Trần Diệu Chân
30 tháng 5, 2012
Ai cũng hiểu đoàn kết là sức mạnh để cùng thực hiện một mục tiêu, một ước mơ chung. Ước mơ càng to lớn như “chấm dứt một chế độ độc tài, độc ác” thì sự đoàn kết toàn dân lại càng quan trọng. Từ đó, có nhiều sự kêu gọi đoàn kết đi cùng với một số ta thán rằng người Việt thiếu đoàn kết vì có quá nhiều tổ chức, đảng phái, cộng đồng... thay vì đứng chung vào một mối. Nhiều người còn đem câu chuyện “Giỏ Cua” để ví von về những tranh cãi, đả kích nhau trong cộng đồng như những con cua cứ thấy con nào cố ngoi lên là lôi cổ xuống, không muốn ai hơn mình, ghen ghét và dìm nhau xuống để cuối cùng đều bị... luộc chín! Hiện tượng “có vẻ” chia rẽ này hiển hiện nhiều hơn trong môi trường tự do ở hải ngoại và trên mạng lưới Internet. Chúng ta hãy cùng phân tích xem:
Người Việt Nam Đoàn Kết hay Chia Rẽ?
Nếu bình tâm nhìn lại, ta thấy có rất nhiều sự kiện minh chứng cho sự đoàn kết mạnh mẽ của dân tộc trong suốt giòng lịch sử gần 5000 năm triền miên khói lửa – khi thì do gót giày xâm lược của ngoại bang, lúc lại bởi chính bàn tay của những kẻ phản bội dân tộc. Chúng ta có thể tạm liệt kê một số sự kiện trong công cuộc đấu tranh gay go gần 4 thập niên qua để giành lại quyền làm người đã bị đảng Cộng sản Việt nam (CSVN) cướp đi từ sau năm 1975:
1/ Đại Hội Chính Nghĩa vào năm 1983 tại Hoa Thịnh Đốn quy tụ 3000 người tham gia ngay sau cuộc đổi đời tan tác của ngày 30 tháng 4, 1975.
2/ Những cuộc biểu tình chống kinh tài CSVN và vận động quốc tế áp lực CSVN phải thả tù nhân chính trị và tôn trọng nhân quyền/ dân chủ tại Việt Nam, tại hầu hết các quốc gia có người Việt tỵ nạn cộng sản cư ngụ.
3/ Những cuộc biểu tình chống các phái đoàn ăn mày viện trợ của của CSVN suốt hai thập niên 80 và 90 của Thế kỷ trước.
4/ Chống Trần Trường treo cờ cộng sản và hình Hồ Chí Minh năm 1999 tại miền Nam California và sau đó là những cuộc tụ họp lớn do tuổi trẻ phát động dưới chủ đề “Thắp Sáng Niềm Tin” tại nhiều nơi trên thế giới trong hai năm 1999 và 2000.
5/ Những đợt biểu tình, tuyệt thực và cầu nguyện nhằm hỗ trợ cuộc đấu tranh của các tôn giáo tại Việt Nam, cũng như ủng hộ các cuộc đấu tranh của bà con dân oan, anh chị em công nhân.
6/ Những cuộc biểu tình – trong nước và hải ngoại - chống Trung Quốc và lên án sự nhu nhược của CSVN trong việc Bắc Kinh đã xâm phạm lãnh hải và sát hại ngư dân Việt Nam.
7/ Những chiến dịch vận động chữ ký mà mới đây nhất là 150 ngàn người đã ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư để yêu cầu Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội Hoa Kỳ áp lực CSVN phải trả tự do cho những nhà dân chủ đang bị bắt giữ.
... và còn rất nhiều những hoạt động khác nói lên tình tự dân tộc và tinh thần đoàn kết.
Do đó, nếu chúng ta chỉ nhìn vào một vài đánh phá, chỉ trích của một thiểu số cá nhân trên một vài cơ quan truyền thông và trên mạng Internet, để kết luận là người Việt Nam không đoàn kết thì quả là điều đáng tiếc. Trong vấn đề này, chúng ta cần phải có một số nhận định công bằng và hợp lý.
Thứ nhất là trong sinh hoạt nào cũng có một số va chạm do vô tình hay hiểu lầm gây ra, từ đó dẫn đến những hiềm khích. Thay vì trực tiếp nêu vấn đề để cùng giải quyết với nhau, một số người (thường là có cái TA vĩ đại hoặc do mặc cảm tự ti đưa đến nhu cầu tự tôn) lại tung lên mặt báo với những đả kích nặng nề, phân tích một chiều và chụp cho đối tượng cái “nón cối”. Đã có nhiều bi kịch xảy ra vì những va chạm vô tình này và đã tạo ra không ít những xáo trộn ở một vài nơi.
Thứ hai là CSVN không bao giờ để cho cộng đồng người Việt tỵ nạn rảnh tay chống độc tài. Họ biết rất rõ hải ngoại không chỉ là nơi vận động các áp lực quốc tế lên chế độ mà còn là nơi yểm trợ, nuôi dưỡng và truyền đạt thông tin nhanh chóng cho phong trào dân chủ tại Việt Nam. CSVN có nhu cầu phải triệt hạ các nỗ lực này bằng cách gây phân hóa, lũng đoạn và tấn công vào uy tín của những người tích cực vận động dân chủ. CSVN sử dụng công an mạng và tay sai để, cứ sau mỗi đợt công tác đấu tranh thành công của cộng đồng, là tung ra những tin tức ngụy tạo hay những bài viết tấn công người này, bêu rếu kẻ kia để khiến cho những người tham gia chán nản vì chỉ thấy... đánh nhau. Đây là thủ đoạn đánh phá rất tinh vi của CSVN khiến cho khá nhiều người “yếu bóng vía” tưởng là thật và đâm ra mất niềm tin..., xa lánh chuyện đấu tranh.
Thứ ba là có môt thiểu số vô ý thức thích loan truyền những điều tiêu cực trong cộng đồng. Họ không hẳn là tay sai Việt cộng nhưng vì thích được nổi tiếng nên sẵn sàng viết/ nói những điều có hại cho việc chung và làm lợi cho chế độ CSVN; họ thích phê phán, bình luận, chê trách những người tích cực ra gánh vác việc chung, nhưng lại không tham gia vào các sinh hoạt tạo sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng. Những người này tuy không có uy tín gì trong cộng đồng nhưng bài viết của họ lại được CSVN khai thác để tung đi các nơi, nhất là trên mạng Internet khiến cho nhiều người phải... ngao ngán.
Điều kết luận quan trọng cho phần này là: Đừng nhìn vào những hiện tượng tiêu cực của một thiểu số mà kết luận sai về bản chất của dân tộc. Hãy nhìn vào đa số tích cực để hãnh diện về lòng yêu nước của người Việt và giữ vững niềm tin vào thế tất thắng của toàn dân.
Đoàn kết xưa và nay
Có những ý niệm về đoàn kết trước đây không còn thích hợp với bối cảnh dân chủ và toàn cầu hóa ngày hôm nay. Những ý niệm này cần được canh tân để vừa gia tăng tình đoàn kết, vừa giảm thiểu những ngộ nhận là chúng ta chia rẽ. Hai quan niệm lỗi thời bao gồm:
1/ Đoàn kết là đứng chung trong cùng một tổ chức hay một đảng: Quan niệm này đi ngược lại với nguyên tắc căn bản của dân chủ, đó là đa nguyên và chấp nhận sự khác biệt. Khác biệt là một yếu tố không những phải chấp nhận, mà còn cần được trân quý vì chúng bổ sung cho nhau và làm thăng tiến đời sống nhân loại.
Khi có sự khác biệt thì cần phải trao đổi các suy nghĩ khác biệt, tức là cần được tự do phản biện, cần có tự do ngôn luận để góp ý kiến đồng thời giúp nhau sửa sai và cùng thăng tiến. Xã hội cần phải khuyến khích sự trao đổi các khác biệt trong tinh thần tương kính và xây dựng.
Sự khác biệt cũng nói lên một nhu cầu căn bản khác của nền dân chủ, đó là lấy quyết định bằng lựa chọn của đa số. Những người vi phạm “luật chơi” của xã hội dân chủ (gồm tự do phản biện và tôn trọng quyết định của đa số) sẽ bị luật pháp nghiêm trị khi nói đến guồng máy quốc gia, hoặc bị cộng đồng, bằng hữu xa lánh nếu nói đến phạm trù nhỏ hơn của xã hội. Do đó, “dân chủ” luôn đi đôi với “pháp quyền”. Nền luật pháp trong một xã hội dân chủ, do người dân quyết định qua lá phiếu của mình, thường phản ảnh tính nhân bản, phục vụ quyền lợi chung, và mang tính chất nghiêm minh, khác hẳn với loại luật RỪNG và phi nhân của các chế độ độc tài, chuyên chế.
Như vậy, tình đoàn kết ngày nay trong tinh thần dân chủ, vẫn được thể hiện qua nhiều hình thái khác nhau:
- Nhiều tổ chức, đảng phái cùng hiện diện trong xã hội, nhưng có thể hợp lực làm một việc chung khi cần; không đánh phá, không chỉ trích nhau (phê bình xây dựng không phải là chỉ trích hay đánh phá).
- Khi hai người, 2 tổ chức cùng hợp tác làm việc, rồi vì không hợp nhau mà tách ra làm việc riêng, đó không phải là chia rẽ miễn không quay lại đánh phá nhau.
- Khi hai người, hay hai tổ chức lên tiếng trình bày về quan điểm/ đường hướng khác nhau của mình trong tinh thần tương kính, đó không phải là chia rẽ.
- Nếu có nhiều cộng đồng trong một khu vực ở hải ngoại, hay có nhiều buổi tổ chức Tết/ Lễ Tổ Hùng Vương/ Tưởng niệm 30-4/ Trung Thu v...v... trong một cộng đồng thì đó cũng chỉ là thể hiện tính đa nguyên. Sự hiện diện của hơn một tổ chức trong cùng một mục tiêu như vậy, đặc biệt, sẽ tạo ra tính thi đua, và nếu lành mạnh, sẽ giúp cho cộng đồng (hay đất nước trong tương lai khi có dân chủ) dễ thăng tiến. Đa nguyên cũng có cái giá phải trả là làm tản lực khi đáng lẽ ra với cùng một số người đó mà chúng ta dồn chung sức vào làm một việc thì sẽ mạnh hơn, tốt hơn, nhưng đó là chỉ khi họ hợp với nhau. Khi không hợp nhau thì không thể bắt mọi người cùng ngồi trong một tổ chức; do đó cơ hội tách ra để làm riêng sẽ giúp cho cả cá nhân lẫn xã hội được thăng tiến và hài hòa, với điều kiện cạnh tranh lành mạnh bằng cách thi thố tài năng và sáng kiến chứ không phải bằng cách đạp người khác xuống để mình ngoi lên.
Từ hai ý niệm trên, đoàn kết được thể hiện trong sự chia xẻ cùng mục tiêu và hành động, không nhất thiết phải ở trong cùng một tổ chức hay nơi chốn, tức là chúng ta không bị giới hạn về địa dư hay cơ chế. Điều này thực hiện được dễ dàng hơn ngày nay nhờ vào các phương tiện truyền thông hiện đại như Internet khiến chúng ta có thể, trong nháy mắt, thể hiện ý nguyện chung bằng chữ ký cho một chiến dịch. Tinh thần Diên Hồng của thời đại Internet là đây.
Làm sao gia tăng sự đoàn kết và hài hòa?
Có lẽ do chưa nắm vững ý thức dân chủ, mà có người trong chúng ta đã nhận xét không chính xác về tinh thần đoàn kết của dân tộc, đồng thời vô tình tạo ra những hiện tượng soi mòn tình đoàn kết. Khi hiểu rõ những yếu tố căn bản của dân chủ, đó là chấp nhận sự khác biệt và tôn trọng đa nguyên, chúng ta sẽ không ngộ nhận là người Việt chia rẽ, rồi đâm ra chán nản, thất vọng, yếm thế. Ngược lại, khi tình nguyện dấn thân, chúng ta mới thấy có rất nhiều người sẵn sàng quên mình vì lợi ích chung, và gắn bó để cùng đem đến những thay đổi tốt đẹp trong đời sống.
Tất cả chúng ta đều có thể củng cố và phát huy tinh thần đoàn kết của dân tộc bằng cách:
- Tôn trọng sự khác biệt và các biểu quyết của đa số theo tinh thần dân chủ. Trong các buổi họp để lấy quyết định, nên mạnh dạn trình bày ý kiến của mình; đừng e ngại hoặc sợ mích lòng rồi sau khi ra khỏi buổi họp lại phẫn uất than phiền với người này, người kia, tạo thành hiện tượng phê bình sau lưng không lành mạnh. (Hiện tượng này khá phổ thông vì nhiều người Việt chúng ta sống theo tình cảm, e ngại nói lên quan điểm khác biệt trong buổi họp, sau đó ra khỏi buổi họp lại tạo vấn đề). Nếu ý kiến của mình hay mà không ai chọn, tức là do mình chủ quan đánh giá hoặc chưa có khả năng thuyết phục đa số, nên phải vui vẻ chấp nhận kết quả chọn ý kiến khác của đa số.
- Khi phê bình, nên khen trước khi chê, nên ghi nhận điểm đồng thuận trước khi đưa ra những điểm bất đồng. Đặc biệt, nên phê bình về sự việc mà không phê bình cá nhân; thí dụ “Điều ông/ bà/anh/ chị vừa trình bày có thể đúng trên lý thuyết nhưng không thực tế, không hữu hiệu vì....”; tránh phát biểu kiểu: “Điều ông/ bà/ anh/ chị vừa nói rất ngu, rất ngây thơ, giống luận điệu của VC....”. Tương tự, những người “được/ bị” phê bình, đừng nghĩ là người đó không thích mình, tức tránh để cảm xúc xen vào công việc.
- Về những phê bình tế nhị, nên góp ý trực tiếp với đối tượng trước khi đem ra hội nghị hay đám đông, và chỉ đem ra khi thật cần thiết.
- Giới hạn những lên tiếng qua lại để khỏi tạo xôn xao trong cộng đồng. Tuy nhiên khi cần, cũng phải lên tiếng để rộng đường dư luận. Lên tiếng chừng mực, xây dựng trong tinh thần vì lợi ích chung.
- Khi đọc được những bài viết mang tính bôi nhọ, cáo buộc vô căn cứ và vô văn hóa, hãy cho ngay vào thùng rác hoặc nhấn nút “delete”. Không đọc, không mua những tờ báo loại này. Không nên tự làm vẩn đục tư tưởng mình, lại càng không nên đem những bài viết này chia xẻ với người khác.
- Khi thắc mắc về một cá nhân hay tổ chức nào, nên đến tìm hiểu trực tiếp với họ để họ được cơ hội giải thích. Tránh nghe những lời đồn đãi thất thiệt về bất cứ ai, ngay cả từ những người hay nguồn mà ta cho là có uy tín, vì kinh nghiệm và cảm nhận mỗi người một khác, chưa kể đến hiện tượng “tam sao thất bổn”. Hãy tự tìm “chân lý” cho chính mình.
Xây dựng tin yêu
1. Chúng ta xây dựng tin yêu bằng cách chủ động vô hiệu hóa những ảnh hưởng tiêu cực của một thiểu số khi nhắc nhở nhau rằng:
2. Không đọc, không nghe, không tiếp tay loan tải những bài viết hay lời nói thiếu xây dựng và vô văn hóa, mang tính chất bôi lọ, thóa mạ, cáo buộc một cách hàm hồ, vô ý thức dù họ mang danh nghĩa gì đi chăng nữa: chống cộng hay vị sự thật, vì đó chỉ là những cái áo khoác che khuất hành vi đánh phá những người mà họ không đồng ý, sợ hãi hay ganh ghét.
3. Tìm hiểu nhiều nguồn về một sự việc để rút ra cho mình một kết luận chính xác hơn, thay vì cả tin theo một nguồn duy nhất. Nhờ vào những phương tiện truyền thông hiện đại, những người quyết không để mình trở thành nạn nhân của những xuyên tạc (dù là bị xuyên tạc hay bị nghe/ đọc những điều xuyên tạc) sẽ có thể dễ dàng tìm hiểu sự thật hay đem sự thật ra ánh sáng để quật ngã những ý đồ đen tối.
4. Cảnh giác về yếu tố tâm lý phổ quát, đó là con người thường dễ tin vào những điều tiêu cực hoặc dễ bị điều tiêu cực ảnh hưởng hơn là những điều tích cực. Yếu tố này đặc biệt chi phối mạnh mẽ khi một dân tộc đã phải trải qua quá nhiều thăng trầm như người Việt chúng ta; do đó chúng ta cần chủ động vượt thoát yếu tố tâm lý này cho chính mình và giúp đem lại những suy nghĩ lạc quan cho những người xung quanh.
5. Khen nhiều, bớt chê để giúp cải thiện tính mặc cảm (tự ti) do hoàn cảnh tang thương của đất nước khiến nhiều người không được cơ hội thăng tiến và mang mặc cảm này. Ai ai cũng có những ưu điểm của riêng mình để có thể đóng góp vào sự hưng thịnh và hạnh phúc chung. Hãy cùng giúp nhau cởi bỏ mặc cảm thua kém, tự ti; xây dựng niềm tự tin vào chính mình và sức mạnh của dân tộc.
6. Hãy giữ cho mình một tinh thần lạc quan, tin yêu và phấn khởi bằng cách nhìn vào những điều tích cực, tìm đến những người nói và làm những điều tích cực. Những người tốt này có vô số trong cộng đồng dân tộc và vượt xa con số người xấu. Hãy truyền cho nhau niềm lạc quan và hy vọng. Đem tình thương, tin yêu và sự tha thứ đến cho nhau. Đối xử với mọi người như cách mình muốn được mọi người đối xử.
Kết luận: Dân tộc chúng ta rất đoàn kết khi hữu sự, đặc biệt trước nguy cơ xâm lược của ngoại bang, và ngày nay còn có thêm nguy cơ từ tập đoàn cai trị lạc hậu, vô lương tâm và nô lệ Trung Quốc, đó là lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Tinh thần đoàn kết dân tộc đã được thể hiện khắp nơi suốt nhiều thập niên qua trong mục tiêu xóa bỏ độc tài để xây dựng lại một đất nước tự do, dân chủ, công bằng và nhân ái. Những hiện tượng tiêu cực, phân hóa trong cộng đồng cần được nhìn như những trường hợp đơn lẻ, không phải là bản chất của người Việt; tuy có tác dụng “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng sẽ bị hóa giải trước nỗ lực xây dựng tin yêu của tất cả chúng ta. Sức mạnh đoàn kết của dân tộc sẽ trổi dậy như sóng triều dâng để quyét sạch bạo lực, nghi kỵ và mở ra một vận hội mới cho dân tộc. Sức mạnh đó nằm trong tay của mỗi người dân Việt - trong nước cũng như hải ngoại.
Trần Diệu Chân, Ph.D
Trần Diệu Chân, Ph.D
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét