông; nhưng quân ủy Trung ương chưa cho tiến hành.
Giải thích về lý do chưa tiến hành, báo Asahi đã dẫn một phát biểu từ một cán bộ cao cấp trong chính quyền Bắc Kinh rằng: “Mục đích của chúng tôi là giành ưu thế trong đàm phán lãnh thổ bằng cách gây sức ép thông qua việc chứng tỏ cho các nước khác thấy rằng, chúng tôi có khả năng giành lại các hòn đảo bất kỳ lúc nào”. Cũng theo báo Asahi thì vì có chủ tâm như vậy nên Bắc Kinh đã không quan tâm đến các cuộc đàm phán ngoại giao với các quốc gia trong khối ASEAN.
Hầu như dư luận đã không chú ý mấy vào nội dung loan tải của Nhật Báo Asahi về một kế hoạch đánh chiếm biển Đông của Bắc Kinh vào lúc đó. Đa số không quan tâm vì nghĩ là tin “tình báo” của Nhật tung ra trong lúc Nhật và Trung Quốc đang căng thẳng về những tranh chấp chủ quyền của đảo Điếu Ngư (Sensaku). Và nhất là Trung Quốc chưa có những dấu hiệu gì quân sự hóa biển Đông như hiện nay, ngoại trừ một vài hành động lố bịch như xâm phạm Thềm lục địa Việt Nam và cắt cáp Tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (26-5-2011), ra lệnh cấm đánh bắt hải sản từ ngày 15-5 đến 1-8 trên biển Đông.
Hầu như dư luận đã không chú ý mấy vào nội dung loan tải của Nhật Báo Asahi về một kế hoạch đánh chiếm biển Đông của Bắc Kinh vào lúc đó. Đa số không quan tâm vì nghĩ là tin “tình báo” của Nhật tung ra trong lúc Nhật và Trung Quốc đang căng thẳng về những tranh chấp chủ quyền của đảo Điếu Ngư (Sensaku). Và nhất là Trung Quốc chưa có những dấu hiệu gì quân sự hóa biển Đông như hiện nay, ngoại trừ một vài hành động lố bịch như xâm phạm Thềm lục địa Việt Nam và cắt cáp Tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (26-5-2011), ra lệnh cấm đánh bắt hải sản từ ngày 15-5 đến 1-8 trên biển Đông.
Bước vào năm 2012, Trung Quốc bắt đầu gia tăng cường độ khiêu khích trên biển Đông như đưa tàu chiến xâm chiếm trắng trợn bãi đá ngầm Scarborough của Phi Luật Tân và cho Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc mời gọi các công ty ngoại quốc vào thăm dò và khai thác 9 lô dầu khí trên một diện tích 160 ngàn cây số vuông một cách phi lý, nằm trong Thềm lục địa Việt Nam. Nhưng có hai yếu tố sau đây đã khiến cho Trung Quốc nhấn tới việc chuẩn bị đánh chiếm biển Đông qua việc nâng cấp hai lãnh vực quân sự và dân sự tại Tam Sa để quân sự hóa biển Đông kể từ tháng 7-2012.
Thứ nhất là khuynh loát và lũng đoạn nội bộ khối ASEAN, làm mất sự đoàn kết giữa các nước trong khối này về vấn đề biển Đông. Sự kiện Cam Bốt nằng nặc bác bỏ không chịu đưa vấn đề biển Đông vào bàn hội nghị và trong tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao của 10 nước ASEAN hôm 10-7 là một thành công lớn của Bắc Kinh. Sự thành công này đã giúp cho Trung Quốc chia rẽ nội bộ ASEAN để không trở thành một khối ủng hộ Phi Luật Tân hay CSVN chống lại Trung Quốc. Quan trọng hơn, sự thành công này của Trung Quốc còn cho thấy là Bắc Kinh đã thực sự mua được Cam Bốt và Lào để có thể chi phối tình hình an ninh quốc phòng phía Tây lãnh thổ Việt Nam.
Thứ hai là mặc dù sau 10 ngày bế mạc Hội nghị, ASEAN cố gắng ra một tuyên bố chung 6 điểm về biển Đông qua sự vận động của Bộ trưởng ngoại giao Nam Dương, nhưng nội dung hoàn toàn không dám phê phán các hành vi khiêu khích của Trung Quốc. Kết quả này gián tiếp cho thấy là Bắc Kinh đã đặt Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc Châu rơi vào thế án binh bất động bên cạnh một ASEAN bị chia rẽ và không đủ sức thuyết phục lẫn nhau về việc bảo vệ biển Đông. Điều này còn giúp cho Trung Quốc tiếp tục củng cố chiêu bài đàm phán song phương, bằng kế sách vừa mua chuộc vừa hăm dọa trong mọi tranh chấp về biển Đông.
Sự thất bại của Hội nghị lần thứ 45 của Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN hôm 10-7 chính là thời cơ vàng để cho Bắc Kinh ra tay trên biển Đông. Hơn thế nữa, biển Đông tuy là vùng biển rộng lớn có ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều quốc gia; nhưng điều mà Trung Quốc thực sự đang muốn chiếm đóng trước tiên chính là thềm lục địa của Việt Nam, kế đến mới là vùng biển phía Tây của Phi Luật Tân.
Thềm lục địa Việt Nam, ngoài hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa mang tính chất phòng thủ chiến lược, còn là khu vực trọng yếu chi phối trên ba mặt quan trọng: dầu khí, hải sản và hàng hải mà bất cứ quốc gia nào cũng thèm muốn chi phối và khai thác.
Câu hỏi là tại sao bây giờ Trung Quốc mới tiến hành?
Ngoài thời cơ vàng sau khi chọc thủng phòng tuyến ASEAN, Trung Quốc đã thực sự nắm chặt “14 ủy viên bộ chính trị đảng CSVN” để không dám huy động dân chúng và dư luận thế giới chống lại họ như chính quyền Phi Luật Tân đã và đang làm. CSVN đang rơi vào tình trạng hết tiền sau những phá sản liên tục của các tập đoàn kinh tế. Từ năm 2009 cho đến nay, CSVN đã vay từ Trung Quốc những khoản tiền rất lớn để giữ cho nền kinh tế không bị sụp đổ, nhất là hệ thống tín dụng ngân hàng. Nói một cách cụ thể hơn, theo nhiều tiết lộ của một số chuyên gia phân tích kinh tế thì nền tài chánh của CSVN đang vận hành dưới sự bảo trợ của các Ngân hàng Trung ương của Trung Quốc.
Hơn một thập niên trước đây, Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn nhất của Việt Nam. Ngày nay, tuy số tài trợ từ Nhật Bản không thay đổi nhiều; nhưng Trung Quốc hiện mới là nguồn tiền mà “14 ủy viên bộ chính trị’ đang dựa vào để giữ quyền lực độc tôn. CSVN đã và đang vay từ Trung Quốc hàng tỷ Mỹ Kim dưới danh nghĩa của những dự án về tái cấu trúc ngân hàng, xây dựng hạ tầng đường xá, nhà cửa, nhà máy nhiệt điện. Đương nhiên, một số lượng không nhỏ những khoản tiền vay này đi thẳng vào túi của cấp lãnh đạo.
Đánh đổi cho cái ghế quyền lực này, hiển nhiên là thiểu số lãnh đạo Hà Nội phải im lặng và bắt người dân cũng phải im lặng trước những thao túng của Trung Quốc. Đó là lý do vì sao lãnh đạo CSVN từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho đến Thủ tướng hoàn toàn im lặng và không có một văn kiện nào chính thức phản đối Trung Quốc đã thành lập hội đồng đại biểu nhân dân thành phố Tam Sa cũng như lập bộ chỉ huy quân sự, ngoại trừ sự lải nhải cố hữu của phát ngôn nhân Bộ ngoại giao.
Như Báo Asahi đã đề cập đến phát biểu của một cán bộ cao cấp của Bắc Kinh nêu ra ở trên, tuy Trung Quốc đã soạn xong kế hoạch đánh chiếm biển Đông từ năm 2009 nhưng họ không tiến hành mà dùng mua chuộc và hăm dọa để gây sức ép và từng bước chiếm đóng, trong sự đã rồi. Đó là cách mà Bắc Kinh đang làm tại Việt Nam.
Sự hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trên biển Đông có thể làm cho dư luận Việt Nam và thế giới căm phẫn; nhưng chính lãnh đạo CSVN mới là vấn đề đã để cho Bắc Kinh càng lúc càng leo thang bành trướng trên biển Đông và nhất là coi thường sự phản đối của dư luận thế giới. Do đó sẽ không có chiến tranh biển Đông khi mà Bắc Kinh đã nắm chặt “14 ủy viên bộ chính trị CSVN” và giải giới quân đội CSVN qua lời tuyên hứa “mãi ghi ơn” đảng, chính phủ và quân đội Trung Quốc do chính Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng CSVN nói trong buổi lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội giải phóng Trung Quốc 28-7 vừa qua.
Rõ ràng là không cần có chiến tranh theo kiểu cổ điển xảy ra trên Biển Đông mà trong thực tế là nước ta đang mất chủ quyền vào tay Trung Quốc do những đồng lõa của lãnh đạo đảng CSVN.
Khi nhìn rõ thực tế nói trên, chúng ta không nên yêu cầu lãnh đạo Hà Nội tổ chức biểu tình hay cho phép người dân đi biểu tình chống Trung Quốc và cũng đừng chờ đợi ai đó chống Trung Quốc dùm chúng ta. Xin cho và chờ đợi này vừa không thực tế, vừa đi ngược lại với truyền thống bất khuất của dân tộc.
Quyền yêu nước không ai được phép cướp đi; do đó, không phải xin, cho. Người Việt, do đó phải tự giành lại quyền hành xử lòng yêu nước và bổn phận giữ gìn bờ cõi của mình. Trên con đường cứu nước đó, chúng ta liên kết với những đồng minh có cùng nhu cầu, quan tâm và ý thức. Nhưng chờ mong một thế lực quốc tế cứu dân ta ra khỏi đe dọa của một ngoại bang là quên đi những bài học của lịch sử và đi ngược lại truyền thống dân tộc.
Mỗi sáng Chủ nhật gặp nhau tại Công viên 30.4 ở Sài Gòn và dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội là khởi điểm cần thiết để nhóm lên ngọn lửa yêu nước. Dù ít, dù nhiều và dù bị đàn áp nhưng chính ngọn lửa bất khuất này sẽ có một ngày lan tỏa thành một khối vững mạnh để thiêu hủy mọi chướng ngại trong việc bảo vệ biển đảo và sự vẹn toàn lãnh thổ.
Lý Thái Hùng
7/8/2012
7/8/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét