2012/07/18

Ai gỡ nổi mớ tơ vò... nợ xấu


Nguyễn Ngọc Danh

Nợ xấu là món nợ mà người vay không có sức trả. Họ không đủ sức trả vì làm ăn lỗ lã. Ngân hàng nước nào cũng có một số nợ xấu, và thông thường họ lấy thế chân (thường là nhà cửa) để đền bù phần nào sự mất mát. Trong vài năm trước 2008, các ngân hàng Hoa Kỳ vì quá ham lời nên tranh nhau làm ngơ các đơn xin mượn tiền khai dối để cho nhiều người vay nợ mua nhà. Vì mượn tiền dễ nên ai cũng nhào ra “buôn” nhà với hy vọng bán lại kiếm lời. Từ đó phát sinh trái bong bóng bất động sản. Khi giá nhà lên quá cao đến độ những người cần nhà để ở cũng không mua nổi nữa thì trái bong bóng bắt đầu nổ tung tóe. Rất nhiều người không trả nổi tiền lời chứ chưa nói đến tiền nợ. Khi đó các ngân hàng phải tịch thâu nhà cửa hàng loạt. Nhưng số nhà tịch thâu quá nhiều nên bán không được dù cố bán đổ bán tháo. Thế là các ngân hàng lớn nhỏ đua nhau phá sản tạo khủng hoảng dây chuyền cả thế giới. Thỉnh thoảng mới có nước không bị hút vào cơn sốt bất động sản như Canada. Các chính quyền phải trực tiếp can thiệp để cứu hệ thống ngân hàng tại Hoa Kỳ cũng như tại các quốc gia Âu Châu.
Các ngân hàng tại các quốc gia đang phát triển thật ra không bị thiệt hại dây chuyền nhiều từ cuộc khủng hoảng từ Hoa Kỳ lan ra. Tuy nhiên, tại những nước này, đặc biệt tại những nước còn duy trì mảng kinh tế quốc doanh lớn như Trung Quốc và Việt Nam, đều tự sản sinh những bong bóng của riêng họ, đặc biệt là loại bong bóng địa ốc. Và gần đây, khi nhìn kỹ vào số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt nam người ta mới thấy những con số khổng lồ, vượt quá mức tưởng tượng của mọi người. Số nợ xầu của các ngân hàng Việt Nam lên đến 280 ngàn tỷ đồng, nghĩa là hơn 11% tổng sản lượng quốc gia, hoặc cao hơn nữa tùy theo nơi lượng giá, như sẽ trình bày bên dưới.
Nhưng ai vay mượn các ngân hàng Việt Nam? Có phải người dân Việt được vay quá dễ như dân Mỹ nên vay quá nhiều đến độ không trả nổi chăng?
Câu trả lời là không phải như thế. Trong trường hợp Việt Nam đại đa số những chủ thể vay tiền là các doanh nghiệp nhà nước. Chỉ có họ mới được hưởng các chính sách ưu đãi trong việc vay tiền. (Một số chủ thể kinh doanh tư nhân nhưng có cổ đông là thân nhân các quan chức lớn cũng được hưởng chính sách này). Hiện nay các doanh nghiệp quốc doanh thiếu các ngân hàng Việt Nam (chưa kể đến các ngân hàng nước ngoài) con số khổng lổ là 430 ngàn tỷ đồng. Và trong số này, 280 ngàn tỷ đã bị liệt vào loại nợ xấu.
Từ đầu bài, chúng ta nghe đến “ngàn tỷ đồng” nhưng thật khó hình dung ra nổi nó lớn tới mức nào. Đa số chúng ta khó tưởng tượng ra được. Hy vọng thí dụ sau đây sẽ giúp phần nào. Chúng ta thử lấy số dân Việt Nam là 80 triệu. Chúng ta mời cả dân tộc Việt Nam đi ăn phở, mỗi người một tô phở vừa phải độ 50 ngàn đồng. Bao hết cả nước như vậy, chúng ta tiêu 4 ngàn tỷ đồng cho một lượt mời. Con số 280 ngàn tỷ đồng là tiền toàn dân Việt Nam đi ăn phở liên tiếp sáng và chiều trong vòng 5 tuần. Đó là số tiền mà các doanh nghiệp nhà nước làm tan biến. Và kinh khủng hơn nữa là họ làm thất thoát hơn 180 ngàn tỷ chỉ trong vòng hai năm vừa qua.
Dĩ nhiên vô địch trong vận tốc làm thất thoát tiền là Vinashin. Chỉ riêng nhóm này đã làm thất thoát đến 100 ngàn tỷ đồng, tức bằng 1 tháng cả nước Việt Nam đi ăn phở. Tại sao họ có thể làm thất thoát số tiền khổng lồ đến thế và nhanh như thế? Cho đến nay, dân chúng chỉ mới bắt đầu biết một vài lý do. Họ mua những món đồ không giá trị (trường hợp Vinashin là những chiếc tầu phế thải) với giá rất cao để hưởng tiền sai biệt và chuyển vào các trương mục riêng ở ngoại quốc; họ đầu cơ vào đất đai, nhà cửa, và nhiều loại bong bóng khác; họ đánh bạc và tiêu xài hoang phí (như ăn mỗi tối hơn mấy chục triệu). Tóm tắt là trong tinh thần “tiền chùa không xài là dại”. Sự táo bạo cũng tăng dần theo ngày tháng khi họ không bị tra hỏi về những thất thoát, được bao che, và không bao giờ bị trừng phạt. Ai vững tin: “Chẳng quan nào dám khui ra cả vì khui ra thì tất cả đều thiệt.”
Với số nợ xấu khổng lồ đó, hệ thống ngân hàng đang bị đình đọng trầm trọng. Một số ngân hàng phải đóng cửa. Và khi không mượn được tiền từ các ngân hàng đang hấp hối còn lại, nhiều hãng xưởng quốc doanh buộc phải đóng cửa vì hoặc không đáp ứng được các nhu cầu tài chính ngắn hạn; hoặc vẫn luôn lỗ lã bao nhiêu năm nay và luôn sống nhờ khoản tài trợ của nhà nước dưới dạng “vay khỏi trả”. Thế là ảnh hưởng dây chuyền lan ra cả nền kinh tế và cả xã hội.
Để đối phó, Ngân hàng quốc gia ra một biện pháp, thoạt nghe rất chí lý. Nhà nước sẽ lập ra một ngân hàng quốc doanh để mua các nợ xấu. Vốn khởi đầu là 100 ngàn tỷ. Như thế là các ngân hàng đang hấp hối sẽ bán các nợ xấu cho công ty nhà nước này, và sẽ có 100 ngàn tỷ để cho vay.
Kế hoạch thành lập công ty, với tiền thuế của dân, để cho hệ thống ngân hàng còn tiếp tục cho vay tuy không hay lắm nhưng là một biện pháp bó buộc phải có.
Tuy nhiên, câu hỏi vẫn là, nhưng các ngân hàng được cứu sống này sẽ cho ai vay sau đó? Lại cho các doanh nghiệp nhà nước vay là chính? Để rồi ít lâu sau lại đẻ ra thêm 50 ngàn tỷ nợ xấu? Và lúc đó lại lập thêm một công ty nữa hoặc đổ thêm vào 50 ngàn tỷ để mua các nợ xấu mới?
Rõ ràng đây chỉ là giải pháp vá víu. Cứ vá vai lại rách lưng, lại vá tiếp. Một cái vòng lẩn quẩn.
Có những chuyên gia kinh tế như ông Trương Đình Tuyển cho rằng phải giải quyết theo đúng trình tự, ông nói: “Để giải quyết vấn đề nợ xấu cần làm rõ tổng số nợ xấu, số nợ xấu trong từng ngành kinh tế, bất động sản, chứng khoán, trong từng ngân hàng” .
Nhưng chỉ nội khâu đầu tiên này đã đầy rắc rối. Ông Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố số liệu chính thức của Ngân hàng Nhà nước về số nợ xấu của toàn ngành là 108 ngàn tỷ đồng, một con số làm giới chuyên gia kinh tế kinh ngạc. Nhưng chỉ một tuần sau, ông Nguyễn Hữu Nghĩa trong vai trò Quyền Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước công bố chỉ tính đến tháng 3/2012 con số nợ xấu đã gần GẤP ĐÔI con số mà ông Bình đưa ra, tức 202 ngàn tỷ đồng. Phía Ngân hàng Quốc gia của ông Bình vẫn kiên quyết bảo con số của họ mới đúng, và chỉ chịu điều chỉnh từ 108 ngàn tỷ lên 117 ngàn tỷ đồng vào ngày 7/7 vừa qua. Nhiều nhà kinh tế nổi tiếng như các ông Bùi Kiến Thành, Lê Đăng Doanh đều lên tiếng hoài nghi con số nợ xấu của Ngân hàng Quốc gia. Ông Trương Đình Tuyển có lời giải thích khá “ngoại giao” rằng sở dĩ có sự khác biệt lớn đó là vì hiện thiếu những tiêu chuẩn định loại và định lượng các loại cho vay và sự thiếu vắng đó “dẫn đến sự thiếu minh bạch trong xác định và ghi nhận nợ xấu trong các tổ chức tín dụng.” Mỗi công ty mượn tiền nguyên thủy lại cho các công ty khác hoặc ngay cả công ty con của họ vay lại để kiếm lời. Họ cũng dùng tiền vay đó để góp vốn làm ăn chung với hãng khác. Và cứ thế với đủ kiểu cách san qua cấn lại, vô số các món vay mượn nay không còn biết đi về đâu, xếp vào loại này, và công ty nào chịu trách nhiệm nữa.
Do đó nhu cầu hiện nay là phải có nơi định ra tiêu chuẩn thống nhất để xác định chính xác con số nợ xấu trước khi có các đối sách. Nhưng câu hỏi kế tiếp: cơ quan nào sẽ là nơi định ra các tiêu chuẩn đó, cấp bộ nào có phán quyết sau cùng? Mọi cặp mắt đều nhìn về văn phòng thủ tướng, nơi có trách nhiệm cao nhất về kinh tế. Nhưng liền lập tức, ai cũng biết ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng dại gì chấp thuận những tiêu chuẩn xác định chính xác khiến hình ảnh thất bại kinh tế của ông còn nặng nề hơn nữa. Đó là chưa kể các thiệt hại về thu nhập cho chính gia đình thủ tướng Dũng. Và cũng vì thế mới có con số “khiêm nhường” Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra.
Thế là tiến trình chẩn bệnh hệ thống ngân hàng, chứ chưa nói gì đến chữa bệnh, đã rơi ngay vào một vòng lẩn quẩn khác.
Trong khi đó, để thủ thân, trong vài ngày qua, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình đã bắt đầu tuyên bố ở nhiều nơi rằng ông “chỉ là người lính”, nghĩa là ông chỉ làm theo lệnh trên. Nói cách khác, trách nhiệm thuộc về thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứ không phải ông. Riêng những quan chức đại gia đang hoặc sắp bị đưa ra làm dê tế thần đã tâm sự qua lại với nhau: sẵn sàng chấp nhận trả giá đi tù “hạng sang” vài năm rồi ra hưởng cái gia tài vài tỷ USD ở nước ngoài đến mãn đời. Họ xem đó vẫn “lời chán!”
Tóm tắt lại, để giải quyết mớ tơ vò nợ xấu, hiện nay giới lãnh đạo đảng – đúng ra thì chỉ có ông Nguyễn Tấn Dũng lo giải quyết và những người còn lại đang nóng lòng chờ phê phán sự thất bại của ông ta – đang bế tắc từ khâu chẩn bệnh, trị bệnh, đến cả các biện pháp trừng phạt những kẻ trách nhiệm để ngăn ngừa tái diễn.
***
Nhìn từ góc nào thì vấn nạn nợ xấu này vẫn thuộc loại LỖI HỆ THỐNG mà ông Nguyễn Văn An đã xâu sắc chỉ ra. Nó sẽ tiếp tục tồn tại và còn sưng lớn hơn nữa ngày nào chế độ hiện nay còn hiện diện. Mọi hình thức chữa ngoài da đều vô ích và chỉ khiến căn bệnh ngày càng thêm trầm trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét